Bút Nghiên
ButNghien.com
- Xu
- 552
Triết lý Trầu Cau
Miếng trầu đầu câu chuyện". Một cư dân, một dân tộc qua nghìn năm (hạt cau đã được tìm thấy trong di chỉ khảo cổ thuộc văn hóa Hòa Bình, cách ngày này trên dưới một vạn năm) đã điều chế được một hệ thống ứng xử vô cùng lịch sự qua triết lý trầu cau và sự mời trầu...
Tình nghĩa vợ chồng: xã hội Việt Nam truyền thống lấy gia đình (nhà) làm bản vị:
Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá bạc như vôi
(Hồ Xuân Hương)
Nhìn miếng trầu têm, một hòa sắc trên "gam" mầu mát: quả cau xanh (vỏ) trắng (thịt) vàng tươi (hạt). Lá trầu xanh... vôi trắng... miếng vỏ đỏ tươi... "chia ba, hòa một", nơi "thống nhất" cái môi miệng con người. Lối hòa hợp: cái sự nhai trầu của chính con người. Và kỳ lạ thay: sự "tổng hợp" đưa lại một mầu đỏ thắm, mầu của máu, của sự sống, sự sống vĩnh hằng, sự sống vô biên...
Miếng trầu tỏ tình:
Vào vườn hái quả cau xanh
Bổ ra làm sáu mời anh xơi trầu
Trầu này trầu tính, trầu tình,
Trầu loan, trầu phượng, trầu mình lấy ta.
Cái "bạo dạn" của người thôn nữ xưa không đi "quá" đến sự "trâng tráo" mà được "cân bằng" lại bằng sự "giữ gìn", giữ lấy cái mà phương Tây xem là "nữ tính" hơn cả: tính e thẹn:
Sáng nay em đi hái dâu
Gặp hai anh ấy ngồi câu thạch bàn
Hai anh đứng dậy hỏi han
Miệng nói tay cởi túi trầu mời ăn.
Thưa rằng: Bác mẹ em răn
Làm thân con gái chớ ăn trầu người...
Đó là nghệ thuật chối từ mà giờ đây ít ai chịu học vì đã quá quen với sự "thu nhận".
Phép biện chứng vừa bạo dạn, vừa e thẹn đúng nơi, đúng lúc, là nghệ thuật sống của người thanh nữ...
Bởi "nhận trầu" khi trước là "siêu ngôn ngữ" của sự "nhận lời". Người ta cầu hôn bằng trầu cau. Người ta đi "hỏi vợ", đi "chạm ngõ", đi "ăn hỏi" bằng cau trầu. Lễ cưới ngày xưa cũng nhất thiết phải có trầu cau. Đó là một nghi thức rất Việt Nam, độc đáo Việt Nam, mang bản sắc Việt Nam mà giờ đây, không chắc đã nên bỏ đi cả, duy có điều là nên giảm bớt, chỉ giữ lại như một "biểu tượng" tốt đẹp, tốt lành...
"Nên vợ, nên chồng" rồi, thì khi người chồng ra đi vì việc công vì việc quân, người vợ đảm cũng têm trầu, giữ tình nghĩa nơi miếng trầu tiễn chồng ra trận:
Túi gấm cho lẫn túi hồng
Têm trầu cánh kiếm cho chồng đi quân.
Một giá trị đẹp, một cử chỉ đẹp. Đẹp và lịch sự. Duyên thầm. Tình ẩn. Tiềm ẩn nơi miếng trầu. Một lời chúc phúc. Một ý mong chiến thắng: ở nhà, trầu loan, trầu phượng. Đi quân! Trầu cánh kiếm...
Miếng trầu, đơn giản thế thôi: Trầu, cau, vôi, nếu có thể thêm tí vỏ, viên thuốc lào (với người ăn "trầu thuốc"). ấy thế mà miếng trầu mang đậm "cá tính con người". Người ta têm trầu là để mời trầu, mời người khác ăn trầu. Điếu thuốc lá công nghiệp ngày nay là phi cá tính. Còn miếng trầu thủ công nghiệp ngày xưa đã được cá tính hóa (có phải cứ "tiến lên" công nghiệp hóa là bỏ sạch thủ công đâu? Còn phát triển (đúng hướng) thủ công là đằng khác!).
Nhìn miếng trầu, đã biết được con người "têm" nó. Chàng hoàng tử trong truyện cổ tích nhận ra nàng (Tấm) là do miếng trầu, là nhờ miếng trầu. ở cái dáng đẹp (hay xấu) của miếng trầu têm, ở nếp gấp lá, cài trầu ở cái cánh trầu...
Ăn miếng trầu, càng biết được "tính nết" người têm nó. Giản dị hay cầu kỳ. Đậm đà hay nhạt nhẽo. Do chất lượng và số lượng vôi bôi trên lá trầu. Và có khi miếng trầu "ở giữa đậm quế hai đầu thơm cay"...
Vậy phép biện chứng của miếng trầu là nó vừa mang nặng bản sắc xã hội (phương tiện giao tiếp), vừa mang nặng bản sắc cá nhân. Miếng trầu Việt Nam mang nặng tình người và chở nặng tính người nhất: con người, về bản chất, vừa là một sinh vật xã hội, vừa là một cá nhân. ứng xử hài hòa hai mặt đối lập mà hòa hợp đó là ứng xử cao nhất của xã hội loài người.
Miếng trầu còn tàng ẩn, tiềm ẩn tình nghĩa anh em ở nơi sự tích trầu - cau - vôi: Đôi vợ chồng và người em trai bất hạnh: Sống chia rẽ anh em là chết. Sự hối hận đền bù cho cái chết, bằng cái chết... Chết rồi nhưng vì biết hối hận nên lại sống lại, hóa thân nơi trầu - cau - vôi, hòa hợp nơi miếng trầu. Một triết lý nhân sinh huyền nhiệm, tuyệt vời, không cần rao giảng rườm lời như triết lý Tây, không cần "thiên kinh địa nghĩa" như triết lý Tàu. Triết lý Việt Nam thường là "triết lý vô ngôn" mà hay. Mà mầu nhiệm. Mà đầy tính "hiệu quả".
Anh em như thể tay chân
Máu chảy ruột mềm...
Người ta cảm được triết học bằng sinh học, sinh lý, cảm nhận bằng máu thịt thân xác...
Trầu cau còn là đạo lý ứng xử bạn bè, bà con lối xóm, "chia trầu" để báo tin vui con cái trưởng thành, dựng vợ gả chồng, ra ở riêng... có thâm thúy hơn chăng cái "thiếp báo hỷ" tốn giấy, tốn mực, tốn tiền...?
Mời trầu để làm quen, và để tỏ lòng tin cậy... Một người phương Tây đến Việt Nam thế kỷ 17 nhận xét: Người Việt Nam đi đâu cũng có túi trầu mang theo. Gặp nhau, sau câu chào hỏi, cởi túi trầu, người nọ lấy miếng trầu ở túi người kia, rồi vừa ăn trầu "của nhau" vừa trò chuyện... Mến yêu, tin cậy, lịch sự biết bao! Đó là nét giao tiếp đặc sắc Việt Nam, mà cái sự mời nhau thuốc lá ngày nay không thể nào ăn đứt được, không thể nào thay thế được. Gia dĩ, hút thuốc lá có thể có hại cho sức khỏe. Còn ăn trầu thì không, tuyệt đối không! Ăn trầu chắc răng, bổ răng (nhờ chất vôi...) ăn trầu chống rét, kích thích nhè nhẹ hệ tuần hoàn, kích thích thần kinh. Ăn trầu, hồng đôi má, thêm duyên... Ăn trầu, hơi say say, câu chuyện tâm tình, cởi mở... (Người xưa cởi mở hơn người nay, một phần vì thế chăng?). Dân tộc nào mà không có một chất "ma túy" nhè nhẹ hay nằng nặng? Có người nào mà cả đời "tỉnh như sáo"? (Người nào, lúc nào cũng "tỉnh" chắc chắn là người "nguy hiểm", các bạn hãy cùng tin với tôi như vậy!). Tỉnh táo khi làm việc, lao động. Ngà ngà đúng lúc, đúng nơi, khi sống nhàn, khi cần thư dãn, khi cần vui chơi, giải trí "sống với" bạn bè. Đó cũng là phép biện chứng "say-tỉnh" của miếng trầu, của cái sự ăn trầu...
Tôi không "đại thanh tật" hô "Trầu cau muôn năm!", "vĩnh cửu hóa" quá khứ. Tôi chỉ vạch ra một nét đẹp của giá trị văn hóa trầu cau, của giá trị văn hóa Việt Nam truyền thống, của triết lý và giao tiếp Việt Nam truyền thống... Theo dấu người xưa, theo cái đẹp truyền thống giao tiếp, là cốt ở tinh thần triết lý sống của nó. Chứ chủ yếu không phải ở cử chỉ. Càng không phải ở phương tiện...
( Theo Trần Quốc Vượng )