Bút Nghiên
ButNghien.com
- Xu
- 552
Triết học Tây Âu thời phục hưng và cận đại
1. Điều kiện kinh tế - xã hội và đặc điểm của triết học Tây Âu thời Phục hưng và cận đại
Thời kì Phục hưng của các nước Tây Âu là giai đoạn lịch sử quá độ từ xã hội phong kiến sang xã hội tư bản (thế kỷ XV - XVI). Tính chất quá độ đó biểu hiện trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế, chính trị - xã hội, văn hoá tư tưởng thời kì này.
Về kinh tế: Bắt đầu từ thế kỉ XV, ở Tây Âu, chế độ phong kiến với nền sản xuất nhỏ và các đạo luật hà khắc Trung cổ đã bước vào thời kì tan rã. Nhiều công trường thủ công xuất hiện, ban đầu ở Italia, sau đó lan sang Anh, Pháp và các nước khác, thay thế cho nền kinh tế tự nhiên kém phát triển.
Sự phát triển của kinh tế tư bản chủ nghĩa thúc đẩy sự phát triển của khoa học, kĩ thuật. Nhiều công cụ lao động được cải tiến và hoàn thiện. Với việc sáng chế ra máy kéo sợi và máy in đã làm cho công nghiệp dệt, công nghệ ấn loát đặc biệt phát triển, nhất là ở Anh. Sự khám phá và chế tạo hàng loạt đồng hồ cơ học đã giúp cho con người có thể sản xuất có kế hoạch, tiết kiệm thời gian và tăng năng suất lao động.
Những phát kiến về đường biển, tìm ra những miền đất mới, phát hiện ra châu Mỹ... càng tạo điều kiện phát triển cho nền sản xuất theo hướng tư bản chủ nghĩa. Thương mại, thị trường trao đổi hàng hoá giữa các nước được mở rộng; giao lưu quốc tế được tăng cường, nhờ đó mà các nước phát triển sớm như Anh, Pháp, Tây Ban Nha... thi nhau xâm chiếm thuộc địa để mở rộng việc khai thác thiên nhiên và thị trường tiêu thụ hàng hoá.
Về xã hội: Đồng thời với sự phát triển của sản xuất và thương nghiệp, trong xã hội Tây Âu thời kì này, sự phân hoá giai cấp ngày càng rõ rệt. Tầng lớp tư sản xuất hiện gồm các chủ xưởng công trường thủ công, xưởng thợ, thuyền buôn... Vai trò và vị trí của họ trong kinh tế và xã hội ngày càng lớn. Hàng loạt nông dân từ nông thôn di cư ra thành thị, trở thành người làm thuê cho các công trường, xưởng thợ. Họ tham gia vào lực lượng lao động xã hội mới, làm hình thành giai cấp công nhân. Các tầng lớp xã hội trên đại diện cho một nền sản xuất mới, cùng với nông dân đấu tranh chống chế độ phong kiến đang suy tàn.
Về văn hoá, tư tưởng: Cùng với sự phát triển về kinh tế và xã hội, khoa học kĩ thuật và tư tưởng thời kì Phục hưng cũng đạt được sự phát triển mạnh mẽ. Các nhà tư tưởng thời Phục hưng đã phê phán mạnh mẽ các giáo lý Trung cổ. Mở đầu là nhà triết học người phía Nam nước Đức, Nicôlai Kuzan (1401-1464). Tiếp đó là các nhà khoa học - triết học như Nicôlai Côpecnich (1475-1543) người Ba Lan; Lêôna đơ Vanhxi (1452-1519) - nhà danh hoạ, nhà toán học, cơ học, kĩ sư người Italia; Gioocđanô Brunô (1548-1600) người Italia; Galilêô Galilê (1564-1642) người Italia. Trong số những thành tựu khoa học tự nhiên có ảnh hưởng to lớn đến nhận thức duy vật về thế giới, nổi trội hơn cả là thuyết nhật tâm của Nicôlai Côpecnich (1475-1543), nhà bác học vĩ đại người Ba Lan. Nicôlai Côpecnich đã đứng trên lập trường của triết học duy vật để bác bỏ thuyết địa tâm do Ptôlêmê (người Hy Lạp) đề xuất từ thế kỷ thứ II, một giả thuyết sai lầm coi quả đất là trung tâm của hệ mặt trời và vũ trụ. Thuyết nhật tâm của Nicôlai Côpecnich đã giáng một đòn nặng nề vào thế giới quan tôn giáo, thần học. Giả thuyết của ông là một cuộc cách mạng trên trời, báo trước một cuộc cách mạng trong lĩnh vực các quan hệ xã hội sắp xảy ra.
Trong thời đại Phục hưng, các nhà tư tưởng tư sản đã bênh vực triết học duy vật, vận dụng nó để chống lại chủ nghĩa kinh viện và thần học Trung cổ. Cuộc đấu tranh của chủ nghĩa duy vật chống chủ nghĩa duy tâm thường được biểu hiện dưới hình thức đặc thù là khoa học chống tôn giáo, tri thức thực nghiệm đối lập với những lập luận kinh viện. Cuối cùng, sự chuyên chính của giáo hội và sự thống trị của chủ nghĩa kinh viện Trung cổ đã không ngăn được sự phát triển bước đầu của khoa học thực nghiệm và triết học duy vật - tiền đề cho những thành tựu mới và những đặc điểm mới của triết học trong các thế kỷ tiếp theo.
Thời kì cận đại là thời kì phát triển rực rỡ của Tây Âu trên tất cả các mặt của đời sống xã hội. Đó là sự phát triển tiếp tục của chủ nghĩa tư bản, của khoa học và tư tưởng, trong đó có chủ nghĩa duy vật triết học, nhưng với những đặc điểm mới.
Khác với thời kì Phục hưng, thời cận đại (thế kỷ XVII-XVIII) ở các nước Tây Âu là thời kì giai cấp tư sản đã giành được thắng lợi về chính trị trước giai cấp phong kiến. Ba cuộc cách mạng tư sản lớn đã nổ ra và thành công: Cách mạng tư sản Hà Lan cuối thế kỷ XVI ; Cách mạng tư sản Anh (1642-1648); Cách mạng tư sản Pháp (1789-1794). Đây cũng là thời kì phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa được xác lập và trở thành phương thức sản xuất thống trị Tây Âu. Nó tạo đã tạo ra những vận hội mới cho khoa học, kĩ thuật phát triển mà trước hết là khoa học tự nhiên, trong đó cơ học đã đạt tới trình độ là cơ sở cổ điển. Đặc điểm của khoa học tự nhiên thời kì này là khoa học tự nhiên - thực nghiệm. Đặc trưng ấy tất yếu dẫn đến thói quen nhìn nhận đối tượng nhận thức trong sự trừu tượng tách rời, cô lập, không vận động, không phát triển, nếu có nói đến vận động thì chủ yếu là vận động cơ giới, máy móc. Đó là nguyên nhân chủ yếu làm cho triết học duy vật thời kỳ này mang nặng tính máy móc siêu hình.
Chính những điều kiện kinh tế - chính trị và khoa học tự nhiên thời cận đại đã quy định những đặc trưng về mặt triết học thời kì này:
Thứ nhất, đây là thời kì thắng lợi của chủ nghĩa duy vật đối với chủ nghĩa duy tâm, của những tư tưởng vô thần đối với hữu thần luận.
Thứ hai, chủ nghĩa duy vật thời kì này mang hình thức của chủ nghĩa duy vật siêu hình, máy móc. Phương pháp siêu hình thống trị, phổ biến trong lĩnh vực tư duy triết học và khoa học.
Thứ ba, đây là thời kì xuất hiện những quan điểm triết học tiến bộ về lĩnh vực xã hội, nhưng nhìn chung vẫn chưa thoát khỏi quan điểm duy tâm trong việc giải thích xã hội và lịch sử.
Những đặc điểm ấy thể hiện rõ nét trong quan niệm của một số triết gia, điển hình như B.Xpinôda, Ph.Bêcơn. T.Hôpxơ, R.Đêcactơ, G.Lamettri, Đ.Điđơrô, P.Hônbách, G.G.Rutxô.
Thứ tư, trước sự phát triển mạnh mẽ của tư tưởng duy vật vô thần của thời cận đại, chủ nghĩa duy tâm và thần học buộc phải có những cải cách nhất định. Nhu cầu ấy được phản ánh đặc biệt trong triết học duy tâm chủ quan của nhà triết học thần học người Anh G.Beccơli.
2. Một số triết gia tiêu biểu
2.1. Phranxis Bêcơn (1561-1621)
Phranxis Bêcơn (Francis Bacon) là nhà triết học vĩ đại thời cận đại. C.Mác coi Ph.Bêcơn là ông tổ của chủ nghĩa duy vật Anh và khoa học thực nghiệm. Bắt đầu từ Ph.Bêcơn, lịch sử triết học Tây Âu bước sang một giai đoạn phát triển mới với những màu sắc riêng.
Ph.Bêcơn sinh trong một gia đình quý tộc Anh. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Kembritgiơ, ông công tác nhiều năm trong ngành ngoại giao cho vương triều Xtiua. Mặc dù sống ở nước Anh trước thời kì cách mạng tư sản, nhưng Ph.Bêcơn là người nhiệt liệt ủng hộ những cải cách tư sản nhằm phát triển đất nước, ủng hộ sự phát triển của khoa học và triết học. Những tác phẩm lớn của ông là Đại phục hồi các khoa học (1605), Công cụ mới (1620)...
a. Quan niệm của Ph.Bêcơn về bản chất, nhiệm vụ của khoa học và triết học
Sống trong thời kỳ đêm trước của cuộc cách mạng tư sản Anh, Ph.Bêcơn đã nhận thấy vai trò đặc biệt quan trọng của khoa học và triết học và sự cần thiết phải đẩy mạnh sự phát triển của chúng như một nền tảng lý luận của công cuộc phát triển kinh tế của đất nước. Ông coi đó là một phương tiện cơ bản nhằm xoá bỏ những bất công xã hội, xây dựng cuộc sống phồn vinh. Khác với những nhà nhân đạo cộng sản không tưởng, Ph.Bêcơn khẳng định phải cải tạo chính xã hội hiện thực đương thời trên cơ sở phát triển khoa học và triết học chứ không phải bằng cách tạo ra mô hình lý tưởng. Ông cho rằng, mục đích của xã hội là nhận thức các nguyên nhân và mọi sức mạnh bí ẩn của các sự vật và mở rộng sự thống trị của con người đối với giới tự nhiên trong chừng mực con người có thể làm được.
Chịu ảnh hưởng của quan niệm trước đây coi triết học là khoa học của các khoa học, Ph.Bêcơn hiểu triết học theo hai nghĩa. Triết học theo nghĩa rộng là tổng thể các tri thức lý luận của con người về Thượng đế (học thuyết về Thượng đế), về giới tự nhiên (học thuyết về giới tự nhiên) và về bản thân con người (học thuyết về con người); học thuyết về Thượng đế là thần học, chỉ có bộ phận thần học tự nhiên (tức học thuyết lý giải Thượng đế dưới góc độ nghiên cứu khoa học, vạch ra những khía cạnh hợp lý của nó) mới thuộc về triết học, còn bộ phận thần học Thượng đế (tức xem xét Thượng đế dưới góc độ tôn giáo) thì thuộc về lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng...Học thuyết về tự nhiên trong triết học được Ph.Bêcơn gần như đồng nhất với khoa học tự nhiên, còn học thuyết về con người thì được coi là nhân bản học. Theo Ph.Bêcơn, khác với bộ môn lịch sử và các dạng nhận thức nghệ thuật chỉ đơn thuần dựa vào khả năng trí nhớ hay biểu tượng của con người, triết học và khoa học mang tính lý luận và khái quát cao. Tư duy triết học là tư duy lý tính, mang tính trí tuệ cao nhất.
Theo nghĩa rộng, triết học hầu như đồng nhất với tất cả các khoa học, bao chứa mọi khoa học khác. Theo nghĩa hẹp, triết học là bộ phận cơ bản nhất trong tổng thể các khoa học. Đó là nền tảng và cơ sở của mọi khoa học khác, đồng thời nó đã bao chứa toàn bộ các lĩnh vực khoa học tự nhiên.
Ph.Bêcơn cho rằng nhiệm vụ của triết học là đại phục hồi các khoa học, nghĩa là phải cải tạo toàn bộ các tri thức mà con người đạt được thời đó. Ph.Bêcơn chỉ ra rằng khoa học mang lại lợi ích cho toàn thể nhân loại chứ không riêng cho ai. Những quan niệm giản đơn, hẹp hòi, coi khoa học như là một nghề thủ công có lãi chỉ làm cho khoa học bị què quặt đi mà thôi. Bằng khoa học, con người tiếp cận với thế giới.
Đánh giá cao vai trò của tri thức lý luận trong việc cải tạo xã hội, Ph.Bêcơn khẳng định "tri thức là sức mạnh". Từ đó ông đi đến một một kết luận mang tính cách mạng đối với người đương thời, coi "hiệu quả và sự sáng chế thực tiễn là người bảo lãnh và ghi nhận tính chân lý của các triết học". Muốn chinh phục tự nhiên thì con người cần phải nhận thức các quy luật của nó, vận dụng và tuân theo chúng.
b. Quan niệm về thế giới
Phát triển các quan niệm duy vật thời cổ đại, Ph.Bêcơn cho rằng để lý giải được tính muôn màu muôn vẻ của thế giới, chỉ cần mỗi vật chất là đủ. Để giải thích thế giới, ông đã cải biến thuyết bốn nguyên nhân của Arixtốt theo hướng duy vật. Ông xoá bỏ nguyên nhân mục đích của các sự vật và cho rằng, mọi cái trên thế gian chỉ tồn tại từ ba nguyên nhân: hình dạng, vật chất và vận động. Khác với Arixtốt, ông coi hình dạng của sự vật là cái nằm chính trong bản thân sự vật, là bản chất hoàn toàn khách quan của nó; không thể có cái gọi là "hình dạng của hình dạng" phi vật chất, cũng như "vật chất đầu tiên" phi hình dạng là không có thực; mọi "hình dạng" đều chỉ là "hình dạng" của vật chất. Cả ba nguyên nhân "hình dạng", "vật chất" và "vận động", thực chất đều là bản tính của vật chất. Vì thế vật chất có bản tính là tích cực, có sinh khí chứ không phải thụ động.
Ph.Bêcơn đã có bước tiến rất xa so với các nhà triết học trước đó và đương thời khi quan niệm rằng có sự thống nhất giữa vật chất và vận động, giữa bản chất của sự vật và vận động của nó. Khẳng định vận động là đặc tính của sự vật, Ph.Bêcơn cho rằng nhận thức sự vật là nhận thức vận động của chúng. C.Mác và Ph.Ăngghen đã nhận xét, Ph.Bêcơn đã hiểu "rằng trong những đặc tính vốn có của vật chất, vận động là đặc tính thứ nhất và quan trọng nhất, không phải chỉ với tính cách là máy móc và toán học mà hơn nữa còn với tính cách là xu hướng, sức sống của vật chất".
Ph.Bêcơn đã tìm cách phân loại các dạng vận động. Theo ông có 19 dạng vận động: 1) vận động xung đối; 2) vận động móc nối; 3) vận động giải phóng mà thông qua đó sự vật hướng tới thoát khỏi áp lực; 4) vận động, trong đó sự vật hướng tới khối lượng và kích thước mới; 5) vận động liên tục; 6) vận động có lợi; 7) vận động tự hợp lại với quy mô lớn; 8) vận động tự hợp lại với quy mô nhỏ; 9) vận động từ tính; 10) vận động sản sinh ra; 11) vận động chạy trốn; 12) vận động thức tỉnh; 13) vận động mô tả, ghi nhận; 14) vận động ngoại tuyến; 15) vận động theo xu hướng; 16) vận động hùng tráng; 17) vận động tự quay; 18) vận động rung động; 19) đứng yên.
Từ đây, có thể thấy rằng, về cơ bản Ph.Bêcơn đã phân loại vận động theo cảm tính, mô tả, chưa biết phân loại theo cấp độ khác nhau về cấu trúc của vật chất, mà hầu như quy toàn bộ các dạng vận động thành các hình thức vận động cơ học; không thấy được sự phát triển của thế giới vật chất đã dẫn đến xuất hiện những hình thức vận động khác nhau về chất, phù hợp với trình độ cấu trúc của vật chất. Tuy nhiên việc coi đứng yên là một dạng vận động ở Ph.Bêcơn là một quan niệm duy vật và cách mạng trong bối cảnh lịch sử hồi đó. Ông cũng là người đầu tiên nhận thấy tính bảo toàn vật chất của thế giới.
c. Nhận thức luận và phương pháp luận
Bêcơn là người ủng hộ nhiệt thành sự phát triển của khoa học. Ông nói: "Mục đích của tôi là ở chỗ chỉ ra uy thế thực sự của khoa học mà không cần phải tô vẽ và cường điệu, và làm rõ ý nghĩa và giá trị chân chính của nó."
Với hoài bão xây dựng một cách nhìn mới về thế giới thật sự khách quan, Bêcơn đồng thời chỉ ra những hạn chế trong khả năng nhận thức của con người, những hạn chế không phải chỉ dẫn đến những sai lầm vụn vặt và nhất thời, mà là những sai lầm nghiêm trọng không thể tránh khỏi của con người trong nhận thức. Ông gọi chúng là các “ngẫu tượng” (Idola theo tiếng cổ Hi Lạp nghĩa là hình ảnh bị xuyên tạc). Để nhận thức chân lí và khắc phục được các ngẫu tượng, thì phải vạch ra cơ chế và bản chất của chúng. Do vậy, Bêcơn coi học thuyết về các ngẫu tượng tựa như phần mở đầu trong nhận thức và phương pháp luận của mình.
Các ngẫu tượng có nguồn gốc hoàn toàn khách quan, bởi vì chúng một phần có trong bản chất của trí tuệ con người, một phần xuất hiện trong quá trình lịch sử nhận thức của nhân loại, một phần nảy sinh trong sinh lí và nhân cách của mỗi người. Theo Bêcơn, "trí tuệ con người tự đặt ra chướng ngại vật và cạm bẫy cho mình”. Vì các ngẫu tượng thường xuyên ám ảnh con người, tạo nên cho nó những tư tưởng và ảo ảnh giả dối, xuyên tạc bộ mặt thật của thế giới, nói tóm lại, cản trở con người xâm nhập vào thế giới cả về chiều rộng lẫn chiều sâu". Vì vậy, quá trình con người đấu tranh khắc phục những hạn chế khách quan đó cũng là quá trình con người đấu tranh vì sự hoàn thiện bản thân mình.
Bêcơn phân loại các dạng ngẫu tượng như sau:
Dạng ngẫu tượng loài: nó sinh ra do việc loài người thường xuyên nhầm lẫn bản chất trí tuệ của mình với bản chất khách quan của sự vật. Ai cũng dễ dàng gán cho sự vật những đặc tính của riêng con người. Bêcơn nói: "Các ngẫu tượng loài có cơ sở trong chính bản thân loài người, bởi vì thật là sai lầm khi khẳng định cảm giác cảm tính của chúng ta là thước đo sự vật. Ngược lại, tất cả các giác quan cũng như trí tuệ đều được dựa trên sự tương đồng của con người, chứ không phải dựa trên sự tương đồng của thế giới. Trí tuệ con người cũng tương tự như chiếc gương méo, khi nó pha trộn bản chất của mình với bản chất của sự vật thì nó phản ánh các sự vật dưới dạng bị xuyên tạc, bóp méo".
Sở dĩ có loại ngẫu tượng này, theo Bêcơn, là do các giác quan cũng như trí tuệ của con người còn chưa được hoàn thiện. Một trong những biểu hiện của ngẫu tượng này là ở chỗ, người ta thường hay bảo thủ, coi ý kiến và suy nghĩ chủ quan của mình là thước đo tất thảy mọi vật. Ngẫu tượng loài do vậy rất bền vững. Chúng ta chỉ có thể hạn chế ảnh hưởng của ngẫu tượng này bằng cách hoàn thiện các nhận thức của con người như thực nghiệm v.v..
Việc Ph.Bêcơn đòi hỏi nhận thức sự vật phải hoàn toàn khách quan là hợp lý. Ông nhận xét đúng rằng, con người thường hay chủ quan, duy ý chí trong hoạt động của mình. Nhưng ông lại sai lầm khi phủ nhận hoàn toàn cái chủ quan trong nhận thức. Việc đòi hỏi nhận thức phải "khách quan thuần tuý" của ông là một điều không tưởng, tuy nhiên nó có ý nghĩa tích cực trong việc phê phán các quan niệm thần học chủ quan kinh viện thời đó, vì sự tiến bộ của khoa học.
Dạng ngẫu tượng hang động: Ngoài những ngẫu tượng đối với cả loài người, thì mỗi người còn có các đặc tính chủ quan, tâm lí, tính cách đặc thù của mình làm xuyên tạc bản chất khách quan của sự vật. Chúng còn xuất hiện do hoàn cảnh giáo dục của mỗi người cũng khác nhau. Thực chất ngẫu tượng hang động chính là ngẫu tượng loài, nhưng biểu hiện ở mỗi người cụ thể ở mức độ và hình thức khác nhau. Sở dĩ gọi là ngẫu tượng hang động vì mượn câu chuyện của Platôn về hang động, Ph.Bêcơn ví trí tuệ của con người như hang động méo mó của Platôn, mà trong đó thể hiện cái bóng của các sự kiện diễn ra bên ngoài.
Để hạn chế dạng ngẫu tượng này, mỗi người cần phải hoàn thiện nhân cách của mình, thận trọng trong quá trình nhận thức, dựa vào kinh nghiệm tập thể v.v..
Ngẫu tượng thị trường: Nó xuất hiện do mọi người thường hay sùng bái, chạy theo các quan điểm của ai đó có uy tín, hoặc ủng hộ những quan điểm phổ biến giáo điều, các tập quán truyền thống, trong đó bên cạnh nhiều yếu tố tích cực, cũng chứa đựng không ít những điều lạc hậu. Các ngẫu tượng này còn xuất hiện do ngôn ngữ khoa học của chúng ta đôi chỗ còn chưa thật chuẩn xác. Quan niệm trên của Ph.Bêcơn có nhiều điểm hợp lý và tiến bộ.
Ngẫu tượng nhà hát: Đó là những ảnh hưởng có hại của nhiều học thuyết, quan niệm thống trị làm cản trở quá trình nhận thức chân lý. Phê phán tệ sùng bái cá nhân của nhiều nhà khoa học thời đó, Ph.Bêcơn khẳng định "chân lý là con gái của thời gian chứ không phải của uy tín". Để tìm ra chân lý chúng ta không nên rơi vào chủ nghĩa hoài nghi luận, nhưng cũng không nên giáo điều trong nhận thức.
Nhìn chung, việc xác định bản chất và nguyên nhân của các ngẫu tượng của Ph.Bêcơn còn mang nặng tính trực quan, chủ yếu xét ở khía cạnh nhận thức luận, vì vậy chưa đưa ra được các giải pháp khắc phục ngẫu tượng một cách hợp lý. Công lao của ông trong học tuyết về ngẫu tượng là ở chỗ ông đã đặt ra vấn đề cơ sở xã hội của quá trình nhận thức; ở chỗ khẳng định quá trình nhận thức sự vật phải hoàn toàn khách quan, xem xét với tinh thần phê phán, cách mạng chứ không giáo điều. Những tư tưởng đó có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với thời đại của ông mà còn đối với cả hiện nay.
Ph.Bêcơn là một trong những người đầu tiên nhận thức được hạn chế của tam đoạn luận và của lôgic hình thức - cái mà từ trước đến bấy giờ vẫn được coi là phương pháp nhận thức vạn năng, đồng thời ông là một trong những người khởi xướng ra tư tưởng lôgic mới.
Ph.Bêcơn liệt kê, phân tích những phương pháp nhận thức cơ bản đang được sử dụng phổ biến để từ đó đưa ra một phương pháp nhận thức mới cao hơn.
Theo Ph.Bêcơn, từ trước đến bấy giờ người ta chủ yếu dùng hai phương pháp nhận thức là "phương pháp con nhện" và "phương pháp con kiến". Phương pháp con nhện là phương pháp xuất phát từ vài bằng chứng và cứ liệu vụn vặt người ta đã vội vã đưa ra các tiền đề và khẳng định một cách vô căn cứ về bản chất của sự vật. Phương pháp đó chẳng khác gì con nhện chăng tơ, chỉ trong khoảnh khắc đã xong nhưng không chắc chắn. Phương pháp con kiến là sự miêu tả, lượm lặt, sưu tầm từng ít dữ kiện về sự vật, nhưng rốt cuộc chẳng biết khái quát, rút ra những kết luận đúng đắn trên cơ sở những dữ kiện đó. Phương pháp này chỉ cho ta hiểu những nét bề ngoài vụn vặt chứ không thể khám phá được bản chất đích thực của sự vật.
Để khắc phục những hạn chế nói trên, Ph.Bêcơn đưa ra "phương pháp con ong". Bản chất của "phương pháp con ong" là từ những tri thức do cảm tính đem lại chế biến chúng, như con ong biến mật hoa thành mật ong, rút ra những tri thức mới bằng tư duy lý tính. Phương pháp nhận thức tối ưu, theo Ph.Bêcơn, là phương pháp quy nạp. Ông coi phương pháp quy nạp là chiếc la bàn của khoa học. Nhưng ông không thoả mãn với những phương pháp quy nạp đã có (quy nạp đầy đủ, quy nạp không đầy đủ). Ông là người đầu tiên khám phá ra phương pháp quy nạp loại trừ, tức phương pháp quy nạp mà trong đó có phân tích, loại bỏ những dữ kiện phụ, đi đến khẳng định bản chất của sự vật.
Nhìn chung, trong vấn đề phương pháp luận, Ph.Bêcơn là nhà duy cảm (mặc dù không cực đoan), thiên về sự phát triển khoa học tự nhiên thực nghiệm; là người có công khởi xướng ra tư tưởng cần thiết phải xây dựng một hệ thống phương pháp luận mới, phù hợp với sự phát triển của khoa học thời cận đại.
d. Nhân bản học và quan niệm về tôn giáo
Ph.Bêcơn coi con người là sản phẩm cuả tạo hoá, do vậy khoa học về con người cũng là khoa học về tự nhiên. Tiếp thu quan niệm của Arixtốt về con người, Ph.Bêcơn chia linh hồn thành các dạng "linh hồn thực vật", "linh hồn động vật", "linh hồn lý tính". Hai phần đầu thuộc về linh hồn cảm tính, có cả ở thực vật và động vật. Trong con người, linh hồn cảm tính là một dạng chất lỏng, pha loãng trong cơ thể. Chúng vận động theo các dây thần kinh, tựa như các đường ống, tác động lên các giác quan, điều khiển chức năng sống của cơ thể. Bộ phận linh hồn này có thể bị huỷ hoại cùng cơ thể khi con người chết đi. Linh hồn lý tính có nguồn gốc từ Thượng đế. Đó là một khả năng kì diệu mà chúa đã ban cho con người, mang tính thần thánh. Vì con người có cả hai dạng linh hồn nên con người vừa rất gần với động vật lại vừa có cái gì đó siêu phàm, và do đó, bản chất con người không cho phép con người theo lập trường hoàn toàn vô thần. Con người cần có tôn giáo để vượt qua những lúc con người mềm yếu, bất lực. Tôn giáo mang lại cho con người niềm tin nhưng nhà thờ không được phép dùng các biện pháp chống lại các nhà vô thần, không được cản trở các hoạt động khoa học, nghệ thuật của con người.
Nhìn chung, quan niệm trên của Ph.Bêcơn thể hiện sự thoả hiệp giai cấp tư sản Anh thời đó với các vấn đề tôn giáo.
2.2. Tômát Hôpxơ (1588-1679)
Tômát Hôpxơ (Thomas Hobbs) là nhà triết học nổi tiếng, đại biểu của chủ nghĩa duy vật Anh thế kỷ XVII, người có công cụ thể hoá và phát triển nhiều quan niệm duy vật của Ph.Bêcơn. Ông sinh trong một gia đình linh mục ở nông thôn nước Anh. Ngay từ nhỏ ông đã học và thông thạo tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp cổ. Khi còn là sinh viên Trường đại học Tổng hợp Ôxpho, ông tích cực nghiên cứu các vấn đề vật lý và lôgic. Trong thời gian nổ ra cách mạng tư sản Anh (1642-1648), ông cùng nhiều bạn bè lưu vong sang Pháp và nhiều nước khác. Đây là thời kì ông viết nhiều tác phẩm triết học.
a. Quan niệm của T.Hôpxơ về bản chất và đối tượng của triết học
Cũng như Ph.Bêcơn, T.Hôpxơ cho rằng tri thức là sức mạnh, do vậy phải tăng cường phát triển các khoa học, nhất là triết học. Lý luận triết học phải phục vụ thực tiễn của con người vì nó giúp cho con người hiểu biết về các sự vật. T.Hôpxơ là người cụ thể hoá và phát triển các quan niệm duy vật của Ph.Bêcơn trong việc giải quyết các vấn đề xã hội. Ông loại bỏ nhiều yếu tố thần học và tiếp tục cuộc đấu tranh cho thế giới quan khoa học duy vật. Các vấn đề chính trị xã hội được ông đặt lên hàng đầu.
Khác với Ph.Bêcơn, T.Hôpxơ khẳng định thần học là lĩnh vực hoàn toàn thuộc về tôn giáo; sự ngu dốt, sợ hãi sinh ra tôn giáo. Còn triết học là hoạt động trí tuệ của con người nhằm khám phá ra bản chất của sự vật. Tất cả những lĩnh vực khoa học như hình học, vật lý học, đạo đức... đều chỉ là những lĩnh vực khác nhau của triết học. Trong một mức độ nhất định, T.Hôpxơ đã đồng nhất đối tượng của triết học với đối tượng của các khoa học cụ thể. Tuy nhiên cách đặt vấn đề của ông mang tính tiến bộ, với mong muốn loại bỏ hoàn toàn thần học và chống lại thuyết về chân lý hai mặt của Ph.Bêcơn.
Theo T.Hôpxơ, vấn đề trung tâm của triết học là vấn đề con người. Các tác phẩm Về con người (1658), Về người công dân (1642)...của ông đều bàn về vấn đề này. Từ việc coi con người vừa là một thực thể tự nhiên, vừa là một thực thể đạo đức và tinh thần, ông chia triết học thành triết học tự nhiên và triết học đạo đức, hay còn gọi là triết học xã hội.
b. Quan niệm về thế giới
T.Hôpxơ thừa nhận sự tồn tại khách quan của thế giới. Đó là sự tồn tại có trước con người, không phải do chúa trời sinh ra. Theo quan điểm duy danh, ông khẳng định thế giới chỉ tồn tại những sự vật riêng lẻ. Mọi khái niệm như "thực thể", "vật chất"... đều chỉ là những tên gọi. Ông nói, "trong thế giới chẳng có gì chung cả, ngoài các tên gọi". Tuy nhiên ông không phủ nhận cái chung trong trí tuệ con người, mặc dù quy nó thành các ngôn từ, tên gọi. Từ đây, ông phủ nhận nội dung bản thể luận của tất cả các phạm trù mang tính khái quát của khoa học. Thậm chí ông coi "chân lý không phải là tính chất của các sự vật mà là tính chất của các suy diễn của chúng ta về các sự vật". "Giữa các tên gọi và các sự vật chẳng có sự giống nhau nào cả, và không thể có một sự so sánh nào cả".
Nói chung, trong quan niệm của T.Hôpxơ về thế giới, ông là nhà duy vật nhưng lập trường duy danh đã làm giảm giá trị các quan niệm duy vật của ông. Ông triệt để hơn so với Ph.Bêcơn trong quan niệm về giới tự nhiên, về quan hệ giữa triết học và thần học, v.v.. nhưng chủ nghĩa duy danh đã dẫn ông đến xa rời lập trường đó.
c. Lý luận nhận thức và phương pháp luận
T.Hôpxơ đã phát triển tư tưởng đúng đắn cho rằng, cơ sở của nhận thức là tri giác cảm tính. Nhận thức có hai cấp độ: cảm tính và lý tính. Nhưng do hạn chế lịch sử, T.Hôpxơ vẫn chưa hiểu được mối liên hệ biện chứng giữa nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính.
T.Hôpxơ là nhà duy vật cơ học điển hình. Ông coi cơ học và toán học là mẫu mực của bất kì tư duy khoa học nào. Ông quan niệm vận động chỉ là sự thay đổi vị trí của các vật thể; nguồn gốc vận động là do va chạm bên ngoài đầu tiên giữa các vật thể chứ không phải do nguyên nhân bên trong, là cái vốn có của vật chất. T.Hôpxơ không thấy đặc điểm riêng của giới hữu cơ. Ông cho rằng trái tim là gì nếu không phải là cái lò xo; dây thần kinh là gì nếu không phải những sợi chỉ; còn khớp xương là gì, nếu không phải là những bánh xe làm cho cơ thể vận động.
d. Quan niệm về con người
Con người, theo T.Hôpxơ là một thực thể thống nhất giữa tính tự nhiên và tính xã hội. Về bản tính tự nhiên, mọi người khi sinh ra đều như nhau, sự khác nhau nhất định giữa họ không lớn. Nhưng con người ai cũng có khát vọng và nhu cầu riêng của mình. Đây là tiền đề để con người làm điều ác. Mỗi người đều ích kỉ, vì lợi ích riêng của mình mà có thể chà đạp tất cả. "Con người là một động vật độc ác và ranh ma hơn cả chó sói, gấu và rắn". Mỗi người hành động trước tiên là "vì tính ích kỉ yêu bản thân mình chứ không phải vì xã hội, không phải vì lợi ích của người khác". Vì thế mà đẩy loài người đến chiến tranh liên miên, gây ra bao nhiêu đau khổ và chết chóc. Công lý và khoa học về pháp quyền, bởi vậy, luôn luôn bị bác bỏ bởi những ngòi bút và thanh kiếm. Theo T.Hôpxơ, bản tính tự nhiên của con người đó là tính ích kỉ; trạng thái xã hội mà con người sống là "một cuộc chiến tranh của tất cả chống lại tất cả".
Tuy nhiên, theo T.Hôpxơ, "trạng thái tự nhiên" trên đây của con người ngày nay không còn nữa; nó tồn tại một cách trọn vẹn ở thời nguyên thuỷ xa xưa. Tư tưởng của T.Hôpxơ được Đácuyn áp dụng vào thế giới động vật và phát hiện ra quy luật đấu tranh sinh tồn và chọn lọc tự nhiên của các loài sinh vật. Sau đó những người theo chủ nghĩa Đácuyn xã hội truyền bá, áp dụng trở lại xã hội.
Quam niệm của T.Hôpxơ mặc dù chưa đánh giá đúng mức đặc trưng riêng của loài người so với loài vật, chưa thấy được bản tính xã hội, tính nhân loại của con người, nhưng nó mang những yếu tố hợp lý nhất định: Một mặt, nó cho thấy sự tương đồng nào đó giữa loài người và loài vật, mặt khác, nó chỉ ra rằng, chính lợi ích của các cá nhân là một trong những động lực trực tiếp của hoạt động của con người và phát triển của xã hội.
e. Quan niệm về xã hội và tôn giáo
Xuất phát từ quan niệm trên đây về trạng thái tự nhiên của con người, T.Hôpxơ khẳng định khả năng bẩm sinh của con người càng bình đẳng bao nhiêu thì nó càng bất hạnh bấy nhiêu, vì cuộc đấu tranh sinh tồn của mỗi người càng khó khăn và phức tạp. Ai cũng phải lo sợ cho tính mạng và cuộc sống của mình. Và chính điều đó đã thúc đẩy mọi người đi đến kí kết khế ước xã hội, thiết lập nên nhà nước. Do vậy, mỗi dân tộc đều phải trải qua hai giai đoạn phát triển: giai đoạn tự nhiên và giai đoạn xã hội công dân (giai đoạn có nhà nước).
Nhà nước là sự sáng tạo cao nhất mà con người có thể làm được. Sau khi nhân dân lập ra nhà nước, nhà nước đóng vai trò điều hành sự phát triển của xã hội, xử phạt những ai vi phạm lợi ích chung của mọi người. Nhà nước "tựa như một con người nhân tạo" mà chính phủ là linh hồn của con người đó. Tuy nhiên sự xuất hiện của nhà nước cũng có mặt hạn chế, ở chỗ nó làm giảm các khát vọng tự nhiên của con người, do đó tự do của con người bị thu hẹp. Nhưng con người cần phải có nhà nước để được sống yên ổn. Đạo luật của nhà nước là tất yếu. Nhiệm vụ của nhà nước là phải trừng phạt, nhưng công minh; mỗi cá nhân có nghĩa vụ phải tuân theo.
Mặc dù cho rằng, sự ngu dốt, sự sợ hãi sinh ra tôn giáo nhưng T.Hôpxơ lại khẳng định bản thân tôn giáo là cần thiết để khuyên răn mọi người làm theo các chuẩn mực của nhà nước, tức làm theo luật pháp. Đó là công cụ để nhà nước dễ dàng chỉ đạo xã hội hơn, nhưng nhà nước không phải tuân theo nhà thờ mà nhà thờ phải phục tùng nhà nước. Các nhà vô thần tuy không có tội nhưng là những người suy nghĩ nông cạn.
Nhìn chung, triết học xã hội của T.Hôpxơ có nhiều mặt hạn chế trong quan niệm về bản chất, nguồn gốc của nhà nước, cũng như về bản chất con người. Ông còn chịu nhiều ảnh hưởng của chủ nghĩa duy vật tự nhiên trong việc xem xét các hiện tượng xã hội. Tuy nhiên, việc ông coi nhà nước là do con người lập ra để phục vụ con người là một đòn giáng mạnh vào các quan niệm duy tâm, thần thánh hoá chế độ phong kiến đang thối nát, suy tàn. Việc khẳng định cần thiết phải xoá bỏ trạng thái tự nhiên của con người là thể hiện xu hướng tư sản tiến bộ đòi đấu tranh xoá bỏ thần quyền và đẳng cấp của chế độ phong kiến, mở rộng dân chủ và xã hội.