Trong chiến dịch 12 ngày đêm, tình trạng thiếu đạn tên lửa khá trầm trọng. Chúng ta đã khắc phục ra

ngan trang

New member
Câu hỏi: Trong chiến dịch 12 ngày đêm, tình trạng thiếu đạn tên lửa khá trầm trọng. Chúng ta đã khắc phục ra sao Trả lời: Đáp: Chiến dịch đánh trả cuộc tập kích của không quân chiến lược Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng là một trận đánh lớn, dài ngày, đương nhiên nhu cầu tiêu thụ đạn rất lớn, nhất là đạn tên lửa SAM2. Trong nhiệm vụ đánh B52, theo quyết tâm của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân thì "lực lượng chủ yếu đánh B52 là tên lửa và không quân. Tên lửa là chủ yếu nhất”. Phần lớn gánh nặng đánh thắng pháo đài bay Mỹ dồn lên vai bộ đội tên lửa. Vì vậy, vấn đề làm sao có đủ đạn tên lửa để chiến đấu trở thành một đòi hỏi hết sức. gắt gao.

Sự viện trợ của Liên Xô cho ta về vũ khí phòng không, trong đó có đạn SAM2 về sau có phần hạn chế. Vì lẽ đó chúng ta phải tận dụng số lượng đạn "tồn kho". Sau cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất ( 1965 -1968), bộ đội tên lửa ta còn khoảng vài ngàn quả đạn. Một phần trong số đó đã được lắp ráp và nạp nhiên liệu để sẵn sàng chiến đấu nhưng chưa dùng tới. Năm tháng trôi qua, thời hạn sử dụng của đạn không còn. Anh em ta thường gọi đó là những viên đạn "quá đát"
Một điều đáng nói nữa là tốc độ lắp ráp đạn tên lửa còn chưa đảm bảo yêu cầu cho một chiến dịch lớn.,

Vào những đêm tháng 12 năm 1972, có tiểu đoàn hỏa lực đã rơi vào tình trạng giữa chừng "trắng bệ", nghĩa là trên các bệ phóng không còn đạn, trong khi máy bay địch vẫn tiếp tục kéo vào. Anh em lái xe chở đạn cực kỳ dũng cảm, chầu chực ở các bãi lắp ráp, được quả nào là tranh thủ vượt đạn bom lao về đơn vị. Đạn về đến nơi, lập tức được nạp vào bệ phóng, chưa ấm chỗ đã lao đi tìm diệt B52. Các tiểu đoàn hỏa lực thỉnh thoảng lại nhận được chỉ thị qua điện thoại từ trung đoàn: "Khách đến còn nhiều, chú ý tiết kiệm gạo” Giữa đêm 20 tháng 12, tình trạng căng thẳng đến nỗi từ Tổng hành dinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đã gọi điện chỉ thị Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân phải tìm mọi cách giải quyết đủ đạn cho các tiểu đoàn tên lửa.

Khó khăn to lớn như vậy, bộ đội ta đã khắc phục bầng cách nào?

Xin nêu mấy biện pháp chủ yếu sau đây:

1. Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu quyết định: "Tên lửa chỉ được dành để đánh B52"; "Điều gấp đạn tên lửa từ Quân khu 4 ra tăng cường cho Sư đoàn Phòng không Hà Nội .

2. Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân chỉ thị cho các đơn vị tên lửa phải "hết sức tiết kiệm đạn”. Thí dụ lẽ ra đánh 3 quả để bảo đảm xác suất tiêu diệt máy bay thì chỉ đánh 2 quả. Yêu cầu các tiểu đoàn trưởng phải cân nhắc trước khi hạ lệnh phóng, không chắc ăn thì không đánh.

3. Cải tiến và nâng cao năng suất tổ chức lắp ráp đạn tên lửa ở các tiêu đoàn kỹ thuật.

4. Phục hồi những viên đạn quá thời hạn sử dụng.

(Hai biện pháp 3 và 4 được thực hiện từ trước khi xảy ra trận đánh 12 ngày đêm)

Đầu tiên, xin nói về những viên đạn quá tuổi: theo quy định của quân đội các nước trên thế giới, đạn quá thời hạn sử dụng, nếu không có biện pháp "kéo dài tuổi thọ" thì nhất thiết phải hủy, bởi vì nếu đem ra chiến đấu sẽ không an toàn.
Kéo dài niên hạn cho đạn tên lửa là một việc hết sức phức tạp, chúng ta không có kinh nghiệm. Nhưng trong hoàn cảnh của một đất nước nghèo, thiếu thốn mọi thứ, lẽ nào quân đội ta lại để cho hàng ngàn quả đạn như thế bị hủy bỏ.
Rồi "cái khó làm ló cái khôn", dựa vào tài liệu của quân đội bạn, cán bộ kỹ thuật ta đã đi sâu nghiên cứu và đã thực hiện thành công "quy trình lắp ráp ngược", tức là làm ngược lại quá trình lắp ráp.

Trước hết là lấy hết nhiên liệu ra, rửa sạch các khoang chứa, sấy thật khô, rồi dùng thiết bị đặc biệt kiểm tra độ chịu đựng áp suất cao của từng khoang. Tiếp theo là tháo rời tầng đuôi, đầu đạn, cánh lái, xếp gọn tất cả vào thùng, xong cặp chì lại y như mới (Chú thích: việc kéo dài tuổi thọ cho đạn tên lửa được thử nghiệm thành công tại một tiểu đoàn kỹ thuật, ở Hà Nội, sau đó thực hành rộng rãi ở nhiều nơi. ).

Bằng cách ấy, ngành Kỹ thuật tên lửa phòng không đã kéo dài tuổi thọ cho toàn bộ số đạn "quá đát" nói trên thêm được 48 tháng, có nghĩa là mỗi viên đạn "thọ" thêm 4 năm. Các cán bộ chiến sĩ tài giỏi của ngành Kỹ thuật tên lửa chúng ta đã làm sống lại và trả về cho Tổ quốc hàng ngàn viên đạn SAM2, một tài sản rất lớn.

Quý hóa vô cùng. Chính những quả đạn ấy đã góp phần bắn rụng pháo đài bay Mỹ trên bầu trời Hà Nội - Hải Phòng những đêm cuối tháng 12 năm 1972.

Về tình trạng lắp ráp chậm:

Khi chuyển từ Liên Xô sang, các quả đạn tên lửa đều ở trạng thái tháo rời. Từng bộ phận đều được sắp xếp gọn gàng trong những thùng kín. Chúng sẽ được các đơn vị kỹ thuật, thường gọi là "Tiểu đoàn 5", lắp ráp lại, kiểm tra hệ thống điện và vô tuyến điện đầy đủ, xong nạp chất đốt, trước khi chuyển đến các tiểu đoàn hỏa lực. Trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, tốc độ lắp ráp của các tiểu đoàn 5 nói chung đã phục vụ được yêu cầu chiến đấu lúc ấy.

Nhưng, để đối phó với cuộc tiến công ồ ạt của không quân chiến lược Mỹ, kéo dài nhiều ngày đêm như trong chiến dịch B52 Mỹ ném bom Hà Nội, Hải Phòng, trong điều kiện các công đoạn lắp ráp được tiến hành ở nhiều dịa điểm phân tán cách xa nhau (Chú thích: Bố trí các bãi lắp ráp đạn tên lửa ở xa nhau là để giảm tổn thất nếu bị Mỹ ném bom.), thì tốc độ lắp ráp bình thường như trước không thể nào đáp ứng nổi. Vấn đế đặt ra là phải cải tiến quy trình. thao tác, để làm sao trong một ngày đêm có thể cung cấp được một số lượng đạn tên lửa nhiều hơn.

Trước kia, để lắp ráp một quả đạn, theo quy trình cũ các chiến sĩ phải mất rất nhiều thời gian. Qua nhiều ngày đêm cùng anh em trong đơn vị tìm tòi, Tiểu đoàn trưởng kỹ thuật Dương Quảng Châu, người anh hùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, đã đề ra sáng kiến mới: nạp nhiên liệu sẵn, lắp ráp đạn ngay trên xe kéo đạn và hợp lý hóa một số động tác kỹ thuật, được Tư lệnh Binh chủng Đoàn Huyên và Cục trưởng Kỹ thuật Quân chủng Lương Hữu Sắt rất hoan nghênh và đã sớm cho tiến hành thử nghiệm ngay tại tiểu đoàn kỹ thuật của Dương Quảng Châu, ở Hải Phòng. Kết quả thành công tốt đẹp: năng suất lắp ráp đạn trong một ngày đêm tăng lên gấp đôi. . .

Thế mà khi bước vào chiến dịch, trước sức "ngốn" đạn ngoài mức dự kiến, các tiểu đoàn kỹ thuật của Hà Nội lại bị một phen lúng túng, không sao bảo đảm cung cấp đủ đạn cho các tiểu đoàn chiến đấu, như đã nói ở trên.

Cục Kỹ thuật Quân chủng được lệnh: tăng gấp lực lượng chuyên môn cho các tiểu đoàn 5, để cho mỗi tiểu đoàn có thêm một dây chuyền lắp ráp. Mỗi dây chuyền lại còn được bổ sung quân số để tăng ca, tăng kíp, giúp cho cán bộ chiến sĩ có điều kiện thay nhau làm việc và nghỉ ngơi. Tuy thế, cường độ làm việc ở các tiểu đoàn 5 vẫn vô cùng căng thẳng. Các trận địa hỏa lực từng giờ từng phút đang chờ đạn của Tiểu đoàn 5. Ai nấy đều gầy rộc đi, mắt trũng sâu, thâm quầng vì mỏi mệt và thiếu ngủ.

Cục Hậu cần Quân chủng liền cho mở kho, xuất đường, sữa, thịt hộp, lương khô... vốn là tiêu chuẩn dành riêng cho cán bộ, chiến sĩ đi B để bồi bổ sức khỏe cho các anh em các tiểu đoàn kỹ thuật. Cả những viên thuốc làm dịu thần kinh, chống cơn buồn ngủ cũng được gửi đến tận tay chiến sĩ.

Nhờ những biện pháp tích cực nói trên, tình trạng lắp ráp đạn không theo kịp yêu cầu chiến đấu đã cơ bản được giải quyết

Còn việc bắn tiết kiệm đạn, bộ đội tên lửa đã thực hiện ra sao?.

Trước hết xin nêu một dẫn chứng: ở Tiểu đoàn 57 trong trận đánh hồi 5 giờ sáng đêm 20 rạng ngày 21, khi từng tốp B52 đang nối tiếp nhau bay vào thì trên các bệ phóng chỉ còn 2 quả đạn. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt (Chú thích: Đồng chí Nguyễn Văn Phiệt được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dàn ngày 3-9-1973. Đến năm 1999 là Trung tướng, Phó Tư lệnh chính trị, Bí thư Đảng ủy Quân chủng Phòng không - Không quân.) hạ quyết tâm đánh "quả một", nghĩa là mỗi lần dùng một quả.

5 giờ 09 phút, quả thứ nhất rời bệ, hạ 1 chiếc B52.

5 giờ 19 phút, quả thứ hai, quả đạn cuối cùng trên các bệ phóng, vút lên, hạ thêm 1 B52 nữa. Chiếc này rơi xuống gần Núi Đôi, Vĩnh Phú.

Thế là trong tình hình khan hiếm đạn, bộ đội tên lửa ta đã phải bắn từng phát một và đã lập chiến công kỳ diệu "mỗi viên đạn một quân thù". Đặc biệt ở đây "quân thù" là những siêu pháo đài bay.

Còn những thí dụ khác cũng không kém phần lý thú:

Đêm 26 tháng 12, Tiểu đoàn 79 cũng chỉ bằng một quả đạn đã hạ tại chỗ 1 chiếc B52 rơi ở Sơn La.

Riêng ở Tiểu đoàn 77 đã diễn ra ba trận đánh xuất sắc. Hồi 4 giờ 30 phút rạng sáng ngày 19, Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn đã cho phóng 2 quả, hạ 1 B52 rơi ở xã Tân Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Tây. Đêm sau, 20 tháng 12, lúc 20 giờ 34 phút, Tiểu đoàn 77 lại hạ thêm 1 B52 nữa rơi ở Vạn Thắng, Ba Vì, cũng bằng 2 quả đạn. Sau đó đến 5 giờ sáng, Tiểu đoàn trường Văn lại cho phóng tiếp 2 quả đạn cuối cùng, diệt thêm 1 B52 nữa, rơi xuống thị xã Phúc Yên.

Như lời của một viên tướng không quân Mỹ, do hãng UPI phát đi từ Băng Cốc hồi giữa tháng 11 năm 1972, nói rằng: "Nếu Bắc Việt bắn rơi được một chiếc B52 trị giá 9 triệu đô-la này mà có bằng cớ, chúng ta coi như họ đánh chìm được một tàu chiến Mỹ", thì chỉ riêng Tiểu đoàn 77, với chiến công bắn rơi tại chỗ 3 chiếc B52, đã đạt được ý nghĩa "đánh chìm" 3 tàu chiến Mỹ, mà chỉ bằng 6 quả đạn tên lửa SAM2 (Chú thích: Tiểu đoàn 77, thuộc Trung đoàn H57, bắn rơi 4 B52 (có 3 chiếc rơi tại chỗ) được phong danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 3 tháng 9 năm 1973.).

Sau đêm Nô-en, vào chiều 26 tháng 12, giữa thanh thiên bạch nhật bỗng thấy vút lên một vệt khói dài. Tên lửa của đơn vị nào bắn đây? Sao lại dám vi phạm mệnh lệnh của Bộ "chỉ dành tên lửa để đánh B.52"? (B52 vào Hà Nội chỉ có bay đêm). Thì ra đó là Tiểu đoàn 72 thuộc Trung đoàn H85 của Hải Phòng mới được điều lên tăng cường cho Thủ đô. Do "chân ướt chân ráo" chưa nắm vững quy định, khi phát hiện một tốp F4 lao vào Hà Nội, bất chấp khả năng địch sẽ đánh trả đũa, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Chắt vẫn quyết định phóng đạn. Một chiếc F4 rơi tại chỗ . Nhở chiến công này, Tiểu đoàn 72 được cấp trên miễn tội.

Dường như để "tạ lỗi", đêm 27, vào lúc 23 giờ, Tiểu đoàn 72 đã đánh một trận thật xuất sắc, cũng bằng 2 quả đạn, quật ngã một pháo đài bay giữa lòng Hà Nội. Xác của chiếc B52 rơi ngay xuống đường Hoàng Hoa Thám và giữa làng hoa Ngọc Hà, chỉ cách trung tâm Quảng trường Ba Đình không đầy 600 mét. Một nhà nhiếp ảnh đã chớp thời cơ, thu được hình ảnh chiếc pháo đài bay đang bùng cháy giữa trời đêm. Tấm ảnh thật đẹp, được ca ngợi như là một tác phẩm nghệ thuật hiếm có.

Năm 1973, ông Xô-lô-rép, Đại tá chuyên gia Phòng không Liên Xô nói với chúng tôi: "Việt Nam nghèo nên phải đánh theo cách của con nhà nghèo, nhưng Việt Nam vẫn thắng, bởi vì các bạn Việt Nam rất thông minh, rất sáng tạo”. Gần đây, một nhà chiến lược Mỹ nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Nếu dân tộc Việt Nam chỉ anh hùng không thôi thì chắc chắn Việt Nam đã bị khối lượng sắt thép khổng lồ của chúng tôi đè bẹp. Nhưng vì dân tộc Việt Nam thông minh quá nên Mỹ đã chịu thua".

Việc bộ đội phòng không khắc phục muôn vàn khó khăn để có đủ đạn tên lửa đánh thắng B52 Mỹ, suy ra, cũng là từ cái đầu óc sáng tạo của người Việt Nam chúng ta vậy.

Có điều rất đáng tiếc là giá như hồi ấy, bộ đội tên lửa ta có được thêm nhiều đạn hơn, được bắn theo qui tắc xạ kích, được "đánh bồi", "đánh nhồi", mỗi lần bắn thêm vài ba quả, thì kết quả bắn rơi B52 chắc sẽ còn lớn hơn nhiều.
Nguồn: "Điện Biên Phủ trên không" - chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam - Tác giả : Lưu Trọng Lân, nguyên là Phó trưởng phòng Tác huấn, Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top