Tóm tắt nội dung tác phẩm thiên anh hùng ca..ramyana

PHÚC KEYNES

New member
Xu
0
Thiên anh hùng ca Ramayana cùng với thiên anh hùng ca Mahabharata thường được ví với hai thiên trường ca của Homère : Odysée và Iliade.
Trong sự hình thành cá tính dân tộc, những nhân vật truyền kỳ trong văn chương bình dân và dã sử thường có ảnh hưởng mạnh mẽ không kém gì những bậc anh hùng trong chính sử. Có thể nói rằng tất cả các bậc vĩ nhân của Ấn Độ đều đã được hun đúc nuôi dưỡng bởi những công nghiệp siêu phàm của các nhân vật trong hai thiên anh hùng ca trên. Trong vòng ba ngàn năm nay, những tác phẩm ấy thành cái di sản quí báu của nhân dân Ấn Độ, món ăn tinh thần của người trí thức cũng như người thất học nam hay nữ, giàu hay nghèo.
Một tác phẩm văn học sở dĩ trở nên bất tử và được truyền tụng rất sâu rộng không phải chỉ nhờ ở tính cách lý tưởng hay nội dung đạo đức của nó. Điều kiện quan trọng hơn là nó phải thể hiện được những khía cạnh đặc biệt của đời sống tình cảm, tư duy và sinh hoạt vật chất của con người bằng nghệ thuật độc đáo.
Cả hai thiên anh hùng ca đều được diễn tả bằng những câu thơ Sloka (câu thơ đôi : hai câu một vần) là điệu thơ giàu nhạc điệu và phổ thông nhất trong Phạn văn, rất thích hợp để diễn tả những tình cảm bi hùng trong lịch sử. Lời thơ lại hồn nhiên giản dị, giàu vẻ tự nhiên hơn là những kỹ thuật cầu kỳ. Anh hùng ca Ramayana thể hiện đời sống tôn giáo và những tình tự đạo đức của Ấn Độ cổ thời, làm sống dậy tất cả những đức tính quý nhất của con người trên cả hai phương diện thế gian và siêu thoát. Đối với nhân dân Ấn Độ, ông hoàng Rama hóa thân thứ bảy của thần Vishnu, là hiện thân của đạo đức, của tình thương yêu vô vàn. Theo truyền thuyết thì truyện này do Nârada, một đạo sĩ thấu thị (rishi), kể lại cho đạo sĩ Vâlmiki nghe. Ông này nhờ có thần Brahma khuyến khích và giúp đỡ, đã tìm được nguồn cảm hứng lạ kỳ để thuật lại sự tích Rama cho các môn đệ nghe bằng những vần sloka tuyệt tác. Chính thần Brahma cũng cảm thấy rung động vì lời giọng hát của Valmiki nên đã phải thốt lên: “Chừng nào sông chưa cạn, đá chưa mòn thì anh hùng ca Ramayana còn làm say mê nhân thế và cứu giúp họ ra khỏi vòng tội lỗi.”
Sử gia Pháp Michelet (1798-1874) sau khi đọc Ramayana đã không tiếc lời ca ngợi : “Người nào đã từng hành động hoặc ham muốn quá nhiều, hãy uống cạn ly rượu đầy sức sống và tuổi trẻ này … Ở Tây phương, cái gì cũng chật hẹp : Hy Lạp nhỏ bé làm tôi ngột ngạt; Do Thái khô khan làm tôi khó thở. Hãy để cho tôi hướng về Á châu cao cả và Đông phương thâm trầm trong giây lát. Chính nơi đó đã phát sinh ra bài thơ vĩ đại của tôi, mênh mông như Ấn độ dương tràn ngập ánh mặt trời rực rỡ tốt lành. Đó là một tác phẩm chứa chan hòa điệu thiêng liêng, tạo nên một không khí thái hòa và tình thương vô biên ngay giữa những cảnh tượng mâu thuẫn xung đột”.
Điều cần ghi nhớ là bản anh hùng ca Ramayana được truyền tụng đến ngày nay không phải là nguyên bản của Valmiki, mà là một thiên trường ca đã được khai triển rất nhiều bởi biết bao thi sĩ vô danh trải qua nhiều thế kỷ. Hàng thế hệ thì nhân đời nọ qua đời kia đã không ngừng phụ họa và bổ túc những lời thơ tuyệt diệu.
Toàn bộ Ramayana nguyên bản Phạn ngữ gồm bảy cuốn, nhưng cuốn sau cùng chỉ là một phụ bản do đời sau thêm vào. Phụ bản này kể thêm một đoạn kết bi thảm cho tác phẩm, có dụng ý vừa ca ngợi thêm đức tính vô song của nàng Sita, vợ hoàng tử Rama, vừa gây cảm xúc mạnh mẽ tột độ cho người đọc. Nhờ phụ bản này, chúng ta được biết anh hùng ca Ramayana gồm có 7 cuốn, 500 đoạn và 24.000 câu thơ đôi sloka. Trong phần kết luận, phụ bản này còn cho biết thêm rằng con và em của hoàng tử Rama đã tạo lập được một số đô thị trong Vương quốc rất phồn thịnh vào khoảng thế kỷ thứ VI, thứ V trước Công nguyên. Do đó, có thể tạm kết luận rằng thiên hùng ca Ramayana, sau mấy thế kỷ truyền tụng và tăng bổ, đã được hoàn thành dưới hình thức hiện thời vào khoảng hai, ba trăm năm trước Công Nguyên.
* * *
Vua Dasha-ratha đóng đô tại Ayodhya, ngự trị cả vương quốc Koshala. Nhà vua có ba vợ mà không có con trai mặc dầu đã nhiều lần cầu nguyện thần linh, và cách ăn ở của nhà vua thì rất mực nhân đức. Sau cùng nhà vua định làm lễ cầu tự thật lớn : hy sinh một con ngựa tế trước đàn tràng.
Vào thời này, trên thiên giới, các thần linh cũng đương gặp khó khăn. Bị Quỷ vương Ravana quấy phá, các thần linh tới cầu cứu thần sáng tạo Brahma. Thần Brahma cho hay Quỷ vương đã được ân sửng của mình nên không một vị thần linh nào có thể giết được nó. Tuy nhiên, Quỷ vương đã quá kiêu ngạo không thèm hạ mình xin ân sủng của người thế gian nên nó có thể bị người thế gian giết chết.

Vishnu cưỡi thần điểu Gurada
Vừa lúc đó thần Vishnu cưỡi thần điểu Gurada tới. Các thần linh yêu cầu Vishnu hãy giáng sinh làm người lần nữa để trừ khử Quỷ vương giúp. Vishnu nhận lời.
Vào lúc nhà vua Dasha-ratha đương làm lễ cầu tự thì Vishnu hiện thành hình mãnh hổ giữa đám lửa khói và bảo nhà vua hãy lấy một số gạo và sữa trong buổi lễ mà chia thành ba phần cho ba người vợ ăn. Nhà vua tuân lệnh : hoàng hậu Kaushalya được một phần, bà phi Kaikeyi một phần và bà phi thứ ba trẻ đẹp nhất, được ân sủng nhất, bà Sumitrâ, được những hai phần. Đúng kỳ hạn, hoàng hậu Kaushalya sinh hạ Rama; bà phi Kaikeyi sinh ra Bharata, và bà phi trẻ đẹp Sumitra là mẹ của cặp sinh đôi Lakshmana và Shatrughna.
Cũng vào lúc đó trên thiên giới các thần linh cũng hoạt động dữ lắm. Các ngài tạo ra một đám khỉ rất đông để chúng sẽ trợ lực Vishnu trong việc diệt trừ Quỷ vương sau này.
Rồi suốt mười sáu năm trường thần dân của vua Dasha-ratha sống an bình hạnh phúc, con cái có hiếu với cha mẹ, anh em trong một gia đình biết nhường nhịn lẫn nhau, mọi người cư xử với nhau luôn luôn giữ được tín nghĩa. Bốn hoàng tử lớn lên khôi ngô tuấn tú, tính tình khảng khái hào hùng, cả bốn đều được thần dân mến phục. Trong bốn vị hoàng tử thì Rama trội hơn cả về vẻ dĩnh ngộ cũng như về mọi đức tính can trường dũng cảm.

Đạo sư Viswamitra, và hai anh em Rama và Lakshmana
Khi hoàng tử Rama vừa mười sáu tuổi, đạo sĩ Viswamitra tự chốn thảo lư trong rừng thẳm tới kinh đô, xin hoàng tử tới tiêu diệt giúp một bầy quỷ vẫn thường đến quấy phá vào lúc đạo sĩ toạ thiền. Sau khi đã xin phép vua cha và an ủi vua cha đừng lo ngại gì cả, Rama theo đạo sĩ vào rừng. Hoàng tử Lakshmana vốn rất quý mến và trung thành với anh cũng xin được tháp tùng. Hai anh em đã giúp đạo sĩ diệt được hàng trăm quỷ và đánh đuổi được hai con quỷ chúa là Maricha và Shu-vahu.
Công việc xong xuôi, Rama hỏi đạo sĩ Viswamitra còn cần gì đến mình nữa không. Đạo sĩ cho chàng hay hiện nay tại vương quốc Videha, vua Janaka đương làm lễ tuyên phu cho công chúa Sita. Nhà vua có cây cung nặng và cứng đến thần linh cũng khó mà giương nổi. Tương truyền thần Bão Rudra đã trao cây cung đó cho một đạo sĩ thấu thị trong vương triều. Vị đạo sĩ này dâng lên đức vua. Ngày nay nhà vua công bố bất kỳ vị vương tôn nào giương nổi cây cung thần sẽ được tuyển làm phò mã. Đạo sĩ khuyên Rama nên tới đó. Còn về công chúa Sita, đạo sĩ nói rõ thật ra nàng không phải là con đẻ của vua Janaka. Xưa vào ngày lễ hạ điền, Janaka xuống đồng cầy ruộng, nhà vua thấy một hài nhi gái hiện ra ở luống cày bèn đem về nuôi và đặt tên là Sita (nghĩa là Luống Cày). Sita lớn lên vừa hiền thục, vừa xinh đẹp lạ lùng.
Hai anh em ông hoàng (Rama và Lakshmana) nghe chuyện lấy làm thích thú lắm bèn yêu cầu đạo sĩ Viswamitra đưa đi. Thế là cả ba cùng lên đường tới kinh đô vương quốc Videha là Mithilâ. Vua Janaka tiếp đón họ nồng hậu. Đạo sĩ Viswamitra ngỏ ý xin nhà vua hãy cho mang chiếc cung thần ra để hàng tử Rama ướm sức. Lập tức nhà vua hạ lệnh đoàn binh tướng coi kho, và năm ngàn người đẩy tới một chiếc xe sắt đúc, tám bánh đồ sộ, bên trên có cây cung.
Rama cúi đầu lễ phép xin nhà vua cho mình thử, rồi nhẹ nhàng nâng nắp xe, nhấc cung lên, thẳng tay giương cung theo thế bắn. Cánh cung cong chĩu dưới sức mạnh của cánh tay thần. Chợt như có tiếng sét cực lớn làm đất trời rung chuyển muốn sụp đổ : cây cung bị gãy làm đôi.
Giây phút kinh hoàng qua mau, ai nấy hân hoan kính phục sức mạnh thần dũng của Rama và lễ cưới bắt đầu sửa soạn. Một đoàn sứ giả được cử đi gấp trong vòng ba ngày tới Ayodhyâ báo tin mừng và mời Vua Dasha-ratha tới dự lễ cưới. Vua Dasha-ratha lập tức cho họp đội trào, thông báo cùng các quan trong triều tin mừng về hoàng tử Rama, đồng thời hạ lệnh quan coi kho thu thập một số vàng bạc châu báu, chuẩn bị voi ngựa, rồi ngay hôm sau hoàng gia cùng một số quan đại thần và một đội quân tinh nhuệ thẳng đường ngày đi đêm nghỉ tới vương quốc Videha. Hai đấng phụ vương gặp nhau tay bắt mặt mừng; hai vương quốc trở thành đồng minh do duyên trời đôi trẻ. Không những vậy, vua Janaka còn gả một công chúa khác cho Lakshaman và gả hai ái nữ của một vị hoàng đế cho Bhrata và Satru-ghna.

Đám cưới của Hoàng tử Rama và nàng Sita
Sau khi lễ thành đôi của những cặp “người quốc sắc, kẻ thiên tài” đó hoàn tất, hai cặp vợ chồng Bharata và Satru-ghna còn tiếp tục những cuộc thăm viếng khác; hai cặp Rama và Lakshamana và vợ thì theo vua cha trở về Ayodhya. Thần dân trong khắp vương quốc tưng bừng treo đèn kết hoa ăn mừng tiệc hỉ.
Tuy ân ái tình nồng nhưng anh hùng không hề khí đoản, nhất là với hoàng tử Rama. Đã tới lúc vua Dasha-ratha cảm thấy mệt mỏi và muốn rút lui, nhường ngôi báu cho Rama trị vì. Ngài cho họp các triều thần bày tỏ ý mình. Tuy nhiên, ngài cũng nói quyết định tối hậu vẫn là ý của các quan đại thần, nếu các vị thấy trong các vị hoàng tử còn người tài đức hơn Rama. Các quan đại thần đều đồng thanh công nhận không ai văn võ song toàn, tài đức song toàn hơn hoàng tử Rama. Tin đó được loan truyền. Thần dân từ chốn kinh thành tới khắp hang cùng ngõ hẻm vương quốc Koshala lại một phen tưng bừng chuẩn bị ngày đăng quang của Rama, vị hoàng tử muôn phần kính mến của họ. Vẻ náo nhiệt của toàn thể vương quốc chẳng khác gì tiếng sóng chập chùng của đại dương trong những đêm trăng sáng triều dâng.
Rama và Sita cùng ăn chay và tụng niệm thần linh để chuẩn bị ngày đăng quang. Bà phi Kaikeyi thoạt cũng hoan hỉ vì từ xưa bà vẫn quý Rama như chính con bà là hoàng tử Bharata. Bà tin rằng con người đức hạnh như Rama khi lên ngôi thiên tử thì phú quý cùng hưởng với các em, và vẫn quý trọng bà ngang với hoàng hậu thân mẫu như xưa.

Bà hoàng Kaikeyi làm eo
Nhưng một áng mây đen đã kéo tới che rợp bầu trời hạnh phúc của hoàng gia. Đó là mụ vú nuôi bà phi Kaikeyi. Xưa mụ có công nuôi bà như con. Mụ có cái bướu lớn sau lưng, tính tình xảo quyệt. Mụ tới tỉ tê với bà là nếu Rama lên ngôi trời, thì không những con bà là hoàng tử Bharata phải lép vế, mà chính bà vô hình chung cũng phải nép dưới uy quyền của hoàng hậu Kausalyâ. Thoạt bà phi gạt lời mụ đi, nói là không bao giờ có chuyện xấu xa đó với Rama, nhưng rồi lời nói tỉ tê tiêm dần nọc độc nghi kỵ vào lòng Kaikeyi. Sau cùng bà phi này hoàn toàn siêu lòng. Bà trút bỏ lại y phục lụa là cùng các nữ trang quý giá mà tự ý lánh vào lãnh cung trong rừng sâu. Vua Dasha-ratha hay tin vội tới thì thấy bà sủng phi của mình đầu bù, tóc rối, quần áo lem luốc, nằm khóc lóc thảm thiết trên sàn gỗ dơ dáy. Vua bảo bà có điều chi bất mãn hãy nói cho vua hay, vua sẽ giải quyết mau lẹ để mối sầu của bà sẽ như tuyết tan dưới ánh dương quang.
Bà nói mối bất mãn của bà chính là ở việc nhà vua đã chọn Rama lên ngôi trời. Bà yêu cầu vua hủy lệnh đó đi, truyền ngôi cho Bharata và lưu đầy thái tử Rama vào rừng trong thời gian mười bốn năm.
Vua kinh ngạc tưởng có thể chết giấc và khuyên bà phi đừng yêu cầu mình làm công việc thất nhân tâm đó. Bà Kaikeyi nhắc lại chuyện xưa bà từng săn sóc nhà vua bị thương tại chiến trường. Ngày đó vua có hứa sẽ thực thi hai điều thỉnh nguyện của bà. Từ đó đến nay bà chưa hề cầu xin điều gì! Vua Dasha-ratha hiểu luật danh dự của đẳng cấp chiến sĩ, đã hứa thì không thể nuốt lời.
Rama với tư cách thái tử có thể chống lại quyết định độc đoán và phi lý ấy, nhưng Rama không hề tỏ ý oán hờn. Trái lại chàng vui lòng nhận lấy cuộc lưu đầy, giúp cha thực hiện lời đã hứa xưa kia.
Rama muốn vợ mình, công chúa Sita, ở lại vương quốc để khỏi phải chịu đựng những nỗi gian khổ của cuộc đày ải trong rừng. Nhưng Sita cương quyết theo chồng. Nàng bác bỏ tất cả những lý lẽ của Rama và trả lời bằng những luận điệu vô cùng cảm khái.
Thiếp không thể tuân lời đấng phu quân đã thốt lên trong giây phút nông nổi.
Vì lời khuyên của chàng không thích hợp với một chiến sĩ và với danh phận một hoàng tử.
Vì một thiếu phụ trung trinh bao giờ cũng theo chồng đi bất cứ nơi nào.
Khi Rama bị lưu đầy thì Sita cũng tự đầy theo.
Một thiếu phụ không thể bỏ chồng để ở lại, dù vương quốc do con hay em thân mến của mình cai trị.
Cùng với chồng, nàng sẽ đồng cam cộng khổ, số phận nàng ràng buộc với số phận chồng.
Nếu người con chính trực của Raghu (Rama) tiến bước vào rừng sâu tốn tăm và ảm đạm, Sita sẽ tiến lên trước chồng nàng để dọn dẹp những quãng đường gai góc hoang vu.
Lakshmana, em trai của Rama, cũng không chịu tuân theo lời thái tử mà ở nhà. Chàng đòi theo để giúp anh phá rừng, đốn cây, và trông nom chị dâu.
Buổi tiễn đưa vang tiếng khóc than của thân quyến và thần dân. Đặc biệt đám thần dân còn lẽo đẽo theo tiễn sau xe thái tử suốt ngày hôm đó. Họ dừng lại ngủ qua đêm trên bờ sông dưới ánh sao tò mò thầm lặng. Hôm sau thái tử Rama lẳng lặng cùng vợ, em và người đánh xe ra đi thật sớm, trong khi đám thần dân còn thiêm thiếp giấc nồng bên bờ sông. Hôm ấy họ đi lạc đường, tối đến phải dừng lại ngủ qua đêm bên bờ sông Hằng hà. Hôm sau, thái tử Rama cho người đánh xe trở lại kinh đô, còn ba người vượt sông Hằng, tiến về núi Chitra-Kuâta, rồi xuyên qua rừng tới sông Yamuâna. Ba người tự làm lấy bè gỗ để qua sông rồi tiếp tục đi bộ tới thảo lư, vị ẩn sĩ nổi danh đương thời là Bharadwâya. Ông tiếp đón họ nồng hậu vì cũng đã biết nỗi oan khiên họ đương phải chịu đựng và giúp đỡ họ dựng lều cư ngụ. Giữa chốn rừng sâu này, cỏ cây muông thú phồn tạp, suốt ngày đêm suối tuôn róc rách, chim kêu, vượn hót, ve ngâm …
Trong khi đó tại kinh đô Ayodhya, vua Dasha-ratha hoàn toàn xa lánh bà phi Kaikeyi, chỉ để riêng hoàng hậu Kausalya được săn sóc mình vào lúc nhà vua cảm thấy gần đất xa trời. Tuy nhiên, khi hoàng hậu tỏ lời ai oán thái quá, nhà vua lại khuyên nhủ không nên phiền trách hờn giận Kaikeyi hơn nữa. Điều bất hạnh mà nhà vua đương gánh chịu là hậu quả một hành vi thất đức trước đây. Hồi đó người là một hoàng tử nổi danh về tài thiện xạ. Người có thể ngắm bắn hoặc nghe bắn bách phát bách trúng. Một hôm vào rừng người nghe có tiếng gì như tiếng một con voi đương lấy vòi hút nước sau một lùm cây, liền lắp tên vào cung bắn. Ngờ đâu có tiếng người kêu thương. Người chạy vội tới, thì ra đã bắn lầm phải một ẩn sĩ trẻ tuổi đương vục bình xuống suối lấy nước. Chàng ẩn sĩ cho hay chàng về thăm cha mẹ mù cũng sống mai danh ẩn tích gần đây. Chàng yêu cầu hoàng tử hãy tới gặp cha mẹ, nói rõ sự tình. Hoàng tử tới, xin lỗi hai ông bà già mù. Hoàng tử đưa họ tới bờ suối. Họ ôm lấy xác con, rồi lập dàn hỏa cùng tự thiêu với xác con. Trước khi chết, người cha già nói : “Nhân nào, quả ấy. Hoàng tử giết chết con ta, sau này người cũng mất con, và chết trong sầu muộn!”.
Lời đó đã mờ phai với thời gian nhưng đến nay vang lên rõ hơn bao giờ hết.
Kể xong chuyện, vua Dasha-ratha băng hà.
Hoàng tử Bharata, trong thời gian qua, tới thăm vương quốc của người cậu, cũng vừa được triệu gấp về nhà. Bà phi Kaikeyi hoan hỉ báo tin mừng cho Bharata hay là chàng sẽ được nối ngôi báu. Ngờ đâu Bharata kịch liệt phản đối mẹ, trách mẹ đã làm vua cha chết trong sầu hận. Riêng chàng, không bao giờ chàng ngồi vào ngai vàng thuộc quyền chính thống của thái tử Rama. Đoạn chàng tới an ủi hoàng hậu Kausalyâ.
Lễ an táng vua Dasha-ratha cử hành. Vào dịp này, hiền giả Vasishtha nhắc nhủ mọi người rằng ai rồi cũng đến ngày, đến số phải từ bỏ cõi đời, nhưng bổn phận người sống là phải làm đầy đủ trách vụ của mình.
Sau đó Bharata cùng các bà hoàng hậu với một số hiền giả thân hành tới khoảng rừng sâu, khẩn khoản mời Rama trở về ngôi báu, nhưng Rama vẫn một mực chối từ. Chàng chỉ thấy cần phải thi hành bổn phận làm con và bảo toàn lời hứa danh dự của vua cha.
Trước tinh thần dũng cảm và ý chí sắt đá của Rama, Bharata đành phải nhượng bộ. Tuy nhiên, chàng chỉ nhận giữ quyền nhiếp chính trong thời gian Rama vắng mặt. Chàng xin Rama cho chàng đôi dép để mang về đặt lên ngai vàng. Tuy trị quốc thay anh nhưng Bharata không sống cuộc đời vương giả ở hoàng cung mà sống một đời khổ hạnh của ẩn sĩ. Chàng nói nếu trong mười bốn năm nữa, Rama không về, chàng sẽ lên dàn hỏa.
Sau khi Bharata trở về vương quốc Koshala nhiếp chính, Rama, Lakshmana và Sita tiến sâu hơn nữa vào rừng thẳm; vừa để tránh mọi tiếp xúc với thế nhân, vừa để tránh loài quỷ Râkshasas thường lui tới quấy phá các ẩn sĩ tham thiền nơi đây.
Vào năm cuối cùng thời gian lưu đầy, Rama bỗng gặp phải tai họa vô cùng đau đớn gây ra bởi một nữ yêu (rakshasi) tên là Suarapa-nakha. Nữ yêu này là em gái của Quỷ vương Ravana khi ấy đương trị vì xứ Lanka (đảo Tích Lan). Suarapa-nakha gặp Rama liền say mê chàng, biến nguyên hình xấu xí thành một cô gái trẻ đẹp, quyến rũ chàng hãy lấy mình rồi về Lanka hưởng mọi hạnh phúc trần gian. Rama chỉ Sita, nói là mình đã có vợ, rồi lại chỉ Lakshmana, nói hiện em mình không mang theo vợ, nên nàng có thể ướm hỏi chàng chuyện đôi lứa.
Suarapa-nakha liếc nhìn Lakshmana, thì ông hoàng này cất giọng riễu cợt : “Ta làm nô lệ cho thái tử đây. Liệu cô nàng có ưng làm cô dâu của một tên hầu cận chăng?”.
Phần vì quá say mê Rama, phần vì phẫn uất về giọng nói riễu cợt của Lakshmana, nữ yêu xông vào định giết Sita.
Rama đứng ra che chở cho Sita và bảo Lakshmana hãy chống lại. Lakshmana đánh bại Suarapa-nakha, cắt hết tai mũi của nữ yêu. Từ đấy bắt đầu một giai đoạn chiến tranh giữa anh em Rama và loài ác quỷ; song những trận tấn công ác liệt liên tiếp của chúng đều bị thần lực của Rama hóa giải để chuyển bại thành thắng. Suarapa-nakha phải cầu cứu đến Quỷ vương Ravana, khích động ông anh bằng cách nói về nhan sắc chim sa cá lặn của Sita. Ravana thoạt sai một thủ hạ đắc lực của y là Mârĩcha lẻn đến gần am thất của Rama. Mârĩcha biến thành một con nai tuyệt đẹp, cổ vàng, mình trắng, sừng lấp lánh như thanh ngọc. Sita mê thích quá, yêu cầu Rama hãy cố bắt sống con nai để làm bầu làm bạn với nàng trong thời gian còn ở rừng; nếu không bắt sống được, lỡ phải bắn chết thì Rama hãy lột lấy da, thuộc làm thảm, để sau này khi trở lại kinh đô vương quốc, tấm da đó sẽ là một kỷ vật quý giá nhắc nhở ba người những ngày sống lưu đày giữa rừng thẳm.
Khi bắt đầu cuộc săn đuổi, Rama đã cảm thấy nghi ngờ và dặn bảo Lakshmana phải canh chừng Sita kỹ lưỡng. Theo nai sâu vào rừng, Rama rút cung tên ra bắn chế con quỷ trá hình. Trước khi chết, nó nhái giọng Rama và thét lên: “Hỡi Sita, Lakshmana, hãy tới cứu ta!”. Lakshmana ngờ đó là gian kế của quỷ, không chịu rời Sita, nhưng bị Sita thúc dục quá gắt, Lakshamana phải nghe lời nàng vào rừng kiếm Rama.
Khi ấy quỷ vương Ravana xuất hiện, giả dạng thành một đạo sĩ, bước vào am thất của Sita. Y thấy quả như lời em gái y ca tụng, Sita đẹp hiền thục như vừng trăng rằm vằng vặc tỏa ánh ngân quang trên vòm trời khuya. Tưởng đó là một đạo sĩ thật, Sita theo đúng tập tục, mời y vào thảo am. Y nói thật y là Quỷ vương Ravana, ngự trị cả xứ Lanka và khuyên Sita nên ưng ngôi hoàng hậu y dành cho nàng. Sita khinh bỉ khước từ và cảnh cáo quỷ vương là y đoạt mặt trời mặt trăng trên vòm không còn dễ hơn là đoạt vợ của thần dũng Rama. Ravana bèn bắt cóc Sita lên xe, bay về xứ Lanka. Sita kêu cứu, nhưng làm sao mà Rama và Lakshmana nghe thấy cho được! Qua một đỉnh núi kia, tiếng kêu cứu của nàng làm thần điểu Jatayu thức giấc. (Jatayu là vua loài chim kền kền). Thần điểu Jatayu bèn lao vút tới như một tia chớp định phá vỡ chiếc xe của Ravana nhưng bị quỷ vương đâm trúng, máu chảy đầm đìa, rơi ngã xuống đất. Khi xe bay qua đồi khỉ, Sita thả khăn quàng cổ cùng đồ nữ trang xuống để gián tiếp đánh dấu đường. Sau cùng, Quỷ vương đã đưa nàng về tới đảo Lanka xanh màu ngọc bích, sóng biển vờn lượn quanh đảo màu xanh lợt hơn như sa-phia. Cung điện Ravana ở quả là thềm bạc, mái vàng, cửa ngọc cực kỳ lộng lẫy, xung quanh trăm hoa đua nở, quả chín chĩu cành. Sita bị giam trong cung cấm, đợi kỳ tới khi nàng ưng chịu lấy Quỷ vương.

Rama và thần khỉ Hanuman
Rama trở về, đau đớn và tức giận vô cùng vì mắc mưu gian và mất người vợ thân yêu. Chàng cùng Lakshmana lên đường tìm kiếm Sita, gặp Jatayu hấp hối. Trước khi hắt hơi thở cuối cùng, Jatayu bảo hai người hãy cứ thẳng đường hướng về Nam. Trên đường đi, hai anh em gặp một quái vật xông ra chặn đường nhưng bị hạ. Con quái vật xin được hỏa thiêu. Rồi từ đống tro tàn, hiện ra một ca công (gandharva) của thần Indra. Thì ra trước đây Kabandha (tên ca công đó) bị yểm bùa cho thành quái vật. Nay nhờ hai anh em Rama hỏa táng cho mà được hiện nguyên hình. Kabandha nói cho hai anh em hay là Sita đã bị bắt đưa về xứ Lanka rồi và khuyên nếu hai người muốn chiến thắng Quỷ vương Ravana thì phải tìm tới Vua khỉ Su-griva nhờ trợ lực. Vua khỉ hiện ngụ tại vùng đồi Nilgiri. Khi hai anh em gặp Su-griva thi` Vua khỉ cũng đang đau đớn vì bị một đứa em cùng cha khác mẹ tên là Bâlĩ cướp mất cả vợ lẫn ngai vàng. Nhờ Rama giúp sức, Su-griva trả được hận thù. Để đền ơn, Su-griva bèn sai cận thần Hanuman, con của thần gió Vayu lên đường thăm dò tung tích của Sita. Hanuman có tài đi nhanh như gió, gặp thần điểu Sampati là em của thần điểu Jatayu.
Tương truyền cả hai anh em thần điểu này đều là con của thần điểu Garuda (Vishnu cưỡi). Xưa đã có lần Jatayu cùng em bay lên gần mặt trời, vì vậy mà Sampati bị cháy rụi mất đôi cánh từ ngày ấy. Lần này gặp Hanuman, Sampati xác nhận đã thấy Ravana bắt cóc Sita về Lanka. Vì sự xác nhận này, Sampati được thần linh tưởng thưởng, đôi cánh bị cháy mọc lại, và Sampati lại có thể thỏa thuê bay lượn trên không trung như xưa.
Khi tới đảo Lanka, Hanuman gặp một con trăn mẹ định nuốt chửng mình. Hanuman bèn hóa phép lớn vồng lên, con trăn cũng hóa phép lớn theo. Chợt Hanuman thu hình cho bé lại chỉ bằng ngón tay cái, rồi chạy thẳng vô miệng con trăn mẹ và chui lọt ra phía tai trái. Sau đó một nữ yêu rình, chợp lấy bóng và kéo Hanuman vào miệng để ăn (nữ yêu này có tài chợp bóng mà kéo được con mồi như vậy). Hanuman để nguyên cho nữ yêu nuốt mình, rồi mới bất chợt lớn phồng lên làm vỡ bụng nữ yêu mà chui ra.
Tới cung điện Ravana, Hanuman bèn hóa thành con mèo đi khắp đây đó. Khi qua khu nhà các cung phi của Ravana, nàng nào cũng đẹp ngà ngọc như bông sen trắng. Nhưng Hanuman không thấy Sita trong đám mỹ nhân đó. Nàng bị nhốt ở vườn Ashoka canh giữ bởi các nữ yêu hình dung rất cổ quái. Ngày ngày, Ravana tới dụ, nhưng đều bị nàng cự tuyệt. Đợi lúc thuận tiện, Hanuman xuất hiện, giơ chiếc nhẫn của Rama cho Sita tin. Sita vui mừng khôn xiết. Nhưng khi Hanuman đề nghị để mình cõng về thì Sita từ chối vì nàng nghĩ vợ của Rama không thể để cho khỉ cõng về được. Nàng chỉ ân cần nhờ Hanuman trở về cho Rama hay là Quỷ vương đã quyết định nếu trong hai tháng nữa mà nàng vẫn khăng khăng khước từ, nó sẽ giết nàng.
Trước khi ra về, Hanuman nghĩ phải tàn phá một phần giang sơn, cung điện của Ravana cho bõ ghét, bèn vươn mình cho cao lớn rồi biến thành một cơn bão lốc tung hoành. Một số cung điện đổ xụp, rất nhiều cổ thụ quanh vùng bị tróc rễ. Indrajit, con của Ravana, bắn trúng Hanuman và trói ghì lại bằng dây lòi tói mang lại nộp cha. Ravana coi Hanuman như sứ giả của Rama nên tha cho về, nhưng buộc vào đuôi một miếng giẻ tẩm dầu rồi châm lửa đốt. Hanuman bèn nhảy từ nóc nhà này sang nóc nhà khác, gió bùng to ngọn lửa, các mái nhà đều bốc lửa, thế là thêm một số cung điện nữa của Ravana ra tro.
Khi Hanuman đem tin về tới doanh trại của Rama, ai nấy hò reo vui mừng, và đại quân chuẩn bị vượt khoảng biển rộng sáu mươi dặm từ đất liền tới đảo Lanka. Vidhishana, em Quỷ vương Ravana, cũng tới quy thuận vì y không đồng ý với anh về thái độ gây hấn với người là hiện thân của đức hạnh như Rama. Y đã nhiều lần khuyên anh cải tà quy chánh, không những Ravana không nghe, còn đuổi y ra khỏi Lanka nữa.
Cuộc tấn công vào Lanka chỉ còn gặp một trở ngại lớn cuối cùng : biển! Rama đã dùng bửu bối làm động đất, làm sụp núi mà cũng không lấp được khoảng biển ngăn cách Lanka với đất liền. Rama định dùng bửu bối hút cạn nước biển thì thần biển uy nghi hiện lên, ôn tồn bảo Rama là theo luật của tạo hóa, không thể lội biển bằng chân được, hãy tìm người làm cầu mà qua.

Rama vượt biển
Rama bèn triệu Nala tới (con kiến trúc sư thần thông Viswa-karma.) Nala dùng những tảng đá tròn cực lớn, quẳng xuống biển, tảng nọ cách tảng kia một quãng ngắn đủ để đoàn quân khỉ nhảy chuyền cho tới khi lên được đảo Lanka. Hanuman cắp Rama; Angada con Bali â, cháu thần sét Indra, cắp Lakshamana cùng bay qua biển. Đám quân khỉ này nhảy chuyền vượt biển trông rất kỳ dị, đặc biệt các tướng quân khỉ lại càng kỳ lạ : Su-griva màu sáng loáng như bạc, Angada màu trắng tinh khiết như cánh sen, Hanuman lấp lánh màu vàng. Một tướng quân khác mình đen, đuôi vàng, mặt đỏ, một tướng quân khác màu xanh lá cây … Thành thử toàn thể đại quân lúc vượt biển trông tựa một chiếc cầu vồng muôn màu.
Khi Ravana thấy đại quân Rama đã vây quanh bèn cho mở cửa thành nghinh địch. Đoàn quân của Ravana cưỡi những gấu, chó sói, voi, sư tử, lạc đà, lừa, lợn rừng … Chúng vừa xông ra, vừa rú lên những tiếng rùng rợn để nhát đối phương. Đoàn quân khỉ nhổ cây, ném đá và dùng nanh vuốt của chính mình làm khí giới. Cuộc giáp chiến kéo dài hai ba ngày bất phân thắng bại. Một lần Indra-jit (con của Ravana) đã tung bửu bối trói chặt cả hai anh em Rama và Lakshmana bằng những con rắn nối kết lại, nhưng thần gió Vayu đã kịp thời sai thần điểu Garuda tới giải cứu. Lũ rắn chỉ mới thoáng thấy bóng Garuda tự chân trời đã vội lủi mình tẩu thoát tức khắc.
Khi Ravana xông vào định giết Rama, y bị bắn bay mất cả mười cái vươn miện trên mười đầu. Y xấu hổ quá, bèn cầu cứu đến người em tên là Kumbha-karna.
Trước đây Kumbha-karma cũng đồng quan điểm với em mình, Vibhĩshana, khuyên Ravana hãy trả nàng Sita về với Rama, nhưng khác với Vibhĩshana ở chỗ cương quyết trung thành với anh, dù biết việc làm của anh là trái. Vì bị lời nguyền của Brâhma, Kumbha-karma mắc tật ngủ li bì trong sáu tháng liền, chỉ thức giấc một ngày để ăn ngốn ăn ngấu, rồi lại ngủ tiếp sáu tháng khác. Lần này bị đánh thức giữa chừng, y cũng ăn một bữa thịnh soạn rồi xông ra chiến trường giáp chiến với Rama. Đôi bên quần thảo trong một thời gian ngắn Rama đã chém y bay đầu, thân hình đồ sộ của y ngã xuống làm nghẽn cả dòng nước chảy.
Indra-jit tàng hình bay lên cao bắn trộm, lần này cả hai anh em Rama và Lakshmana đều ngã bất tỉnh. Nghĩ rằng con mình đã hạ được kẻ địch, Ravana cho mang nàng Sita tới chứng kiến cảnh chồng và em chồng chết. Nàng Sita vật vã khóc than, không phải cho số phận của Rama và Lakshmana, vì theo nàng đã là chiến sĩ thì việc da ngựa bọc thây là chuyện khó tránh; càng không phải khóc than cho số phận chính nàng, vì sinh ra tự lòng đất, nàng chấp nhận mọi số phận hẩm hiu của cuộc đời cho đến ngày nàng được trở về trong lòng đất mẹ. Nàng khóc thương đây là khóc thương cho số phận của hoàng hậu Kaushalya đã góa chồng nay lại mất con, cái cảnh tháng ngày thì tàn lụi, sầu thương thì ngút ngàn xanh của hoàng hậu hỏi còn gì thê thảm cho bằng.
Đêm tới, chiến trường ngưng hoạt động, Hanuman và Vidhishana đốt đuốc đi soi. Hanuman buồn lắm vì thấy các chiến sĩ khỉ tử thương la liệt, nhưng viên ngự y đi theo thưa rằng tại một ngọn núi thuộc dãy Hymalaya có một thứ cỏ đặc biệt có thể cải tử hoàn sinh cho những chiến sĩ tử thương này. Hanuman bèn hóa phép cao lớn vồng lên rồi đằng vân thẳng lên ngọn núi đó, cúi xuống nhìn thấy cây cỏ phồn tạp không biết thứ nào mới đích thật là thần dược, bèn nhổ cả ngọn núi mang về cho viên ngự y tìm lấy, rồi xách núi trở lại chỗ cũ. Quả nhiên thần thảo đã cải tử hoàn sinh tất cả những chiếc sĩ tử thương, kể cả hai anh em Rama và Lakshmana. Sớm hôm sau, khi Indra-jit xuất hiện, liền bị Lakshmana dùng chiếc cung của thần sét Indra cho bắn chết. Ravana hay tin, lồng lộn lên rồi đi thẳng tới nơi giam Sita để giết nàng. Nhưng suốt trong thời gian bị giam, đức hạnh của Sita đã cảm hóa được đám nữ yêu, nên lần này nàng được chính những nữ yêu đó che chở, dấu kín vào một nơi an toàn, do đó thoát chết. Ravana ra thẳng chiến trường quyết cùng Rama sống mái một trận cuối cùng. Thần linh trên cao chứng kiến trận thư hùng này. Thoạt tên bay rợp trời, rồi đôi bên tuần tự dùng đến trùy, dùi, chĩa ba và mác, sát khí đằng đằng đến gió cũng như nín thở theo rõi, mặt trời cũng như lợt lạt, lao đao. Một mũi tên của Rama vụt bay tới cắt đứt một đầu của Ravana, lập tức đầu mới mọc lên và cuộc thư hùng vẫn tiếp diễn bất phân thắng bại. Sau cùng, Rama dùng thứ tên khủng khiếp của Brâhma cho, ngắm bắn Ravana. Mũi tên bay vút, xuyên qua bộ giáp vào tim, thoát phá ra đằng lưng, vút thẳng ra khơi trùng dương rồi lại quay trở về túi đựng tên của Rama. Ravana chết tức khắc. Cả vũ trụ vang lừng nhã nhạc, gió hiền dâng lên man mác, hương hoa ngào ngạt không gian, ánh dương lồng lộng với biển trời một màu xanh biếc. Rama thắng trận, cử Vidhishana đức hạnh lên ngôi báu Lanka. Nhưng mọi người đều lấy làm ngạc nhiên khi thấy Rama không tiếp nhận Sita. Chàng nói sở dĩ phải giết Ravana và giải thoát cho nàng là vì bổn phận và danh dự thế thôi. Để chứng tỏ lòng đoan chính của mình, Sita cương quyết lên dàn hỏa thí. Khi lửa bốn bề bùng cháy, nàng được thần lửa Agni đỡ lấy, đem trả lại cho Rama và minh oan cho nàng. Khi ấy Rama cho biết sự thực chàng không hề ngờ vực Sita. Sở dĩ chàng để nàng phải chịu hỏa thí vì cần chứng tỏ cho mọi người thấy rõ sự trong trắng của Sita. Hai vợ chồng lại xum họp và lên đường trở về kinh đô.
Nhân dân Koshala hân hoan đón mừng Rama. Sau đó ít lâu, dư luận lại ngờ vực tiết hạnh Sita và e ngại rằng nền đạo đức của phụ nữ trong nước có thể vì vậy mà bị đe dọa.
Rama muốn dân chúng không thể chê trách chàng về bất cứ điều gì, nhân dịp Sita vừa có mang và nàng ngỏ ý muốn hành hương tới những am thất của các vị ẩn sĩ sống bên bờ sông Hằng, Rama ưng thuận, cử Lakshmana tháp tùng, dặn em khi tới nơi thì nói thực quyết định của chàng là muốn Sita ở lại nơi đó, đừng trở về nữa.
Khi tới bờ sông Hằng, gần am thất của đạo sĩ Vâlmiki, Lakshmana ứa lệ, nói thực với chị dâu điều quyết định của anh mình.
Sita đau đớn sững sờ, sau cùng nàng cũng nói là nàng hiểu vì Rama có trách vụ cai trị cả một vương quốc nên bất đắc dĩ phải có thái độ đó để thần dân không thể chê trách chàng vào đâu được. Nàng chỉ hờn oán sao thần dân đã chứng kiến cách ăn ở của nàng trong bao nhiêu lâu mà vẫn còn nỡ nghi ngờ lòng nàng như vậy.
Sita trú ngụ tại am thất của đạo sĩ Vâlmiki, và mấy tháng sau sinh hạ được hai đứa con sinh đôi là Kusa và Lava. Năm tháng trôi qua, hai đứa trẻ lớn lên, được Vâlmiki nhận làm đệ tử, đồng thời Vâlmiki cũng bắt đầu sáng tác thiên anh hùng ca Ramayana này.
Đến một ngày kia, Rama tổ chức một lễ giết ngựa tế thần (Ashva-medha) rất long trọng. Vâlmiki đem theo hai đệ tử tới dự.
Trước sự hiện diện của Rama, Kusa và Lava đã hát bản anh hùng ca Ramayana gồm 500 đoạn, dài 24.000 câu thơ đôi, mỗi ngày hát được hai mươi đoạn và hát liền trong hai mươi lăm ngày mới hết.
Rama nhận ra chúng là con mình. Chàng không thể cầm được hai hàng lệ chứa chan và thương nhớ nàng Sita hiền thục đoan chính. Ramâ nhờ đạo sĩ Vâlmiki đưa nàng về triều. Khi tái ngộ, Rama chỉ yêu cầu nàng một lần nữa công khai phát thệ về lòng ngay thẳng của nàng để yên lòng toàn thể nhân dân.
Giữa cảnh hoàng cung lộng lẫy, trước sự chứng kiến của thần linh và đại diện thần dân tự khắp các miền trong vương quốc, Sita âu yếm nhìn chồng con ngời sáng như những vì sao mới mọc, nhưng cũng chua chát lòng tự nhủ lòng : “Hoàng hậu Rama mà phải hạ mình cầu xin thần dân chứng giám ư? Một hiền phụ lòng vằng vặc như trăng rằm đâu cần phải ai chứng giám!”
Hai hàng nước mắt chứa chan, nàng quỳ xuống gục đầu trên mặt đất:
Tự lòng đất mẹ sinh con,
Ở ăn vằng vặc lòng son tột vời.
Đinh ninh trăng sáng biển trời,
Thần linh chứng giám những lời con thưa.
Cuộc đời não gió sầu mưa,
Mẹ ơi xin đón con thơ mẹ về.
Cùng với lời cầu xin não nề của nàng, lòng đất mở ra, một chiếc ngai vàng dâng lên : “Mẹ ơi xin đón con thơ mẹ về”, đúng như lời nàng ước nguyện. Nàng Sita hiền thục ra đi vĩnh viễn!
Rama kinh hoàng đau đớn van nài thần Đất đem trả lại Sita, nhưng thần Brahma hiện ra, an ủi cho biết sau này chàng sẽ gặp nàng ở cõi trời.

Nữ thần Lakshmi
Quả vậy, sau đó chàng nhường ngôi báu cho con, về trời, trở lại với bản thân nguyên thủy là thần Vishnu và xum họp với nàng Sita, chẳng phải ai khác chính là nữ thần Tài Lộc Lakshmi vậy.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top