• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Tranh luận nóng giữa 'người ngoan' với hiệu trưởng 'không ngoan'

Giao Su Vọc

New member
Xu
0
images1935147_MinhNhut.jpg
Ảnh: An Bang.

"Chiếc áo không làm nên thầy tu”

Bạn đọc H.V ở HN đã phản biện: "Việc xưng hô con-thầy hay em-thầy thể hiện văn hóa và sự tôn trọng với người thầy, người lớn tuổi, và đa dạng của ngôn ngữ Việt Nam. Nó hoàn toàn không xuất phát từ sự tự tin hay tư duy gì cả. Sự thiếu tự tin hay thiếu năng lực tư duy là nằm ở cách giáo dục một chiều, thiếu phản biện từ nhỏ chứ không nằm ở cái hay của văn hóa, ngôn ngữ".

Một bạn đọc khác ở Đà Nẵng đặt vấn đề xưng “tôi” của SV với giảng viên ở mức độ gay gắt hơn: Nếu bảo SV phải xưng "tôi" cả với thầy cô thì thực cần phải xem lại cái gốc văn hoá của mình. Mình có còn là người VN không ?. VN không phải chỉ có từ "ủa", "nỉ" như bên Trung Quốc, hay "I", "you" của Anh, Mĩ.

Trong quá trình phát triển, xã hội VN đã tạo nên một hệ thống từ ngữ xưng hô rất phong phú và đầy sắc thái tình cảm, trật tự ngôi thứ... Đó là kết quả của hàng ngàn năm văn hoá mà đến nay chúng ta vẫn đang ra sức dạy dỗ HS cách dùng từ ngữ xưng hô sao cho đúng đối tượng trong nhà trường.

Một giảng viên ĐH ở TP HCM chia sẻ về câu chuyện xưng hô bằng những trải nghiệm cá nhân:” Theo tôi, cách xưng hô không liên quan gì nhiều đến tư duy hay việc tiếp thu tri thức của sinh viên. Trong thực tế, tôi thấy những sinh viên học khá và nhanh nhẹn trong giao tiếp lại rất lễ phép với các giáo viên và người lớn tuổi, cư xử đúng mực, còn nhiều sinh viên lười học lại có những cách giao tiếp rất kém không chỉ trong nhà trường mà cả trong gia đình và ngoài xã hội.

Giang viên này chia sẻ bà rất trân trọng với những trăn trở trong việc đổi mới giáo dục của TS Bùi Trân Phượng. “Mỗi dân tộc đều tự hào về truyền thống và văn hoá của mình, nếu đánh mất nó là đánh mất chính mình. Mà diện mạo đầu tiên của dân tộc là ngôn ngữ giao tiếp. Không lẽ để tiến bộ, văn minh chúng ta lại đồng hoá ngôn ngữ để văn minh bằng người. Tôi không thể tưởng tượng ra nếu trong gia đình con cái bố mẹ lại gọi bằng you- I (mày, tao) thì dân tộc ta sẽ đi về đâu?” giảng viên này cho biết thêm

Một bạn đọc khác ở Đà Nẵng lo sợ về căn bệnh “sính Tây” trong xã hội VN khi liên tưởng câu chuyện xưng hô đến tác phẩm "Buổi họp phụ huynh" của Azit - Nexin, có vị cứ muốn trẻ em Thổ Nhỹ Kỳ nói tiếng Đức vì ông thấy người Đức rất giỏi.

Một phụ huynh học sinh từ Tokyo lên tiếng: vấn đề độc lập tư duy, hoàn toàn không liên quan tới việc xưng hô. Nếu bố mẹ và thầy giáo giảng dạy có phương pháp, con cái và học sinh hoàn toàn có thể trình bày ý kiến cá nhân của mình mà không gặp bất cứ rào cản nào.

Một lưu học sinh từ Ấn Độ thẳng thắn: Nền giáo dục tốt nhất là sự phù hợp với tư duy dựa trên nền văn hóa của đất nước mà người sinh viên đang sinh sống.Chúng tôi là những sinh viên trẻ cần một nền giáo dục chuẩn mực, phù hợp với văn hóa đất nước để chúng tôi "hòa nhập" cùng thế giới; chúng tôi không cần những cái mới từ bên ngoài để thay đổi rồi bị "hòa tan" trong thế giới”.

Anh Huy Vũ ở TP.HCM đặt lại câu hỏi liệu câu chuyện xưng hô có phải là một căn bệnh hình thức? Anh cho rằng thói quen xưng hô cũ xuất phát từ văn hoá đất nước VN. Nhân câu chuyện này, anh Huy Vũ cũng chia sẻ trăn trở về tình hình hình chung của xã hội : những giá trị cũ đang bị đả phá, trong khi đó các giá trị mới chưa được tạo nên. Điều này quá nguy hiểm! Dễ thấy những hệ luỵ của nó, đã và đang diễn ra, ở khắp các lĩnh vực, không riêng gì giáo dục…

Khi "trứng không thể khôn hơn vịt"...

Độc giả Ngọc Cương ở TP.HCM nhất trí với một số ý kiến rằng: thay đổi cách xưng tôi ở trường ĐH không thể làm nên cuộc cách mang giáo dục.
Nhưng ông rất đồng ý với bà Phượng là sinh viên VN thiếu và yếu trong việc chủ đông học ở ĐH. Bởi vì khi học phổ thông ở nhà thì bố mẹ giáo dục con theo kiểu gia trưởng, mọi việc nhất nhất phải nghe bố mẹ, không chú ý giáo dục con phát triển tính tự lập theo lứa tuổi.

Ở trường phổ thông thì thầy cô giáo thường chỉ dạy giải bài tập theo mẫu giải và làm quá nhiều bài tập. Trong khi đó dạy các khái niệm định nghĩa và hệ thống cấu trúc môn hoc và phương pháp giải bài tập thì quá mờ nhạt.
Chính vì thế các cháu trở thành một con người thụ động mà nói một cách nôm na là rất trẻ con khi vào trường đại học”.

Một bạn đọc khác cùng quan điểm: Tôi thấy việc xưng hô "tôi " của SV không hại đến truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc VN. Bản thân tôi khi dạy ở Đại học (cách đây hơn 40 năm) cũng thấy sinh viên hơn tuổi tôi xưng là “tôi” với thầy cô giáo

Tôi lại không tán thành các đồng nghiệp , cộng sự trẻ tuổi xưng cháu, hay em mà nên xưng tôi , vì quan hệ là bình đẳng , cho dù tuổi lớn hơn, tôi muốn tôn trọng người trẻ .

Nhưng thực tế tôi thấy trong xã hội mình từ cha mẹ ở nhà đến thầy cô ở trường thiếu tôn trọng con em, hay bao bọc và uốn nắn quá nhiều khiến trẻ không có suy nghĩ độc lập, hoặc sợ nói sai bị phê phán, chi bằng mũ ni che tai cho yên chuyện.

Từ ĐH Hồng Đức, Thanh Hóa, độc giả Lê Thị Thanh hoàn toàn đồng tình với TS Phượng khi cho rằng cách xưng hô thể hiện văn hóa, và nó cho thấy văn hóa của VN coi “trứng khôn hơn vịt” là không thể nên đã khiến nhiều thế hệ chấp nhận sự áp đặt và coi con trẻ biết chịu sự áp đặt là ngoan ngoãn và ngược lại là không ngoan, thậm chí bất bình thường...

Và kết quả là gì ? SV của chúng ta hiện nay ra sao ? thậm chí cả thế hệ giảng viên chúng ta nữa ? Chấp hành cấp trên vô điều kiện hay có chính kiến của mình ? và cấp trên có biết chấp nhận hay chỉ là “nghe” những ý kiến đúng, sáng tạo của cấp dưới không?

Một bạn đọc khác ở TP.HCM cũng cho rằng: Quả thật, những di sản nặng nề của quá khứ liên quan đến những yếu tố tiêu cực của Nho giáo đã cản trở tư duy độc lập và tư duy phê phán của học sinh và sinh viên”

Nhưng ông phân tích thêm: còn một yếu tố khác cũng tạo ra sự cản trở không kém là cơ chế quan liêu bao cấp đang tồn tại rất bền vững trong ngành giáo dục và các ngành khác.

Cơ chế này tạo ra cái não trạng của người cấp dưới luôn chỉ biết phục tùng và"quán triệt" mọi sự chỉ đạo hay “ban phát” của cấp trên. Cơ chế này lại rất phù hợp với di sản kia,làm cho vấn đề càng trở nên nghiêm trọng.
Một bạn đọc tâm huyết khác ở Hà Nội cho rằng quan điểm: “truyền thống văn hóa gây ra rào cản cho sự phát triển” chỉ đúng một phần.

Ông dẫn chứng ở Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn giữ những truyền thống khá khắt khe như một bạn đọc đã nói: “Tôi đã chứng kiến ngay trong một buổi liên hoan, lúc đang ăn, có một sinh viên cao học mắc lỗi (tôi cũng không rõ mức độ lỗi của sinh viên đó vì họ nói tiếng Hàn).

Giáo sư bắt cậu sinh viên đó bỏ bát và chống đẩy đến kiệt sức vẫn không cho ngồi dậy, phải nằm dưới đất mà nghỉ. Vậy mà sinh viên Nhật, Hàn tuy năng lực tư duy, khả năng làm việc chưa thể so bằng sinh viên các nước Tây Âu, Mỹ nhưng hơn rất nhiều so với sinh viên Việt Nam.

Trong khi đó, Trung Quốc ngay cạnh chúng ta, truyền thống của họ (trong quan hệ ứng xử) đã thay đổi cực mạnh trong nhiều năm nay nhưng khả năng tư duy độc lập của sinh viên của Trung Quốc cũng chưa sánh bằng sinh viên Nhật, Hàn.

Theo quan điểm của tôi, vấn đề mấu chốt làm hệ thống giáo dục của nước ta tụt lùi so với thế giới (thậm chí so với ngay một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore hay Philipines):

Thứ nhất là do Hệ thống giáo dục của Việt Nam lạc hậu, yếu kém.

Thứ hai là sự quản lý giáo dục rất yếu kém và xin nói thẳng là có quá nhiều giả dối khi báo cáo thành tích, hiệu quả đào tạo. Chúng ta giả dối với chính mình ngay từ báo cáo nội bộ của mỗi trường. Ngoài ra, chưa có sự kết hợp đồng bộ của toàn xã hộ nên những yếu kém trong giáo dục vẫn tồn tại. Ví dụ cụ thể là tiêu cực trong thi tuyển viên chức: những người có bằng cấp nhưng không có năng lực và phẩm chất thực sự vẫn được tuyển vào làm việc tại những nơi không xứng đáng với họ.

Nếu như các cơ quan này (chủ yếu là cơ quan nhà nước) kiên quyết thi tuyển viên chức (công chức) một cách nghiêm túc và chuẩn xác thì những người được đào tạo từ những cơ sở đào tạo kém chất lượng sẽ khó có cơ hội xin việc, cho dù họ là ai chăng nữa. Như vậy, người học sẽ phải tìm những trường chất lượng mà học. Những nơi đào tạo kém chất lượng mà không tự cải thiện hoặc không thể cải thiện được sẽ dần dần bị đào thải.


VNN.
---------

Trước những ý kiến tâm huyết của bạn đọc, TS Bùi Trân Phượng đã viết thư gửi về VietNamNet để trao đổi lại những thịnh tình của độc giả về các quan điểm giáo dục của bà: Tôi được đọc bài nầy trễ hơn nhiều bạn đọc khác. Tôi rất cảm kích về các ý kiến đóng góp của người đọc.

Không có ý kiến nào tôi thấy là "không phải". Ngược lại, ở các ý kiến dù tán thành hay phản đối, tôi đều cảm nhận sự nghiêm túc và tâm huyết, tôi rất cám ơn.

Tôi tôn trong chủ quan của mỗi người. Cũng như tôn trọng chủ quan của phóng viên khi "tường thuật" cuộc phỏng vấn bằng câu chữ và thông qua sự gạn lọc của chính mình, qua sự giựt "tít" hơi có phần quá "giựt gân", như nhan đề kỳ 2 được báo ở trên làm tôi "hồi hộp" (như hồi còn nhỏ mỗi lần đi đám giỗ!); và khi đọc tới bài 2 còn "giựt mình" hơn! Nhưng đó là nghề của người làm báo (?). Tôi khác nghề, nhưng tôi thông cảm, vì thói quen tôn trọng sự khác biệt.

Có vài điều xin nói rõ hơn. Cũng chỉ là trao đổi cho vui, vì thịnh tình của người đọc.

Tôi tôn trọng và yêu quý văn hóa Việt, văn hóa Á Đông. Vừa bởi vì tôi là người Việt, vừa bởi đó là đối tượng nghiên cứu mà tôi đã dành nhiều thời gian, tâm huyết. Tôi chỉ thấy là sự "thiêng liêng hòa" truyền thống, sự tuyệt đối hóa mặt này hay mặt khác trong bất kỳ nền văn hóa nào đều là cực đoan và có hại.

Tôi xuất thân từ gia đình có nhiều thế hệ nhà giáo, bản thân cả đời làm giáo dục, tôi yêu nghề, yêu người học, nên vô cùng trân trọng tình thầy trò đích thực. Tôi chỉ cho là quan hệ tôn ti quá đáng và cứng nhắc sẽ thui chột hiệu quả sư phạm, và cũng không nuôi dưỡng tình nghĩa thầy trò.
Còn về cái hội thảo nhỏ tại ĐH Hoa Sen, mà chúng tôi đã đề cập thoáng qua trong cuộc trò chuyện, nó đích thực là một sinh hoạt học thuật, có sự thảo luận rất thẳng thắn, một số ý kiến tương tự ý nhiều bạn đọc ở đây. Hiệu trưởng một trường bạn đã cắt nghĩa tại sao trường đó cảm thấy cần thiết "xếp một nếp mới". Còn ĐH Hoa Sen không áp đặt một cách xưng hô nào, vì thấy không cần thiết.

Chúng tôi chỉ nêu ý nghĩa một "truyền thống" từ khi thành lập trường là không có cái "bục giảng" trong lớp học, và khuyến khích (không phải "áp đặt", vì ép buộc khoan dung, sẽ rất tức cười!) một tinh thần khoan dung, tạo điều kiện cho đồng nghiệp và SV có thể chọn cách xưng hô mà họ thấy phù hợp nhất cho từng hoàn cảnh.

Trong hội thảo đó, chúng tôi đã nghe được rất nhiều ý kiến khác biệt từ GV và SV, người trẻ và người lớn tuổi hơn, người Việt và người nước ngoài nói tiếng Việt, với nhiều dẫn chứng sinh động về trải nghiệm khác nhau của mỗi người.

Tất nhiên là không có kết luận bằng một "nghị quyết" là phải xưng hô như thế nào cả. Nhiều người nghiên cứu về ngôn ngữ và khoa học xã hội ở đó chia sẻ quan điểm của tôi là: xưng hô không bao giờ là "vô tư, vô nghĩa" mà luôn luôn có tác động đến quan hệ giao tiếp giữa người và người.

Khi cho rằng nhiều SV VN chưa trưởng thành đúng với độ tuổi, tôi nghĩ tới SV các trường ĐH VN nói chung, không phân biệt trường nào. Sự độc lập trong tư duy không nhất thiết tỉ lệ thuận với học lực, mà điểm số chỉ là một biểu hiện rất không đầy đủ. Tất nhiên, "nhiều" không bao giờ có nghĩa là "tất cả".

Tôi từng thưc sự cảm phục hiểu biết và bản lĩnh của một số SV Việt Nam trong và ngoài nước mà tôi có dịp tiếp xúc. Nhưng điều đó không liên quan gì đến nhận xét của tôi về hiện trạng chung và những căn nguyên của nó. Tất nhiên, mọi nhận xét đều ít nhiều mang tính chủ quan từ người nói cũng như người nghe.

Biết vậy, một lần nữa, tôi rất cám ơn các tác giả đã có lời bình luận, khen chê, góp ý.

  • TS Bùi Trân Phượng
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top