• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Tổng hợp các chủ đề nghị luận xã hội hay

Ngọc Suka

Cộng tác viên
Đề 1: Văn hóa lễ hội cảnh chen lấn xô đẩy
“Sáng 16/4, nhằm mùng 10 tháng 3 âm lịch – ngày giỗ Tổ Hùng Vương, Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã hứng chịu một đợt “tấn công” khủng khiếp: hàng vạn người tràn lên núi Nghĩa Lĩnh (TP. Việt Trì, Phú Thọ). Dù không mang theo vũ khí, mức độ “sát thương” họ gây ra không hề nhỏ. Trẻ em khóc thét, lạc người thân; hàng loạt phụ nữ và người lớn tuổi ngất xỉu giữa cảnh chèn ép, xô đẩy, trước sự vất vả “chống đỡ” của lực lượng cảnh sát gìn giữ trật tự. Bất chấp lời kêu gọi của cơ quan chức năng, nhiều người đã leo rào, xâm nhập rừng cấm để lên núi.
Xem những phóng sự ảnh, các video clip từ hiện trường, rất nhiều người bàng hoàng tự hỏi điều gì đang xảy ra nơi đất Tổ Phong Châu? Những món lễ vật bị xô nghiêng, phục trang bị giằng kéo, những tiếng hò hét như xung trận khi ba lớp rào chắn được dỡ đi và biển người tràn lên như thác lũ… Đó chắc chắn không thể gọi là một cuộc hành hương. Đó cũng không thể gọi là một lễ giỗ – nơi mà sự tôn nghiêm, chuẩn mực, thanh tịnh… được đặt lên hàng đầu. Có thể gọi đó là cuộc càn quét, tàn phá Đền Hùng của đám “con cháu” tự bao giờ chẳng rõ đã trở nên hung hãn và xấc xược, quên lời tổ tiên dạy dỗ đang tranh phần đút lót tiền nhân.”
(Trích “Điều gì đang xảy ra nơi đất Tổ” Nhân Sư, phunuonline, 18/04/2016)
Anh chị hãy viết một bài văn nghị luận khoảng 600 từ trình bày suy nghĩ của mình về hiện tượng đang được đề cập đến ở đoạn trích trên.


1. Mở bài
Các lễ hội chùa chiền là một trong những biểu hiện đẹp của truyền thống văn hóa Việt Nam. Trong đó, lễ hội Đền Hùng được coi là một lễ hội lớn của toàn dân tộc Việt Nam thể hiện sự kính trọng biết ơn về tổ tiên các vua Hùng - những người đã có công dựng và giữ nước.
Xã hội ngày càng phát triển kéo theo việc xuống cấp về mặt đạo đức của không ít người dân Việt Nam. Ngay cả trong những lễ hội tâm linh, thay vì phải thành kính, người thì “buôn thần bán thánh” người thì “ thương mại hóa” chùa chiền còn lại thì chen lấn, xô đẩy, chèn ép, giằng co, giày xéo… những món lễ vật.
Đoạn trích trên cho thấy nghịch cảnh coi thường thánh thần được thờ, thiếu ý thức trong việc đi lễ bái, làm đảo lộn không khí thiêng liêng và giá trị tinh hoa văn hóa của tục thờ thần, lễ thánh đã tồn tại bấy lâu nay.

2. Thân bài
a) Thực trạng
Hàng năm, ở Việt Nam 8000 lễ hội, trung bình mỗi ngày có 20 lễ hội diễn ra trên cả nước. Nhưng với số lượng lễ hội lớn không chỉ mất tiền bạc và thời gian vào lễ hội, chúng ta đang phải chứng kiến hàng ngày 20 cảnh xô bồ, chen lấn không chút tình người ở những nơi linh thiêng, thanh tịnh như chốn Phật ngự.
Dẫn chứng:
Nhiều bài báo cho thấy cảnh chen chúc khiến trẻ con phải khóc, bộ phận công an phải buộc bế những đứa trẻ thoát khỏi “biển người” đang hành hương lên đất Tổ trong dịp lễ vừa qua. Thay vì khuôn mặt thanh thản, dưới cái nắng của hè cuối tháng 4 dương lịch, mặt người nào người ấy đều đượm mồ hôi, cau có, khó chịu. Thái độ đó sinh ra không đơn giản là vì thời tiết nữa, mà tại bên trái, bên phải, bên trên, bên dưới mọi người đều đi hành hương, đẩy nhau, chen nhau trên từng bậc đá cầu thang. Oái ăm thay, có nhiều người còn dẫn cả trẻ con đi theo và người lớn hoặc kéo theo một cái đuôi; hoặc bồng bế dắt díu nhau như chạy loạn… Và người dẫm lên người, người ùn người chỉ để nhanh lên núi khấn cụ Tổ nghìn năm trước. Văn hóa xếp hàng vốn kém nay còn không hề xuất hiện trong việc đám đông về núi nhớ Giỗ Tổ. Một đám giỗ linh đình vì “Thiên Lĩnh đang oằn mình” trước bước chân đầy bon chen của đám con cháu Hùng Vương.
Yêu chuộng và tôn thờ tổ tiên là một trong những khía cạnh mà người Việt Nam luôn đề cao. Trước đây, người ta nhắc đến đi chùa, đến nơi tâm linh là chủ yếu xin sức khỏe, bình an và mọi giá trị vật chất dâng lên các cụ cũng chỉ là “thành tâm”. Nhưng giờ đây, dưới con mắt nhiều người, Phật cũng trở thành một người tham tiền, mưu cầu lợi ích. Bởi vậy những đồng tiền được mang ra để đổi trác, mua bán với thần thánh với suy nghĩ càng nhiều tiền dâng lên Phật thì Phật càng cho nhiều phúc đức. Càng xót xa hơn khi tại là ở những lễ hội lớn, như Giỗ Tổ Hùng Vương, thậm chí người ta nào có dâng tiền cho Phật. Người ta nhét vào tay Phật tiền như một cách vội vàng trong đám đông chen lấn như “bố thí”, “hối lộ” cho Phật vậy.
Dẫn chứng:
Ở chốn non thiêng Yên Tử, người ta dùng tiền để “đánh bóng” cả chùa Đồng. Mỗi người dân cầm trên tay một tờ tiền rồi thi nhau chạm vào chùa Đồng. Dù không có sự tích nào được lưu truyền về việc phát tài, phát lộc theo cách “xoa tiền” này, khách hành hương tới chùa Đồng vẫn làm rất “nhiệt tình”.
Ở chùa Bái Đính, ngôi chùa to, đẹp thuộc hàng nhất Việt Nam, năm nào người ta cũng bắt gặp hình ảnh du khách thập phương nhét tiền vào tay tượng Phật. Còn ở lễ hội chùa Hương, việc chen lấn, xô đẩy, cò mồi,… trở nên quá quen thuộc. Những việc này đã tồn tại qua nhiều năm nhưng đến giờ vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Trong lễ khai ấn Đền Trần, ngoài cảnh “cướp ấn” quen thuộc thì chúng ta còn bắt gặp hình ảnh những người dân sẵn sàng trèo lên ban thờ để cầu may hay thi nhau dùng tiền để “đánh bóng” đồ thờ của đền. Chỉ cần đạt được mục đích của mình mà họ sẵn sàng làm những việc vô cùng phản cảm.
b) Hậu quả
Mất đi nét đẹp của lễ hội truyền thống, bôi nhọ văn hóa tâm linh của dân tộc
Ngày càng làm giảm đi tác dụng đáng quý của chùa chiền với tâm hồn con người: hướng thiện, niềm tin tôn giáo….
c) Nguyên nhân
Thái độ thiếu ý thức và thiếu hiểu biết trong khi thực hiện tín ngưỡng văn hóa tâm linh
Lòng tham về lợi ích của nhiều người dân Việt Nam
d) Giải pháp
Mỗi con người phải nhìn lại và nhận thức đúng về cách ứng xử khi đến chùa, những nơi tâm linh.
Chính sách ngăn chặn của nhà nước.

3. Kết bài
Văn hóa lễ chùa là văn hóa phổ biến và kéo dài nhiều năm ở Việt Nam. Cần duy trì nét đẹp và hạn chế những nét xấu mà chính con người đang gây ra tại nơi đầy thanh tịnh. Giáo dục truyền bá để thế hệ sau biết sai mà không làm tương tự - đó cũng là cách để tiếp tục giữ gìn và phát triển văn hóa dân tộc.
 
Sửa lần cuối:
Đề bài: Ô nhiễm không khí ở Hà Nội
Channel News Asia đã so sánh bầu không khí người Hà Nội hít thở với “khí quyển ngày tận thế” (Airpocalypse) trong một bài báo nói về ô nhiễm môi trường tại thủ đô Hà Nội.
Anh (chị) có suy nghĩ gì về vấn đề này? Hãy viết một bài văn nghị luận khoảng 600 từ để trình bày quan điểm của bản thân.


1. Mở bài
Cuối năm 2015, Bắc Kinh đã hơn một lần phát đi báo động đỏ về tình trạng ô nhiễm không khí. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) vượt quá 200 trong nhiều ngày, nghĩa là một nửa số phương tiện giao thông không được phép ra đường, các trường học được khuyến khích đóng cửa và khu vực xây dựng ngoài trời bị cấm thi công.
Ô nhiễm không khí đã trở thành vấn nạn chung của toàn nhân loại. Ở Việt Nam, tại chính thủ đô Hà Nội, người dân chưa bao giờ hoang mang, lo lắng về tình trạng không khí hơn thế khi mới đây, không khí mà họ đang hít thở mỗi ngày được ví với “khí quyển ngày tận thế” trong phóng sự của hãng thông tấn Singapore Channel News Asia.
Khi câu chuyện nước bạn đang có nguy cơ tái diễn tại chính mảnh đất quê hương mình, ta phải nhận thức rõ ràng hơn nữa về vấn nạn ô nhiễm không khí.

2. Thân bài
a) Giải thích
“Khí quyển ngày tận thế” là lối chơi chữ đắt, đồng thời là cách CNA đặt tiêu đề cho bài báo về tình trạng không khí tại Hà Nội trong phóng sự mới đây của họ.
Ô nhiễm không khí là sự thay đổi lớn trong thành phần của không khí hoặc có sự xuất hiện các khí lạ làm cho không khí không sạch, có sự tỏa mùi, làm giảm tầm nhìn xa, gây biến đổi khí hậu, gây bệnh cho con người và sinh vật.
Như vậy, chất lượng không khí ở Hà Nội thời điểm này đang ở mức độ ô nhiễm, độc hại đáng báo động.

b) Thực trạng
Không khí ở Hà Nội đang trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Từ hiện trạng sinh hoạt, giao thông của người dân cho tới những nghiên cứu, phân tích của giới chuyên gia đều thể hiện một Hà Nội “thiếu vắng bầu trời trong xanh”, Hà Nội của khói bụi, ô nhiễm đang tăng lên nhanh chóng.

Dẫn chứng
Phó Giáo Sư Phạm Thúy Loan, Phó giám đốc Viện Kiến trúc Việt Nam, thuộc Bộ xây dựng cho biết:”Nếu đến Hà Nội vào ban ngày, bạn sẽ thấy ai ai cũng đeo khẩu trang và trang bị “áo giáp” từ đầu tới chân để tránh khói bụi”.
Năm 2012, một công ty phân tích ô nhiễm của Pháp là ARIA Technologies đã xếp hạng Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á và là một trong những thành phố ô nhiễm nhất Châu Á về chất lượng không khí.
Đặc biệt, số liệu của đài quan trắc đã cho thấy hàm lượng thủy ngân đạt ngưỡng nguy hiểm trong không khí Hà Nội. Tuy rằng đây chỉ là trường hợp cá biệt và chưa xảy ra ở nhiều nơi nhưng thông tin này đã gây ra không ít hoang mang cho người dân thủ đô.

c) Nguyên nhân
Tác nhân gây ra 70% lượng không khí bị ô nhiễm ở Hà Nội là phương tiện giao thông. Số liệu chính thức cho thấy hiện Hà Nội có 5.3 triệu xe máy và 560.000 ô tô và con số này dự tính sẽ tăng 11% mỗi năm đối với xe máy và 17% đối với ô tô. Tính tới năm 2020, sẽ có gần 1 triệu ô tô và 7 triệu xe máy chen chúc nhau trên đường phố Hà Nội. Sự tăng mạnh về số lượng phương tiện giao thông cá nhân được lí giải bởi sự khan hiếm của loại hình giao thông công cộng, người dân không có thói quen đi bộ, một bộ phận có tâm lí mua xe để thể hiện đẳng cấp.
Tắc đường ở mức độ báo động càng làm mức độ ô nhiễm môi trường trở nên khó kiểm soát. Mặc dù chính phủ Việt Nam đã cố gắng mở rộng và nâng cấp hạ tầng giao thông nhưng vấn không thể đáp ứng được số lượng phương tiện tăng đột biến, dẫn tới tình trạng tắc nghẽn giao thông ngày càng trầm trọng. Bên cạnh đó, đặc trưng thành phố với nhiều ngõ ngách nhỏ, ô tô không thể di chuyển cũng góp phần làm vấn đề trầm trọng thêm.

d) Hậu quả
Sức khỏe con người bị đe dọa là nguy cơ trông thấy từ vấn nạn ô nhiễm môi trường.
Dẫn chứng
Ông Khuất Việt Hùng, phó chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trung bình mỗi năm có đến 44.000 người Việt chết vì ô nhiễm không khí trên cả nước, trong đó số người ở Hà Nội nhiều hơn hẳn TP. HCM.

Con người cũng phải trả một cái giá đắt về mặt kinh tế khi ô nhiễm môi trường đang xảy ra trầm trọng.
Dẫn chứng Tại Hà Nội, chi phí đền bù để làm đường lớn nhằm giảm thiểu tắc đường và ô nhiễm không khí quá đắt đỏ, khó có thể đáp ứng. Ngay cả khi làm mới thì những con đường đó cũng sẽ chẳng mấy mà lại rơi vào tình trạng “quá tải” ngay sau khi thông xe. Để theo kịp với số lượng xe cộ tăng nhanh, Hà Nội ước tính sẽ phải đầu tư khoảng 20 tỷ USD trong vòng 5 năm tới để mở rộng mạng lưới đường xá.

e) Giải pháp
Trước mắt, cần tăng cường việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, xe điện an toàn, thân thiện với môi trường. Việc đi bộ cũng nên được khuyến khích do giá trị sức khỏe mà nó đem lại.
Về dài hạn, chính phủ cũng cần thiết phải đưa ra một số kế hoạch khác để cải thiện chất lượng không khí, bao gồm việc ban hành quy định khắt khe hơn về mức khí thải đối với cả ô tô và xe máy cũng như tìm kiếm các nguồn năng lượng sạch hơn.

3. Kết bài
Vấn đề ô nhiễm môi trường ở Hà Nội đang là vấn đề đáng được lưu tâm, đặc biệt khi giới chức nước ngoài, các tổ chức quốc tế cũng thể hiện sự quan ngại đặc biệt cho khí quyển thủ đô.
Cần nhận thức rõ ràng thực trạng, nguyên nhân để đi đến giải pháp cho vấn nạn ô nhiễm môi trường.
Với trí tuệ và sức trẻ của mình, thanh niên Việt Nam hiện đại cần trở thành mũi nhọn tiên phong của cuộc đấu tranh vì một bầu không khí trong sạch hơn cho sức khỏe và an sinh nòi giống
 
Đề bài:
Trong bài hát “Tâm hồn của đá”, cố nhạc sỹ Trần Lập đã viết: “Đừng sống như hòn đá, sống không một tình yêu, sống chỉ biết thân mình, tâm hồn luôn luôn băng giá, đừng hóa thân thành đá…”.
Anh/chị hãy viết một bài văn khoảng 600 từ, trình bày suy nghĩ của mình về lời khuyên đó.


I. Mở bài
– Đối với mỗi con người, được sinh ra và tồn tại vốn đã là một niềm hạnh phúc lớn lao trong cuộc sống. Nhưng sống sao cho có ý nghĩa lại không phải ai cũng làm được.
– Lời bài hát của cố nhạc sĩ Trần Lập là một lời khuyên sâu sắc, lời giáo dục mang tính nhân văn cao cả về cách sống biết yêu thương, biết sẻ chia và luôn hướng về người khác.
II. Thân bài
a. Giải thích quan niệm của tác giả
– “ Đá” là vật vô tri vô giác được dùng trong cuộc sống con người, có vẻ ngoài cứng nhắc, rắn rỏi.
– Theo cách khắc họa của tác giả, đá được hiện lên với vẻ thô mịch tự nhiên của nó” sống không một tình yêu, sống chỉ biết thân mình, tâm hồn luôn băng giá”. Đá tồn tại giữa cuộc đời nhưng lại sống như thể vũ trụ chỉ có riêng nó.
=>Tác giả muốn phủ nhận lối sống ích kỉ, hẹp hòi; sống khô khan thiếu thốn tình cảm của con người hiện nay. Nếu như sự cứng nhắc của đá là bản chất thì lối sống tiêu cực này đang dần trở thành “bản chất” của không ít người – những người chỉ biết đến mình mà quên đi người khác.
b. Bàn luận
– Sống yêu thương là lối sống cao đẹp, là cách sống của những con người luôn gắng sức để trở thành người có ích cho xã hội. Như những viên ngọc sáng lung linh giữa đời, họ trở thành biểu tượng chân thực nhất về tấm lòng nhân ái cao thượng.
Dẫn chứng: Cô Nguyễn Khánh Thương- giảng viên khoa Báo chí truyền thông-ĐH Khoa học xã hội và nhân văn- ĐH là người có nhiều cống hiến cho công tác từ thiện từ khi là sinh viên cho tới khi qua đời vào năm 2015. Thậm chí, trong quá trình chống chọi với bệnh ung thư quái ác cô vẫn dành thời gian đến cuối đời để thành lập và hoạt động
Mạng lưới ung thư vú Việt Nam – tổ chức giúp đỡ và động viên các bệnh nhân ung thư vú trên cả nước.
Bác Lê Thị Gìn (65 tuổi, quê Thái Bình) người không nhà, không cửa lên Hà Nội làm nghề ve chai. Dù không đủ tiền phục vụ cho cuộc sống gia đình nhưng bác vẫn dùng mấy chục nghìn kiếm được mỗi ngày để mua quà, khi thì hộp sữa, khi thì chiếc bánh để giúp đỡ người nghèo.
– Sống yêu thương để xua đi trong thâm tâm mỗi người hạt nhân của sự ích kỉ, nhỏ nhen, không biết tới người khác. “Nơi lạnh lẽo nhất không phải là Bắc Cực, mà là lời thiếu tình thương”. Những tấm lòng ấm áp tình nghĩa của mọi người sẽ xóa đi lạnh giá của tự nhiên và lạnh giá của cuộc đời.
Dẫn chứng: Chú lính chì Nguyễn Thiện Nhân đã vượt lên số phận để có thành công nhờ nguồn “ấm áp” vô hạn của người mẹ nuôi luôn động viên, vỗ về.
– Lấy tình yêu thương là cốt lõi, lẽ sống ở đời; mỗi người sẽ luôn thấy hạnh phúc. Tình thương nơi tâm hồn trong mỗi người sẽ tạo ra niềm vui sướng cho người khác. Và hơn hết, chính bản thân chúng ta sẽ nhận được những điều tốt đẹp khi đã biết cho đi ”Sống là cho đâu phải nhận riêng mình” (Tố Hữu). Phải biết cho đi; sống biết mình thì phải biết người chúng ta mới không bị “hóa thân thành đá” sống vô tâm, ích kỉ.
c. Phê phán
– Cuộc sống coi trọng vật chất của con người hiện đại đã chi phối lối sống trọng tình cảm, tôn thờ tình người của người Việt Nam truyền thống. Nhiều người sống vô cảm, độc ác, thờ ơ với người khác.
Dẫn chứng: Vì mối thù cá nhân mà Nguyễn Hải Dương đã ra tay giết 6 người (bao gồm cả người yêu) gây ra vụ giết người khủng khiếp ở Bình Phước. Không ít những vụ vợ chồng chém giết lẫn nhau; anh giết em; cháu giết bà… trên báo chí chỉ vì một câu nói không vừa ý, một hành động không vừa mắt, hay 20.000 để vào quán net chơi game…
– Những người sống tự kỉ, không giao du, mở rộng tấm lòng với người khác, với cuộc đời.

III. Kết bài
– Dân tộc Việt Nam có truyền thống ”Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân” để giáo dục tình yêu thương cho mỗi con người. Dù cuộc sống có đổi thay và hiện đại hơn thì dưới bầu trời, cuộc đời vẫn còn biết bao cảnh ngộ cần ta yêu thương và chia sẻ.
– Quan niệm của Trần Lập tuy chỉ là một câu văn duy nhất nhưng tính nhân văn trong nó thì bao la vô tận. Bởi lẽ, nó được đúc kết từ cuộc đời của một con người mà cho tới điểm cuối, con người đó vẫn không thôi trăn trở để sống sao cho ý nghĩa hơn.
 
Đề bài: Người Việt học kém lịch sử
Viết bài văn (khoảng 600 từ) bàn về thực trạng “Thống kê từ điểm thi các trường ĐH cho thấy điểm thi môn lịch sử ở hầu hết các trường thấp đáng lo ngại. Hầu hết các trường, tỉ lệ thí sinh đạt điểm thi môn sử từ trung bình trở lên chỉ chiếm từ 0,3-5%. Ở các trường địa phương, điểm thi môn sử càng đáng báo động. Chẳng hạn Trường ĐH Tiền Giang, hơn 98% thí sinh có điểm thi môn sử dưới trung bình. Trường có 253 thí sinh dự thi khối C nhưng chỉ có năm thí sinh đạt điểm từ 5 trở lên, chiếm 1,97%. Trong số đó, cần nói rõ thêm điểm cao nhất chỉ là 5,25 điểm. Thế nhưng có đến 47 thí sinh có điểm 0”
(Theo tuoitre.vn – Kỳ thi ĐH 2011 Điểm thi môn sử thấp không ngờ)

MỞ BÀI: nêu vấn đề cần nghị luận.

THÂN BÀI
1.Giải thích và nêu thực trạng:
Môn lịch sử là một môn thuộc chuyên ngành xã hội, đây là môn học mà qua đó học sinh có kiến thức về lịch sử, văn hóa dân tộc và nhân loại góp phần hình thành nhân cách con người. Tuy nhiên qua các kỳ thi quốc gia như Tốt nghiệp, Đại Học lại có hàng ngàn điểm 0 môn lịch sử khiến cho dư luận rất bất bình đúng như thông tin Tuổi trẻ đã đưa tin “Hầu hết các trường, tỉ lệ thí sinh đạt điểm thi môn sử từ trung bình trở lên chỉ chiếm từ 0,3-5%. Ở các trường địa phương, điểm thi môn sử càng đáng báo động. Chẳng hạn Trường ĐH Tiền Giang, hơn 98% thí sinh có điểm thi môn sử dưới trung bình”.
2.Bàn luận
a. Từ cách giải thích ở trên ta thấy thực trạng nêu trên về môn Lịch sử để lại nhiều tác hại:
- Thế hệ tuổi trẻ không hiểu biết về nguồn cội, về lịch sử cha ông. Từ đó sẽ kéo theo sự suy thoái lòng tự tôn dân tộc.
+ Thời gian qua mạng xã hội đang truyền tay nhau một đoạn clip dài 4 phút quay cảnh học sinh trường THPT Nguyễn Hiền, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh, sau khi nghe thông tin không có môn Sử trong kỳ thi TN 2013 đã đồng loạt xé đề cương sử và tung ra sân trường. Sự việc này đã khiến cả nước rất bất bình.
- Sự không hiểu biết về lịch sử sẽ dẫn đến không hiểu biết về văn hóa dân tộc cũng là nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp của đạo đức, lối sống. (Chứng minh)
- Một thế hệ không hiểu biết về lịch sử sẽ dẫn đến kéo theo nhiều thế hệ bị "mù" lịch sử. Từ đó những giá trị về cội nguồn, cha ông, tổ tiên cũng bị xem nhẹ. (Chứng minh)
b. Từ việc phân tích tác hại đã nêu ở trên, ta cần tìm ra nguyên nhân. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến điểm kém môn Lịch sử nhưng chủ yếu là những nguyên nhân sau:
- Do quan niệm chạy theo một số ngành “hàng hiệu” của đại bộ phận phụ huynh và học sinh khi quyết định thi vào các trường ĐH & CĐ.
- Nhà nước không có đủ kinh phí để tổ chức những buổi học Lịch sử mang tính thực tế bằng cách đi tham quan, dã ngoại. Tiết Lịch sử thiếu sinh động, gây chán nản ở học sinh.
- Thời lượng dành cho môn Lịch sử ở trường Phổ thông không nhiều mà khối lượng kiến thức thì đồ sộ (bao gồm Lịch sử Việt Nam và Lịch sử thế giới) nên GV Lịch sử chỉ truyền đạt cho HS theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”…
- Thi cử không nghiêm túc dẫn đến quay cóp tài liệu, dần ỷ lại, không chịu học.
c. Qua việc phân tích những nguyên nhân ở trên ta cần tìm ra biện pháp khắc phục:
- Giáo dục tinh thần học tập bộ môn.
- Tăng cường giám sát kiểm tra nghiêm túc trong các kỳ thi tại trường Phổ thông.
- Tăng tiết môn Lịch sử, giảm tải bài học. Giáo viên cần thay đổi phương pháp dạy học.
- Cần có băng hình, hoặc tham quan, dã ngoại tạo sự hứng thú trong học tập.
3. Bài học cho bản thân: thường xuyên trau dồi kiến thức lịch sử; giáo dục thế hệ trẻ quan tâm đến lịch sử nước nhà.

III. KẾT BÀI
- Đánh giá chung về vấn đề.
 
Đề bài: Văn hóa tự sướng
Hiện nay nhiều bạn trẻ có thói quen nghiện chụp ảnh “tự sướng” để thể hiện bản thân, khẳng định cái tôi của mình.
Bằng bài văn nghị luận khoảng 600 từ anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về hiện tượng này của giới trẻ.

Hướng dẫn cách làm:
Mở bài: giới thiệu hiện tượng
Thân bài
Nêu vấn đề và giải thích
Chụp ảnh tự sướng (tiếng Anh gọi là selfie) dùng để chỉ thói quen tự chụp ảnh và cập nhật trạng thái đăng tải lên các trang mạng xã hội nhằm thu hút sự chú ý của mọi người. Nghiện chụp ảnh “tự sướng” trở thành căn bệnh dù đi đâu, ở đâu, làm gì, trong trang phục như thế nào cũng có thể chụp ảnh “tự sướng”, nếu không chụp sẽ thấy khó chịu.
Bàn luận
Thực trạng
Hiện nay chúng ta bắt gặp hiện tượng các bạn trẻ giơ điện thoại lên chụp ảnh “tự sướng” bất cứ ở đâu, thậm chí cả nhà tắm, khi đi chùa, trong các cuộc họp hội nghị sang trọng, trong đám tang…. bất cứ thời gian nào, họ sẵn sàng “take and share” (chụp và chia sẻ). Sau khi chụp xong chỉnh sửa và nhiều người đăng tải, chia sẻ hình ảnh thông tin trên các trang mạng xã hội như Fecebook, Twitter, Intasgram… nơi bạn bè có thể “like” (ưa thích) và đưa ra những commet (lời nhận xét) về bức ảnh thông tin đó. Khi đăng tải những thông tin này bản thân người chụp hy vọng sẽ nhận được những lời tán dương, ngợi khen.
Nhiều người nghiện chụp ảnh “tự sướng” thường bỏ ra nhiều thời gian để chụp được những bức ảnh sao cho hoàn hảo nhất không có bất cứ sai sót nào.
Hậu quả: Nhiêu người tin tưởng vào lời tán dương của cư dân mạng từ đó ảo tưởng về giá trị bản thân. Khi nhận được những lời nhận xét ác ý có thể gây ra những tổn thương về tinh thần.
Việc ham mê chụp ảnh tự sướng mất nhiều thời gian ảnh hưởng tới công việc, học tập, bỏ lỡ những cơ hội tốt cho tương lai.
Nhiều trường hợp bị kẻ xấu lợi dụng lắp ghép, chỉnh sửa, tống tiền gây ra những tổn hại về vật chất và tinh thần.
(Học sinh đưa dẫn chứng minh hoạ)
Nguyên nhân: muốn khẳng định bản thân thực, muốn khoe khoang mình.
Giải pháp:
Mỗi chúng ta cần ý thức được việc sử dụng công nghệ thông tin hiện đại thế nào cho phù hợp và có ý thức văn hóa.
Phê phán những người có thói quen nghiện chụp ảnh “tự sướng”.
Dành thời gian chụp ảnh tự sướng cho những công việc khác thiết thực hơn, tuyên truyền mọi người hiểu: được những giá trị chân thực của cuộc sống.
Bài học, liên hệ bản thân:
Hạn chế chụp ảnh “tự sướng” và khoe ảnh trên các trang mạng xã hội
Nên dành nhiều thời gian cho những việc có ích hơn.
 
Đề bài: Không sao đâu, bình tĩnh sống

Trong cuộc thi Tìm kiếm tài năng Việt Nam Vietnam ‘s got talent năm 2016, thí sinh Nguyễn Thị Thanh Thúy, 59 tuổi đến từ Lâm Đồng đã gây xúc động cho toàn thể giám khảo cùng khán giả bởi câu chuyện về cuộc sống trên đồi cao, không nước sạch, không đèn điện, hành nghề từ thiện giúp đỡ trẻ em bại liệt cùng người em gái. Chia sẻ về hoàn cảnh của mình, người phụ nữ có gương mặt khắc khổ bình thản trả lời: “Không sao đâu, cứ bình tĩnh sống”.
Câu nói trên gợi cho anh (chị) suy nghĩ gì về thái độ lạc quan trong cuộc sống? Bằng một bài văn không quá 600 từ, hãy trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề này.

1. Mở bài
Khi nhà văn Ernest Hemingway than thở với nhà thơ Ezra Pound chiếc vali chứa những bản thảo mà ông nâng niu như những viên đá quý của mình bị mất, thi sĩ thông thái lạc quan cho rằng đây là lúc Hemingway sẽ có thể bắt đầu tác phẩm của mình một cách hoàn hảo nhất với cái dở được bỏ đi, cái hay được giữ lại. Và Hemingway đã trở thành tác gia vĩ đại của nền văn học Mỹ như thế.
Mỗi con người luôn cần nuôi dưỡng sự lạc quan trong mình, đặc biệt trước những khó khăn thách thức muôn hình vạn trạng của cuộc sống, như câu nói của người phụ nữ đã từng làm xúc động khán giả Việt trong một chương trình truyền hình thực tế thời gian qua:”Không sao đâu, cứ bình tĩnh sống”.

2. Thân bài
2.1. Giải thích câu nói
“Không sao đâu”: lời động viên trước những khó khăn, nghịch cảnh trong cuộc sống.
“Cứ bình tĩnh sống”: lời nhắc nhở về thái độ sống lạc quan, bình thản trước mọi hoàn cảnh.
=> Câu nói ngắn gọn, giản dị đã làm nổi bật một triết lí sống sâu sắc: sống lạc quan.
2.2. Vì sao phải có thái độ lạc quan trước cuộc sống?
Khách quan: Cuộc sống bên cạnh những niềm vui, sự hân hoan hay thành tựu luôn là nỗi buồn, sự thất vọng hay thất bại. Con đường trải ngập hoa hồng cũng là con đường của những chiếc gai nhọn sắc.
Chủ quan: Không ai khác, bạn là người duy nhất quyết định thái độ sống của mình trước mọi hoàn cảnh. Nếu bạn dùng lăng kính u ám rọi chiếu vào mọi thứ xung quanh mình, vạn vật có đẹp đẽ nhường nào cũng biến thành một sắc xám; ngược lại, một vũng nước tù đọng dưới màn trời đêm cũng có thể lấp lánh những ánh sao nếu bạn nhìn ngắm mọi thứ với ánh nhìn lạc quan.
2.3. Lợi ích của thái độ sống lạc quan
Sống lạc quan giúp mỗi ngày trở nên tràn ngập niềm vui, những điều thú vị.
Trước những khó khăn, thái độ sống lạc quan giúp mỗi người luôn nhận ra mặt tích cực của mọi vấn đề, nhận ra những cơ hội mà người tiêu cực không thể nhận ra, từ đó gặt hái được những thành công trong cuộc sống.
Dẫn chứng
Cá nhân: Câu chuyện của thí sinh 59 tuổi vượt lên khó khăn của bản thân để đem tình thương chữa bệnh cứu người, đem tiếng hát của mình làm cuộc sống thêm tươi đẹp.
Tập thể: Câu chuyện của đất nước Nhật Bản vươn mình sau những thảm họa tự nhiên bằng tinh thần lạc quan khiến cả thế giới phải thán phục.
2.4. Làm sao để xây dựng thái độ lạc quan?
Làm việc tốt mỗi ngày để tạo ra nguồn năng lượng tích cực trước mọi điều trong cuộc sống.
Tự khen thưởng bản thân mình vì một điều tốt lành, một sự may mắn nhỏ bé nhất.
2.5. Lật ngược vấn đề
Lạc quan không phải là luôn nhìn cuộc đời bằng lăng kính màu hồng, ngây thơ, thậm chí mù quáng trước những vấn đề đặt ra trong cuộc sống.
Thái độ sống lạc quan, an nhiên, bình thản phải bắt nguồn từ sự thấu hiểu bản thân mình, nắm vững những quy luật trong cuộc sống.

3. Kết bài
Bằng câu nói giản dị và câu chuyện xúc động của cuộc đời mình, người phụ nữ nơi đồi cao Lâm Đồng đã trở thành một tấm gương về thái độ sống tích cực, lạc quan trong cuộc sống.
Với những khó khăn thách thức đang chờ đợi trước mắt, người trẻ cần nuôi dưỡng thái độ sống lạc quan để trải nghiệm và học hỏi niềm vui và nỗi buồn, từ thành tựu và thất bại.
 
Đề bài: Người chiến sĩ trong trận Gạc Ma
64 người con đất Việt nằm lại giữa biển sâu và 27 năm nay để lại nỗi đau âm ỉ trong lòng mọi người.
Anh (chị) hãy viết một bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày cảm nhận về tượng đài vững chắc được xây lên bằng lòng yêu nước, yêu biển đảo quê hương của các chiến sĩ trong trận chiến Gạc Ma 14/3/1988.

I. Mở bài:
Việt Nam là một quốc gia có truyền thống đấu tranh kiên cường chống giặc ngoại xâm. Trải qua hàng nghìn năm, đất nước ta sinh tồn cùng lịch sử vĩ đại của quá trình dựng nước và giữ nước
Sự hi sinh dũng cảm của 64 chiến sĩ ở Gạc Ma 1988 không những giữ vững chủ quyền quốc gia mà còn để lại bài học sâu sắc về lòng yêu nước, yêu biển đảo quê hương. Đặc biệt ở thời điểm hiện tại khi Trung Quốc vẫn chưa từ bỏ dã tâm xâm chiếm Trường Sa- Hoàng Sa thì có lẽ trận chiến Gạc Ma vẫn còn nguyên giá trị thời sự nóng bỏng.
II. Thân bài:
1. Giải thích khái niệm
Khái quát về trận chiến Gạc Ma 1988
Là trận thủy chiến nhằm bảo vệ đá Cô Lin,đá Len Đao và đá Gạc Ma thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc xâm chiếm, nổ bom phá hoại hòng rút cờ Việt Nam khỏi 3 vùng lãnh thổ trên.
Để chống lại âm mưu thâm độc của kẻ thù, Hải quân Việt Nam đã tổ chức một trận thủy chiến, phá vỡ mục tiêu kẻ thù đề ra. 64 chiến sĩ đã ngã xuống và bất tử trong lòng nhiều thế hệ kể từ năm 1988.
Lòng yêu nước, yêu biển đảo quê hương thể hiện ở sự hiểu biết về đất nước và quyền lợi của đất nước mình; sẵn sàng hi sinh để bảo vệ đất nước khi có chiến tranh; tích cực học tập, tu dưỡng để xây dựng đất nước ngày càng phát triển. Lòng yêu đất nước còn thể hiện ở sự tự tôn dân tộc, trở thành một biểu tượng cao đẹp của thế hệ cha ông Việt Nam nhiều đời nay.
2. Bàn luận
Lòng yêu nước, yêu biển đảo quê hương là một trong những nhân tố cho thấy trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng.
Dẫn chứng:
Các chiến sĩ Gạc Ma đã trao mình cho biển trong trận chiến 1988 nhưng công lao mà họ làm ra cho đất nước suốt 27 năm qua vẫn không hề mất đi. Thậm chí, dân tộc Việt Nam vẫn luôn tự hào vì những con người nhỏ bé nhưng vĩ đại biết mấy.
Những chiến công có được trong trận chiến Gạc Ma có tính chất vững bền vì đó là tình yêu bao la mà các chiến sĩ chiến đấu nói chung và những người đã nằm xuống dành cho bà mẹ Tổ Quốc. Một tấm lòng chân thành, sâu sắc, biết ơn và tự hào. Có lẽ, đó cũng là nguồn sức mạnh to lớn để họ dũng cảm, hiên ngang trước kẻ thù tàn bạo, phi lí Trung Quốc.
Trong bối cảnh hiện đại, tình yêu đất nước, yêu quê hương biển đảo càng có vai trò quan trọng khi đất nước vẫn còn bị de dọa bởi sự xảo quyệt của kẻ thù. Vấn đề Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa vẫn còn căng thẳng mà cả thế giới vẫn chưa tìm được một giải pháp khả quan.
Dẫn chứng:
Năm 2014, Trung Quốc bắt đầu gây hấn trên vùng biển Việt Nam bằng việc đặt giàn khoan HD981 trái phép, sau đó ngang nhiên tuyên bố chủ quyền và giết hại ngư dân Việt Nam. Hải quân Việt Nam cùng bộ phận ngư dân đã chiến đấu dũng cảm, cùng với sự ủng hộ của nhiều bạn bè quốc tế, các quốc gia yêu chuộng hòa bình sự việc được lắng xuống.Một trận chiến về quân sự đã không phải diễn ra nhưng cho đến nay Trung Quốc vẫn hàng ngày hàng giờ nuôi dưỡng dã tâm xâm lược bằng được vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Hơn một năm nay chúng tích cực xây dựng các đảo nhân tạo, thiết lập vùng nhận diện trên không… Biển Đông, Hoàng Sa- Trường sa vẫn đang oằn mình chống lại “ cơn bão” tàn nhẫn của kẻ thù.
3. Phê phán
Nhiều cá nhân sống vô trách nhiệm, thờ ơ với vận mệnh biển đảo và đất nước.
Có một bộ phận thanh thiếu niên sống buông thả, không có ước mơ hoài bão và nghị lực đấu tranh, tu dưỡng để cống hiến cho đất nước.

III. Kết bài
Trận chiến Gạc Ma và sự hi sinh của 64 chiến sĩ năm 1988 đã đi vào lịch sử dân tộc như một huyền thoại cho bản lĩnh và lòng yêu chân thành với quê hương, biển đảo.
Mặc dù thời gian có thể tàn phá thể xác của những con người đã nằm xuống, song họ mãi bất tử với tượng đài vững chắc đã được xây lên bằng lòng yêu nước,bằng máu xương, da thịt của họ. Con người đã sống đang sống và sẽ được sinh ra trong tương lai vẫn vang mãi những vần thơ:
“Hào khí năm xưa, chí hùng bất tận
Giữ Côn Lin, Song Tử với Sinh Tồn
Giặc dữ hung tàn, thế mạnh như cồn
Các anh kết đoàn bên vòng tròn bất tử

Anh không về, Trường Sa ta quyết giữ
Cho hôm nay và mãi tận ngàn sau
Trận Gạc Ma mãi mãi một niềm đau
Anh hùng tử chí hùng bất tử”.
 
Đề bài: Hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long
Tin hạn – mặn mùa này về châu thổ
Đồng Tháp Mười trong đó có An Giang
Nơi tập trung vùng đất lúa bạt ngàn
Quê Út Nhỏ nghe sao mà thương quá

Nếu lúa thất chắc Út rời thôn dã
Bỏ xuồng trôi không chở bạn vần công
Út sẽ phải tìm về nơi phố đông
Làm công nhân tạm thời gian hạn – mặn

Mong ngọt nước phù sa về bồi lắn
Lúa đồng xa trĩu hạt sắc tươi vàng
Hết tha hương Út trở lại thôn làng
Kẻo mai một hương đồng phai theo gió!

Tâm sự của độc giả Sông Quê trong bài phản ánh “Miền Tây hạn, mặn nghiêm trọng nhất 100 năm, VnExpress”
Anh chị hãy viết một bài văn nghị luận khoảng 600 chữ trình bày suy nghĩ của mình về tình trạng hạn hán kéo dài tại Đồng bằng sông Cửu Long thời gian vừa qua.

DÀN Ý:

I. Mở bài
Sống trong vòng tay của Tự nhiên, con người hiện đại dường như đang mặc nhiên cho rằng sự ưu đãi hào phóng từ tạo hóa là vô tận, khiến cho bà mẹ Tự nhiên nổi giận. Con người đang phải trả giá đắt bằng việc gánh chịu những thiên tai, hiểm họa không ngờ.
“Mong ngọt nước phù sa về bồi lắng/ Lúa đồng xa trĩu hạt sắc tươi vàng” – những hi vọng hướng về vùng đồng bằng sông Cửu Long đang gồng mình trước thiên tai buộc ta phải nghĩ đến nạn hạn hán – ngập mặn mỗi lúc một tàn phá cuộc sống yên ấm của những người nông dân lương thiện.

II. Thân bài
1. Phân tích tác phẩm để rút ra vấn đề nghị luận
Bằng những câu thơ với giọng buồn trĩu nặng cùng âm điệu trầm lắng, người viết đã gợi lên “vùng đất lúa bạt ngàn” An Giang mùa hạn hán, ngập mặn; nỗi lo lắng cho những người con phải rời bỏ quê hương, tha hương cầu thực nơi “phố đông”.
Dòng tâm sự ấy gợi nhắc người đọc đến những vấn đề xã nhức nhối: nạn hạn hán chưa từng thấy gần 100 năm qua tại ĐBSCL và hành trình gian nan của người lao động nông thôn đi tìm cơ hội việc làm tại thành thị.

2. Nghị luận về các vấn đề được rút ra từ tác phẩm
2.1 Nạn hạn hán, ngập mặn tại ĐBSCL (luận điểm chính)
a) Thực trạng
Những tháng đầu năm 2016, ĐBSCL đã hứng chịu nạn hạn hán, xâm nhập mặn lớn nhất trong gần một thế kỉ qua.
+ Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc (UN), mực nước tại mạng lưới kênh rạch của ĐBSCL đang ở mức thấp nhất kỉ lục. Những ruộng lúa khô cằn, những đầm tôm mất trắng,… đặt lên vai người nông dân chồng chất những gánh nợ.
+ Sinh hoạt của người dân cũng bị ảnh hưởng trầm trọng. Hiện tại ở ĐBSCL đã có hơn nửa triệu người thiếu nước. Tỉnh Bến Tre ghi nhận 160/164 xã không có nước ngọt để sinh hoạt.

b) Nguyên nhân
Thiên nhiên đang biến đổi theo chiều hướng tiêu cực với những thiên tai không thể lường trước gây nên bởi sự biến đổi khí hậu toàn cầu.
Hoạt động canh tác, nuôi trồng của người dân chưa kịp thay đổi cho phù hợp với sự biến đổi của điều kiện tự nhiên.

c) Hậu quả
Kinh tế là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất:
+ Xuất khẩu gạo sụt giảm, nguồn cung trái cây thiếu hụt.
+ Khan hiếm việc làm tại nông thôn khiến nạn thất nghiệp gia tăng.

Hệ sinh thái cũng không tránh khỏi những tác động tiêu cực. Vùng trũng Lung Ngọc Hoàng (Hậu Giang) – khu vực bảo tồn thiên nhiên rộng hơn 3.000 ha và cũng được xem là túi nước ngọt của cả vùng đồng bằng có nguy cơ chứng kiến sự biến mất của 500 loài.

d) Giải pháp
Phát triển kinh tế bền vững, lâu dài nhằm giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp cho vùng mặn của ĐBSCL, có quy hoạch các khu vực nuôi trồng ven biển, tổ chức cho bà con khu vực nuôi tôm đúng kỹ thuật.

2.2) Hành trình người nông dân đi tìm cơ hội việc làm nơi thành thị (luận điểm phụ)
a) Thực trạng
Khi người nông dân bị tước đoạt sinh kế tại chính mảnh đất quê hương mình, họ có xu hướng bỏ làng, bỏ đất, tha hương cầu thực nơi thành thị.
+ Những người vợ trẻ không chịu nổi cảnh nghèo đói bỏ lại gia đình, kiếm tìm hạnh phúc mong manh ở xứ lạ.
+ Bao em gái “bỏ xuồng trôi”, lên thị thành đông đúc.

b) Nguyên nhân
Nghèo đói do khan hiếm việc làm ở nông thôn.
Cư dân nông thôn thiếu trình độ lao động, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội.

c) Hậu quả
Tạo ra áp lực việc làm ở đô thị khiến nạn thất nghiệp gia tăng.
Nguy cơ đánh mất những giá trị truyền thống trước những cạm bẫy, xô bồ của cuộc sống đông đúc nơi thị thành, “hương đồng bay theo gió”.

d) Giải pháp
Nâng cao, bồi dưỡng trình độ lao động cho lực lượng lao động nông thôn.
Tận dụng những ưu thế địa phương để tạo ra các cơ hội việc làm cho người dân nông thôn.

III. Kết bài

Bài thơ hàm là cái nhìn trăn trở về các vấn đề nan giải nảy sinh trong cuộc sống hiện đại mà con người phải đối mặt. Người trẻ cần bồi đắp nhận thức sâu sắc về các vấn đề này, chung tay giải quyết trong khả năng của mình.
 
Đề bài: Văn hóa xếp hàng nơi cộng đồng

Ngày 16/04 tại Hà Nội, đã diễn ra chiến dịch nâng cao chất lượng du khách người Việt khi đi công tác du lịch ở nước ngoài. Người ta muốn du khách Việt ai cũng có ý thức, ai cũng biết vứt rác đúng chỗ, nói chuyện văn minh, biết xếp hàng và biết nhẫn nại, để khiến hình ảnh du khách Việt Nam trở nên đẹp hơn trong mắt bạn bè quốc tế.
Cùng ngày hôm đó, là những tin tức hình ảnh về lễ hội đềnHùng. Hơn 7 triệu du khách đổ về nơi đây, vừa tìm về cội nguồn đất nước, vừa là cách tận hưởng ngày đầu tiên của kì nghỉ lễ. Tưởng rằng đây sẽ là một lễ hội tuyệt vời.
Nhưng không…
Nhan nhản là những mẩu tin về sự chen chúc, những tiếng thét thất thanh của trẻ nhỏ người già, những đối tượng đáng ra phải được ưu tiên thì bị chèn ép không thương tiếc. Người ta ca ngợi chiến công cứu trẻ nhỏ ra khỏi đám đông, hoảng hốt trước cảnh dòng người ùn ùn chạy đua, xô đẩy.
Không chỉ ở lễ hội Đền Hùng, mà hình ảnh chen lấn có thể gặp ở bất cứ đâu.
Đó là đỉnh Chùa Đồng, Yên Tử. Đó là lễ rước ấn đền Trần, nơi hàng nghìn con người xâu xé nhau chỉ để được hưởng lộc tổ.
Đó là những chuyến du lịch trong kì nghỉ dài, mà khi đến bất cứ địa danh nào, cũng dễ dàng bắt gặp cảnh xô đẩy, giành giật, không hàng lối, không trước sau.
Hẳn nhiều người cùng suy nghĩ giống tôi, “Dân mình đang đi trẩy hội, đi hưởng nghỉ lễ hay là đi hành xác thế?”.
(Trích: Hỗn loạn ở đền Hùng, xếp hàng sau động đất ở Nhật và chiến dịch nâng cao hình ảnh du khách Việt…, Lương Hồng Phúc – Tri Thức Trẻ)
Hãy viết một bài văn nghị luận khoảng 600 từ trình bày suy nghĩ của em về vấn đề “văn hóa xếp hàng” của người Việt Nam hiện nay.

I. Mở bài:
Cuộc sống hiện đại hôm nay là sự phát triển không ngừng của văn hóa nhân loại. Nhưng có lẽ, trong xã hội của Việt Nam thì câu chuyện bàn về sự suy đồi về văn hóa lại tự dưng có một vị trí đặc biệt.
Lùi xa về quá khứ với những câu ca dao, tục ngữ khuyên người ta hãy sống biết yêu thương “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” hay “Lá lành đùm lá rách” thì giờ đây ta lại ngậm ngùi xót xa khi nhìn thấy cảnh chen lấn đông đúc, giằng xé ganh đua nhau ở mọi nơi- kể cả là chốn thờ tự linh thiêng đầy tính nhân bản.
Đoạn trích trên cho thấy thực trạng thiếu kỉ luật, không ý thức về “văn hóa xếp hàng” của con người Việt Nam.
II. Thân bài:
a. Giải thích khái niệm
Rõ ràng, trong đoạn bài báo trích thiếu “văn hóa xếp hàng” là một trong những sự thiếu hụt văn hóa nguy hiểm của người Việt. Bởi vậy, chúng ta phải “huấn luyện” để “che mắt” bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn đó câu hỏi đặt ra: “Làm thế nào để đa số người Việt biết cách xếp hàng?”
Xếp hàng là cách đứng có tuần tự, có người trước, người sau, cứ hết lượt người này thì sẽ đến lượt người khác theo một thứ hạng nhất định.
Văn hóa xếp hàng được hiểu là tất cả mọi người trong một cộng đồng chung đều thừa nhận và thực hiện việc xếp hàng, có trước có sau, không chen lấn, xô đẩy hay tạo thành sự hỗn loạn khủng khiếp.
b) Thực trạng
Với người Việt, văn hóa xếp hàng đã có một thời tồn tại và trở thành một nét đẹp văn hóa. Hãy nghĩ về Hà Nội thời bao cấp khi mỗi dịp Tết đến Xuân về người dân vẫn luôn xếp hàng nhẫn nại để nhận được các “món hàng” đấy thôi. Song có lẽ, khi cuộc sống không còn nghèo khó nữa, người ta tích cực “tư lợi” và thế là không có văn hóa xếp hàng.
Dẫn chứng:
Học sinh Việt Nam để xếp thành một hàng ngay ngắn, lúc nào phải có giáo viên chủ nhiệm bên cạnh, học sinh mẫu giáo thì khỏi nói nhưng nhiều trường hợp đã là anh chị 12 rồi mà các thầy cô vẫn phải “mỏi cổ gào to” để có một hàng cho tử tế.
Giao thông chật cứng mỗi giờ cao điểm nhưng xe máy chen trước ô tô, ô tô cố nhích lên trước xe buýt; các xe phân khối lớn thì bóp còi inh ỏi để vụt bay khỏi đám chen. Và chả ai nhường ai, nhiều khi cũng chỉ vậy mà khiến xe này hỏng, người kia chết…
Trong lễ hội thì khỏi nói: lễ hội Đền Hùng, khai ấn đền Trần, lễ hội chùa Hương… cảnh chen chúc đùn đẩy nhau, kẻ khóc người cười, thi nhau vượt rào không ý thức nguy hiểm, người lớn trẻ nhỏ kêu gào thất thanh…. Đau đớn thay! Một xã hội mà chỉ vì cho chuẩn giờ “hoàng đạo” người ta “tàn sát” nhau, không để nhau thanh thản mà lên chùa, lấy lộc chùa.. đến những nơi thanh tịnh để mà “thở không ra hơi, kêu không ra tiếng”. Nhiều bài báo đã gọi việc hành hương lên đền Hùng ngày 10/3 năm nay là cuộc “càn quét” của đám con cháu xấc xược với cụ Tổ ngàn năm trước.
c) Nguyên nhân
– Do tính ích kỉ, thiếu kiên nhẫn của con người –
Tâm lí đám đông
– Không được “dạy dỗ” về văn hóa xếp hàng
d) Hậu quả
– Không có văn hóa xếp hàng dường như cũng là yếu tố khiến người Việt Nam ta càng ngày càng trở nên lạc hậu với các nước trên thế giới.
Dẫn chứng:
Còn nhớ một bài học từ hồi cấp một, kể về chuyện V. Lê-nin đi cắt tóc. Ông đến tiệm cắt tóc, thấy đông khách nên ngồi chờ đến lượt mình. Người thợ cắt tóc không muốn vị lãnh tụ phải chờ lâu nên khẩn khoản mời ông vào cắt trước, nhưng Lê-nin thẳng thắn từ chối. Ông nói, mình cũng phải xếp hàng như những người khác…
Trận động đất vừa qua ở Nhật Bản, lại tiếp tục thấy cảnh người dân xếp hàng để nhận cơm nắm cứu đói. Cách đây ít năm, khi bị sóng thần tàn phá, người Nhật dù mất nhà cửa, phải ngủ trong lều bằng hộp các- tông nhưng họ vẫn xếp hàng chờ phát lương thực, vẫn biết nhường phòng tắm công cộng cho người già, trẻ nhỏ.
Xếp hàng không phải đặc sản của người Nhật. Trước trận siêu bão Katrina tại Mỹ, người ta chứng kiến cảnh hàng nghìn xe ô tô xếp hàng thẳng tắp trên đường đi tránh bão. Trong tình thế nguy cấp, không thấy ai chen ngang, lấn đường.
Phải chảy nước mắt vì dòng người từ sân vận động nắm tay nhau và hát quốc ca để tránh bom đạn kinh hoàng của IS trong vụ khủng bố ở Pháp ngày 13/11/2015.
– Là nguyên nhân của nạn hối lộ, chạy chọt … khiến xã hội ngày càng mất công bằng hơn.
Dẫn chứng
Mua vé xem bóng đá không muốn xếp hàng thì đã có đội ngũ phe vé phục vụ. Vào bệnh viện không muốn xếp hàng thì kẹp phong bì vào hồ sơ. Cũng có người muốn xếp hàng, nhưng vì xếp mãi không đến lượt nên nản, và lần sau không muốn… xếp hàng nữa.
– Con người Việt Nam thiếu kỉ luật, nhẫn nại và không mấy “ văn minh”
e) Giải pháp
Văn hóa xếp hàng vốn không phải là văn hóa đặc trưng của bất cứ dân tộc nào trên thế giới, nó xuất phát từ “kỉ luật” mà con người tu dưỡng đạo đức hàng ngày Pháp luật cần phải chặt chẽ hơn, phối hợp với giáo dục về tính kỉ luật, văn minh.
f) Lật lại vấn đề
Có lẽ, còn rất ít những con người biết đợi chờ để không gây cảnh bát nháo, lẫn lộn nhưng trong cuộc sống vẫn còn nhiều người biết xếp hàng để người khác lên trước. Đó là những tấm gương sáng còn “rơi rớt” lại trong xã hội. Hãy nhìn cách người Nhật, người Pháp đối xử với nhau; đối xử với môi trường xã hội.

III. Kết bài:
Văn hóa xếp hàng đặt ra nhiều nguy cơ về sự xuống cấp đạo đức của con người Việt Nam. Và sâu xa hơn là cách sống có mình có người Đây là vấn đề gián tiếp làm mất đi hình ảnh người Việt Nam dưới con mắt của bạn bè quốc tế.
 
Đề bài:Thái độ sống ích kỉ qua thực phẩm bẩn

Thịt heo có chất tạo nạc salbutamol, thịt bò được làm từ thịt heo tẩm hóa chất và mới đây, một số ngư dân thản nhiên vớt cá chết bán cho thương lái trong vụ cá chết hàng loạt tại miền Trung. Những câu chuyện về sản xuất, buôn bán thiếu trung thực trên gợi cho anh (chị) suy nghĩ gì về thái độ sống ích kỷ, hẹp hòi của một số người trong xã hội hiện đại?
Viết một bài văn không quá 600 từ trình bày quan điểm của mình về vấn đề nêu trên.

I. Mở bài
Trong cuộc sống ngày một đầy đủ, sung túc, con người lại càng dễ dàng đánh mất đi bản tính tốt đẹp của mình. Người ta chỉ lo lắng cho chiếc ví tiền đang mỏng dần mà không quan tâm đến tâm hồn mình đã bao phần khiếm khuyết bởi những suy nghĩ vị kỉ, vụ lợi.
Không chỉ là câu chuyện “nóng” về chủ đề thực phẩm bẩn, việc thịt heo chứa chất tạo nạc, thịt bò làm từ thịt heo tẩm hóa chất, cá chết hàng loạt được ngư dân thu bán còn gợi nhắc ta về thái độ sống hẹp hòi, ích kỉ của một số người hiện nay.
II. Thân bài
1. Giải thích
Thịt heo có chất tạo nạc, thịt bò được làm từ thịt heo tẩm hóa chất, ngư dân bán cá chết cho thương lái là những câu chuyện về sản xuất, buôn bán thiếu trung thực, vì lợi ích vị kỉ của người bán mà ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Thái độ sống ích kỉ, hẹp hòi chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân, lợi ích trước mắt mà không nghĩ đến lợi ích lâu dài, lợi ích của người khác.
2. Nguyên nhân của lối sống ích kỉ, hẹp hòi
Khách quan: Cuộc sống hiện đại cuốn con người vào vòng xoáy của cải, vật chất. Đồng tiền thể hiện sức mạnh đáng sợ của một thứ quyền lực vô hình có khả năng chi phối suy nghĩ, hành vi của không ít người.
Chủ quan: Bên trong mỗi cá nhân luôn luôn là cuộc chiến đấu âm thầm mà sục sôi của cái thiện – cái ác, “rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần và ác quỷ” (truyện ngắn “Bức tranh” – Nguyễn Minh Châu). Sự yếu đuối, thiếu bản lĩnh và hiểu biết đưa đến một kết cục tất yếu là chiến thắng của cái ác, sự hẹp hòi, ích kỷ.
3. Thực trạng lối sống ích kỉ, hẹp hòi của một số người hiện nay
Lối sống ích kỉ, hẹp hòi giống như một căn bệnh “trầm kha” của cuộc sống hiện đại, một liều thuốc độc ngấm dần và phá hủy từng tế bào quan trọng của xã hội.
+ Nỗi lo thực phẩm bẩn len lỏi vào từng câu chuyện thường nhật của mỗi người. Nói về cố nhạc sĩ Trần Lập đã ra đi bởi căn bệnh ung thư trực tràng cách đây không lâu, cựu thành viên ban nhạc Bức tường Trần Nhất Hoàng chia sẻ:”Ông trồng chè khoe họ được uống chè từ khu trồng sạch nhà quây riêng dành cho gia đình, khu còn lại tất nhiên là trà bẩn để bán. Bà bán rau cũng hân hoan nói nhà mình được ăn rau ở khu trồng sạch, khu nhiều thuốc là để bán. Ông bán thịt lợn cũng vậy.” Những con người này đang đầu độc chính đồng bào mình chỉ khoản lãi lời trước mắt, liệu có đáng?
+ Vì ích kỉ, chỉ lo cho mình mà hình ảnh chen lấn, chộp giật xuất hiện cả ở những chốn linh thiêng như đền Hùng. Dòng người dâng lễ cầu mong sự bình an, yên tĩnh mà bản thân họ đã mang bao nhiêu lo sợ về sự thiệt thòi của bản thân về nơi đất tổ.
4. Hậu quả của lối sống ích kỉ, hẹp hòi
Người sống cá nhân, ích kỉ không bao giờ vươn tới sự an yên trong tâm hồn bởi trong họ luôn thường trực nỗi lo sợ mình thiệt thòi hơn người khác.
Trong một tập thể, nếu ai cũng chỉ nghĩ cho bản thân thì tập thể sẽ khó khăn trong việc tìm ra tiếng nói chung, lợi ích chung để theo đuổi và tan rã là kết cục không quá ngạc nhiên.
Sự ích kỉ lớn dần trong xã hội cũng là một loại trở lực ghê gớm kìm hãm sự phát triển của cả một đất nước. Chỉ nói riêng về sức khỏe, nếu con người ta tiếp tục đầu độc nhau bởi thực phẩm bẩn, những cái chết vì ung thư sẽ còn nhân lên hoặc sức và lực của giống nòi cũng bị suy kiệt.
5. Giải pháp để thay đổi lối sống ích kỉ, hẹp hòi
Trước hết, mỗi chúng ta cần nhận thức sâu sắc về những nguy hại của lối sống ích kỉ, hẹp hòi. Là những chiếc nôi đầu tiên mà trí tuệ, nhận thức của cá nhân hình thành, gia đình và nhà trường phải tham gia tích cực vào việc giáo dục lối sống của người trẻ.
Phê phán những hành vi là biểu hiện của lối sống ích kỉ, vụ lợi cá nhân; nhân rộng những việc làm hay, nghĩa cử cao đẹp vì lợi ích chung của tập thể.
6. Lật ngược vấn đề
Không vì sự lớn dần của thái độ sống thờ ơ, ích kỷ mà nhìn cuộc đời bằng lăng kính màu xám hay dễ dàng thỏa hiệp, im lặng trước cái xấu, cái ác.
Phản đối sự ích kỉ, hẹp hòi cũng không có nghĩa là hi sinh hết mình vì người khác một cách dại dột, mù quáng.

III. Kết bài
Suy nghĩ ích kỉ, hẹp hòi đang len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, để lại tác động tiêu cực đến mỗi cá nhân, tập thể, thậm chí đến cả một dân tộc.
Người trẻ với sự thiếu thốn về kinh nghiệm sống, dễ dàng trở thành nạn nhân của lối sống ích kỉ cần tự nhắc nhở mình về mối nguy hại trong thái độ sống này; đấu tranh trong khả năng của mình để loại bỏ nếp nghĩ hẹp hòi, vị kỉ.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top