Ở đây là tập hợp những bài viết được đăng trên fanpage Tony buổi sáng. Mình rất thích đọc page này. Giọng văn nhẹ nhàng, pha lẫn hài hước, dí dỏm nhưng lại cho ta những bài học thấm thía. Bạn nào đọc được bài hay thì cũng đăng lên đây để chia sẻ nhé!
#1
Một bếp lửa hồng
Các bạn trẻ thường có 1 bệnh rất lớn, đó là bệnh “hào hứng một phút”. Đọc 1 bài về ngoại ngữ, cũng lên khí thế hừng hực, cũng mở Youtube ra, cũng lên trung tâm… nhưng chỉ học đúng 1 buổi. Bữa sau vẫn ôm ipad coi tiếp thằng A, con B hôm nay ăn gì làm gì tự sướng cái gì trên FB. Đọc 1 bài về khởi nghiệp, cũng hầm hầm khí thế, đứng lên đi thuê nhà tìm chỗ mở công ty, nhưng tìm 3 bữa thôi mệt, nắng nóng quá chạy tới chạy lui mệt. Đọc 1 bài về du học, cái cũng lên công ty du học tư vấn, đem 1 đống giấy tờ về nhà rồi quên để bụi bám lên mốc lên meo. Đọc 1 bài về thể dục thể thao, cái cũng đi mua cái máy chạy bộ, mua cái tạ về đẩy lên đẩy xuống đúng 2 lần. Rồi hết, mọi thứ “nguyễn y vân, vũ như cẩn”.
Các bạn họ hàng với 2 anh Vân Nguyễn và Cẩn Vũ này, tìm cách unfriend nó. Nguyên nhân là do cái Ý CHÍ không nằm sâu trong tâm khảm của bạn, nên bị giật dây thì có chút khí thế, nhưng sức ỳ lớn hơn. Nhà càng khá giả, học vấn càng tốt, tuổi càng cao thì sức ỳ này càng lớn. Nên vượt khó thì dễ hơn vượt sướng gấp nhiều lần. Sinh ra trong một gia đình khá giả thì đó là bất hạnh, vì nó sẽ dễ dàng triệt tiêu động cơ phấn đấu. Sinh ra trong một hoàn cảnh khó khăn, đứng trước một sự chọn lựa quá hẹp, thì mình phải vui mừng. Vì đó là cơ hội.
Giữa việc ra sân tập thể dục thể thao với ngồi coi ca sĩ diễn viên cởi áo trên mạng, người ta dễ chọn cái thứ 2. Nên nhiều người nghiện ma túy, bỏ thuốc lá…kêu từ bỏ, phần lớn không bỏ được. Cứ trả về với cộng đồng lại tái nghiện ngay. Vì bản chất của con người là “cái lười” và “thèm” bao giờ cũng hiện hữu trong tâm trí, nên phải có ý chí thật mãnh liệt, thì mới chiến thắng được.
Để rèn ý chí mãnh liệt này, người ta phải có chiêu. Trước một cám dỗ, bạn nên bặm môi, dùng răng cắn cho thật đau, đau đến mức bạn còn có thể chịu đựng được. Đứng thẳng, nắm chặt 2 bàn tay lại, nín thở, mắt lườm lườm giả bộ ở trước là đối tượng khủng bố cần tiêu diệt. Hồi đó Tony đi thi hùng biện trên sân khấu, cứ chuẩn bị lên là tay chân quíu, giọng nói lạc đi, đầu óc nghĩ cái gì chả nhớ. Nhưng lúc trước mặt mọi người, mình mím môi thật chặt, cắn thật đau (yên tâm không có chuyện chảy máu vì mình tự biết điều chỉnh đau quá thì thôi không cắn nữa, kiểu như nhịn thở ấy, không sợ nhịn rồi chết vì chịu không nổi nữa là tự động thở cái phì). Lúc mình nắm chặt tay và mím môi như vậy, hệ thần kinh sẽ được kích hoạt, máu dồn về não nhiều, giúp mình sáng suốt, và tràn đầy ý chí. Bạn cứ thử, có thể sẽ khinh công lên tận ngọn cây chứ không phải chơi. Đây là bí quyết của vận động viên người Triều Tiên mỗi khi thi đấu thể thao. Liều doping này tự nhiên giúp họ đạt thành tích rất cao.
Các bạn thử áp dụng khi mình cần quyết tâm 1 cái gì đó nhé. Tay nắm chặt sẽ giúp bạn tay mạnh mẽ hơn. Môi mím chặt sẽ giúp đôi môi hồng hơn, đỏ tự nhiên rất đẹp. Bạn gái sau khi mím môi, mình thè lưỡi liếm 1 cái cho nó bóng như son, khỏi tốn thời gian trang điểm.
Mình vô cái nhà, dù biệt thự đẹp đẽ cách mấy, thấy bếp núc lạnh lẽo, bạn có ớn không? Bạn dù có tài giỏi xinh đẹp cách mấy, mà không có lửa nhiệt tình, thì cũng như cái biệt thự hoang vắng kia. Bạn có thấy những ngôi nhà tranh, những ngôi nhà gỗ dù bé nhỏ nhưng vẫn ấm cúng vì có 1 bếp lửa hồng?
Mình có một cuộc đời thôi, đừng có tro tàn bếp lạnh. Dù ngoài kia lạnh lẽo, lòng người quyết tâm thì vẫn rực lửa. “Ngoài phố mùa đông, đôi môi em là đốm lửa hồng”.
Mỗi năm nước ta có 130-160 ngàn người ung thư mắc mới, số liệu được công bố tại Hội thảo do Hội Ung thư Việt Nam tổ chức ngày 16/10 vừa qua ().
Vậy là cứ mỗi năm, số người mắc căn bệnh “phải chết” này bằng dân số một thành phố nhỏ thuộc tỉnh. Và cứ mấy năm sau, dân số tương đương một thành phố nhỏ như vậy sẽ bị xóa sổ, là người Việt với nhau, bạn có cảm thấy đau lòng?
Xuống An Giang thăm anh Thìn, một nông dân trồng rau, Tony thấy rau mướt quá nên xin một ít, anh Thìn nói “cái đó để cắt bán. Nhà ăn trồng bên này, chú ăn thì cắt bên này”. Như vậy, người ta chỉ ăn sạch cho gia đình mình, còn “ra chợ bán” cái khác. Nói rồi anh Thìn uống ngụm cà phê, ngồi nhìn “cánh đồng bất tận” trước mặt, không rõ nghĩ gì.
Tony xuống chợ Kim Biên, thấy “hương cà phê tổng hợp” là mặt hàng bán chạy nhất. Anh Trung, chủ 1 sạp ở đây nói với Tony, mấy cơ sở rang cà phê nó nói, nếu không bỏ cái này vô, cà phê không dậy mùi thơm, không bán được. Rồi chỉ vào mấy thùng LAS (chất tạo bọt), họ cũng mua cái này nữa nè em, không có LAS sao có bọt. Rồi rang phải cháy đen cháy đỏ, bỏ bơ, nước mắm…để có màu và mùi “đậm đà gu Việt”. Mà nào chỉ có cà phê. Bún phở gì cũng đầy hóa chất, khái niệm "bún thiu" không còn nữa, khi bún bây giờ để cả tuần vẫn không bị mốc, bị chua.. Anh nói, anh có bao giờ uống cà phê và ăn bánh bún gì ngoài đường đâu. Sợ lắm. Sợ nhưng vẫn bán. Đó là việc kinh doanh của anh.
Tony cũng sợ, nhưng vì thèm uống cà phê vào buổi sáng nên phải mua cà phê Arabica về tự rang tự xay, pha loãng toẹt và cảm thấy yên tâm. Mỗi lần ra quán, nhìn những ly cà phê sóng sánh đen ngòm kia, Tony cảm thấy kinh hoàng. Dù bạn bè cứ khuyên, thôi kệ, mắt không thấy là được, cũng sống có là bao.
Tony đi ăn ở hàng miến gà trên phố Hàng Mành, do chị Ngọc, một người quen, mở bán. Chị nói miến này chị bán cho khách, em ăn thì vô sau nhà chị nấu riêng cho. Mì chính (bột ngọt) này chị mua chợ Đồng Xuân 50 nghìn một cân, gà này là gà dai thải của Hàn Quốc, chị và các con không dám ăn em à. Để chị nấu riêng cho, em đẹp trai quá, chết sớm uổng.
Tony chợt nghĩ. Rồi một ngày, anh Thìn, anh Trung, chị Ngọc…đều gặp nhau ở bệnh viện ung bướu, nằm ở 3 cái giường trong 1 phòng bệnh. Cả 3 đều ngơ ngác không hiểu vì sao, mình đã phòng kỹ đến vậy mà…
Vấn đề nằm ở đâu, nếu không phải nằm ở nếp nghĩ? Nếu người Việt chúng ta không nghĩ cho người khác, không thương đồng bào mình, thì con số 160,000 người mắc ung thư mỗi năm ở Việt Nam sẽ không dừng lại.
Ở biên giới Việt Trung, hàng ngày vẫn ùn ùn lê,lựu,táo,nho xanh nho đỏ, mì chính, bánh kẹo…Cơ quan hữu quan ư, không có cơ quan nào có thể quản lý nổi 300km đường biên, và hàng vạn người qua lại biên giới hàng ngày. Nguyên tắc nước chảy vùng trũng, nơi đâu có tiêu thụ thì nơi đó có cung. Khi các tiểu thương ở chợ vẫn lấp liếm nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của họ bán, khi các nông dân vẫn âm thầm tự manh mún cứu gia đình của họ bằng cách “trồng riêng nhà dùng”, thì cứ mấy giây, các bệnh viện ung bướu lại có một người nhập viện.
Và ở Đà Lạt, nông dân vẫn đổ bỏ bắp cải, hồng, cà chua cho bò ăn. Và ở Phan Thiết, nông dân vẫn cứ để thanh long héo úa trên cành, vì “công hái còn cao hơn giá bán”. Ở dọc tuyến phố, những người Việt đội nón cần mẫn đẩy xe bán nho xanh Made in China, ghi xuất xứ Phan Rang. Các xe tải chở khoai tây từ biên giới vẫn ùn ùn chạy lên Lâm Đồng, nơi đó các tiểu thương cần mẫn lấy đất đỏ bazan trét vào, hóa phép thành khoai tây Đà Lạt…
Tất cả, đều gốc từ một nếp nghĩ LỢI ÍCH CỦA MỖI CÁ NHÂN, bạn có chút lương tri, hãy nghĩ cho người khác, nghĩ lớn cho cộng đồng. Vì nếu để mặc người, thì người cũng để mặc ta.
Đọc xong bài này, bạn có suy tư hay cũng chỉ là makeno?
P/S: Makeno là thành ngữ gần đây của giới trẻ, nghĩa là “mặc kệ nó”
Thập niên 60, Hàn Quốc là 1 trong những nước nghèo đói nhất châu Á. Năm 1968, người Hàn quyết định mang sách giáo khoa của người Nhật về dịch sang tiếng Hàn và giảng dạy, ngoại trừ các môn xã hội như địa lý, lịch sử và văn học. Lúc đó cũng có nhiều người chỉ trích vì tính sĩ diện của người Hàn Quốc rất cao, lẽ nào lại không tự soạn được một bộ sách giáo khoa. Nhưng họ vẫn quyết tâm thực hiện, vì để có chương trình giáo dục đó, người Nhật đã mất cả trăm năm cải biên từ cách đào tạo của giáo dục phương Tây phù hợp với đặc trưng châu Á, bắt đầu từ thời Minh Trị Thiên Hoàng. Để rút ngắn khoảng cách, chẳng có cách nào ngoài việc lấy kinh nghiệm của người đã thành công, thời gian thay vì mày mò tìm hiểu, mình dùng để lo việc khác, hay hơn. Vì Hàn Quốc muốn trở thành một bản sao mới của Nhật, nền kinh tế dựa trên lòng tự hào dân tộc, tính kỷ luật và đạo đức của toàn thể xã hội.
Đúng 20 năm, đến 1988, Hàn Quốc đăng cai Olympic Seoul, cả thế giới không ai tin vào mắt mình khi thấy kỳ tích bên bờ sông Hàn lại khủng khiếp như thế. Ô-tô, xe máy, dệt nhuộm, hoá chất, đóng tàu, điện tử, bánh kẹo...bên Nhật có cái gì thì bên này có cái đó, dù dân số chỉ bằng 1/3. Không ai biết trong 20 năm đó, cả dân tộc Hàn Quốc đã nắm chặt tay với quyết tâm thoát nghèo như thế nào. Trên tivi chỉ có 2 chương trình là "dạy làm người" và "dạy làm ăn", từ cái văn minh nhỏ xíu như nụ cười của một nhân viên bán hàng, đến cách quản lý chi phí của một quán cà phê, đến cách tạo dựng một nhà máy. Từ một dân tộc "xin việc", tức các doanh nghiệp nước ngoài đến đặt nhà máy và thuê lao động Hàn, Hàn Quốc bắt đầu khan hiếm lao động và trở thành dân tộc đi "cho việc", tức xây dựng các nhà máy ở nước ngoài và hàng triệu người Trung Quốc, Thái Lan, Philippines đứng xếp hàng xin các ông chủ Hàn Quốc cho họ việc làm. Hàn Quốc đã thành công trong việc tiếp nối Nhật Bản thành dân tộc đi cho việc người khác.
Năm 1988, pháo hoa thắp sáng 2 bờ sông Hàn, người Hàn Quốc ôm nhau và cười trong nước mắt, Hàn Quốc giờ đây đã bước chân vào nhóm 24 quốc gia thịnh vượng nhất loài người. Nhưng thách thức mới lại xuất hiện, vì bây giờ không phải là Nhật Bản nữa, mà là Hồng Công và Singapore, 2 cực hút nam châm của cả châu Á về tài chính, thương mại và giải trí. Phim Hồng Công tràn ngập thị trường và không có đối thủ. Người Hàn tuyển chọn ngay 2000 sinh viên ưu tú nhất, cử sang Holywood, điên cuồng học hành, từ đạo diễn, diễn viên, phục trang đạo cụ ...4 năm sau tốt nghiệp, năm 1992, những bộ phim Hàn Quốc đầu tiên ra đời như Cảm xúc, mối tình đầu, hoa cúc..với một thế hệ diễn viên đẹp từng milimet và hợp nhãn người châu Á. Ngành làm phim phối hợp với ngành thời trang, mỹ phẩm và hàng tiêu dùng, bắt đầu xâm nhập vào các thị trường. Đại sứ quán Hàn Quốc tại các nước có nhiệm vụ dịch thuật ra tiếng địa phương và tặng không cho các đài truyền hình, tạo ra làn sóng Hallyu nổi tiếng. Người Nhật quay ngược lại hâm mộ tài tử Hàn Quốc một cách điên cuồng, người Trung Quốc điên đảo, thậm chí phim cổ trang Trung Quốc tụi trẻ chê không xem, chỉ xem phim Hàn, các nước Đông Nam Á thì chỉ biết ụ pa ơi, ụ pa hỡi. Phim Hồng Công bị đá văng ra khỏi thị trường cho thuê băng đĩa.
Năm 1988, ngoài số người đi Holywood để xây dựng công nghiệp điện ảnh, ngần ấy người được khuyến khích đi Milan và Paris để học về thời trang, mỹ phẩm. Các tập đoàn như xe Kia, Samsung, Hyundai còn thuê cả ê-kip thiết kế của các hãng xe Đức như Mercedes, BMW làm việc cho họ, với tham vọng xuất khẩu xe sang Mỹ và châu Âu. Muốn bán cho Tây thì bao bì nhãn mác phải có óc thẩm mỹ của Tây, chứ kiểu" tròn tròn xinh xinh" của dân châu Á, tụi Tây không thích, không bán được. Có những năm, những mẫu xe của Hyundai bán chạy nhất ở Bắc Mỹ và châu Âu. Người Mỹ bắt đầu nhìn người Hàn với ánh mắt khác, ngưỡng mộ và ngạc nhiên, thích thú.
Ngoài ra, những sinh viên giỏi toán nhất được hướng theo ngành tài chính ở các đại học lớn trên thế giới, với tham vọng biến Seoul thành trung tâm tài chính như London, New York. Họ học ngày học đêm và kéo rầm rập về đất nước khởi nghiệp. Mọi người góp tiền vào nhau và các quỹ đầu tư ra đời, tự đi tìm kiếm các nhà máy mới khởi nghiệp be bé để rót tiền vào, tham gia vào quản trị. Không chỉ trích, đổ lỗi, mỗi cá nhân chỉ góp sức góp trí để xây dựng các doanh nghiệp lớn mạnh hơn, với tinh thần "giúp cho một người Hàn giàu có là cả dân tộc Hàn thêm giàu có". Hệ thống bán lẻ Lotte phải có nghĩa vụ mang hàng hoá Hàn đi khắp nơi, Samsung bắt đầu tuyển dụng những sinh viên giỏi nhất châu Á về cho học bổng thạc sĩ miễn phí với điều kiện tốt nghiệp xong phải mấy năm phục vụ cho họ. Họ gom trí tuệ của cả châu Á để chinh phục thị trường điện thoại thông minh và máy tính bảng, cạnh tranh đối đầu với Apple, đối đầu với cả một tập thể trí tuệ thung lũng Silicone, cứ như Airbus của châu Âu cạnh tranh với Boeing vậy.
Người Hàn Quốc, dù dân thường hay sếp lớn, tất tần tật mọi thứ họ dùng phải Made in Korea, dù lúc sản phẩm kém cỏi còn xấu xí và đầy lỗi của thập niên bảy mươi hay hiện đại như bây giờ. Mỗi cá nhân chịu thiệt thòi một chút thì đã sao. Nếu người tiêu dùng không ủng hộ sản phẩm nhem nhuốc của thời khởi nghiệp, thì doanh nghiệp còn tồn tại đâu mà có sản phẩm tinh xảo sau này?
Tony nhớ lần đi Hàn đầu tiên, mùa thu năm 2005, bà chị ở VN ghi tên mấy nhãn hiệu mỹ phẩm nhờ mình mua giùm. Ở cửa hàng, cô bán hàng mặc bộ váy veston đen, chạy như bay lấy hết sản phẩm này đến sản phẩm khác cho Tony xem mấy tiếng đồng hồ, đều là mỹ phẩm của Hàn cả. Do tiếng Anh không tốt nên cô cứ giải thích bằng tiếng Hàn đến lúc giọng khàn đặc. Đến lúc Tony lấy tay chỉ hộp phấn Lancom, thì cô thất vọng và bật khóc. Cô khóc vì tình yêu nước của cô không thuyết phục được khách hàng, cô khóc vì đã không làm tròn nhiệm vụ tổ quốc giao phó. Mỗi người trong xã hội Hàn Quốc được ngầm phân công cụ thể, ai đi học thì phải học chăm chỉ, ai sản xuất thì sản xuất cho tốt, ai bán hàng thì phải bán cho được hàng, ai tiêu dùng thì phải mua đồ Hàn Quốc. Nghĩa vụ của một công dân đối với nền kinh tế đất nước chỉ có vậy thôi, âm thầm làm và làm, không nhìn ngó và chỉ trích. Giọt nước mắt nóng bỏng của lòng tự hào dân tộc khiến Tony sững sờ. Cô chỉ là 1 người bán hàng bình thường trong muôn ngàn người bán hàng ở xứ sở kim chi biết tự giác làm hết khả năng của mình vì cái lớn lao hơn là lợi nhuận. Vì kính phục, Tony bèn mua mấy hộp mỹ phẩm của Hàn, dù chẳng biết có tốt không. Lúc bước ra khỏi cửa hàng, ngoái lại Tony vẫn thấy cổ gập đầu cung kính.
Ngoài phố, gió bắt đầu lạnh, từng tốp học sinh chạy tập thể dục rầm rập trên vỉa hè, những chiếc áo khoác thêu cờ quốc gia ở sau lưng. Và Tony biết, sau lưng của mỗi công dân luôn là tổ quốc.
Hôm qua Tony đi ăn tiệc có gặp 1 anh kia, giám đốc 1 cty hẳn hoi, người Nghệ An nhưng vào Lâm Hà, Lâm Đồng sống từ cấp 1, sau đó ra Hà Nội hạc ĐH nông nghiệp. Vùng anh sống toàn người Bắc nên anh nói giọng Bắc. Thế có người hỏi quê đâu, ảnh nói ngay là quê anh ở Hà Nội, nhà anh ở phố Hàng Bông. Chẳng may cho anh là trong bàn, có 1 anh cũng ở Hàng Bông, anh này truy vấn đến cùng, thế cấp 1 trường gì, cấp 2 trường gì, cấp 3 trường gì, rồi quen biết với ai. Lỡ nói cấp 1 chuyên Hoàn Kiếm, cấp 2 Chu Văn An, cấp 3 Hà Nội Amsterdam...nhưng thầy cô nào cũng hẻm biết, bạn bè nào cũng không có, thậm chí hạc năm nào đến năm nào cũng không rõ nên anh chống chế rất vất vả. Gương mặt đỏ bừng, tay chân lóng ngóng suýt làm đổ ly bia. Ngồi cả buổi ăn không được vì lo suy nghĩ sáng tác lý lịch cá nhân.
Tony mới nói đỡ liền. Nói dạo này người bị Alzheimer nhiều lắm, trí nhớ sa sút, như Tony đây, mặc dù sinh ra và lớn lên ở Paris nhưng giờ quên hết tiếng Pháp rồi còn đâu.
Anh ấy nghe xong, nói ừa, anh bị Alzheimer nặng. Cám ơn Tony, bữa nào anh về quê anh mang xuống cho em ít cà phê, cà phê trồng ở Hàng Bông ngon lắm...
Này các bạn trẻ, mấy người thuộc văn hoá cũ hay sĩ diện, vì họ chẳng có gì trong tâm hồn nên lúc nào cũng sợ khinh khi. Nên phải "làm mặt làm mày" tức trang điểm, đeo mặt nạ vô. Thế hệ mình khác. "Có sao nói vậy người ơi" cho nó dễ thương.
Lỡ có gặp mấy đứa hay kể ngày xưa mình hạc giỏi, cha ông mình danh gia vọng tộc thế này thế kia,...thì mình biết ngay là đứa nhảm nhí. Vì người thực sự như vậy không ai kể, cốt cách quý phái, sự thông thái giỏi giang tự phát tiết ra ngoài, không cần khai. Nếu thấy họ cứ nói miết thì mình có thể nói "tao nể quá khứ gia đình mày rồi, vui lòng quay về thực tại, mày đang đọc sách gì, mày có giúp đỡ ai không". Mình lái chủ đề qua lòng nhân ái, sự văn minh, tính trung thực, hảo sảng, nghĩa tình. Có thì tham gia vô nói, không có thì gắp miếng thịt kêu nó nhai đi.
Sĩ diện là văn hoá châu Á, văn minh phương Tây không có nên chữ "sĩ diện" không có trong từ điển tiếng Anh. Bên Trung Quốc thể loại sĩ diện nhiều lắm, đặc biệt là thế hệ cũ, nên bọn trẻ Trung Quốc bây giờ mỗi lẫn nghe mấy người cứ lặp đi lặp lại chuyện quá khứ là họ nói câu "ru guo ni bu chu sheng, mei you ren shuo ni shi ya ba- phiên âm: rủ cụa nì bủ chu sâng, mảy dầu rỉnh sua nị sư dạ ba", nghĩa là " dù bạn không nói tiếng nào, cũng không có ai nói bạn bị câm".
Hôm bữa qua đó ăn tiệc, Tony nghe tụi nó nói câu này miết mà thuộc lòng luôn.
Gửi A và B, Như anh trao đổi sáng nay, hai đứa nhớ lời anh dặn. Anh giao cho phụ trách mua hàng, phải hết sức bản lĩnh. Đừng bán rẻ nhân cách mình trong các giao dịch kinh tế. Ngoài xã hội nhiều đối tác họ hay đề nghị khi mình mua cái gì đó, họ sẽ gửi lại cho mình một ít. Mình mà gật đầu một cái, coi như xong. Vì nó đưa cho mình tiền đó, tươi cười đó, nhưng trong lòng nó chẳng coi mình ra cái gì đâu. Và chất lượng hàng hóa dịch vụ đó sẽ kém hơn, dù sao cũng đã có mình bảo kê bên trong rồi. Mình lỡ nhận tiền rồi, không nói được. Nó giao hàng xấu, giao hàng chậm, dịch vụ kém,... mình cũng phải làm ngơ.
Do vậy, nếu có ai đề nghị chuyện hoa hồng cho mình, lập tức từ chối, yêu cầu cắt thẳng vào giá hàng. Em vừa nói như vậy một phát, đối tác sẽ nể em ngay. Và họ cũng sẽ nghiêm túc trong việc giao hàng vì họ sợ những con người như vậy. Mình nói là em chỉ thay mặt công ty giao dịch, nên tiền này là của công ty, không phải cá nhân em. Mong anh chị thông cảm. Lúc đó, họ ngồi nghe mà không mến phục em thì thôi.
Ai cứ phết phẩy ma lanh, kệ ai. Mình không theo họ. Mình nhận vài ba chục triệu đồng, chả giàu lên. Mình không trở nên đẳng cấp được mà trở thành loại người rẻ tiền, bắt đầu vì tiền trong mọi suy nghĩ. “ Ăn quen, nhịn không quen”, lỡ ăn lần một là sẽ có lần hai. Rồi lần ba lần bốn. Nên mọi giao dịch sau này, tự động mình sẽ vòi tiền, nếu không có là mình làm khó làm dễ, gây khó khăn để người ta phải “ hiểu ý”, dẫn đến việc gì cũng chậm trễ.
Mình đi làm có thu nhập đàng hoàng, nên biết đủ em à. Một đồng mà do chính mồ hôi nước mắt của mình tạo ra, em cho cha cho mẹ, cái đó mới là hiếu thảo. Chứ ăn cắp rồi cho cha mẹ thì đó là bất hiếu. Vì không ông cha bà mẹ nào có thể yên lòng xài cái đồng không sạch ấy, khi biết được sự thật.
Rồi sau này có con có cháu, tụi nó sẽ không tôn trọng mình. Mình dạy nó, bảo đừng nói dối, đừng ăn cắp, nó nói sao cha mẹ không làm mà nói con, mình cứng họng. Nhiều người cứ nghĩ thôi phết phẩy đem về cho vợ cho con để giàu có, nhưng ngược lại. Vì thượng đế cho gia tộc đó ví dụ 300 lượng vàng, chia đều 100 lượng cho 3 thế hệ. Em là thế hệ thứ nhất, em phết phẩy lấy hết 300 lượng của thiên hạ đem về nhà, thì hai thế hệ sau hết phúc làm ăn. Rồi nó đâm ra nó giận ông nội, ông cố, là mình nè chớ ai.
Làm nghề mua hàng hay duyệt đấu thầu, ranh giới giữa cái thiện và cái ác, giữa chân thật và tham lam rất mong manh. Ngạn ngữ Trung Quốc có câu “ chỉ có những gì mình không làm thì người ta mới không biết”. Đừng có làm mình HÈN đi vì vài ba đồng vớ vẩn. Làm với anh, theo anh, anh đào tạo mọi kỹ năng để sau này đứng vững với đời, làm gì cũng kiếm tiền nuôi vợ con được. Nên mình phải giữ vững nhân cách. Có nhân cách thì LÀM GÌ, ĐI ĐÂU, GẶP AI, cũng ngẩng cao đầu.
Sau khi nghe lời Tony, nhiều bạn trẻ thôi nằm rũ rượi ở thành phố chờ xin người ta cho việc nữa, đã về quê và mở các nông trại chăn nuôi/trồng trọt. Hiện tại các bạn đã có sản phẩm. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra rất khó khăn. Nhưng như bài toán khó, mình tách ra, giải từng vế một, cuối cùng cũng xong các bạn à. Chứ ai cũng nghĩ thôi sao làm được, hoặc có làm thì cũng không giải quyết được cái gốc, và kết quả là không ai làm. Nhiều bạn nóithôi để con cày xới lên luôn chứ thương lái vô vườn trả có 500-1000 đồng/kg, trả giá kiểu “cho vui”, vì họ thừa biết công hái là đã cao hơn giá này rồi.
Các bạn thuộc nhóm tình nguyện CLB con dượng đã mua cà chua với giá 5000 đồng/kg, cao gấp 5-10 lần các thương lái, và bán vào sáng chủ nhật hàng tuần. Nhiều người dân Tp HCM và Hà Nội đã cho mượn mặt bằng trong ngày chủ nhật để các bạn hoạt động tình nguyện hỗ trợ nông dân Việt Nam.
Có nhiều lăn tăn về việc nông sản này sạch hay không sạch. Tony giới thiệu các bạn khái niệm nông sản sạch và nông sản an toàn. Nếu muốn sạch phải có tiêu chuẩn khắt khe cỡ Global GAP, do tổ chức quốc tế cấp. Từ làm đất, giống, tưới tiêu đều phải hữu cơ, thậm chi sâu hại thậm chí phải bắt bằng tay…nên giá rất cao, không khả thi cho đại trà. Ở thế giới cũng rất ít sp hữu cơ này, 1 kg táo organic ở London bán giá 10 bảng, so với 2 bảng hàng an toàn. Trong ngành phân bón thuốc sâu, có chỉ số PHI, pre-harvest interval, tức chỉ số cách ly trước khi thu hoạch. Ví dụ PHI =7 tức hôm nay phun, 7 ngày sau thì tồn dư thuốc trong nông sản mới biến mất. Sự biến mất này là do sự đào thải của tự nhiên, cây sống mới đào thải được. Còn ví dụ hôm nay xịt, mai hái, đem về để ở nhà, thì 1 tháng sau vẫn còn dư lượng.
Cà chua, thanh long, khoai lang tím…gần đây rẻ quá, nông dân đến lúc gần chín gần như chẳng phun xịt gì, vì làm như vậy chỉ tăng chi phí mà lại đổ đống. Nên cà chua của bạn Hùng Cà, bạn đã “bỏ bê” 10 ngày trước khi hái, trong khi mọi thuốc BVTV dùng cho rau củ PHI cao nhất =7, thì coi như an toàn. Vài dòng cho các bạn biết kiến thức này, đừng tranh cãi nữa nhé. Làm, ủng hộ. Còn nếu không, im lặng giùm, đừng bàn ra, đừng suy nghĩ cá nhân kiểu “nông dân chết kệ nó chứ ảnh hưởng gì tao. Tao có lợi gì đâu, có lợi gì đâu…”.
70% dân nước mình là nông dân, tức hơn 60 triệu người, đồng bào của mình cả, dù giọng bắc giọng nam nhưng đều là người Việt. Một nhóm lửa đã được thắp lên, nếu bạn có thể chung tay giữ ngọn lửa ấy, thổi bùng lên “tình yêu nông sản Việt”, thì làm. Còn bạn nếu thờ ơ, thì cứ tiếp tục thờ ơ. Mình quay lưng cũng được, nhưng đừng chỉ trích, phê phán. Nước mình là nước đang phát triển, thì có bao nhiêu cái chưa chuẩn. Dân mình từ lũy tre làng đi ra, thì còn bao nhiêu cái tiểu nông. Mình cần phải xây dựng, giúp đỡ, hỗ trợ, đồng cảm, thương yêu, rồi mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn. Người đẳng cấp là thấy vết nhọ trên mặt người khác thì chỉ cho họ rửa chứ sao lại quẹt thêm? Bữa nay mình quẹt nó, bữa sau nó quẹt lại rồi cả 2 cùng xấu. Các bạn trẻ đừng bao giờ bước chân vào nhóm GATO và NATO nhé. GATO là ghen ăn tức ở, bệnh Chu Du, xấu lắm. Còn NATO thì còn tệ hơn, NATO là No Action-Talk Only, thành ngữ chỉ mấy đứa không làm, chỉ nói…
Hãy chung tay vì một dân tộc Việt thịnh vượng hơn. Người Thái có đất Thái, người Hàn có đất Hàn, người Nhật có đất Nhật, người Việt chúng ta có mảnh đất hình chữ S này. “Thiên thư” đã định sẵn, chúng mình cùng nhau làm cho nó tươi đẹp hơn. Mỗi các bạn văn minh giàu có, là dân tộc mình sẽ giàu có. Học thêm đi nhé. Làm thêm đi nhé. Thoát ra khỏi cuộc đời chật hẹp xe máy phố nhỏ ngõ nhỏ tâm hồn nhỏ của văn hóa chửi bới và chỉ trích. Hãy cháy hết mình, với mọi khả năng có thể của bạn. Xin tặng các bạn những dòng thơ mà Tony rất thích trong chương trình ngữ văn cấp 2.
“Chúng ta không thể ngủ yên trong đời chật
Khi buổi thủy triều vẫy gọi những vầng trăng
Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt
Gỗ trăm cây đều muốn hóa trên trầm
Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt
Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng
Tổ Quốc
Tổ Quốc bao giờ đẹp thế này chăng?” (Chế Lan Viên)