• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Trẻ con luôn luôn đúng

  • Thread starter Thread starter vosong
  • Ngày gửi Ngày gửi

vosong

New member
Xu
0
Trẻ con luôn luôn đúng

LTS: Ba truyện ngăn của Y Ban sẽ khiến chúng ta phải bật cười. Nhưng sau tiếng cười là một nỗi buồn thấm lặng. Có cảm giác tác giả đã viết “dễ như không”, nhưng không có gì được xem là dễ dãi... ngoài hoa gạo rụng đã in trên một tạp chí của bộ giáo dục - đào tạo còn lại đều là những sáng tác mới của Y ban.


ImageView.aspx


Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Thằng con trai của Thìn học lớp 4 về nói với mẹ: “Mẹ ơi, con già nhất nhà mình”. Thìn đang nấu cơm ậm ừ: “Đúng rồi, con già nhất nhà mình”. Thằng bé khoái quá chạy đi chơi. Đến tối ngồi ăn cơm thằng bé lại bảo với bố: “Bố ơi, con già nhất nhà mình đấy”. Ông bố đang đầy mồm cơm không quát được to: “Bố láo nào”. Rồi nuốt đến ục cho cục cơm trôi vào miệng. Thằng con trai nói lại: “Thật mà bố”.

Ông bố thấy sự hồn nhiên của thằng con mới thấy mình cáu thật vô lý. Ôn tồn hỏi con: “Tại sao con lại bảo con già nhất nhà mình?”. “Thật mà bố, hôm nay con học bài thơ thế này bố ạ: Trời sinh ra trước nhất. Chỉ toàn là trẻ con... Vậy thì con chẳng già nhất nhà ta là gì”. Ông bố đần mặt ra nghĩ ngợi, còn Thìn phá lên cười. Rồi ôm con vào lòng: “Đúng lắm, con nói đúng quá”.

Thìn là cô giáo dạy tiểu học. Quả là nếu không có cậu con trai hiếu động, thông minh mà có lúc Thìn đã gọi là trợ giảng của mẹ thì những tình huống dạy học trên lớp Thìn không biết xử lý thế nào. Như hôm trước khi Thìn dạy cho học sinh bài Nàng tiên ốc (Nàng tiên ốc kể câu chuyện về một bà già nghèo chuyên mò cua bắt ốc, một hôm bà bắt được một con ốc lạ, thương tình không bán đem về bỏ trong chum, hóa ra đó là nàng tiên ốc, khi bà đi vắng nàng tiên ốc hóa thành người dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm cho bà già...).

Sau khi kể câu chuyện bằng thơ cho cả lớp nghe, Thìn mới đặt câu hỏi: “Bà già nghèo bỏ ốc vào trong chum để làm gì?”. Một em học sinh đứng dậy trả lời: “Em thưa cô, bà già bỏ ốc vào trong chum nuôi cho béo rồi ăn thịt ạ”. Cả lớp cười nghiêng ngả. Thìn cũng cười. Để cho cả lớp cười xong Thìn mới nói: “Em trả lời đúng rồi, nhưng trong câu chuyện cổ tích cô vừa kể thì bà già bỏ ốc vào trong chum rồi con ốc hóa thành ai nhỉ?”. “Con thưa cô, nàng tiên ạ”. “Đúng rồi, cả lớp mình giỏi lắm”.

Lớp học của Thìn hay được cấp trên dự giờ. Một lần có cấp trên to lắm của bộ về dự. Cấp trên to lắm muốn làm gương cho cô giáo về cách giảng dạy chủ động. Hôm ấy các em học bài Sự tích cây vú sữa. Cấp trên to lắm mới đặt câu hỏi: “Khi mẹ đi mất rồi các con phải làm gì?”. Cả lớp đồng thanh trả lời: “Chúng con ở với bố ạ (câu trả lời theo sách giáo khoa là các con phải ngoan ngoãn rồi mẹ sẽ quay về)”. Nghe học sinh trả lời xong, cấp trên to lắm buồn rầu kết thúc tiết học. Sau đó họp các giáo viên rút kinh nghiệm. Cấp trên to lắm phê bình các giáo viên dạy dỗ các em học sinh không đến nơi đến chốn, không nắm chắc bài, trả lời lung tung. Thìn buồn lắm. Buồn vì thương lũ học trò mới lên chín tuổi đầu mà bị cấp trên to lắm nhận xét như vậy.

Một lần khác cấp trên to nhất về thăm trường của Thìn. Lớp Thìn lại được chỉ định cho cấp trên to nhất dự giờ. Hôm ấy lớp Thìn học bài sự thân thiện. Cấp trên to nhất lên bục giảng để giải thích cho các em nghe vì sao các em phải thân thiện với môi trường, với con người. Cấp trên to nhất đặt câu hỏi: “Truyền thống của dân tộc ta là ra ngõ gặp ai các con nhỉ?”. Lác đác có em trả lời (chắc vì ngại sự uy nghiêm của cấp trên to nhất): “Gặp gái ạ”. Cấp trên to nhất hỏi lại: “Gặp ai các con nhỉ?”. Cả lớp đồng thanh trả lời rất đều và to: “Gặp gái ạ (câu trả lời đúng là ra ngõ gặp anh hùng)”.

Lần này thì cả ban giám hiệu cũng bị phê bình. Cũng từ lần đó thì không có cấp trên nào về thăm trường của Thìn nữa. Nhưng từ trong thâm tâm mình, Thìn biết học sinh của cô đã trả lời đúng câu hỏi. Các gia đình bây giờ bỏ nhau như cơm bữa. Trẻ con chỉ được sống cùng với một trong hai người. Bố bỏ đi thì sống với mẹ, mẹ bỏ đi thì sống với bố. Trẻ con thì đều ngoan ngoãn thiên thần cả mà bố với mẹ đã bỏ đi rồi có bao giờ quay về đâu.

Còn câu hỏi của quan to nhất thì học sinh cũng trả lời quá đúng. ở nhà thì bố mẹ ông bà luôn có câu cửa miệng: ra ngõ gặp gái là xui lắm. Ra đường thì bác hàng xóm, cô hàng xóm cũng cùng một câu: hôm nay ra đường gặp gái xui quá. Thậm chí còn nghe được cả cô giáo cũng vô tình phàn nàn, xui quá hôm nay đã ngày ba ra ngõ còn gặp gái. Đó là chưa kể dân chơi đề nhan nhản, câu cửa miệng lúc nào chẳng là: chết là phải, gặp gái khác gì ăn phải thịt trâu toi.
Trẻ con luôn luôn đúng.

______________

Đi câu mực ở biển Sầm Sơn

ImageView.aspx

Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Mấy năm nay ở bãi biển Sầm Sơn có thêm một thú vui giải trí ngoài những trò đỏ đen, và trò vui một tí giải trí cuộc đời ấy là trò đi câu mực. Hăng ngày trong bữa ăn có mực tươi ngon miệng làm cho nhiều khách tò mò muốn biết câu được con mực là khó hay dễ.

Có người thì bảo khó lắm, nếu mà dễ thì mực tươi chả lên đến hàng đặc sản, đắt đỏ. Lại có người bảo câu mực dễ như đút cơm vào miệng. Mực đi từng đàn bắt đèn, cứ thế cho tay xuống nước mà vớt lên. Thế là khách rất khoái cái trò đi câu mực.

Câu mực phải ngồi lên thuyền thúng, dứt khoát không phải là thuyền nào khác. Thuyền thúng của dân câu mực thì chả có ghế ngồi hay mái chèo. Ngồi xổm, chèo bằng tay. Còn thuyền thúng của khách câu mực thì có thêm mấy cái ghế cho khách ngồi và có mái chèo cho người chèo thuyền thúng đưa khách ra biển. Người chèo thuyền thúng có cách chèo rất đặc biệt, ấy là đít phải ngoáy tít. Có nghĩa là phải vận động cả hai tay và cái đít để ngoáy mái chèo vào nước thì mới đưa được thuyền thúng đi. Thuyền thúng đi đường vòng xoáy.

Ngồi thuyền thúng đi câu mực không đắt, chỉ có 50.000 đồng một giờ đồng hồ. Thuyền được đưa ra xa bờ khoảng vài trăm mét thì neo lại. Một cái đèn pin sáng nhờ nhờ được bật lên thả xuống nước để nhử mực đến. Đi câu không phải dễ. Người nào phải biết chờ đợi thì mới câu được cá. Kẻ xồn xồn thì chả bao giờ câu được con cá nào. Chiếc thuyền thúng mỏng manh dù đã được neo lại thì cũng vẫn nhẹ, lúc nhảy nhênh nhênh trên ngọn sóng, lúc quay vòng tròn. Khách câu mực, kẻ xồn xồn thì bắt đầu nóng đít, người nhẫn nại thì bỗng thấy dại. Biển mênh mông đen kịt chứa đựng biết bao điều bí hiểm.

Thôi thì chẳng biết có tiên cá, có vua thủy tề hay không nhưng chỉ cần một cơn gió thổi mạnh là lập tức con thuyền chao đảo mạnh. Vô phúc thuyền mà lật thì lăn tõm cả xuống biển, phao không có cái nào biết bấu víu vào đâu. Chết ráo cả lũ. Lại còn người bị say sóng, ậm ọe đòi nôn. Một giờ là 60 phút, mới được có 15 phút. Chả tiếc làm gì. Biết thế nào là câu mực rồi.

- Thuyền ơi vào bờ thôi, không câu nữa. Chóng mặt lắm rồi.

- Không vào được đâu các bác các anh các chị các cô các chú ạ, ở đây chúng cháu làm ăn đúng đắn lắm, đúng 60 phút nhà cháu mới được đưa các bác các anh các chị các cô các chú vào bờ.

Thuyền thúng chao mạnh, nước bắn cả vào người. Một khách nữ kêu ré lên rồi ọe ra một đống những là mực xào và cua ghẹ. Tiếc đứt ruột. Bữa ăn chiều tính ra mỗi người hết hơn 200.000 đồng. Cả nhà mình bốn người mà cũng chỉ mong tháng lạnh giời có ngần ấy tiền mua cá khô để đỡ thèm thịt. Tay lái thuyền nghĩ thầm trong bụng.

Nôn xong một chập khách nữ rên lên, vào thôi, chết mất.

Khách nam nói như ra lệnh: “Nhổ neo rồi chèo thuyền vào bờ đi, không câu kẽo gì nữa”.

- Không vào được đâu các bác các anh các chị các cô các chú ạ, ở đây chúng cháu làm ăn đúng đắn lắm, một giờ là 60 phút nhà cháu mới đưa các bác các anh các chị các cô các chú vào bờ được ạ.

Khách nam hét lên rồi nắm lấy cổ áo tay lái thuyền: “Mày muốn gì?”.

- Cháu chẳng muốn gì ạ. Chú bỏ tay ra đi không có thuyền úp là cháu không cứu người được đâu.

Một khách nam khác đành đấu dịu: “Chú mày cần gì?”.

- Dạ nhà cháu cần... Dạ không ạ. Thôi thì đưa cho nhà cháu 150.000 đồng để nhà cháu chèo vào bờ.

- Mày nói gì? Du khách nam nóng tính lại hét lên. Mày định giở trò ăn chặn lưu manh tống tiền hả?

- Dạ không ạ. ở đây chúng cháu làm ăn đúng đắn lắm ạ, đúng 60 phút chúng cháu mới đưa các bác các anh các chị các cô các chú vào bờ được ạ.

- Thôi anh ơi, anh đưa cho nó tiền đi, em chết mất.

Tiền trao cháo múc. Tay lái thuyền như con rối ngoáy đít, ngoáy mái chèo đưa con thuyền thúng vào bờ.

Lên bờ khách nữ hết say cười rũ ra. Khách nam nóng tính chửi thề, vui đéo gì mà cười. Khách nữ mới kể các anh đã đi du lịch bằng lạc đà ở Ai Cập chưa? Cưỡi lạc đà đi một giờ đồng hồ chỉ mất có 20 đôla. Nhưng xuống lạc đà thì phải mất 100 đôla. Tiếc tiền à? Tự trèo xuống đi, gãy chân chủ lạc đà không phải chịu trách nhiệm đâu nhé.

______________

Hoa gạo rụng

Có một bà già nghèo nhỏ thó sống trong một căn nhà nhỏ bên cạnh một cây gạo già. Cây gạo già nhưng vẫn trổ hoa vào tháng ba. Tháng ba bà già nhỏ thó đứng dưới gốc cây để xem hoa gạo rụng. Hoa gạo ở đầu cành lặng lẽ bứng khỏi cành, rơi cái núm hoa xuống trước, năm cánh hoa xoay tròn trong không khí như cái chong chóng. Cách rụng hoa kiểu chong chóng, cánh hoa không bị giập nát khi tiếp đất. Bà già nhỏ thó nhặt bông hoa đó mang vào nhà. Còn nếu hoa rụng bộp xuống đất đó là khi có gió lay hoặc những cánh hoa úp xuống. Khi đó những cánh hoa đỏ bị bầm giập. Bà già nhỏ thó nhặt hoa gạo lên thương tiếc rồi lại vứt xuống đất.
Bà già nghèo nhỏ thó có một nỗi niềm riêng mà không bao giờ bà nói cho ai biết. Chỉ có những bông hoa gạo nở vào tháng ba mới biết điều đó. Và một bông hoa gạo đã kể cho tôi nghe khi tôi đi qua nhà bà vào tháng ba, tôi đã đứng lặng dưới gốc để chờ một bông hoa gạo rụng.

Xưa bà già nghèo sống trong một gia đình nghèo. Gia đình nghèo sống trong một cộng đồng nghèo. Nghèo là đói. Cái đói triền miên. Nhưng cái đói thanh sạch. Không biết từ bao giờ mà từ cộng đồng đến gia đình và từng cá nhân biết chịu đựng cái đói. Điều này nhìn vào là biết ngay, nhà không cần cửa, vườn không cần rào.

Trong gia đình bà già nghèo có một cái chum rất to. Ở trong đó có những thứ ăn được. Lũ trẻ bụng lúc nào cũng đói meo nhưng không bao giờ bén mảng đến gần cái chum. Chỉ có mẹ là người duy nhất trong nhà được mở chum để lấy gạo nấu ăn, hoặc một loại thức ăn nào đó. Một lần mẹ lấy từ trong chum ra một thứ gọi là mì sợi. Mẹ bắc chảo rồi cho mì sợi vào rang. Mẹ cho thêm ít mỡ và một ít đường. Một món ăn tuyệt vời. Nó ngon hơn tất thảy mọi thứ ngon nhất ở trên đời này. Chỉ đơn giản là bọn trẻ con khi ấy chưa bao giờ được ăn thứ gì ngon hơn.

Mấy ngày sau bố mẹ đi làm chỉ có ba chị em ở nhà. Bà già nghèo nhỏ thó là chị cả, lên mười tuổi, gầy đen như que củi nhưng mầm lớn đang cựa quậy để trỗi dậy. Cái món ăn tuyệt vời của mẹ làm cho ba chị em cứ nhòm ngó vào cái chum. Không thể dừng được nữa, ba chị em quyết định mở chum để lấy một ít mì sợi, đường và mỡ. Chị cả gầy đen bảo với hai thằng em:

- Chúng mày ra ngõ đứng canh mẹ. Mẹ mà bắt gặp chị em mình ăn vụng thế này mẹ sẽ rất đau khổ. Nếu mẹ về chúng mày hô hoa gạo rụng thì tao sẽ giấu chảo mì vào đống rạ.

Hai thằng em ra ngõ canh mẹ. Chị cả gầy đen nổi lửa rang mì. Chảo mì đã bốc mùi thơm lựng, chỉ cần cho ít đường nữa là xong. Bỗng nhiên một tiếng hô ở ngõ dội vào bếp: hoa gạo rụng.

Chị cả gầy đen cuống quýt bắc chảo mì giấu vào đống rạ. Vì sợ quá mà quên dùng lót tay nên hai bàn tay đỏ ửng lên vì bị bỏng chảo nóng. Chị cả gầy đen đau rát ở hai tay nên thu hai tay vào trong áo, áp vào bụng thấy đỡ đau. Chị cả gầy đen chạy ra cổng. Hai thằng em đang cười nhăn nhở. Chúng bảo chúng dọa chị đấy. Chị cả khóc nức lên, giơ hai bàn tay đỏ ửng cho hai thằng em xem.

Nhưng có một cái chị cả không cho hai thằng em nghịch ngợm xem được đó là các mầm lớn trong chị cả đã thui rồi. Cái lúc ba từ “hoa gạo rụng” lọt vào tai chị cả thì một sự sợ hãi tột cùng ập đến. Chị cả rùng mình và cảm nhận được một sự lìa đứt vô hình trong cơ thể. Như cái lúc bông hoa gạo lìa cành chỉ có mình chị cả nhìn thấy, mà có giải thích thế nào hai thằng em cũng không cảm nhận được.

Từ đó chị cả không lớn lên được nữa. Bố mẹ đã mang chị cả đi đến nhiều bệnh viện để khám và chữa. Không có một thuốc nào làm chị cả lớn lên được tí nào.

Hai đứa em lớn lên đi khỏi làng. Chúng thành đạt trên đường đời chúng chọn. Chị cả ở lại căn nhà nhỏ của cha mẹ nghèo. Chị cả thành một bà già nghèo nhỏ thó. Hai đứa em thi thoảng về thăm. Chúng nói chuyện với nhau rằng bây giờ người ta no đủ trong sự dối trá và suy đồi. Chúng bảo với bà già nghèo nhỏ thó rằng chị thật hạnh phúc, tháng ba chị được xem hoa gạo rụng và chị vẫn thích món mì rang đường, chị không phải bon chen.

Truyện ngắn của Y BAN

Nguồn: TTCT
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top