Trời đêm mà tràn đầy ánh sáng - Cảm tưởng khi đọc "Đoàn thuyền đánh cá" của Huy Cận
BÀI LÀM
Những người dân biển thường ra khơi lúc mặt trời sắp lặn và trở về vào sáng hôm sau, khi mặt trời mọc cùng với thành quả lao động của mình. Những con cá tươi nguyên còn mặn nồng vị muối.
Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận lấy bối cảnh không gian ấy, thời gian ấy nhưng bao trùm cảm tưởng người đọc lại là bài thơ đầy ánh sáng.
Mở đầu là hình ảnh :
Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cửa.
Tưởng như biển và bóng đêm đã nuốt chửng cái khối sáng đỏ rực, khổng lồ kia bằng những động tác mạnh, dứt khoát : cài then, sập cửa. Nhưng không phải như vậy, bởi vì có một ánh sáng mới đã loé lên :
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.
Bóng đêm bao trùm bằng chữ đã ở câu trên, ánh sáng bừng lên ở chữ lại ở câu dưới và nhất là bởi “Câu hát căng buồm cùng gió khơi”, cùng biển đêm. Cuộc sống, niềm hân hoan trong lao động của con người đã mang ánh sáng cho không gian đánh cá đêm trên biển. Từ đây trở đi, tiếng hát người lao động, không khí lao động, tư thế, phong cách lao động, tình cảm lao động, động tác và thành quả lao động chính là nguồn sáng, toả sáng đêm lao động nên thơ, tráng lệ.
Trong niềm hân hoan lao động, vạn vật biển, cảnh quan biển dường như đều phát sáng:
Hát rằng : cá bạc biển Đông lặng
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng
Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi !
Màu sáng - bạc của cá thành đoàn thoi, thành muôn luồng sáng. Tiếp theo, cuộc lao động trong tầm vũ trụ, tung hoành phơi phới, lãng mạn mà hào hùng đã giữ cho ánh sáng chan hoà mặt biển. Chứ không phải chỉ vì đêm trăng đánh cá thi vị.
Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng
Ra đậu dặm xa dò bụng biển
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.
Tay lái con thuyền gắn với gió, buồm thành buồm trăng. Thế trận bủa vây nhưng là thế của một đêm hội. Người dân biển đi đánh cá mà như “tao nhân mặc khách” :
Gió trăng chứa một thuyền đầy
Của kho vô tận biết ngày nào vơi.
Đêm trên biển mà như một cuộc vui “Đêm trăng đi thuyền trên Hồ Tây” Phan Kế Bính đã tả. Nhưng đó chính là niềm vui của con người lao động mới, trong một xã hội mới. Không phải là một cuộc thưởng thức thú vị như văn chương xưa thể hiện.
Lao động biển khơi là thứ lao động nặng nhọc, nguy hiểm nhưng một khi đã được tự do, đã được giải phóng, đã là lao động tập thể, những con người lao động sẽ biến nó thành ngày hội. Bài ca cất lên bởi một dàn hợp xướng lao động, là một bản giao hưởng tráng lệ. Khung cảnh thiên nhiên, con người và cá, sinh lực, tinh lực biển cũng hoà ca, cùng toả sáng.
Cá nhụ cá chim cùng cá đé
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng
Cái đuôi em quẫy trăng vàng choé
Đêm thở : sao lùa nước Hạ Long
Ta hát bài ca gọi cá vào
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao ...
Bản hoà tấu con người và vũ trụ khiến biển đêm thành hội hoa đăng cho tới khi trời bừng sáng. Tuy nhiên nếu hội hoa đăng sẽ kết thúc khi đêm vừa tàn thì hội lao động không như thế. Đêm sáng đến ngày sáng.
Sao mờ kéo lưới kịp trời sáng
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng
Vẩy bạc, đuôi vàng loé rạng đông
Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng ".
Một ngày vui mới lại đến. Bài ca công sức lao động tiếp tục với bài ca thành quả lao động. Đoàn thuyền đánh cá hát khúc khải hoàn.
Mặt trời đội biển nhô màu mới
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.
Cuộc sống huy hoàng chính là ánh sáng rực rỡ nhất của con người, đất nước Việt Nam mới trong lao động dựng xây.
Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận gồm bảy khổ, viết về một đêm đánh cá trên biển của những con người mới xã hội chủ nghĩa nhưng không một khổ nào không có sự phát sáng bởi vạn vật và con người. Hồn cốt bài thơ này ở hai chữ tươi sáng.
Sưu tầm