TRIẾT LÍ ĐỜI SỐNG VÀ SỰ ÊM DỊU KHÔNG KHÍ CỦA GIA ĐÌNH
Đời sống gia đình đã từng được xem như một vài hình thức lịch sử về sự kết hợp giữa người đàn ông và người đàn bà tạo thành một cuộc hôn nhân. Những cặp vợ chồng mới cảm thấy ngay đã có cái gì vừa thực hiện một tổ ấm mà chỉ mấy phút trước không có, sắp sửa được tạo lập, những con người mới sắp ra đời, không những cho cuộc sống hiện tại mà còn cả cho cuộc sống tiếp nối và kéo dài đến vĩnh cửu sau giờ chết và phục sinh.
Cũng cần phải xét đến tính đoàn kết phi thường thể hiện giữa đôi vợ chồng. Nếu người chồng không thành công trong công việc, người vợ cũng phải hoàn toàn chia sẻ hậu quả. Nếu người chồng phạm vào một hoàn cảnh bị pháp luật trừng trị, tất nhiên vợ cảm thấy đau lòng. Khi người vợ đi sai đường và xao lãng bổn phận của mình, người chồng cũng thấy đè nặng lên vai mình một nửa gánh nặng trách nhiệm.
Để bước vào hôn nhân, thường thường người đàn bà phải bỏ dở việc học hành, hoặc bỏ cả nghề nghiệp và sự tự do giao thiệp ngoài đời. Cũng có lúc rời bỏ quê hương, bạn bè, cha mẹ theo chồng đi thật xa. Và mặc dù chịu những hy sinh ấy, người ta vẫn tiếp tục thành hôn! Biết bao nhiêu người không có những can đảm mà còn vui vẻ tìm đến hôn nhân mà không tự biết.
Nói chung gia đình gồm có một người cha, bà mẹ và đàn con, hẳn nhiên là nơi tốt đẹp để thực hiện nguồn lí tưởng mà thượng đế đã gửi vào lòng người. Nhưng đạt đến lí tưởng ấy không phải là không gặp khó khăn, phải làm việc nhiều để đảm bảo cho sự vững chắc, kiên cố của ngôi đền gia đình. Hạnh phúc có khi thường là giấc mộng, nhưng khốn thay cho gia đình nào từ chối giấc mộng của mình và không cố gắng hết sức mình để biến giấc mộng thành sự thật.
Tôi tin tưởng rằng sự thống nhất căn bản về tất cả những hiện tượng của nhân loại không phải là cá nhân, cũng không phải xã hội mà đó là gia đình. Tôi không quan niệm rằng trên những phương diện xã hội người đàn ông cũng như người đàn bà đều sống biệt lập với nhau. Về phần đứa trẻ, thì ngày nào mà khoa học hiện trên địa hạt nào cũng có mặt nhưng chưa tiến bộ được bao nhiêu thì vẫn cần có ông cha và bà mẹ.
Ở đây tôi chỉ nói đến tình yêu chân thật. Tại jsao người đàn ông ấy lại yêu người đàn bà nọ? và ngược lại người đàn bà ấy đáp lại tình yêu của người đem hiến dâng cho nàng? Tôi xin bạn hãy nghĩ rằng về mối tình giữa hai người chắc chắn không phải mối tình chân thật. Nếu người đàn ông trả lời: “Tôi yêu nàng vì nàng đẹp”, thì tình yêu đó là tình yêu ích kỉ. Nếu người đàn bà ấy trả lời: “Tôi yêu chàng vì chàng khỏe mạnh”, thì đó không phải là lời thú nhận tình yêu mà đó là bản năng tự tồn đi tìm một cánh tay để bảo vệ. Nói chung không phải sắc đẹp và sức mạnh đáng khinh rẻ.
Vậy thì, gia đình là nơi nương náu tuyệt diệu và yêu thương. Mỗi người trong gia đình phải đốt sáng ngọn đèn nhỏ vui vẻ và an ủi của lòng mình, để cho nó sáng lòa trước hết là bên trong, xa hơn là đến bên ngoài xã hội.
Không khí trong gia đình đặc biệt thú vị khi trẻ con biết tìm cách giúp đỡ cha mẹ. Trước hết là những công việc thường trong gia đình chỉ được chỉ bảo một lần, rồi ngày nào cũng vâng lời làm theo không cần nhắc nhở chẳng hạn như lau bụi bặm, dọn rửa chén bát, dọn dẹp nhà cửa…Nhưng cũng có những công việc đòi hỏi sự sáng kiến của con trẻ như lượm món đồ rơi dưới đất, tắt một ngọn đèn đốt vô ích, biết sửa soạn món quà kỉ niệm để mừng một tiệc sinh nhật…Cho nên đứa trẻ đóng vai trò quan trọng trong gia đình là nguồn khuyến khích quí báu đối với cha mẹ.
Không khí hiền dịu của một gia đình như thế rất có lợi cho sức khỏe vì thân thể chỉ có thể nảy nở và đem hết năng lực ra phục vụ bầu không khí an hòa trong sự hoạt động. Đời sống xã hội và tinh thần cũng được hưởng chung một cách rộng rãi, tập được những người thân yêu trong gia đình có một thói quen chu đáo. Nhưng thực tế, chúng ta phải đi tìm sự no ấm trong gia đình và chính gia đình phải gánh lấy nhiệm vụ mỗi ngày một khó và rải ánh sáng mặt trời lên mọi khuôn mặt và mang nguồn vui vào những tấm lòng…
Theo Vĩnh Thuyên - Nghệ thuật giáo hóa giúp trẻ nên người*