Trí nhớ là gì? Làm thế nào để có trí nhớ tốt?
I. Khái niệm chung về trí nhớ:
1. Định nghĩa:
Theo tâm lý học, trí nhớ là một quá trình tâm lý phản ảnh những kinh nghiệm của cá nhân dưới hình thức biểu tượng, bao gồm sự ghi nhớ, giữ gìn và tái tạo sao đó ở trong óc những cái cái mà con nguời đã cảm giác, tri giác, rung động, hành động hay suy nghĩ trước đây.
Cũng như cảm giác và tri giác, trí nhớ cũng là một quá trình tâm lí, song cảm giác và tri giác phản ánh những sự vật, hiện tượng đang trực tiếp tác động vào các giác quan của ta, còn trí nhớ là sự phản ánh những sự vật, hiện tượng đã tác động vào ta trước đây mà không cần có sự tác động của bản thân chúng trong hiện tại. Nói cách khác, trí nhớ là quá trình tâm lý thành lập, củng cố và làm sống lại những hình ảnh tâm lý trước đây đã hình thành trong não. Trí nhớ phản ánh kinh nghiệm của con người, có thể là những hình ảnh cụ thể, có thể là những trải nghiệm hay rung động, những cảm xúc, ý nghĩ, tư tưởng.
2. Cơ sở sinh lý của trí nhớ
Trí nhớ được hình thành từ sự hình thành những đường liên hệ thần kinh tạm thời. Phản xạ có điều kiện được coi là cơ sở sinh lý của sự ghi nhớ. Sự củng cố, bảo vệ đường liên hệ thần kinh tạm thời đã được thành lập là cơ sở của quá trình giữ gìn và tái hiện trí nhớ. Các quá trình đó gắn chặt giúp ta nhớ được những hình ảnh tâm lý.
3. Vai trò của trí nhớ
Trí nhớ có vai trò rất rất to lớn trong đời sống tâm lý của con người, liên hệ chặt chẽ với quá khứ và hiện tại, làm cơ sở định hướng cho tương lai.
Không có trí nhớ thì không có kinh nghiệm, không có kinh nghiệm thì không thể có bất kỳ một hoạt động nào, cũng như không thể hình thành nhân cách. Ví dụ như chúng ta cần học cách để làm một cái bánh thật ngon, trí nhớ đã giúp ta hình thành các kinh nghiệm qua các lần làm bánh để có thể làm cho chiếc bánh đạt đến độ ngon của nó.
Trí nhớ là điều kiện cần thiết để con người có đời sống tâm lý bình thường, ổn định, lành mạnh. Trí nhớ cũng là điều kiện để con người có và phát triển các chức năng tâm lý bậc cao để con người tích luỹ vốn kinh nghiệm sống của minh và sử dụng vốn kinh nghiệm đó ngày cáng tốt hơn trong đời sống và trong hoạt động xã hội. Vì vậy, ở những người bị hỏng trí nhớ, cuộc sống hàng ngày cuả họ bị rối loạn, không bình thường.
Đối với nhận thức, trí nhớ có vai trò đặc biệt. Nó là công cụ để lưu giữ kết quả của các quá trình cảm giác và tri giác. Trí nhớ là một điều kiện quan trọng để diễn ra quá trình nhận thức lý tính và làm cho quá trình này đạt được kết quả hợp lý. Nó không làm mất đi nhận thức khi quá trình nhận thức đã kết thúc.
Ngày nay, trí nhớ không chỉ giới hạn trong hoạt động nhận thức mà còn là một thành phần tạo nên nhân cách của con người, vì đặc trưng tâm lý nhân cách mỗi người được hình thành trên cơ sở vốn kinh nghiệm cá thể về mọi mặt của họ, mà kinh nghiệm do trí nhớ đem lại. Ví dụ như quá trình hình thành nhân cách của một đứa trẻ phụ thuộc rất nhiều vào trí nhớ của nó về những việc làm nói lên nhân cách của cha mẹ nó.
II. Phân loại trí nhớ:
Trí nhớ được phân chia thành nhiều loại khác nhau theo các cách phân chia khác nhau.
1/ Căn cứ vào tính chất của tính tích cực tâm lý trong hoạt động:
Trí nhớ có bốn loại: Trí nhớ vận động, trí nhớ cảm xúc, trí nhớ hình ảnh, trí nhớ từ ngữ - logic.
a) Trí nhớ vận động phản ánh những cử động và hệ thống cử động mà ta đã tiến hành trước đây. Ví dụ như trí nhớ về một động tác tập thể dục.
b) Trí nhớ cảm xúc phản ánh những rung cảm về tình cảm, được nảy sinh và giữ lại trong trí nhớ. Ví dụ như những rung động của con người khi yêu.
c) Trí nhớ hình ảnh phản ánh những biểu tượng về các giác quan do các sự vật, hiện tượng tác động vào ta trước đây. Ví dụ như trí nhớ về một bức ảnh đã xem, về một bài hát đã nghe qua.
d) Trí nhớ từ ngữ - logic phản ánh những ý nghĩ, tư tưởng con người được diễn đạt trong lời nói. Ví dụ như kiến thức về chủ nghĩa Mác – Lênin giúp ta có thể phân tích được các hiện tượng xảy ra trong đời sống xã hội.
2/ Căn cứ vào tính chất, mục đích hoạt động:
Trí nhớ gồm trí nhớ chủ định và không có chủ định.
Trí nhớ chủ định có mục đích riêng biệt, ghi nhớ, gìn giữ và khi cần có thể tái hiện lại. Ví dụ như trí nhớ về bài học của sinh viên khi đi thi.
Trí nhớ không có chủ định không có mục đích chuyên biệt khi ghi nhớ, gìn giữ và tái hiện lại.
3/ Căn cứ vào thời gian cũng cố và giữ gìn tài liệu:
Trí nhớ gồm trí nhớ ngắn hạn, trí nhớ dài hạn, trí nhớ thao tác.
Trí nhớ ngắn hạn có biểu tượng chỉ ghi lại trong não thời gian ngắn.
Trí nhớ dài hạn có biểu tượng được lưu giữ trong não một thời gian dài.
Trí nhớ thao tác là trí nhớ làm việc, giúp cá nhân có thể hành động khẩn thiết, phức tạp.
III. Các quá trình cơ bản của trí nhớ:
Trí nhớ được thực hiện qua bốn quá trình tâm lý: ghi nhớ, giữ gìn, tái hiện và quên.
1/ Sự ghi nhớ:
Quá trình ghi nhớ là giai đoạn đầu tiên của hoạt động nhớ, là quá trình tạo nên dấu vết “ấn tượng” của đối tượng trên vỏ não, đồng thời cũng là quá trình gắn đối tượng đó với những kiến thức đã có, hình thành mối liên hệ giữa các tài liệu mới với nhau.
Quá trình ghi nhớ rất cần thiết để tiếp thu tri thức, tích luỹ kinh nghiệm. Hiệu quả ghi nhớ phụ thuộc chủ yếu vào động cơ, mục đích, phương thức hành động của cá nhân.
Căn cứ vào mục đích ghi nhớ người ta chia ghi nhớ thành hai loại: ghi nhớ chủ đinh và ghi nhớ không chủ định.
a) Ghi nhớ không chủ định:
Ghi nhớ không chủ định là sự ghi nhớ không có mục đích đặt ra từ trước, không đòi hỏi phải nỗ lực ý chí hoặc không dùng một thủ thuật nào để ghi nhớ, tài liệu được nhớ một cách tự nhiên.
Nhưng không phải mọi sự kiện đều được ghi nhớ một cách không chủ định như nhau. Mức độ ghi nhớ phụ thuộc vào sự hấp dẫn của nội dung tài liệu, nội dung tài liệu mà có khả năng tạo ra sự tập trung chú ý cao độ hay một xúc cảm mạnh mẽ thì sự ghi nhớ sẽ đạt hiệu quả cao. Ví dụ như khi nghe một bài hát hay, ta yêu thích bài hát đó, ta hát theo các ca từ có trong bài hát mà không chủ định học thuộc nó từ trước.
b) Ghi nhớ có chủ định:
Ghi nhớ có chủ định là loại ghi nhớ theo một mục đích đặt ra từ trước, nó đòi hỏi sự nỗ lực ý chí nhất định và cần có những thủ thuật phương pháp nhất định để đạt được mục đích ghi nhớ.
Thông thường có hai loại ghi nhớ chủ định.
- Ghi nhớ máy móc: là loại ghi nhớ dựa trên sự lặp đi lặp lại nhiều lần một cách đơn giản, tạo ra mối liên hệ bề ngoài giữa các phần của tài liệu ghi nhớ, không cần hiểu nội dung tài liệu. Ví dụ như học sinh nhớ bài bằng cách học vẹt. Cách ghi nhớ này thường được tìm mọi cách đưa vào trí nhớ tất cả những gì có trong tài liệu rất chi tiết và chính xác mà không dựa trên sự hiểu biết nội dung nên trong trí nhớ gồm toàn những tài liệu không liên quan gì với nhau. Cách ghi nhớ dẫn đến sự ghi nhớ hình thức, tốn nhiều thời gian, khi đã quên khó hồi tưởng lại được. Tuy nhiên, có lúc lại rất cần thiết nhất là khi ta ghi nhớ tài liệu không có nội dung khái quát như số điện thoại, số nhà, ngày tháng năm sinh…
- Ghi nhớ ý nghĩa (ghi nhớ logic): là loại ghi nhớ dựa trên sự thông hiểu nội dung của tài liệu, trên sự nhận thức được mối liên hệ logic giữa các bộ phận của nó, tức ghi nhớ trên cơ sở hiểu được bản chất, quá trình ghi nhớ gắn liền với quá trình tư duy. Ghi nhớ ý nghĩa là loại ghi nhớ chủ yếu trong hoạt động nhận thức, Nó đảm bảo cho sự lĩnh hội tri thức một cách sâu sắc, bền vững, ít tốn thời gian hơn ghi nhớ máy móc nhưng lại tiêu hao năng lượng thần kinh nhiều hơn.
c) Cách rèn luyện ghi nhớ tốt:
Muốn có trí nhớ tốt phải luyện tập thường xuyên để nâng cao khả năng ghi nhớ.
Muốn ghi nhớ tốt cần phải tập trung chú ý cao độ khi ghi nhớ, phải có hứng thú, say mê với tài liệu ghi nhớ, phải ý thức được tầm quan trọng của tài liệu ghi nhớ và xác định được tâm thế ghi nhớ lâu dài đối với tài liệu.
Phải lựa chọn và phối hợp các loại ghi nhớ một cách hợp lí nhất, phù hợp với tính chất và nội dung của tài liệu, với nhiệm vụ và mục đích ghi nhớ.
Muốn ghi nhớ logic tốt, phải lập dàn bài cho tài liệu học tập, làm điểm tựa để ôn tập và tái hiện khi cần. Phải biết phối hợp nhiều giác quan để ghi nhớ, phải sử dụng các thao tác trí tuệ để ghi nhớ, gắn tài liệu ghi nhớ với vốn kinh nghiệm của bản thân.
Các bước ghi nhớ logic gồm:
- Phân chia tài liệu thành các đoạn, đặt cho mỗi đoạn một tên thích hợp với nội dung của nó;
- Nối liền những điểm tựa thành một tổng thể phức hợp bằng một tên gọi thích hợp nhất.
Những biện pháp quan trọng khác để tiến hành ghi nhớ logic là phân tích, tổng hợp, mô hình hoá, so sánh, phân loại và hệ thống hoá tài liệu.
Biện pháp tái hiện tài liệu dưới hình thức nói thầm (cho mình nghe) cũng quan trọng để ghi nhớ logic. Nên nói thầm khoảng 2-3 lần và nên ghi chép những điều tái hiện được dưới hình thức này ra giấy.
Khi dùng biện pháp này có thể tiến hành theo trình tự sau:
- Cố gắng tái hiện toàn bộ một lần;
- Tái hiện từng phần, nhất là những phần khó;
- Tái hiện toàn bộ;
- Định hướng vào toàn bộ tài liệu;
- Phân chia thành những nhóm yếu tố cơ bản;
- Xác định những mối liên hệ trong mỗi nhóm; - Xác định những mối liên hệ giữa các nhóm.
Ôn tập cũng là một biện pháp quan trọng để ghi nhớ một cách vững chắc và lâu dài. Đây là biện pháp sau khi đã làm những việc trên, nhưng không nên lặp lại y nguyên tài liệu đã ghi nhớ mà nên gắn tài liệu dưới những hình thức và vật liệu khác để luyện tập.
2/ Quá trình giữ gìn:
Quá trình giữ gìn là quá trình củng cố vững chắc những dấu vết hình thành trên vỏ não trong quá trình ghi nhớ.
Nếu không có sự giữ gìn thì không thể nhớ bền, nhớ chính xác được.
Có hai hình thức giữ gìn là tiêu cực và tích cực.
a) Giữ gìn tiêu cực:
Giữ gìn tiêu cực là sự giữ gìn dựa trên sự tái hiện lặp đi lặp lại nhiều lần một cách giản đơn tài liệu cần ghi nhớ thông qua các mối liên hệ bề ngoài giữa các phần tài liệu nhớ đó.
Ví dụ như luyện tập nhiều lần các động tác thể dục để nhớ nó.
b) Giữ gìn tích cực:
Giữ gìn tích cực là sự giữ gìn được thực hiện bằng cách tái hiện trong đầu tài liệu đã ghi nhớ mà không cần phải tri giác tài liệu đó.
Ví dụ như một người giữ gìn hình ảnh của cha mẹ trong đầu.
c) Cách thực hiện quá trình giữ gìn tốt:
Cần phải chủ động ôn tập một cách tích cực theo các trình tự logic của việc tái hiện. Đồng thời, phải ôn tập ngay, không để lâu sau khi ghi nhớ; phải ôn tập xen kẽ, không nên ôn tập liên tục một tài liệu; ôn tập có nghỉ ngơi, không nên ôn tập trong một thời gian dài; ôn tập phải đi kèm sự thay đổi thường xuyên hình thức, phương pháp ôn tập.
3/ Quá trình tái hiện:
Quá trình tái hiện là quá trình làm sống lại những nội dung đã ghi nhớ và giữ gìn. Tài liệu thường được tái hiện dưới ba hình thức: nhận lại, nhớ lại và hồi tưởng.
a) Nhận lại:
Nhận lại là hình thức tái hiện khi sự tri giác đối tượng được lặp lại, tri giác lại một lần nữa những thông tin, kiến thức đã tri giác trước đây.
Sự nhận lại có ý nghĩa trong đời sống mỗi người, nó giúp con người định hướng trong hiện thực tốt hơn và đúng hơn.
Ví dụ như việc thấy một người bạn lâu ngày mới gặp sẽ làm ta nhớ lại về người bạn đó.
b) Nhớ lại:
Sự nhớ lại là hình thức tái hiện không diễn ra sự tri giác lại đối tượng, nhớ lại không diễn ra tự nó mà bao giờ cũng có nguyên nhân, theo quy luật liên tưởng, mang tính chất chặt chẽ và có hệ thống.
Đây là một hành động trí tuệ phức tạp mà kết quả của nó phụ thuộc vào việc cá nhân ý thức rõ ràng, chính xác đến mức nào nội dung của nhiệm vụ tái hiện. Nhớ lại là điều kiện của sự nhận lại.
Ví dụ như nhớ lại các thao tác của quá trình lập luận văn học.
c) Hồi tưởng:
Hồi tưởng là hình thức tái hiện khó khăn, rất cần có sự cố gắng nhiều của trí tuệ.
Trong hồi tưởng, những ấn tượng trước đây không được tái hiện một cách máy móc mà thường được sắp xếp khác đi, gắn với những sự kiện mới.
Ví dụ như hồi tưởng về tuổi thơ, ta không bao giờ nhớ hết tất cả những gì đã xảy ra, có khi nhớ chuyện này, có khi nhớ chuyện khác, không theo thời gian, không gian.
d) Cách thực hiện tốt quá trình tái hiện:
Muốn thực hiện tốt quá trình tái hiện, ta phải ý thức rằng quên không phải là mất tất cả, phải lạc quan tin tưởng rằng nếu cố gắng ta sẽ hồi tưởng lại được.
Phải kiên trì hồi tưởng, khi đã hồi tưởng sai thì lần hồi tưởng tiếp theo không nên lặp lại cách thức, biện pháp đã làm mà cần phải tìm ra biện pháp, cách thức mới.
Cần đối chiếu, so sánh với những hồi ức có liên quan trực tiếp với nội dung tài liệu mà ta cần nhớ lại.
Cần sử dụng sự kiểm tra của tư duy, của trí tưởng tượng về quá trình hồi tưởng và kết quả hồi tưởng. Có thể sử dụng sự liên tưởng nhất là liên tưởng nhân quả để hồi tưởng vấn đề gì đó.
4/ Quên:
a) Quên là không tái hiện lại được nội dung đã ghi nhớ trước đây vào thời điểm cần thiết. Nó diễn ra ở nhiều mức độ khác nhau: quên tạm thời, quên cục bộ (không nhớ lại được nhưng nhận lại được), quên vĩnh viễn.
b) Nguyên nhân: Có thể là do quá trình ghi nhớ, có thể là do quy luật ức chế của hoạt động thần kinh trong quá trình ghi nhớ, và do không gắn được hoạt động hàng ngày.
c) Các quy luật quên: Quên cũng diễn ra theo các quy luật.
- Người ta thường quên những cái gì không liên quan hoặc ít liên quan đế đời sống, những cái gì không phù hợp với hứng thú, sở thích nhu cầu của cá nhân.
- Quên những cái gì không sử dụng thường xuyên.
- Quên khi gặp những kích thích mới lạ hay những kích thích mạnh.
- Sự quên cũng diễn ra theo một trình tự nhất định : quên cái tiểu tiết, vụn vặt trước, quên cái đại thể chính yếu sau.
- Sự quên diễn ra với tốc độ không đồng đều. Ở giai đoạn đầu tốc độ quên khá lớn , về sau tốc độ quên giảm dần.
- Về nguyên tắc, quên cũng là một hiện tượng hợp lý hữu ích, giúp cho não không bị quá tải. Chẳng hạn, khi chúng ta không cần nhớ những hình ảnh tâm lý không vui, các hoàn cảnh đau thương, các chuyện buồn thì quên thật có ích.
- Quên cũng có mặt tiêu cực là làm ta không giải quyết được công việc kịp thời do thiếu những thông tin được ghi nhớ trước đây.
d) Các biện pháp chống quên để trí nhớ tốt:
Chống quên bằng cách gắn tài liệu cần ghi nhớ vào tài liệu lưu giữ để học tập.
Kiên trì hồi tưởng, sáng tạo các biện pháp để hồi tưởng.
Đối chiếu, so sánh các tài liệu với nhau
Dùng các biện pháp để tái hiện trí nhớ thủ công.
Thực hiện học đi đôi với hành, kết hợp các kiến thức đã học ứng dụng vào thực tiễn…
IV. Các biện pháp khác giúp có trí nhớ tốt:
Ngoài việc thực hiện tốt các quá trình ghi nhớ tốt, để có trí nhớ tốt chúng ta cần phải thực hiện một số biện pháp khác:
- Tin tưởng là mình có một trí nhớ tốt và cải tiến được, hiểu được các quy luật của trí nhớ. Đó sẽ là yếu tố tinh thần giúp chúng ta có thể duy trì, cải thiện trí nhớ.
- Rèn luyện não bộ thường xuyên, luyện tập ghi nhớ.
- Tập thể dục mỗi ngày để có sức khỏe tốt.
- Giảm căng thẳng tâm thần (stress) bằng các biện pháp khoa học, khi cần thiết phải đến gặp bác sĩ.
- Ăn uống điều độ, ăn tốt, ăn đúng, đủ chất, không lạm dụng chất kích thích có hại cho não.
- Luyện tập ghi nhận tốt các hình ảnh bằng việc tập trung liên tưởng, suy nghĩ, ghi nhớ.
- Tạo ra một khoảng thời gian cần thiết để ký ức có thể hình thành.
- Tạo ra những hình ảnh linh hoạt, bắt mắt để dễ nhớ.
- Lặp đi lặp lại nhiều điều mà bạn cần nhớ.
- Tập trung, phân chia những điều cần nhớ thành các nhóm.
- Tổ chức đời sống gọn gàng, xây dựng cuộc sống đơn giản, lành mạnh.
- Tập các biện pháp thư giản như ngồi thiền, yoga...
- Không thức quá khuya, cố gắng tạo cho mình giấc ngủ sâu và ngon giấc.
- Sử dụng các kỹ thuật giúp nâng cao khả năng nhớ như bản đồ tư duy(mind map), lập đề cương, các trò chơi trí nhớ.
- Mạo hiểm và học hỏi từ các sai lầm, hình thành nên các kinh nghiệm cần thiết.
- Phòng các bệnh về trí nhớ như Alzheimer, hội chứng korsaroff (hội chứng hay quên)…
V. Kết luận:
Trí nhớ là một quá trình tâm lý rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ đời sống của con người chúng ta.
Trí nhớ gồm bốn quá trình mang tính độc lập tương đối, vừa liên quan hệ thống với nhau.
Trí nhớ của mỗi người là không như nhau về mọi mặt, nhưng trí nhớ có điểm chung là có thể luyện tập để nâng cao được. Vì vậy, con người phải tích cực thực hiện các biện pháp để duy trì, cải thiện trí nhớ và để có trí nhớ tốt hơn nữa, trong đó, chú trọng việc thực hiện tốt bốn quá trình tâm lý của trí nhớ con người.
Có trí nhớ tốt, con người mới có thể sống tốt, học tập và lao động giỏi để đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
Sưu tầm*