• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Trình bầy những đặc điểm (chung và riêng) đối với từng ngành và các yếu tố ảnh hưởng đến tổ chức lãn

ThuyenNhanXaXu

New member
Xu
0
Trình bầy những đặc điểm (chung và riêng) đối với từng ngành và các yếu tố ảnh hưởng đến tổ chức lãnh thổ nông nghiệp

Trình bầy những đặc điểm (chung và riêng) đối với từng ngành và các yếu tố ảnh hưởng đến tổ chức lãnh thổ nông nghiệp. Lấy ví dụ thực tiễn để minh hoạ?
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
TRÌNH BẦY NHỮNG ĐẶC ĐIỂM (CHUNG VÀ RIÊNG) ĐỐI VỚI TỪNG NGÀNH VÀ CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TỔ CHỨC LÃNH THỔ NÔNG NGHIỆP.
LẤY VÍ DỤ THỰC TIỄN ĐỂ MINH HOẠ?

Trả lời:

A- Nông nghiệp

I- Những đặc điểm của tổ chức lãnh thổ nông nghiệp

1- Những đặc điểm chung:

a- Sản xuất nông nghiệp được tiến hành trên phạm vi không gian rộng lớn

Đất đai là tư liệu sản xuất cơ bản của nông nghiệp, ở đâu có đất đai là ở đấy có thể phát triển và phân bố nông nghiệp. Trong việc phát triển và phân bố nông nghiệp cần lưu ý:
- Những vùng đất có quy mô lớn (vùng đồng bằng châu thổ) cần được tổ chức thành những vùng chuyên môn hoá sản xuất nông nghiệp để tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hoá lớn.
- Những vùng đất hẹp cần phát triển nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại chỗ ở mức độ nhất định. Phân bố nông nghiệp phải hết sức chú ý đến việc sử dụng hợp lý và tiết kiệm đất đai.

b- Sản xuất nông nghiệp gắn chặt với môi trường tự nhiên

Môi trường tự nhiên, đặc biệt là khí hậu, nguồn nước, thổ nhưỡng là những tài nguyên tác động mạnh và thường xuyên đến phát triển và phân bố nông nghiệp. Vì vậy muốn phân bố hợp lý nền kinh tế nông nghiệp trong một nước, một vùng phải nghiên cứu và hiểu rõ những điều kiện tự nhiên để phân bố các loại cây trồng và vật nuôi thích hợp, đồng thời có kế hoạch phòng chống, hạn chế các tác động tiêu cực của môi trường tự nhiên đến sự phát triển và phân bố nông nghiệp.

c- Sản xuất nông nghiệp mang tính thời vụ, thời gian lao động ngắn hơn thời gian sản xuất.

Tính thời vụ là đặc trưng của sản xuất nông nghiệp. Mỗi loại sinh vật đều phát triển theo mùa và đòi hỏi thời hạn sinh trưởng nhất định. Trong thời hạn ấy, sinh vật có thể tự phát triển và có những thời đoạn không cần tới sự tác động của con người. Vì vậy lao động nông nghiệp thường có những lúc dồn dập, khẩn trương và những lúc nhàn rỗi. Thời gian lao động bao giờ cũng ngắn hơn thời gian sản xuất. Do đó, để giảm tính thời vụ, sử dụng hợp lý nguồn lao động ở nông thôn, cần xác định một cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, kết hợp lao động với thời vụ. Để đạt hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp cần đa dạng hoá sản xuất nông nghiệp, thực hiện chuyên môn hoá kết hợp với phát triển tổng hợp trong nông nghiệp, trồng trọt kết hợp với chăn nuôi, thực hiện các biện pháp luân canh, xen vụ, tăng vụ, gối vụ, rải vụ hợp lý, phát triển các ngành nghề ở nông thôn kết hợp nông nghiệp với lâm nghiệp và ngư nghiệp nhằm đa dạng hoá cơ cấu kinh tế nông thôn.

d- Sản xuất nông nghiệp cần phải gắn liền với công nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản, tạo thành các chu trình sản xuất nông - công nghiệp, hình thành các hình thức tổ chức, liên kết nông - công nghiệp phù hợp với các điều kiện và đặc điểm của từng vùng. Các hình thức tổ chức sản xuất này sẽ làm tăng giá trị của các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn hoá sản xuất, giảm bớt tính thời vụ, sử dụng lao động nông nghiệp hợp lý hơn. Nhiều vùng nông nghiệp của nước ta như Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long... có thể hình thành các chu trình nông - công nghiệp về sản xuất và chế biến chè, cao su, cà phê, mía - đường...

2- Nhữngđặc điểm của tổ chức lãnh thổ các ngành nông nghiệp

a- Các ngành trồng cây lương thực

- Cây lương thực có địa bàn phân bố rất rộng, thường trùng với địa bàn phân bố dân cư. Do đó cần phát triển cây lương thực (lúa và hoa màu lương thực) để một mặt giải quyết nhu cầu lương thực trong nước và mặt khác, tạo ra các mặt hàng xuất khẩu có giá trị và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng lương thực tại chỗ, hạn chế vận chuyển xa tốn kém.
- Cây lương thực (trừ sắn) đều có thời vụ ngắn nên khi phân bố phải chú ý tới việc xen canh, gối vụ, thâm canh tăng vụ, rút ngắn thời vụ, đồng thời tuỳ theo các điều kiện sinh thái của từng vùng mà lựa chọn một cơ cấu cây lương thực thích hợp.
- Sản phẩm cây lương thực thường khó bảo quản và chuyên chở, nhất là hoa màu, lương thực. Cây lương thực có nhiều phụ phẩm có thể phục vụ cho phát triển chăn nuôi. Vì vậy, phân bố cây lương thực phải kết hợp với việc phân bố các cơ sở chế biến và bố trí vận chuyển sản phẩm kịp thời, phải kết hợp với phân bố các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm nhằm tạo ra sự cân đối giữa trồng trọt và chăn nuôi trong từng vùng.

b- Ngành trồng cây công nghiệp

- Cây công nghiệp bao gồm cây công nghiệp hàng năm (ngắn ngày) như bông, đay, gai, cói, lạc, mía... và cây công nghiệp lâu năm (dài ngày) như chè, cao sưu, cà phê, cây lấy dầu...
Đối với cây công nghiệp ngắn ngày nên phân bố ở những vùng có độ dốc thấp, ở các vùng đồng bằng để có thể xen canh, luân canh, gối vụ với cây lương thực. Đối với cây công nghiệp dài ngày, nên phân bố thành những vùng chuyên canh rộng lớn trên những diện tích có lớp thổ nhưỡng thích hợp với từng loại, tầng mầu vừa phải và có độ dốc cao hơn độ dốc của đất trồng cây lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày.
- Cây công nghiệp có nhiều loại khác nhau, thích ứng với những điều kiện sinh thái khác nhau, do vậy khi phân bố cây công nghiệp cần cân nhắc và tận dụng mọi địa bàn thích hợp để sử dụng đất đai có lợi nhất nhằm tạo ra khối lượng và giá trị sản phẩm cao nhất.
- Phân bố cây công nghiệp phải chú ý tới số lượng và chất lượng nguồn lao động, truyền thống nông nghiệp của dân cư, vì sản xuất cây công nghiệp cần nhân công có kỹ thuật, có tập quán kinh nghiệm sản xuất và hao phí nhiều lao động trên một đơn vị diện tích so với cây lương thực. Số ngày công lao động trên một đơn vị diện tích trồng cây công nghiệp nói chung gấp 2 đến 3 lần so với trồng cây lương thực, điều kiện cơ giới hoá cũng khó khăn hơn. Do đó trong việc mở rộng diện tích cây công nghiệp phải tính đến việc phân bố lại nguồn lao động và sử dụng hợp lý các nguồn lao động đó theo thời vụ.
- Cây công nghiệp lâu năm đòi hỏi đầu tư lớn, lâu thu hồi vốn nên khi phân bố cần điều tra, tính toán tỉ mỉ hiệu quả sử dụng đất, vốn, lao động sao cho phù hợp với các điều kiện tự nhiên - kinh tế tương đối lâu dài, ổn định.
- Phân bố cây công nghiệp phải đảm bảo sản lượng hàng hoá cao, vì phần lớn sản phẩm của cây công nghiệp được xuất ra khỏi vùng và sản xuất chủ yếu để xuất khẩu. Vì vậy, trong phân bố phải lựa chọn những vùng có điều kiện kinh tế, tự nhiên thích hợp nhất, tìm loại giống tốt nhất, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thị trường ngoài.
- Sản phẩm cây công nghiệp rất đa dạng, phức tạp, khó chuyên chở và bảo quản, dễ hư hao và giảm phẩm chất đòi hỏi cần được chế biến kịp thời. Vì vậy, khi phân bố cây công nghiệp phải xây dựng đồng bộ các cơ sở chế biến, tạo thành các hình thức liên kết nông - công nghiệp đa dạng.

c- Ngành chăn nuôi

- Hoạt động của ngành chăn nuôi diễn ra liên tục, vừa không mang tính thời vụ như trồng trọt lại vừa phụ thuộc vào tính chất thời vụ của trồng trọt. Tính chất haio mặt đó của ngành chăn nuôi đòi hỏi phải bố trí lực lượng lao động thích đáng và ổn định từ khâu gieo trồng cây thức ăn, chế biến thức ăn đến khâu chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, tiêu thụ sản phẩm... phân bố kết hợp các cơ sở chăn nuôi với các cơ sở trồng và chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm, các cơ sở phòng chống dịch bệnh...

- Ngành chăn nuôi có quan hệ chặt chẽ với trồng trọt. Chăn nuôi cung cấp sức kéo, phân bón cho trồng trọt và ngược lại trồng trọt cung cấp thức ăn cho chăn nuôi do đó cần được thực hiện cân đối về sức kéo, phân bón, thức ăn giữa chăn nuôi và trồng trọt.
- Ngành chăn nuôi có thể tạo ra nhiều giá trị khác nhau sức kéo, phân bón, thịt, sữa, trứng, bơ, da, lông... Vì vậy cần tuỳ theo nhu cầu của thị trường và tiêu dùng của xã hội mà xác định cơ cấu, qui mô các vật nuôi phù hợp với các điều kiện tự nhiên, kinh tế của từng vùng (ở nước ta, những vùng thiêú sức kéo, thiếu phân bón lại có đồng cỏ nên phân bố loại gia súc lớn có qui mô thích hợp, những vùng có khả năng về đồng cỏ tự nhiên và đồng cỏ nhân tạo có thể phát triển đàn bò sữa qui mô vừa và lớn, những vùng công nghiệp tập trung và các thành phố lớn nên phân bố các cơ sở nuôi gia cầm, bò thịt, bò sữa).
- Các sản phẩm của ngành chăn nuôi (thịt, trứng, sữa, da...) rất cần được chế biến và vận chuyển kịp thời, vì vậy cần phân bố các cơ sở chăn nuôi gần các khu vực tiêu thụ, các cơ sở chế biến hoặc các phương tiện vận chuyển thích đáng.

* CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TỔ CHỨC LÃNH THỔ NÔNG NGHIỆP

1- Nhóm yếu tố tự nhiên

Điều kiện tự nhiên có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển và phân bố nông nghiệp, đến năng suất lao động nông nghiệp. Các vùng có điều kiện tự nhiên khác nhau có thể đạt năng suất tự nhiên khác nhau đối với một loại nông sản nhất định. Vì vậy đánh giá một cách đầy đủ và khoa học những điều kiện tự nhiên, đặc biệt là khí hậu và thổ nhưỡng là tiền đề để phân bố sản xuất nông nghiệp hợp lý.

Khí hậu nhiệt đới gió mùa Châu Á có ảnh hưởng lớn đến phát triển, phân bố, tổ chức sản xuất và kinh doanh nông nghiệp của Việt Nam.
Ba phần tư diện tích lãnh thổ nước ta là đồi núi nên địa hình và đất đai rất đa dạng, phức tạp. Phần lớn đất đai nước ta nằm trên địa hình đồi núi, nên trong sản xuất nông nghiệp cần thực thi các biện pháp chống xói mòn, rửa trôi để bảo vệ đất. Diện tích đất có khả năng kinh doanh nông nghiệp nước ta có thể lên tới gần 13 triệu ha, nhưng để đảm bảo an toàn chỉ nên sử dụng tối đa là 11 triệu ha. Bình quân diện tích đất nông nghiệp theo đầu người của nước ta vào loại thấp nhất thế giới. Vì vậy, trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta ngoài việc mở rộng diện tích cần phải đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, khai thác theo chiều sâu tiềm năng đất đai.

Do mưa nhiệt đới nên nguồn nước phong phú. Tuy nhiên cần có những biện pháp để sử dụng hợp lý nguồn nước.

2- Những yếu tố kinh tế - xã hội

Đối với các quan hệ sản xuất và quan hệ xã hội trong nông nghiệp nước ta đang là yếu tố quyết định để sớm đưa nền nông nghiệp nước ta đi lên nền nông nghiệp hàng hoá lớn hiện đại. Cơ sở vật chất kỹ thuật của nông nghiệp đã và đang được tăng cường. Hệ thống thuỷ nông đang từng bước được hoàn chỉnh ở các vùng đồng bằng và một bộ phận ở trung du, miền núi đã đảm bảo tưới tiêu chủ động trên 50% diện tích gieo trồng. Bước đầu thực hiện điện khí hoá nông nghiệp (Hơn 12% sản lượng điện cả nước dành cho sản xuất nông nghiệp). Hoá học hoá trong nông nghiệp cũng được chú trọng phát triển, số lượng phân hoá học và thuốc trừ sâu phục vụ nông nghiệp đã không ngừng tăng lên do tăng cường sản xuất trong nước và nhập khẩu. Mức độ cơ giới hoá nông nghiệp ngày càng tăng. Hệ thống giống cây trồng và vật nuôi mới cho năng suất cao đã được áp dụng ở nhiều vùng. Nguồn lao động trong nông nghiệp dồi dào (chiếm trên 70% lao động xã hội), tuy nhiên cần nghiên cứu sử dụng hợp lý hơn nguồn lao động này. Yêu cầu tiêu dùng nông phẩm của thị trường trong và ngoài nước đang ngày càng tăng đã tạo ra những điều kiện thuận lợi về chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao khối lượng và chất lượng nông sản, thúc đẩy sự phát triển chuyên môn hoá và đa dạng hoá, đưa nông nghiệp đi lên con đường hiện đại trong cơ chế thị trường.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top