Ảnh: nongnghiep.vn.
Nếu tất cả nông dân tại các nước nghèo được hỗ trợ trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, lượng khí thải gây biến đổi khí hậu sẽ giảm xuống đáng kể. Ngoài ra, biện pháp này còn giúp hàng trăm triệu người thoát cảnh đói nghèo.
“Nếu sản xuất nông nghiệp tại các nước đang phát triển trở nên bền vững hơn và có khả năng phục hồi nhanh hơn trước tác động của biến đổi khí hậu, thì số người đang sống trong nghèo đói (khoảng 1 tỷ) sẽ giảm xuống. Ngoài ra, người dân sẽ có thêm nhiều cơ hội kiếm việc làm và tăng thu nhập”, Alexander Mueller, trợ lý tổng giám đốc Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO), phát biểu hôm qua.
Tác động của nông nghiệp đối với biến đổi khí hậu là rõ ràng, bởi khí thải từ hàng trăm triệu nông trại trên khắp hành tinh chiếm khoảng 14% tổng lượng khí gây hiệu ứng nhà kính. Tình trạng thay đổi mục đích sử dụng đất trồng – như đốt rừng làm nương rẫy – đóng góp thêm 17% nữa.
Giữa năm 1990 và 2005, lượng khí thải do nền nông nghiệp tại các nước đang phát triển tạo ra tăng khoảng 30% và sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa. “Hàng trăm triệu nông dân nghèo trên thế giới có thể giúp loài người trong nỗ lực cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính”, Peter Holmgren, điều phối viên của FAO trong các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu, nhận xét.
Ông Holmgren cho rằng việc tài trợ cho nông dân là hành động cần thiết để giúp họ vứt bỏ những thói quen canh tác lạc hậu và tiếp cận những biện pháp thân thiện với môi trường. “Những tập quán canh tác bền vững không chỉ tăng năng suất cây trồng, mà còn làm giảm bớt khí thải độc hại”, FAO khẳng định.
Theo Holmgren, một hiệp định quốc tế mới về biến đổi khí hậu (thay thế Nghị định thư Kyoto) nên đưa vào các biện pháp hỗ trợ tài chính để giảm nhẹ tác động tiêu cực của hoạt động sản xuất nông nghiệp – như phục hồi đất thoái hóa và ngăn chặn nạn phá rừng.
Liên Hợp Quốc sẽ tổ chức một hội nghị toàn cầu tại Copenhagen (Đan Mạch) vào tháng 12 năm nay, nhằm hướng tới một thỏa thuận về biến đổi khí hậu. Thỏa thuận này sẽ thay thế cho Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực vào năm 2012.
Theo Minh Long - VnExpress