• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Trình bầy những đặc điểm phát triển và phân bố dân cư và nguồn lao động xã hội của Việt Nam

ThuyenNhanXaXu

New member
Xu
0
Trình bầy những đặc điểm phát triển và phân bố dân cư và nguồn lao động xã hội của Việt Nam


Trình bầy những đặc điểm phát triển và phân bố dân cư và nguồn lao động xã hội của Việt Nam. Những đặc điểm đó có ảnh hưởng (tích cực và tiêu cực) đến sự phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường ở nước ta như thế nào? Trong những năm trước mắt, cần định hướng phát triển và phân bố dân cư - nguồn lao động xã hội ra sao? Lấy các ví dụ thực tiễn để minh hoạ.

 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
TRÌNH BẦY NHỮNG ĐẶC ĐIỂM PHÁT TRIỂN VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ VÀ NGUỒN LAO ĐỘNG XÃ HỘI CỦA VIỆT NAM.
NHỮNG ĐẶC ĐIỂM ĐÓ CÓ ẢNH HƯỞNG (TÍCH CỰC VÀ TIÊU CỰC) ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ, XÃ HỘI VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG Ở NƯỚC TA NHƯ THẾ NÀO? TRONG NHỮNG NĂM TRƯỚC MẮT, CẦN ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ - NGUỒN LAO ĐỘNG XÃ HỘI RA SAO?
LẤY CÁC VÍ DỤ THỰC TIỄN ĐỂ MINH HOẠ




Trả lời:

Như ta biết, dân cư nguồn lao động xã hội và hoạt động kinh tế là hai mặt của quá trình tạo ra của cải xã hội. Hai mặt đó tác động qua lại rất phức tạp, quy định và chi phối lẫn nhau. Sự phát triển khuynh hướng xã hội xác định những đặc điểm chủ yếu của sự phân bố dân cư và nguồn lao động xã hội. Ngược lại sự phân bố dân cư và nguồn lao động xã hội lại là tiền đề, động lực quan trọng của sự hình thành và phát triển các quá trình kinh tế-xã hội trong một nước, một vùng.

Dân cư và nguồn lao động không chỉ là lực lượng sản xuất trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho xã hội, mà còn là lực lượng tiêu thụ các sản phẩm của xã hội, kích thích quá trình tái sản xuất mở rộng của xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phân công lao động xã hội.
Trong nền kinh tế thị trường, nguồn lao động là một yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất, từ giản đơn đến phức tạp. Các doanh nghiệp luôn tìm kiếm những tỷ lệ kết hợp với các nguồn lực khác (tài nguyên thiên nhiên, vốn, thiết bị kỹ thuật...) để tăng doanh thu và lợi nhuận, do đó sẽ liên quan đến các vấn đề giá cả sức lao động, tiền lương và thất nghiệp, phúc lợi công cộng và an ninh xã hội, đòi hỏi phải có sự điều tiết vĩ mô ở cấp trung ương cũng như địa phương.

Dân cư và các nguồn lao động vốn khó di chuyển đi xa, vì vậy khi lựa chọn địa điểm sản xuất kinh doanh trước hết cần tận dụng tới mức tối đa nguồn lao động tại chỗ, sau đó mới tính đến việc di chuyển lao động từ các vùng khác tới.

- Dân cư và dân tộc

Việt Nam là nước đông dân, hiện đứng thứ 12 trong số 220 quốc gia và tổ chức lãnh thổ kinh tế-xã hội trên thế giới. Mật độ dân số trung bình trên 219 người/km2 (năm 1994)

Dân số nước ta có một quá trình phát triển nhanh chóng, ước tính từ đầu công nguyên đến nay, dân số Việt Nam tăng gần 39 lần (từ 1,8 triệu lên 72 triệu) cũng trong thời gian này, dân số thế giới chỉ tăng 20 lần (từ 270 triệu lên 5500 triệu). Trong vòng 73 năm gần đây (1921-1994) dân số nước ta tăng hơn 4 lần (từ 15,5 triệu lên 72 triệu).

Quá trình phát triển dân số nước ta trong thời kỳ này (từ 1921 đến nay) có thể chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn đầu (1921-1954) tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm là 1,4%, giai đoạn 2 (từ 1955-1979) là 3,1%, là giai đoạn bùng nổ dân số, giai đoạn 3 từ 1980 đến nay tốc độ tăng dân số bắt đầu có xu hướng giảm dần (bình quân hàng năm là 2,2%). Như vậy mỗi năm bình quân dân số nước ta tăng từ 1,3 đến 1,5 triệu người tương đương với số dân của một tỉnh trung bình.

Tình hình phát triển dân số qua các giai đoạn chứng tỏ dân số nước ta tăng khá nhanh, điều đó đã gây nhiều khó khăn cho phát triển kinh tế xã hội, cho việc cải thiện đời sống nhân dân, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái, vì vậy phát triển dân số vừa phải là một trong những nhiệm vụ của chiến lược dân số nói riêng và chiến lược phát triển kinh tế xã hội nói chung ở nước ta trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.
Tỷ lệ gia tăng tự nhiên của dân số nước ta rất cao. Sự tăng nhanh dân số ở nước ta dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Về kinh tế xã hội. Tốc độ gia tăng dân số và tốc độ phát triển kinh tế thường xuyên khống chế lẫn nhau, đồng thời được phản ánh trong mức sống của nhân dân và khả năng sản xuất của nền kinh tế (khi xét các chỉ tiêu thu nhập quốc dân theo đầu người, bình quân đầu người về các sản phẩm cơ bản như điện, than, thép, xi măng, vải, giấy, lương thực, thịt, sữa). Gia tăng dân số càng nhanh làm giảm sút nhanh những chỉ tiêu bình quân đầu người về tài nguyên cơ bản như đất đai nông nghiệp, diện tích rừng, tài nguyên nước.

Về môi trường sinh thái, gia tăng dân số khiến cho các vùng đồng bằng quá dư thừa lao động, chúng ta phải chuyển một bộ phận lớn dân cư lên các vùng miền núi, cao nguyên để khai hoang. Hàng năm có hàng chục vạn ha rừng nước ta bị phá, khiến cho diện tích rừng hiện nay chỉ có 7,8 triệu ha, chiếm 23% diện tích cả nước (năm 1943 có 19 triệu ha rừng). Tàn phá thảm thực vật rừng, kéo theo các nguồn gen quý giá của các động vật hoang dại cũng bị phá huỷ, làm cạn nguồn nước, đất rừng bị phá huỷ làm cho nhiều vùng trở thành hoang mạc. Những huỷ hoại trên dẫn đến mất cân bằng sinh thái tự nhiên, đồng thời gây nhiều thiên tai cho các tỉnh miền núi và đống bằng. Gia tăng dân số nhanh, cùng với quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá làm tăng các chất phế thải vào môi trường, làm ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước và môi trường không khí... nhiều khu công nghiệp như Hà nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Việt Trì, Thái Nguyên... các chỉ số về mức độc hại do ô nhiễm đã vượt quá giới hạn cho phép rất nhiều. Với hậu quả nghiêm trọng trên, người ta phải có biện pháp ngăn ngừa, hạn chế tăng dân số quá nhanh. Biện pháp tốt nhất là phải coi"kế hoạch hoá gia đình" là quốc sách, là nhiệm vụ, trách nhiệm của toàn dân.

Việt Nam là một quốc gia bao gồm nhiều dân tộc (54) trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số (87% tổng số dân) các dân tộc đều được bình đẳng với nhau. Mức độ tập trung dân cư của các dân tộc ít người khá lớn và ranh giới địa bàn cư trú không rõ ràng thường ở xen kẽ người Kinh với các dân tộc khác. Các dân tộc Việt Nam có truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, có khả năng thích ứng nhiều ngành nghề đòi hỏi khéo tay, tỷ mỉ như thêu đan, may dệt... và đã sản xuất nhiều mặt hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, mở ra nhiều triển vọng, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại.

Do tỷ lệ gia tăng tự nhiên của dân số qua các thời kỳ ở nước ta rất cao khiến cho tốc độ tăng nguồn lao động cũng rất cao.Tốc độ tăng nguồn lao động cao, trong khi nền kinh tế chưa phát triển lại mất cân đối nghiêm trọng làm nảy sinh hai vấn đề: tăng năng suất lao động, giải quyết việc làm cho những người đến tuổi lao động trở nên hết sức bức thiết.

Mức độ tăng nguồn lao động ở nước ta rất cao, nhất là thời kỳ từ 1986 đến nay đã gây nhiều khó khăn cho vấn đề sắp xếp việc làm cho những ngươì trong độ tuổi lao động. Đòi hỏi phải có những giải pháp nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn lao động nước ta trước mắt và trong tương lai. Để giảm tỷ lệ tăng nguồn lao động và sử dụng hợp lý các nguồn lao động của nước ta hiện nay và thời gian tới, trước tiên cần giảm tỷ lệ gia tăng tự nhiên của dân số, đồng thời thực hiện các giải pháp để sử dụng hợp lý nguồn lao động như phát triển kinh tế dưới nhiều hình thức để thu hút nguồn lao động, trong đó các thành phần ngoài quốc doanh sẽ là động lực tiếp nhận phần lớn lao động xã hội. Đẩy mạnh các hình thức liên doanh, liên kết (phân công hiệp tác lao động giữa các khu vực, các thành phần kinh tế nhất là phát triển công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, công nghiệp tư liệu sản xuất... có ý nghĩa đặc biệt đối với giải quyết việc làm. Đầu tư lao động vào các ngành có khả năng thu hút nhiều lao động như lâm ngư nghiệp, công nghiệp và các ngành dịch vụ, cần phát triển kinh tế đối ngoại dưới nhiều hình thức khác nhau.

Trong tổng số trên 35 triệu lao động xã hội của nước ta hiện nay thì lực lượng lao động kỹ thuật chỉ chiếm 10%, còn 90% là không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Trong tổng số lao động kỹ thuật thì số có trình độ trung cấp, đại học chiếm trên 50% số người có trình độ đại học và cao đẳng trở lên chỉ chiếm 20%. Mặc dù chất lượng nguồn lao động của nước ta ngày càng được nâng cao, lực lượng lao động có kỹ thuật ngày càng tăng, song trước yêu cầu của công cuộc đổi mới về kinh tế xã hội thì lực lượng lao động kỹ thuật trong các ngành kinh tế quốc dân còn ít và yếu, nhiều ngành sản xuất chủ yếu lao động kỹ thuật còn chiếm tỷ trọng thấp.

Lực lượng lao động kỹ thuật đã ít nhưng phân bố, sử dụng lại chưa hợp lý, tập trung quá mức ở các cơ quan trung ương và thành phố, nhiều địa phương có không đầy 1% cán bộ khoa học kỹ thuật của cả nước, nhất là các tỉnh miền núi, cao nguyên cán bộ khoa học kỹ thuật lại càng ít hơn.
Hiện nay số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân có trên 35 triệu người, trong đó lao động trong khu vực sản xuất vật chất chiếm 93,6% lao động xã hội và lao động trong khu vực không sản xuất vật chất chỉ chiếm 6,4% lao động xã hội.

Phân bố và sử dụng lao động theo thành phần kinh tế ở nước ta đã và đang có những chuyển biến quan trọng phù hợp với nền kinh tế nhiều thành phần. Sự chuyển dịch lao động từ khu vực Nhà nước sang khu vực ngoài quốc doanh đang diễn ra phù hợp với quá trình nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường. Khu vực kinh tế ngoài quốc doanh không những thu hút phần lớn lao động nông-lâm-ngư nghiệp mà còn thu hút ngày càng nhiều lao động công nghiệp và dịch vụ.

Nguyên nhân tạo ra tình trạng phân công lao động chưa hợp lý trên chính là do tốc độ phát triển nền sản xuất của nước ta chưa tương ứng với nhịp độ tăng dân số và nguồn lao động. Từ đó dẫn đến hậu quả là cơ cấu kinh tế không phù hợp với cơ cấu nguồn lao động. Tình hình trên đòi hỏi phải phân công lại lao động giữa các ngành kinh tế, trước hết là trong các ngành nông-lâm- ngư nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Phân bố dân cư và sử dụng nguồn lao động theo vùng. Từ sau hoà bình (1954) nhất là từ khi đất nước thống nhất chúng ta đã từng bước cải tạo sự phân bố dân cư và nguồn lao động không hợp lý giữa các vùng trong nước bằng cách phát triển kinh tế xã hội ở những vùng ít dân thiếu lao động, nhiều tiềm năng, tạo sức hút dân cư và nguồn lao động từ các vùng đông dân ít tiềm năng. Hiện nay sự phân bố chênh lệch dân cư và nguồn lao động giữa các vùng vẫn gia tăng, nhất là giữa đồng bằng và miền núi, giữa miền Bắc và miền Nam, đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long chiếm trên 44% dân số và nguồn lao động của cả nước trong khi các vùng có tiềm năng lớn, tỷ lệ dân số và nguồn lao động rất thấp (Tây Nguyên gần 4%, Đông Nam Bộ 12%, miền núi trung du Bắc Bộ gần 16%). Các tỉnh ở đồng bằng nhất là đồng bằng sông Hồng, mật độ dân cư còn cao hơn gấp nhiều lần so với các tỉnh ở miền núi, trung du và cao nguyên. Tình hình trên đòi hỏi việc phân bố lại dân cư và nguồn lao động ở nước ta để nhằm điều hoà lực lượng lao động và khai thác có hiệu quả tiềm năng của các vùng cần được tiếp tục thực hiện.

Từ sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, để phân bố lại lực lượng lao động hợp lý hơn, chúng ta đã đưa dân đi các vùng kinh tế mới mỗi năm hàng chục vạn dân. Song phân bố dân cư và sử dụng nguồn lao động giữa các vùng vẫn chưa hợp lý, chưa đạt yêu cầu về số lượng, chất lượng, hiệu quả. Vì vậy, thời gian tới (từ nay đến năm 2005-2010) việc phân bố dân cư và sử dụng nguồn lao động nhằm điều hoà sức lao động giữa các vùng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược ổn định và phát triển kinh tế xã hội ở nước ta. Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng đã chỉ rõ "Tiến hành phân công và phân bố hợp lý lao động trên từng vùng và trong phạm vi cả nước", "kết hợp giữa giải quyết việc làm tại chỗ với phân bố lại lao động theo vùng lãnh thổ...".

- Hướng phân bố và sử dụng lao động cho các ngành chủ yếu và các vùng ở nước ta

Trong ngành nông nghiệp, cần sử dụng lao động theo hai hướng, một là thâm canh trên cơ sở đầu tư lao động trên đơn vị diện tích gieo trồng, hai là tăng vụ và mở rộng diện tích, tạo thêm việc làm để phân bố lại lao động và dân cư. Thời kỳ tới, lao động trong ngành nông nghiệp và lâm nghiệp vẫn khu vực thu hút nhiều lao động hơn, có thể chia làm hai giai đoạn: giai đoạn đầu sẽ phân bố một phần lao động nông nghiệp bằng con đường công nghiệp hoá nông nghiệp, do đó ở giai đoạn này lao động nông, lâm nghiệp vẫn tiếp tục tăng cho tới thời kỳ cuối, giai đoạn tiếp theo là giảm tuyệt đối lao động nông, lâm nghiệp để chuyển sang công nghiệp. Đây là thời kỳ phân bố lại lao động nông, lâm nghiệp bằng công nghiệp hoá toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

Riêng ngành lâm nghiệp, số lao động được sử dụng còn thấp, dự kiến đến năm 2000 phải chiếm từ 7 đến 15% lao động xã hội. Việc sử dụng lao động trong ngành lâm nghiệp cần có chính sách nhằm thu hút đồng bào dân tộc định canh, định cư có hiệu quả, làm nghề rừng cần sớm hình thành các làng lâm nghiệp, xây dựng các thị trấn lâm nghiệp ở các huyện miền núi, nhất là ở các tỉnh Tây Nguyên.

Cần phát triển toàn diện kinh tế biển để thu hút lao động vào nghề biển. Dự báo đến năm 2000 lao động trong nghề biển chiếm khoảng 10% lao động xã hội, hướng khai thác chủ yếu tập trung vào các nghề nuôi trồng hải sản, phục vụ khai thác và chế biến hải sản.

Lao động trong ngành công nghiệp chiếm khoảng 16,5% lao động toàn xã hội vào năm 2000, thực hiện sự liên kết sản xuất giữa công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, các nhóm liên hiệp sản xuất nông, tiểu thủ công nghiệp.

Nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước phát triển, dịch vụ du lịch là khu vực thu hút khá nhiều lao động ở nước ta, cần đầu tư lao động cho khu vực này một cách đúng mức, là ngành có khả năng thu hút nhiều lao động, đặc biệt lao động nữ. Các ngành dịch vụ ở nước ta được phát triển không những ở thành phố, thị xã, thị trấn, các vùng công nghiệp mà cả ở các vùng nông thôn.
Hướng phân bố lại dân cư và nguồn lao động ở nước ta từ nay đến năm 2010 chủ yếu vẫn là hướng liên vùng và nội vùng, nội tỉnh. Ngoài ra vẫn tiếp tục thực hiện các di động khác như trước đây đã tiến hành.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top