[h=3]Nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay[/h]Dù ở thời đại nào, nguồn nhân lực cũng luôn là yếu tố quan trọng nhất quyết định sức mạnh của một quốc gia. Bởi chúng ta biết rằng mọi của cải vật chất đều được làm nên từ bàn tay và trí óc của con người.
Việt Nam chúng ta đang có nguồn nhân lực dồi dào với dân số cả nước gần 86 triệu người (Tính đến ngày ngày 1/4/2009, dân số của Việt Nam: 85.789.573 người)
[1], nước đông dân thứ 13 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực. Trong đó số người trong độ tuổi lao động tăng nhanh và chiếm một tỉ lệ cao khoảng 67% dân số cả nước
[2]. Cơ cấu Dân số vàng ở nước ta bắt đầu đầu xuất hiện từ năm 2010 và kết thúc vào năm 2040, kéo dài trong khoảng 30 năm. Rõ ràng Việt Nam đang có thế mạnh lớn về nguồn lực lao động nhưng tại sao chúng ta vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy kinh tế đi lên? Có nhiều nguyên nhân lí giải cho vấn đề này, trong đó chất lượng nguồn nhân lực hiện nay của nước ta được xem là nguyên nhân mấu chốt.
Như chúng ta đã biết, trong gần 86 triệu người ở Việt Nam thì nông dân chiếm gần khoảng 73%
[3]dân số cả nước. Điều này cho thấy nông dân vẫn là lực lượng lao động xã hội chiếm tỉ lệ cao nhất. Nông dân ta bao đời nay vẫn lấy nghề trồng lúa là nghề chính. Họ vẫn đang sản xuất một cách tự phát, manh mún. Họ vẫn cứ nghĩ rằng trồng lúa là nghề dễ nhất, không cần học cũng làm được, thế là cứ từ đời này nối tiếp đời kia họ tự trồng như vậy. Nhìn vào thực tế sản xuất của nông dân ta thấy rằng dù đã mấy nghìn năm phát triển xã hội nhưng cách trồng lúa của người Việt hôm nay cũng chưa tiến bộ hơn cách trồng lúa của người Việt xưa là mấy, vẫn còn tồn tại cái cảnh “ con trâu đi trước cái cày theo sau”. Mặc dù bây giờ đã có sự liên kết nhà khoa học với nhà nông nhưng cũng chưa tạo đựơc những đột phá đem lại hiệu quả. Hiện nay, nông dân đã mở ra nhiều ngành nghề để tạo việc làm và thu nhập nhưng hiệu quả kinh tế vẫn chưa cao nguyên nhân là còn thiếu áp dụng các khoa học kĩ thuật vào trong sản xuất vì vẫn nặng với cái kiểu tư duy “nghĩ sao làm vậy”. Rõ ràng nguồn lực nông dân dồi dào nhưng chất lượng vẫn còn yếu kém .
Về nguồn nhân lực công nhân thì hiện nay số lượng giai cấp công nhân Việt Nam có khoảng 5 triệu người, chiếm 6% dân số cả nước.Như vậy lực lượng công nhân Việt Nam còn quá ít. Đã vậy công nhân có tay nghề cao lại chiếm tỷ lệ thấp so với đội ngũ công nhân nói chung. Số công nhân có trình độ văn hóa, tay nghề, kĩ thuật rất ít. Theo thống kê công nhân có trình độ cao đẳng, đại học ở nước ta chiếm khoảng 3,3% đội ngũ công nhân nói chung. Tỉ lệ này khiến chúng ta phải suy nghĩ. Chính vì trình độ văn hoá tay nghề thấp nên đa số công nhân không đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Điều này dẫn đến sự mất cân đối về lao động ở các doanh nghiệp. Doanh nghiệp không thiếu người nhưng lại thiếu những công nhân có tay nghề để đảm bảo những khâu kĩ thuật quan trọng trong dây chuyền sản xuất. Hệ quả kéo theo của vấn đề này là đồng lương công nhân bị thấp đi, đời sống không được đảm bảo, địa vị công nhân trong đời sống xã hội cũng không cao. Với tình hình đó nguồn lực công nhân chưa thể đóng vai trò chủ đạo trong sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước.
Việt Nam đã và đang bước vào hội nhập Thế giới, từng bước tiến tới chiếm lĩnh khoa học công nghệ cao vì thế đòi hỏi một lực lượng đông đảo nhân lực có trình độ cao, có khả năng làm việc trong môi trường công nghệ và cạnh tranh. Đặc biệt với một số ngành đặc thù như năng lượng nguyên tử, công nghệ thông tin lại càng đòi hỏi nhân lực đạt đến trình độ quốc tế hoá. Bên cạnh đó một số ngành mũi nhọn như ngân hàng tài chính, du lịch cũng yêu cầu một đội ngũ đủ khả năng thích ứng với mọi biến động của thị trường trong nước và thế giới…Có thể nói rằng ở lĩnh vực nào, nông nghiệp, công nghiệp hay dịch vụ… chúng ta đều đang khát lao động có trình độ cao. Nhưng thực tế đáp ứng được bao nhiêu? Như đã phân tích ở trên, lực lượng nông dân đang thiếu khoa học kĩ thuật, sản xuất manh mún; lực lượng công nhân trình độ thấp, vậy còn lực lượng trí thức thì sao?
Việt Nam những năm gần đây đội ngũ trí thức tăng nhanh, chỉ tính riêng số sinh viên cũng đã cho thấy sự tăng nhanh vượt bậc. Năm 2003-2004 tổng số sinh viên đại học và cao đẳng là 1.131.030 sinh viên đến năm 2007- 2008 tăng lên 1.603.484 sinh viên. Năm 2008 tổng số sinh viên ra trường là 233.966 trong đó sinh viên tốt nghiệp đại học là 152.272; sinh viên tốt nghiệp cao đẳng là 81.694. Số trí thức có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ cũng tăng nhanh.Theo thống kê cả nuớc đến 2008 có hơn 14 nghìn tiến sĩ và tiến sĩ khoa học và đang đặt mục tiêu trong 10 năm tới sẽ có 20000 tiến sĩ. Năm 2008 nước ta có 275 trường Trung cấp chuyên nghiệp, 209 trường cao đẳng, 160 trường Đại học và có tới 27.900 trường phổ thông, 226 trường dân tộc nội trú
[4]…Nhìn vào những con số này cho thấy lực lượng trí thức và công chức thực sự là một nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển kinh tế đất nước. Nhưng thực tế vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Hàng năm lượng sinh viên ra trường lớn nhưng số sinh viên có việc làm lại ít. Theo thống kê có đến 63% sinh viên ra trường không có việc làm, số có việc làm thì cũng có người làm việc không đúng ngành được học. Thêm vào đó là một số đơn vị nhận người vào làm phải mất 1-2 năm đào tạo lại. Phải chăng lao động đã qua đào tạo còn nhiều bất cập so với yêu cầu của thị trường lao động?
Bài toán về nguồn nhân lực, việc làm hiện nay là bài toán khó và cũng không thể một sớm một chiều mà chúng ta giải quyết ngay được.Để làm được điều này cần phải đồng bộ ở nhiều phương diện: Đơn vị đào tạo, người lao động, đơn vị sử dụng lao động… và còn cần tới một cơ chế, một sự hỗ trợ lớn từ nhà nuớc.