Triết lý cây bút chì
Con người chúng ta như những cây bút chì, thật đa dạng về màu sắc, hình dáng, kích cỡ, chất lượng...
Cuộc đời như những trang giấy trắng và mỗi việc chúng ta làm như những nét bút trên các trang giấy đó. Mỗi việc để lại những hiệu quả khác nhau cũng như những nét bút, lúc đậm lúc nhạt, lúc to lúc nhỏ...
Bút chì phác hoạ cả thế giới
Những bài học, những sự rèn luyện như chiếc gọt bút chì. Nhờ có gọt bút chì mà bút chì mới có thể viết được. Tùy vào gọt bút chì mà bút có đẹp và viết có tốt không. Đôi khi chiếc gọt bút chì quá cũ, không thể gọt được nữa cũng như khi sự rèn luyện đó không còn tác dụng nữa. Đó là lúc nên thay chiếc gọt bút chì mới. Sự rèn luyện quá đôi khi cũng phản tác dụng như khi ta cố gọt chiếc bút thật nhọn có thể làm bút chì bị gãy.
Mỗi khi làm một việc gì đó sai hay lỗi, ta vẫn có thể sửa chữa như ta dùng cục tẩy. Tuy nhiên, không phải việc nào cũng có thể sửa chữa được. Có những khi, dù có cố tẩy thì vẫn cứ để lại dấu vết trên trang giấy. Nếu cố gắng sửa sai quá có khi còn làm sự việc thêm nghiêm trọng, tẩy nhiều rách giấy. Hay khi dùng tẩy chất lượng kém, việc sửa sai cũng phản tác dụng, vết bẩn còn lem tệ hơn trên giấy. Vì thế, đừng đợi sai hãy sửa mà hãy cố đừng làm sai.
Con người ta già đi cũng như chiếc bút chì ngày càng ngắn lại. Đến một lúc nào đó, nó còn quá ngắn và dường không thể gọt được nữa. Chiếc bút chì đó sẽ trở nên vô dụng nếu không kết hợp với chiếc bút chì khác. Khi hai chiếc bút chì buộc nối với nhau thì chiếc bút chì ngắn kia vẫn có thể tiếp tục làm việc. Trong cuộc sống, cũng hãy kết hợp với những người xung quanh để có thể thấy mình có ích hơn.
@ButNghien