Thi nhân và tranh Tết Đông Hồ
Năm nay chúng ta đón mừng “Tết Thăng Long Hà Nội nghìn năm tuổi”. Mọi người ôn lại quá khứ hào hùng, nhớ một thời Tràng An thanh lịch: “Thăng Long tráng lệ nghìn xuân tuổi/Xênh phách cầm ca dậy sắc cờ”. Và ở nơi Thăng Long tráng lệ ấy còn có một dòng tranh mà sức sống mãnh liệt còn tồn tại cho đến bây giờ. Dòng tranh Tết - Đông Hồ.

Người làng Đông Hồ rất tự hào với loại tranh độc đáo, từ đề tài, cấu trúc, chất liệu đến màu sắc bằng nguyên liệu thiên nhiên thảo mộc như giấy dó, giấy điệp hoa hoè, tàn rơm rạ. Dòng tranh đó đã đi vào ca dao, thơ ca và qua cả những câu hát ghẹo vui của người phụ nữ Kinh Bắc tài ba, khéo léo, tế nhị.
Hỡi anh đi đường cái quan
Dừng chân ngắm cảnh mà tan nỗi sầu
Mua tờ tranh điệp tươi màu
Mua đàn gà, lợn thi nhau đẻ nhiều
Nhà thơ kiêm hoạ sĩ Nguyễn Gia Thiều đã từng cảm phục bộ Tố Nữ qua nét bút tinh xảo của bàn tay nghệ nhân:
Tranh biếng ngắm trong đồ tố nữ
Mắt buồn trông trên cửa nghiêm lâu
Từ đầu tháng chạp âm lịch, chợ bán tranh được mở ở đình Đông Hồ, điếm canh trên đê, chợ đình Đạo Tú (một ngôi đình đồ sộ bậc nhất Tổng Đốc Hồ, hai bên có hai dãy giải vũ mấy gian lợp ngói xây tường sạch sẽ, thoáng rộng. Phiên chợ tranh đã đông, người bán tranh đủ loại).
Anh hàng tranh kĩu kịt quảy đôi bồ
(Đoàn Văn Cừ)
Các cháu nhỏ chen chúc nhau vào mua tranh, đôi khi rách cả áo, mồ hôi toát ra như tắm mà vẫn vui, vẫn thích.
Áo cu Tý bị người chen sấn kéo
Khăn trên đầu đương chít cũng tung ra
Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà
Quên cả chị bên đường đang đứng gọi
(Đoàn Văn Cừ)
Phiên chợ không chỉ có tranh, mà còn là chợ Tết. Không chỉ trong tranh có gà, mà bên ngoài đàn gà cũng lục tục kiếm mồi. Náo nhiệt đông vui, nhưng vô cùng thanh bình yên ả.
Trưa hè bóng lặng nắng soi
Mái gà cục cục tìm mồi dắt con
(Bàng Bá Lân)
Đặc biệt, thi sĩ Hoàng Cầm, khi viết về quê hương cũng không quên nhắc tới dòng tranh này:

Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
Kỷ niệm Đại lễ Thăng Long Hà Nội nghìn năm tuổi, lớp cháu con sau này lại thấy vô cùng biết ơn các vị nghệ nhân dân gian Đông Hồ đã sáng tạo nên một dòng tranh độc đáo, sâu lắng, tình cảm. Hy vọng rằng, dòng tranh này sẽ tiếp tục được lớp cháu con kế thừa, bồi đắp và sáng tạo.
Theo An ninh Thủ đô