Tháng 10 Hn
New member
- Xu
- 0
Hiếu học, giỏi ngoại ngữ, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật không ít lần giành thắng lợi trong hoạt động bang giao của nước nhà.
Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật (1255 - 1330) là con trai thứ sáu của vua Trần Thái Tông, em của vua Trần Thánh Tông. Ông là danh tướng nổi tiếng nhà Trần với những công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên lần thứ hai (1285) và thứ ba (1287 - 1288).
Không chỉ là danh tướng trên chiến trường, Trần Nhật Duật còn được biết đến với tư cách nhà ngoại giao lỗi lạc.
Tương truyền, ngay từ khi còn nhỏ, Trần Nhật Duật đã nổi tiếng thông minh, hiếu học, “sớm lộ thiên tri, ham thích hiểu biết về các tiếng nói và các giống người”. Ngoài việc thông thạo nhiều ngoại ngữ, ông còn hiểu biết sâu rộng về văn hóa các nước láng giềng. Khi mới 20 tuổi, ông đã được triều đình giao đặc trách công việc về các dân tộc.
Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật (1255 - 1330)
Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng vào thời vua Trần Nhân Tông, một lần, sứ thần nước Sách Mã Tích (tên cổ của Singapore) sang cống, triều đình không tìm được người phiên dịch. Trần Nhật Duật biết chuyện liền đến gặp sứ thần và nói chuyện trôi chảy bằng thứ ngôn ngữ lạ trong sự thán phục của những người có mặt.
Sau chuyện này, nhiều người hỏi ông về việc biết tiếng nước Sách Mã Tích. Ông trả lời: “Thời vua Thái Tông, sứ nước ấy sang, nhân có giao du nên hiểu được đôi chút tiếng nước họ”.
Năm 1280, Trịnh Giác Mật, một tù trưởng địa phương ở Đà Giang (Tây Bắc ngày nay) nổi lên chống triều đình. Trần Nhật Duật được lệnh đem quân dẹp loạn. Khi ông đến Đà Giang, Giác Mật sai người đưa thư với nội dung: “Giác Mật không dám trái lệnh triều đình, nếu ân chúa dám một mình một ngựa mà đi đến, Giác Mật xin hàng ngay”.
Bất chấp các tướng can ngăn, Trần Nhật Duật nhận lời rồi đem các tiểu đồng cùng đi. Khi tới đại bản doanh của những kẻ nổi loạn, ông thản nhiên đi giữa hàng lính mặc quần áo kỳ dị, lăm lăm gươm giáo. Trần Nhật Duật nói chuyện với Giác Mật bằng chính ngôn ngữ và theo đúng phong tục của dân tộc vùng Đà Giang. Thậm chí, ông còn “ăn bằng tay, uống bằng mũi” như họ. Chính sự hiểu biết về văn hóa của Trần Nhật Duật khiến Trịnh Giác Mật kinh ngạc thốt lên: “Chiêu Văn Vương là anh em với ta”.
Sau buổi gặp gỡ, Trịnh Giác Mật đem cả gia thuộc đến doanh trại Trần Nhật Duật xin hàng phục triều đình. Miền Đà Giang được ông thu phục bằng sự tinh thông ngôn ngữ và văn hóa dân tộc, không phải đổ một giọt máu.
Lúc bấy giờ, theo thông lệ, khi sứ phương Bắc sang, triều đình phải sai phiên dịch viên làm trung gian, tể tướng không được trực tiếp đối thoại, đề phòng xảy ra sai sót thì đổ lỗi cho người phiên dịch. Nhưng tể tướng Trần Nhật Duật là ngoại lệ. Tiếp sứ nhà Nguyên, ông thường nói chuyện trực tiếp với họ, ngồi uống rượu vui vẻ như bạn.
Chính tiếng Hán lưu loát và sự am hiểu văn hóa Hán của ông khiến sứ nhà Nguyên tưởng Trần Nhật Duật là người Hán di cư sang Đại Việt. Sứ thần đặt câu hỏi: “Ông là người vùng Chân Định (một huyện ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) đến làm quan ở đây chứ gì?”. Trần Nhật Duật ra sức giải thích, nhưng sứ Nguyên vẫn không tin vì người nước Việt không thể giỏi tiếng Hán như vậy.
Vua Trần Nhân Tông cũng có lần nói với ông rằng: “Chú Chiêu Văn (Trần Nhật Duật là chú ruột của vua Trần Nhân Tông) có lẽ là kiếp sau của người phiên lạc nên mới giỏi tiếng các nước đó”.
Hàng thế kỷ đã trôi qua, nhưng câu chuyện Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật học hỏi ngoại ngữ của các dân tộc và các nước trong khu vực vẫn là bài học lớn cho hậu thế noi theo.
Hoa Sữa