Trịnh Công Sơn - Một hồn bi ca.

  • Thread starter Thread starter liti
  • Ngày gửi Ngày gửi

liti

New member
Thể xác Trịnh Công Sơn hoà vào đất, nhưng những dòng thanh âm của anh vẫn mãi còn du dương bay lượn quanh địa cầu này. Một giải thưởng âm nhạc “Vì hoà bình” của tổ chức thế giới trao tặng, có lẽ không quan trọng đối với anh bằng những gì anh đã oằn mình trải nghiệm giữa cuộc sống đầy rẫy những hồ nghi và đố kỵ, cuộc sống mà anh hằng yêu thương mãnh liệt “Tôi là ai, là ai, là ai,… mà yêu quá cuộc đời này”. Khúc bi ca “Đừng tuyệt vọng tôi ơi đừng tuyệt vọng” là lời cảm thán để tự nhắc nhở chính bản thân mình và mọi người hãy vui sống với những kỳ vọng của cõi lòng, cho dù chúng ta đang đối diện với thực tế đau buồn. Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ của thời đại mà chính anh đã thể nghiệm và chứng kiến những cảnh tượng tan thương, đau xót trên quê hương mình. Và trong chuỗi dài quá khứ của nhân loại đã xảy ra biết bao sự kiện kinh hoàng do chiến tranh gây nên. Vì vậy, mà cánh nhạc của anh đã bay khắp thế giới và chạm vào nỗi cô liêu mà mỗi phận người phải đối diện. Chỉ có những trái tim ngập tràn niềm bi thương, cùng với tài năng của một nghệ sĩ mới tạo thành một nhạc sĩ danh tiếng như vậy.

Trịnh Công Sơn là nhân vật đặc sắc có một không hai trong những thước phim đặc biệt cuối thế kỷ XX, trong anh là những suối nhạc đang ào ào tuôn chảy, lúc cuồng nộ thét gào trước tang tóc, khổ đau của đồng bào, lúc bi ai uất nghẹn, ứa những “Giọt nước mắt thương dân, dân mình phận long đong”, lúc trầm bỗng thiết tha về tình yêu và thân phận. Những phẫn nộ của anh trước cuộc chiến phi lý đã được thể hiện trong những Ca khúc da vàng, Phụ khúc da vàng, Kinh Việt Nam, Ta phải thấy mặt trời, qua những lời ca như “Hai mươi năm nội chiến từng ngày” hay hình ảnh “Người già co ro buồn nghe tiếng nổ”, rồi tiếng “Đại bác ru đêm dội về thành phố”, “Đại bác như kinh không mang lời nguyện”; và anh đã thấy trong “Từng vùng thịt xương có mẹ có em” hay khi “Lật xác quân thù, mặt người Việt Nam trên đó”, “ Đi trên những xác người: bao năm thắng những ai? “ và "Xác người nằm trôi sông phơi trên ruộng đồng/ Trên nóc nhà thành phố trên những đường quanh co/ Xác người nằm bơ vơ dưới mái hiên chùa/ Trên giáo đường thành phố trên thềm nhà hoang vu...".

Họa sĩ Bửu Chỉ, người bạn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người đã từng hát những ca khúc phản chiến của họ Trịnh trong phong trào đấu tranh để đòi hoà bình cho dân tộc cũng đã thừa nhận “…và phải nói một cách thành thật rằng chính những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn trong những năm đầu tiên đã đánh thức trong tôi tình tự dân tộc”.

Điều ấy còn thể hiện nhiều trong những giai điệu trữ tình, tha thiết được biểu cảm qua những tập tình ca Khói trời mênh mông, Tự tình khúc, Tuổi đá buồn, Một cõi đi về,…

Huế là vùng đất mà Trịnh Công Sơn đã sống và trưởng thành, nơi anh đã gởi gắm rất nhiều tình cảm và để lại những kỷ niệm vui buồn ở vùng đất đầy rêu phong, mưa, nắng,… Có thể nói xứ Huế là một trong những yếu tố hình thành nên chất nhạc của Trịnh, bởi không gian và thời gian ở Cố đô như chuyển động chậm hơn những vùng đất khác nhưng lại hàm chứa những linh khí của trời đất và tràn trề bầu nhiệt huyết, vì vậy mà giai điệu thướt tha, bi thiết trong các tình khúc của anh mang đậm âm sắc xứ Huế.

Ai đã từng sống ở Huế ắt sẽ biết đến nắng và mưa ở xứ này, nắng mưa Huế đã đi vào trong nhạc Trịnh qua những ca từ rất lãng đãng, mơ hồ “Gọi nắng trên vai em gầy, đường xa áo bay”, “Nắng có hồng bằng đôi môi em” hay “màu nắng hay là màu mắt em”, “Trời ươm nắng cho mây hồng” hay “Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ”, ”Mưa có còn buồn trong mắt trong”, “mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ” và rất nhí nhảnh nhưng lại ẩn chứa một nhân cách cao cả “Tôi thu tôi bé lại làm mưa tan giữa trời”…

Những ca từ độc đáo của anh gợi lên hình ảnh người con gái Huế trong những thập niên 60, 70 là hình ảnh guộc gầy của bờ vai “Vai em gầy guộc nhỏ”, hay rất mơ hồ qua dòng tóc “Ôi tóc em dài đêm thần thoại”, sự hồn nhiên trong ánh mắt người con gái “ màu nắng hay là màu mắt em” của cái “Nắng Thuỷ Tinh” lạ kỳ ở xứ Huế,…

Mỗi bản tình ca của anh như ghi lại một kỷ niệm đẹp dâng lên từ trái tim trần gian nhưng rất thánh thiện, tình yêu đôi lứa với anh là những biểu cảm nồng ấm đang tuôn chảy trong huyết quản và được anh biểu hiện rất chân thật “Tôi là ai mà còn trần gian quá” hay “Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ” hay "lúc đưa em về là biết xa nghìn trùng" và “Tôi có người yêu vừa mới đêm qua. Yêu thật tình cờ, yêu chẳng hẹn hò“,…

Huế là nơi hội tụ của nhiều luồng văn hoá, tôn giáo, và một thời là kinh đô của cả nước, những luồng văn hoá đã giao thoa và hình thành những dấu ấn riêng được lưu truyền trong đời sống của người dân xứ Huế. Tôn giáo nói chung mà đặc biệt Phật giáo và Thiên Chúa giáo có những ảnh hưởng đến nhạc của Trịnh qua các nhạc phẩm Ngẫu nhiên, Quán Thế Âm hay Lời buồn Thánh, Phúc âm buồn… với những ca từ mang hình tượng tôn giáo như "tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người" hay “Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi”, “Đợi chờ yêu thương trên cây thánh giá, đợi xoá sân si dưới bóng bồ đề “, “Đi về giáo đường ngày chủ nhật buồn…”. Và chất nhạc dân gian như Chầu văn, nhạc Ngũ cung đã đi vào trong ca khúc của anh qua bài Nối vòng tay lớn, Ngẫu nhiên, Huyền thoại mẹ… Điều thể hiện xuyên suốt trong dòng nhạc của anh ngoài trái tim mẫn cảm chan chứa tình người, tình yêu quê hương,… trong ca từ của anh còn tàn ẩn tính triết học gồm những cặp mâu thuẫn cùng song hành và bổ khuyết lẫn nhau.

Những cánh nhạc của nghệ sĩ tài hoa họ Trịnh không chỉ bay lượn trong không gian Huế, trong vòm trời Việt Nam mà thênh thang khắp tinh cầu để rung lên những hồi chuông thức dậy lòng nhân ái trong mỗi con người và chuyên chở một ước vọng cao quý là mang lại hoà bình cho toàn thể nhân loại. Tình khúc của anh đã tạo cho người nghe cảm giác rất hồ như xa xăm nhưng rất gần gũi, thân thiết như “Về cội xưa níu tay nghìn trùng”. Ước mơ lớn nhất của anh vào những năm tháng đất nước đang chiến tranh là khát vọng thấy hoà bình và anh đã nhìn thấy sự mất mát lớn lao sau khi chiến tranh kết thúc “Đêm nay hoà bình, sao mắt mẹ chưa vui. Nhìn quanh anh em không ai còn lại “. Khi đất nước thống nhất, sự đợi mong đã đến “Chờ ngày Việt Nam thống nhất cho những tình thương vỡ bờ”, anh lại khao khát vấn đề nhân sinh, vấn đề trăm năm của thân phận con người, “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi”, “Người ngồi đó nhưng trong tim máu tuôn ra ngoài”,… để rồi đến giây phút cuối đời, anh lại có mong ước thật giản dị nhưng rất nặng nghĩa tình mẫu tử là được an táng bên cạnh nấm mồ của mẹ. Trong quá khứ các triều đại thịnh suy theo dòng biến dịch, nhưng âm nhạc của Trịnh sẽ sống mãi mãi trong lòng dân tộc, bởi ngôn ngữ và âm thanh của anh đã hoà quyện vào nhau để hình thành những ca khúc vì hoà bình của một dân tộc đã kinh qua biết bao cảnh tượng hãi hùng, khiếp đảm của chiến tranh trong suốt mấy ngàn năm lịch sử và những ca khúc của anh đã chạm vào chuyện “trăm năm”; một giới hạn của mỗi phận người “Ôi trăm năm làm kiếp con người” và “Cho trăm năm vào chết một ngày”… và anh đã hoá thân “Thằng bé xinh xinh bay vờn giữa Ngọ” thiêng (lúc 12 giờ 45 phút ngày 1 tháng 4 năm 2001), anh thật sự đi vào cõi trăm năm rồi, còn đâu? Còn đâu? Nhưng cõi trăm năm anh đến là vĩnh cữu, bởi vẫn còn những khúc bi ca đầy tự tình của anh mãi mãi vang vọng suốt dòng thời gian bất tận và không gian muôn trùng.

sưu tầm
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top