Trâu Kỵ khuyên vua Tề nghe lời can gián
Trâu Kỵ, thân cao trên tám thước, dung mạo khôi ngô. Một buổi sáng mặc áo, đội mũ, soi gương và hỏi vợ.
Tôi với Từ Công ở phía bắc thành, ai đẹp ?
Vợ trả lời:
Mình đẹp lắm, Từ Công sao đẹp bằng mình được.
Từ Công ở phía bắc thành là người đẹp của nước Tề.
Kỵ không tin, lại hỏi vợ bé ( thiếp).
Tôi với Từ Công, ai đẹp?
Người vợ bé, đáp.
Từ Công sao có thể đẹp bằng ông được.
Hôm sau, có khách tới chơi, cùng ngồi trò chuyện. Kỵ hỏi khách:
Tôi với Từ Công, ai đẹp?
Khách đáp:
Từ Công không đẹp bằng ngài!.
Hôm sau nữa. Từ Công đến chơi, Kỵ ngắm kỹ ông ta, tự cho mình không đẹp bằng, liếc nhìn bóng mình trong gương lại càng thấy mình kém xa. Đêm nằm nghĩ. Vợ lớn khen ta đẹp là tư vị với ta, vợ bé khen ta đẹp là vì sợ ta: khách khen ta đẹp là cầu cạnh ta.
Hôm sau vô triều, yết kiến Uy vương, tâu:
Thần biết chắc không đẹp bằng Từ Công. Vợ lớn của thần tư vị thần, vợ bé của thần sợ thần, khách của thần muốn cầu cạnh thần, cho nên đều khen thần đẹp hơn Từ Công. Nay nước Tề vuông ngàn dặm, có tới 120 thành, cung nữ và kẻ tả hữu trong cung có ai là không tư vị với Đại vương, bề tôi ở triều đình có ai là không cầu cạnh Đại vương. Qua đó thì thấy, Đại vương bị che lấp quá lắm rồi!.
Uy vương trả lời:
Đúng.
Bèn hạ lệnh:” Quả lại và dân chúng ai chỉ trích thẳng vào mặt ta một lỗi nào thì ta sẽ thưởng hạng nhất. Ai mà dùng thư can gián ta thì được thưởng hạng nhì. Ai mà chê bai ta ở chợ hoặc triều đình mà đến tai ta thì được hưởng hạng ba.”
Lệnh mới ban, quần thần tới can gián, cửa cung náo nhiệt như cảnh chợ. Ít tháng sau lời can gián giảm bớt. Một năm sau, dù có muốn nói cũng không có gì để can gián.
Yên, Triệu, Hàn, Ngụy nghe tin đều đến triều kiến ( suy tôn) vua Tề. Đó gọi là giành chiến thắng ngay tại triều đình.
Nguồn: NXBVHTT.