• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Tóm tắt nội dung tác phẩm mahabharata....

PHÚC KEYNES

New member
Xu
0
TÓM TẮT MAHABHARATA

Mahabharata là một tác phẩm vĩ đại, có thể coi là một bộ toàn thư về đời sống văn hóa, chính trị và xã hội Ấn độ thời xưa. Tác phẩm ấy kết hợp tất cả những tín ngưỡng, truyện tích và tập tục cổ truyền của toàn thể dân tộc Ấn độ suốt từ chân núi Hi-Mã cho tới vịnh Bengale. Nội dung phong phú ấy đã được xác nhận trong một câu tục ngữ Ấn: “Cái gì không thấy ở trong Mahabharata thì cũng không thể thấy ở Ấn độ”. Khuynh hướng và khả năng kết hợp của Mahabharata chứng tỏ được sự thống nhất về tinh thần của một dân tộc rất phức tạp về thành phần cấu tạo ở trên một lãnh thổ rất sai biệt về hoàn cảnh địa lý.
Tác giả Mahabharata theo truyền thuyết là đạo sĩ Vyasa. Nguyên bản của tác phẩm trong giai đoạn đầu gồm có 24.000 câu thơ đôi (sloka), và sau tăng lên 6.000.000. Hiện giờ chỉ sưu tầm được 110.000 sloka, chiếm 220.000 dòng, tức là dài bằng bảy lần tổng số câu thơ trong cả hai tác phẩm Odyssée và Iliade của Homère hợp lại.
Thời gian tác phẩm xuất hiện tuy chưa thể xác định được nhưng có nhiều bằng chứng khiến các học giả tin rằng anh hùng ca Mahabharata được biên soạn khoảng thế kỷ thứ V trước C.N rồi được liên tiếp tăng bổ và sửa đổi cho mãi đến thế kỷ thứ V sau C.N mới chấm dứt.
Châm ngôn đạo đức của tác phẩm có thể tóm tắt trong câu “Cái gì mình không ưa thì chớ làm cho người khác”; đúng như lời đức Khổng Tử khuyên : “kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”. Mahabharata cũng nhấn mạnh về sự xây dựng hạnh phúc trong xã hội, điều này chứng tỏ sự thỏa hiệp giữa hai thái độ xuất thế và nhập thế trong triết học nhân sinh truyền thống Ấn độ. “Chớ làm cái gì không có ích lợi cho xã hội hoặc điều gì mà mình cảm thấy hổ thẹn.” “Bổn phận của một Kshatriya là đem sức ra giúp nước chứ không phải là xuống tóc đi tu.” “Có bất mãn mới thành công.” (Bất phẫn bất phát). Đó là một vài châm ngôn khác biểu thị thái độ nhập thế của Mahabharata.
Với một giá trị nghệ thuật độc đáo, lại là một kho tài liệu phong phú về văn minh cổ Ấn độ, Mahabharata quả xứng đáng được xưng tụng là đệ ngũ vê-da.
* * *
Vua Dushyanta vào một hôm đi săn hươu, nai vô tình qua một thảo am và gặp một thiếu nữ đẹp tuyệt vời, bận đồ vải thô của ẩn sĩ. Hỏi ra thì tên nàng là Shakuntalâ, nàng hiện được hiền sĩ Kanwa nuôi nấng như con.
Nguyên cha nàng trước đây là hiền sĩ Viswamitra. Thấy hiền sĩ sống một cuộc đời quá ư cằn cỗi khắc khổ, thần sét Indra bèn cử tiên nữ Menakâ có sắc đẹp mê hồn xuống trần làm bạn với hiền sĩ. Tiên nữ đã thành công và có với hiền sĩ một đứa con gái, chính là nàng Shakuntalâ vậy. Từ lúc sơ sinh, Shankuntalâ chỉ được các loài chim trong rừng thay phiên nhau săn sóc cho đến khi Kanwa thấy vậy bèn mang về nuôi như con.
Ngay buổi đầu vua Dushyanta gặp nàng Shakuntalâ vừa tới tuổi xuân rờ rỡ, đã “đôi bên cùng liếc, đôi lòng cùng ưa”, và đồng lòng ưng thuận kết ngãi nhân duyên ngoài mọi nghi lễ phiền phức triều đình. Nàng Shakuntalâ nũng nịu đòi nhà vua phải hứa là nếu nàng có con trai với nhà vua, thì đứa con trai đó phải đương nhiên là đông cung thái tử. Cuộc tình duyên đẹp, nhưng phút giây xum họp ngắn ngủi, vua Dushyanta phải trở về triều chính.
Đủ ngày tháng, nàng Shakuntalâ sinh hạ được đứa con trai khôi ngô, tuấn vĩ. Sáu năm qua, nàng dắt con đến xin ra mắt vua cha. Nhà vua nghe vẳng có tiếng nói huyền bí, khuyên hãy niềm nở nhận con và định ngôi thái tử. Đứa bé được mang tên Bharata, mở đầu cho dòng họ lớn này. Bharata lên ngôi, tiếp tục mở mang bờ cõi. Đến đời cháu là vua Shantanu, một hôm nhà vua tản bộ bên bờ sông Hằng, bất chợt gặp một nàng con gái mặt hoa da phấn, tóc mây buông lơi ngồi sát bờ nước. Nhà vua hỏi chuyện, tiếng nàng đáp trong như ngọc và giọng cười của nàng vui như tiếng suối reo. Nhà vua cảm thấy say mê nàng tột, ngỏ ý muốn cưới nàng làm vợ. Nàng ưng với điều kiện : thứ nhất là nhà vua phải hứa không bao giờ được nói nặng với nàng; thứ hai là không bao giờ tìm cách cản ngăn điều nàng muốn làm. Vua hứa. Nàng hẹn ngày giờ sẽ tới. Nàng đã từ phương Bắc – nơi có ngọn nguồn sông Hằng – tới với nhà vua trên một con đường lồng lộng ánh vàng; tháp tùng nàng là cả một đám rước tưng bừng; nào hồng hạc, nào bạch hạc, nào bạch nga. Đám cá chắm, cá chép, kéo một hình vỏ trai nạm sà cừ, với những cánh chuồn chuồn óng ánh muôn màu bao quanh lấy cô dâu ngồi nghiêm trang ở giữa.
Một năm qua, thần dân hay tin hoàng hậu vừa sinh hoàng tử nhưng khi vua Shantanu tới vén màn mở nôi nhìn con thì chẳng thấy gì. Sáu lần hoàng hậu hạ sinh, sáu lần đứa con mất tích một cách bí mật như vậy, mà nhà vua thì không dám hỏi duyên cớ vì đã chót hứa với nàng như vậy. Tới lần thứ bảy, nhà vua kín đáo quan sát thì thấy nàng bế đứa trẻ sơ sinh tới khoảng bao lơn nhô ra sông Hằng, dừng lại một chút rồi quẳng đứa trẻ qua bao lơn xuống sông. Tới lần thứ tám, nhà vua càng theo rõi cẩn mật và tới khi nàng sắp bế con tới bao lơn thì bất thần nhà vua xuất hiện, giằng lấy con và nguyền rủa nàng thậm tệ. Nàng khóc lóc thê thảm vì như vậy là nhà vua đã bội ước nặng lời với nàng. Do đó nàng không thể ở lại được nữa. Nàng nói cho vua hay nàng là nữ thần sông Hằng. Bảy đứa trẻ mà nàng quăng xuống sông chính là bảy thánh nhân, kiếp trước họ đã tu gần tới mức hoàn bị để thoát vòng sinh tử, nàng đã tình nguyện hạ sinh họ vào lần chót này, giúp họ được tắm gội trong dòng sông linh thiêng mà đạt được niềm mong ước thoát vòng sinh tử, chứ đâu phải nàng là kẻ sát nhân! Còn đứa trẻ thứ tám này, nàng đặt tên cho nó là Shântavana (có nghĩa là tặng vật của thần linh), nàng bảo nhà vua hãy để nàng mang con đi và nuôi dạy xứng đáng cho đến tuổi trưởng thành sẽ đem lại trả vua.
Nàng đã giữ đúng lời hứa. Ngày vua Shântanu nhận thái tử, cũng là ngày cuối cùng nhà vua chiêm ngưỡng dung nhan nữ thần sông Hằng. Vua cảm thấy cô đơn lạ lùng. Một hôm vua đi dọc theo bờ sông Yamunâ, gặp một thiếu nữ đẹp như tiên giáng trần, tự nàng tỏa ra một làn hương thanh quý. Vua hỏi tên, nàng xưng danh là Shatyavatĩ, con nuôi một người đánh cá, hiện là cô lái đò chở khách qua sông. Trước đây hình như ông lão đánh cá, cha nuôi nàng, có bắt được con cá đã nuốt vào bụng hai đứa trẻ sơ sinh của một ông hoàng Ấn độ, một trai, một gái. Ông lão gửi trả ông hoàng đứa trai, còn giữa lại đứa gái là nàng. Nàng lớn lên xinh đẹp, nhưng tự người vẫn toát ra mùi cá tanh tưởi.
Một hôm, nàng chở một vị bà la môn sang sông. Vị này ngỏ ý nếu nàng chịu hạ sinh cho một đứa con trai thì sẽ làm phép rửa sạch giúp nàng mùi cá tanh tưởi để có được mùi hương thanh quý mới. Nàng ưng thuận. Lập tức có đám mây hạ xuống phủ kín con đò và nàng sinh hạ được đứa con trai. Đứa con trai lớn lên tức thì, cúi chào từ biệt nàng để vào thẳng trong rừng sâu tham thiền. Trước khi đi, cậu nói sau này nàng cần điều gì, chỉ cần nghĩ đến cậu, là cậu sẽ trở về trợ giúp tức thì.
Vua Shantanu cảm thấy yêu thương nàng, bèn ngỏ ý muốn cưới nàng làm vợ. Ông lão đánh cá – cha nuôi nàng – ưng thuận với điều kiện nhà vua phải lập con trai nàng làm thái tử. Điều này nhà vua không thể hứa được vì ngôi thái tử đã dành cho Shântavana rồi.
Thấy vua cha suốt ngày mặt ủ mày chau, Shântavana gắng tìm ra nguyên cớ, và thưa lại với vua cha là mình tự ý từ khước địa vị đông cung thái tử, không những vậy còn nguyện suốt đời không lấy vợ để tránh mọi tranh giành ngôi báu về sau. Đó là một hy sinh cực lớn. Lời phát thệ của Shântavana vừa thốt ra, có tiếng reo vui từ cõi trời vang xuống, và hoa rụng lả tả quanh chàng. Từ đấy Shântavana được mệnh danh là Bhishma (người thực hiện một lời thề khó).
Shatyavatĩ nhận lễ thành hôn với nhà vua, sau đó có được hai con trai; Chitrângada và Vichitra-vĩrya. Khi vua Shantanu băng hà, chính Bhishma trông nom săn sóc hoàng hậu Shatyavatĩ và hai con của bà. Thoạt Chitrângada lên ngôi báu, đi chinh phạt một bộ lạc miền Tây Bắc Ấn độ, và tử trận ở đó. Vichitra-vĩrya, lúc đó còn nhỏ tuổi, vẫn lên ngôi thay anh, Bhishma làm nhiếp chính.
Dưới quyền nhiếp chính của Bhishma, vương quốc thịnh vượng lắm. Chẳng bao lâu thiếu quân đã đến tuổi trưởng thành, Bhishma, một hôm ruổi rong sang vương quốc láng giềng, bắt gặp ba chị em gái vừa tới tuổi xuân hơ hớ, bèn bắt cóc mang về cho em mình. (Thuở đó lệ luật cho phép như vậy). Hoàng thái hậu Shatyavatĩ vui mừng tiếp nhận ba cô dâu mới, nhưng ba cô cùng thất vọng, vì truớc các cô tưởng sẽ được làm vợ Bhishma, ai ngờ lại chỉ bị bắt cóc để mang về cho một cậu trẻ tuổi. Cô lớn tuổi nhất lúc đó mới nói thiệt cô đã hứa hôn với ông hoàng Sâlwa. Bhishma bèn gửi trả nàng cho vị hôn phu, nhưng ông Hoàng từ chối, cho rằng nàng đã phạm lỡi cư ngụ dưới mái nhà của một người đàn ông khác rồi. Nàng cầu khẩn Bhishma hãy lấy nàng. Bhishma đáp việc đó quyết không thể được và khuyên nàng nên tới nói với ông hoàng Sâlwa một lần nữa. Nàng nghe theo nhưng Sâlwa vẫn cương quyết từ hôn. Nàng mang nặng oan cừu với Bhishma từ đây và đi thẳng vào rừng tu luyện khổ hạnh. Nàng được thần chiến tranh Kârttikeya (con của thần Shiva) trao cho một vòng hoa kết bằng những bông sen không bao giờ tàn. Kẻ nào chịu choàng vòng hoa này sẽ thành địch thủ với Bhishma. Nàng đã nhọc công nói với hết chiến sĩ này tới chiến sĩ khác mà không ai muốn làm địch thủ với Bhishma cả. Sau cùng nàng quàng đại vòng hoa lên cửa ngọ môn ngay trước hoàng cung của vua Drupada rồi trở lại chốn rừng sâu tiếp tục tu luyện khổ hạnh thêm một thời gian nữa.
Nơi đây, nàng gặp một người bạn đồng đạo khác. Người này khuyên nàng nên tới cầu cứu Parasu-râma (Râma cầm dìu, hóa thân thứ sáu của thần Vishnu). Nhưng chính Parasu-râma cũng khuyên nàng nên giảng hòa với Bhishma là hơn cả. Nàng không chịu, và lặn lội tới Hy mã lạp sơn cầu xin thần Shiva giúp nàng. Shiva hứa kiếp sau nàng sẽ giết được Bhishma. Nàng sung sướng quá, lập ngay một dàn hỏa để được chết tức khắc và đầu thai thành con gái của vua Drupada. Khi biết chạy, biết nhảy, nàng tới cửa ngọ môn, gỡ vòng hoa của Kârttikeya xưa và quàng lên cổ. Vua Drupada không muốn gây hấn với Bhishma bèn đuổi nàng vào rừng. Nơi đây nàng lại tu khổ hạnh và biến thành đàn ông lấy tên là Shikhandin.
Trở lại chuyện hai người em gái nàng, Ambikâ và Ambâlikâ. Hai nàng sống với chồng (ông vua trẻ Vichitra-vĩrya), nhưng chẳng bao lâu thiếu quân băng hà, không con nối dõi.
Hoàng thái hậu Shatyavatĩ khuyên Bhishma hãy quên lời nguyền cũ mà lấy hai nàng để duy trì dòng họ. Bhishma cương quyết khước từ. Lúc đó Hoàng thái hậu mới sực nhớ tới đứa con đầu – Vyasa – mình sinh ra hồi còn là cô lái đò. Lập tức Vyasa hiện tới như đã hứa. Hoàng thái hậu nói rõ đầu đuôi câu chuyện và nỗi thắc mắc của bà. Vyasa nhận lời giúp bà bằng cách sống vợ chồng với hai hoàng hậu góa bụa. Nhưng chết nỗi sau một thời gian dài tu luyện khổ hạnh, hình thù Vyasa nay trở thành xấu xí quái đản đến nỗi khi nàng Ambikâ thoạt thấy chàng vội nhắm nghiền mắt lại và đứa con trai nàng sinh, Dhrita-râshtra, bị mù ngay tự thuở vừa lọt lòng. Còn nàng Ambâlikâ cũng kinh hồn, tảng đởm không kém khi trông thấy ông chồng mới, và đứa con trai nàng sinh da mặt lợt lạt đến nỗi nàng đặc cho cái tên là Pându. Hoàng thái hậu cũng không hài lòng về dung nhan hai đứa cháu đầu lòng, bèn ướm hỏi nàng Ambikâ có ưng thêm đứa con nữa không. Nàng đáp là ưng, nhưng trong lòng thì ngán ngẩm vô cùng, nên sau đổi ý, bắt một thị tì vào thay mình việc đó. Tới ngày tới tháng, người thị tì sinh ra một đứa trai, đặt tên là Vidura, đó chính là thần Chánh pháp Dharma giáng sinh.
Vì sao thần Chánh pháp phải giáng sinh như vậy? Nguyên do có một đại hiền giả nọ, vào lúc tham thiền nhập định thì một tên trộm bị lính nhà vua truy nã phải lẩn vào thảo am và cất dấu báu vật trong đó. Đại hiền giả đương lúc xuất thần, nhập hóa đâu có hay biết điều đó. Khi quân lính vào thảo am, khám thấy báu vật, bèn ném ngọn dáo xuyên qua người hiền giả. Hiền giả vẫn ngồi nguyên thế tham thiền mà không chết. Việc đó đến tai vua. Vua bèn đến quỳ gối hôn chân hiền giả để xin lỗi và ra lệnh rút mũi dáo ra. Một ngày kia hiền giả tới gặp thần Chánh pháp Dharma hỏi vì sao mình phải thụ nạn đó thì Dharma trả lời rằng hồi hiền giả còn là đứa trẻ nhỏ hay hành hạ loài ong và loài chim. Vì nhân kia mà có quả này. Hiền giả cho đó là một điều bất công, vì không thể xử nghiêm khắc như vậy đối với hành động của trẻ thơ, nên phát độc thệ đòi Dharma phải giáng sinh làm kiếp người. Thần Dharma đã thể nhập vào thân xác Vidura là vì vậy!
Bhishma trông nom cho ba đứa trẻ lớn lên. Dhrita-râshtra mù, Vidura là con một thị tì, vì vậy cả hai không thể lên nối ngôi trời. Chỉ còn Pându.
Pându là một vị quân vương vừa anh minh, vừa dũng cảm. Ông có hai vợ, hoàng hậu là bà Pritha, sủng phi là bà Mâdrĩ.
Hoàng hậu Pritha còn có tên Kuntĩ và là em gái Vashu-deva (cha của Krishna). Khi còn là một thiếu nữ mới lớn lên, nàng đã khéo léo cư xử đến nỗi hiền giả Durvâsa rất cảm mến và truyền cho một câu thần chú, nói rằng khi niệm câu đó lên thì quyến rũ được thần linh. Lần đầu tiên nàng đã quyến rũ thần Mặt Trời và có với thần một đứa con trai. Nàng không dám để tiết lộ việc sinh nở này, bèn đặt đứa con khôi ngô đó vào một cái rỏ rồi thả cho xuôi theo dòng sông Hằng, cầu nguyện thần linh hãy che chở cho hài nhi. Râdhâ, vợ người đánh xe của hoàng thân Dhrĩta-râshtra, vớt được đứa trẻ. Cặp vợ chồng người đánh xe này (Shântananda và Râdhâ) vì không con nên nuôi đứa trẻ như con đẻ và đặt tên là Karna. Kuntĩ không hề biết con mình trôi nổi về đâu, mà Karna cũng chỉ biết có nghĩa mẫu làRâdhâ mà thôi.
Còn bà sủng phi Mâdrĩ cũng là do Bhishma đem đổi vàng bạc, châu báu và voi mà mua về tự Madra (Kashmir bây giờ) cho Pându.
Hoàng hậu Kuntĩ chính thức có với Pându ba con trai, sủng phi Mâdrĩ có hai. Sau đó Pându không thể có con được nữa, bèn cho phép hai bà sử dụng lời thần chú mà có thêm con.
Bà Kuntĩ đã lần lượt gặp thần Chánh pháp Dharma, thần Gió Vâyu và thần sét Indra mà có ba con trai : Yudhi-shthira, Bhĩma và Aruyna.
Bà Mâdrĩ gặp cặp anh em sinh đôi Aswins (con của thần Mặt trời và là những thần y trong thế giới thần linh), sinh hạ được cặp sinh đôi Nakula và Shahadeva.
Năm người con trên đây vì có nguồn gốc thần linh nên đều có điểm khác người. Yudhi-shthira vừa là một chiến sĩ cừ khôi, vừa có tinh thần công minh chính trực vì là con của thần Chánh pháp Dharma. Bhĩma cực kỳ dũng mãnh và dễ nổi giận vì là con của thần Gió Vâyu. Aryuna là con thần Sét Indra đứng đầu chư thần, nên cũng nhiễm tinh thần dũng lược và thông minh thánh trí. Nakula và Shahadeva đều dũng lược nhưng không dự phần quan trọng cho lắm như các anh khác trong cuộc chinh chiến sau đây.
Về việc Pându tự nhiên không có con nữa, hình như có duyên do tự một cuộc săn rủi ro nọ. Lần đó, Pându vào rừng, bắt gặp một đôi nai đương nhởn nhơ đùa rỡn, bèn bắn chết con đực. Truớc khi tắt thở, con nai đực nói thực sự đây là một đôi vợ chồng Bà la môn đương trá hình để đùa rỡn, và vì việc bắn lầm này, Pându rồi đây cũng chết trong tay vợ như nạn nhân của Pându vậy.
Pându hối hận lắm, bèn tự nguyện diệt dục, nhường ngôi báu lại cho Dhrita-râshtra (vị hoàng thân mù) rồi mang hai vợ vào sống ẩn dật trong rừng. Ít năm sau, Pându chết trong tay Mâdrĩ. Chính Mâdrĩ tự nguyện lên dàn hỏa với chồng. Bà Kuntĩ mang năm con trở về triều đình Hastinâ-pura của Dhrita-râshtra. Năm con bà (vẫn được gọi là anh em nhà Pandavas) sống xum họp trong nhiều năm với trăm người con của Dhrita-râshtra (vẫn được gọi là anh em nhà Kauravas hay Kurus).
Nguyên do Dhrita-râshtra cưới con gái vua Gândhâra là công chúa Gândhârĩ làm vợ; công chúa Gândharĩ có lần đã tỏ ra rất tốt với Vyasa nên được Vyasa hứa ban cho một phép lạ; Gândaharĩ bèn ước có trăm con trai. Sau khi lấy Dhrita-râshtra, Gândharĩ mang thai hai năm rồi sinh ra một khối thịt. Vyasa bèn cắt khối thịt ấy thành một trăm lẻ một miếng nhỏ, bỏ vào từng chum cho lớn. Đủ ngày đủ tháng, Dur-yodhana ra khỏi chum trước tiên, đồng thời trong vương quốc có nhiều điềm xấu đến nỗi thần dân yêu cầu vua hãy bỏ thí cho Dur-yodhana chết đi nhưng vua không nghe. Sau đó 99 người con trai khác và một cô gái duy nhất lần lượt ra khỏi từng chum. Hai đám anh em Pandavas và anh em Kauravas tuy cùng máu mủ thân thích, nhưng vì chung sống lúc còn trẻ người non dạ trong một bầy quá đông nên nhiều xích mích nảy mầm từ đó.
Đám anh em Kauravas âm mưu hạ độc thủ Bhĩma trước, rồi sẽ giết cả năm mẹ con còn lại sau. Hôm đó, bầy trẻ lập tiệc vui bên bờ sông Hằng. Anh em Kauravas biết Bhĩma háu ăn nên đã bày sẵn những món trân cam rất nhiều. Ăn no căng bụng, Bhĩma thấy buồn ngủ, bèn một mình vào nằm nghỉ tại căn buồng nhìn xuống sông Hằng. Đám anh em Kauravas lại khéo mời Bhĩma ăn thêm vào lúc đó một số kẹo có tẩm thuốc ngủ. Khi biết chắc Bhĩma đã ngủ say li bì rồi, họ quẳng Bhĩma xuống sông. Mấy anh em Pandavas còn lại vẫn tiếp tục vui chơi vì yên chí là Bhĩma buồn ngủ, đã về ngủ.
Nói về Bhĩma khi bị quẳng chìm xuống sông, liền bị một đám rắn độc tới mổ, nọc rắng tác động vào thuốc mê làm Bhĩma vùng tỉnh và đánh rạt đám rắn. Bhĩma lúc đó thấy mình sống giữa triều đình rắn của vua Vâsuki, lại gặp cả vị tằng tổ phụ của mình là Aryaka tại đó nữa. Vâsuki chào mừng Bhĩma và hứa tặng cho một phép lạ. Tằng tổ Aryoka đề nghị hãy tặng Bhĩma sức mạnh của một ngàn con rắn. Thế là sau khi uống tám bát đầy xà lực, Bhĩma lăn ra ngủ tám ngày liền rồi mới trở về khỏe mạnh lạ thường. Mẹ và các anh em reo vui hết sức, vì còn ai ngờ Bhĩma thoát chết mà trở về nữa. Cố nhiên đám anh em Kauravas rất đỗi ngạc nhiên khi gặp Bhĩma. Bhĩma ngỏ lời cám ơn họ đã dìm mình xuống sông vì chính nhờ dịp này mà sức lực được tăng lên vạn bội. Bhĩma lại nói thêm là sẵn sàng chiến đấu với họ từng người một hay cả đám một lúc. Nhưng Bhishma khuyên lũ cháu hãy xếp mọi vấn đề quan trọng sang một bên, đợi ít năm nữa tất cả cùng trưởng thành hãy hay.
Chính vì đề nghị khôn ngoan đó mà triều đình Hastinâ-pura của Dhrita-râshtra còn giữ được bề ngoài thanh bình thêm một thời gian nữa.
Ngày lũ trẻ sắp tới tuổi thành niên, Bhishma lo tìm thầy luyện võ cho chúng. Nhưng tìm thầy ở đâu bây giờ?
Một hôm lũ trẻ đương chơi banh thì trái banh rớt xuống một cái giếng sâu đã bỏ lâu không dùng. Cả lũ đương loay hoay không biết làm sao lấy banh lên được thì chợt nhận thấy một ông già Bà la môn nằm nghỉ cạnh đó. Cả bọn bèn đến hỏi xem ông ấy có cách gì lấy giúp trái banh lên không. Ông lẳng lặng đến bờ giếng, rút một chiếc nhẫn ở ngón tay ra ném theo xuống, rồi cười nói không những ông có thể lấy trái banh lên mà còn lấy được cả chiếc nhẫn vừa ném xuống nữa.
Nói đoạn ông ngắt những lá cỏ lớn mũi nhọn cứng, rồi liên tiếp ném xuống đáy giếng, đầu nhọn của lá cỏ nầy đâm xuyên qua cuống của lá cỏ kia, sau cùng ông làm thành chiếc thừng dài bằng cỏ, kéo lên thì dưới cùng là trái banh. Lần sau ông cũng làm như vậy, kéo lên chiếc nhẫn. Lũ trẻ khoái lắm, hỏi ông ta là ai. Ông ta bèn bảo chúng hãy về thưa với tổ phụ là có Drona ở đây.
Khi Bhishma nghe lũ cháu về thưa lại như vậy, vội vã đi chào mừng Drona và khẩn cầu ông hãy ở lại luyện tập võ nghệ cho lũ trẻ. Drona nhận lời với điều kiện khi lũ trẻ thành tài, chúng phải giúp Drona hạ Drupada, vua xứ Pânchâla.
Nguyên Drona, con một vị Bà la môn và một nàng tiên nữ, thuở nhỏ cùng ông hoàng Drupada là đôi bạn thân và cả hai cùng được vị Bà la môn Bhâradwâja nuôi nấng, dạy dỗ tại thảo lư bên ngọn nguồn sông Hằng trong Hy mã lạp sơn. Khi vua cha băng hà, Drupada trở về kinh đô lên nối ngôi báu; Drona thì vẫn tiếp tục cuộc đời tu luyện sau khi cha mất, có được khá nhiều bửu bối do các thần linh ban cho. Về sau, lại cưới Kripâ, cô em khác mẹ của Bhishma, và có được con trai tên là Aswatthâma. Một lần tu sĩ khất thực Drona tới triều đình thăm bạn cũ Drupada, nhưng bị Drupada hất hủi, bèn nuôi chí phục hận từ đấy.
Cuôc tập luyện võ nghệ cho lũ cháu Bhishma bắt đầu. Các vương tôn khác trong triều cũng tấp nập xin đến để thụ huấn, kể cả chàng Karna, con nuôi của người đánh xe (Như chúng ta đã biết, Karna chính là đứa con đầu lòng của bà Kuntĩ có với thần Mặt trời, bị thả xuôi theo dòng sông Hằng).
Trong cuộc luyện tập võ nghệ hàng ngày, luôn luôn Karna tỏ ra xuất sắc ngang với Arjuna. Vì vậy đôi bên, anh em cùng mẹ mà không hay, sinh lòng ghen ghét nhau.
Sau một thời gian huấn luyện, Drona thử tài lũ trẻ. Ông cho làm một con chim gỗ đặt lên cành cây cao. Mỗi lần đến phiên một môn đệ tới bắn, Drona hỏi ngoài con chim còn thấy gì nữa. Anh thì đáp còn thấy cây, anh thì đáp còn thấy người xung quanh. Drona lắc đầu bảo từng cậu là như vậy thì đừng thử bắn làm gì, vô ích. Sau cùng đến lượt Arjuna, khi được hỏi trông thấy gì, Arjuna đáp thấy con chim. Drona lại hỏi ngoài chim ra còn thấy gì nữa. Arjuna đáp là không thấy gì khác. Lại hỏi có nhận xết gì thêm về con chim không. Arjuna đáp không vì lúc đó Arjuna chỉ hoàn toàn chú mục vào đầu con chim. Drona gật đầu, hài lòng, bảo Arjuna bắn đi. Arjuna đã bắn bay đầu con chim.
Đám anh em Kauravas càng nổi lòng ghen tức ngấm ngầm.
Ngày tất cả đám thiếu niên đã được huấn luyện đầy đủ và thuần thục, Drona cho tổ chức một cuộc thi tài tối hậu. Dù lòa Dhrita-râshtra cũng hiện diện. Hoàng hậu Gândharĩ tuy mắt sáng nhưng từ ngày kết hôn với nhà vua cũng tự ý bịt mắt. Trên khán đài còn hiện diện đủ mặt hoàng gia cùng triều thần. Quanh đấu trường thì dân chúng tới xem, quây vòng trong vòng ngoài tới hàng ngàn hàng vạn. Lúc các chiến sĩ trẻ tuổi thi bắn cung, thì tiếng những mũi tên xé vút không khí khiến khán giả cảm thấy rợn tóc gáy và mũi nào cũng đều trúng đích. Đến lúc dùng vũ khí cá nhân đấu với nhau từng cặp, Bhĩma và Dur-yodhana cùng nhau đấu chùy, hăng hái đến một mất một còn như hai kẻ tử thù. Thấy vậy, Drona vội cho lệnh ngừng lại. Đến lượt Arjuna vào đấu trường uy phong lẫm liệt, giáp trụ rỡ ràng dát vàng nạm ngọc, dân chúng quanh đấu trường nhất tề hò reo vang động tưởng thấu trời xanh.
Dhrita-râshtra khẽ hỏi Vidura ngồi bên ai vừa xuất hiện vậy. Vidura đáp đó là người con trai tuấn vĩ của Pritha : Arjuna đẹp như thiên thần! Dhrita-râshtra lấy làm hài lòng lắm vì nhà vua cho rằng chính anh em nhà Pandavas đã thánh hóa vương quốc này.
Sau khi Arjuna biểu diễn xong những đường võ tuyệt luân giữa những tiếng reo hò tán thưởng vang trời thì Karna vào đấu trường hét lớn rằng Arjuna chớ nên lấy thế làm tự đắc vì còn Karna này nữa. Lời nói đó làm Dur-yodhana hả lòng hả dạ nhưng làm Arjuna tức điên người. Vừa lúc bà Pritha, do một dấu vết bí mật, nhận ra Karna, đứa con đầu lòng bà đã phải bỏ rơi, thả xuôi dòng Hằng hà. Nhưng tới lúc đó bà vẫn chưa đám nhận con mà lòng mẹ thì thương con đồng đều. Bà đau đớn thấy lòng căm thù đã manh nha ngay giữa anh em ruột thịt mà chúng không hay. Nỗi lòng bị vò xé bởi hoàn cảnh trớ trêu đó, bà ngất xỉu. Vidura vội mang nước trầm hương tới vẩy. Bà hồi tỉnh, nghe thoáng đâu đây tiếng ai nguyền rủa Karna là “con nhà lê dân đê tiện”.
Rồi Karna bắt đầu biểu diễn đủ thập bát ban võ nghệ điêu luyện không kém Arjuna mảy may. Dur-yodhana vỗ tay và lớn tiếng hoan hô Karna như kẻ đã đoạt được vòng hoa chiến thắng. Nhưng Karna cho rằng chàng chỉ xứng đáng lời đó khi đã chính thức thắng Arjuna trong một cuộc tỉ thí tay đôi. Arjuna cùng Karna trao đổi những lời hằn học. Indra thả mây che chở cho con Arjuna. Sũrya, thần Mặt Trời, chiếu rọi những tia sáng tưng bừng lên giáp trụ của con Karna. Vì vậy, cả đấu trường khi đó lấp loáng những tia chớp chói lòa.
Dur-yodhana và các em đứng bên phía Karna, Drona và Bhishma đứng bên phía Arjuna. Nhưng theo quy luật đấu trường thì một vị vương tôn như Arjuna không thể hạ mình tỷ thí với một kẻ xuất thân chỉ là con một người đánh xe của đức vua. Dur-yodhana bèn cắt đất phong cho Karna làm vua một miền nhỏ mang tên Anga. Nhưng khi nghi lễ đó xong thì trời cũng vừa tối. Cuộc tỉ thí phải hoãn đến hôm sau.
Karna kể từ đấy hoàn toàn gắn bó với phe anh em Kauravas.
Không ai rõ một cách minh xác cuộc tỉ thí hôm sau giữa Arjuna và Karna, ai là kẻ đã nắm được ưu thế. Kẻ thì bảo là Arjuna; kẻ thì bảo Karna. Đến chính Yodhi-shthira cũng băn khoăn tự hỏi giữa Arjuna và Karan, ai nặng đồng cân hơn ai.
Chỉ biết sau trận tỉ thí đó, tất cả môn đệ phải theo Drona đi thanh toán mối thù với Draupada. Anh em Kauravas đột nhập kinh thành Pâchâla của Drupada trước, nhưng bị đánh bại. Tới phiên anh em Pandavas đột nhập thì Drupada bị Arjuna bắt sống mang lại cho Drona. Anh em Kauravas muốn thừa thắng xông lên, đốt phá cả kinh thành Pânchâla. Nhưng anh em Pandavas không ưng vì biết Drona chỉ cần chiến thắng có Drupada thôi.
Thật ra Drona đã không hề coi Drupada như kẻ thù. Vì trước đây Drupada bảo là không thể có tình bạn giữa một quốc vương với một tu sĩ khất thực. Thì nay Drona chiến thắng Drupada chỉ để chia đôi giang san của Drupada cho có đủ điều kiện nối lại tình bạn xưa.
Tuy nhiên Drupada vẫn hận Drona lắm và âm thầm mưu đồ phục hận.
Dhrita-râshtra thấy rằng đã đến lúc công bố Yudhi-shthira là đông cung thái tử, nối ngôi báu sau nầy. Danh tiếng anh em Pandavas nổi dậy như sóng cồn, càng làm anh em Kauravas uất hận và cương quyết tìm cách ám hại. Nhân có cuộc mở hội lễ vía thần Shiva tại kinh thành Vâranâvata, đám anh em Kurus bảo đám anh em Pandus nên tới đó dự hội rồi ở lại xem kinh thành một ít lâu. Anh em Pandus biết đó là một cách trục xuất gián tiếp, nhưng cũng làm bộ vui vẻ trảy hội mang theo cả mẹ cùng đi. Bạn trong triều của anh em Pandus chỉ có Vidura (hóa thân của thần Chánh pháp Dharma). Vidura có tài đọc được ý nghĩ thầm kín của kẻ khác nên mới khuyên anh em Pandus chuyến này ra đi phải hết sức thận trọng, phải tập quen lối đi trong rừng, tập định hướng đi bằng sao trên trời, tới ở nơi nào phải bí mật đào hầm làm nơi trú ẩn an toàn, và luôn luôn phải chuẩn bị nhiều lối thoát tự trong nhà ra.
Quả nhiên, khi anh em Pandus mang mẹ tới nơi thì người ta đã dựng sẵn cho một căn nhà bề ngoài trông rất đẹp, nhưng vật liệu xây cất thuần loại gỗ dầu thơm phức, rất dễ bắt lửa. Vidura đã cử tới một thợ mỏ, phụ trách đào giúp anh em Pandus một cái giếng sâu có lối thoát ra ngoài khi căn nhà bị hỏa hoạn.
Một năm sau, căn nhà bị bốc cháy vào đúng hôm có gió lớn, nhưng mẹ con nhà Pandus đã ra thoát bằng con đường dưới giếng. Họ không ngờ rằng trong nhà khi đó có một bà mẹ ăn mày và năm con vào ngủ nhờ, thảy đều bị chết cháy. Người thợ mỏ đã tức khắc theo lệnh Vidura tới lấp phẳng giếng và hầm bí mật. Khi anh em Kurus tới, thấy sáu đống xương tàn thì không còn nghi ngờ gì về cái chết của sáu mẹ con nhà Pandus nữa. Trong khi đó, anh em Pandus dắt mẹ xuyên rừng, hành trình rất là vất vả, nhiều khi Bhĩma phải cõng mẹ. Rồi họ cũng tới bờ sông Hằng, nơi đây đã có người do Vidura cử tới đợi sẵn để chở họ qua sông. Họ tới thị trấn Eka-chakrâ, cư ngụ tại nhà một người Bà la môn, y phục theo đạo Bà la môn, khất thực như những tu sĩ Bà la môn. Ít lâu sau, có tin Drupada làm lễ kén phò mã cho con gái là Công chúa Draupadi. Năm anh em Pandus được mẹ khuyến khích hãy tới triều đình của Drupada thử thời vận.
Draupadi là một công chúa có vẻ đẹp chim sa cá lặn, rất sắc sảo. Nàng được sinh ra theo lề lối khác thường. Ngày đó, Drupada vừa bị Drona chinh phục, bèn làm lễ cầu nguyện lớn, xin thần linh ban cho một đứa con trai để tính chuyện phục hận sau này. Lẽ ra hiện diện trong lễ cầu nguyện lớn này phải có hoàng hậu, nhưng vì khi hay tin thì hoàng hậu lại vừa ăn mặn và xức dầu lên người nên không thể tham dự buổi lễ được. Tuy nhiên giữa đám lửa tế lễ bỗng xuất hiện một thiếu niên bận giáp trụ sáng ngời và tiếng thần linh từ trời vẳng xuống phán rằng đứa con này sẽ giúp Drupada diệt được Drona. Đó chính là Drishta-dyumna. Kế đó, Draupadi cũng xuất hiện tự đám lửa tế và tiếng thần linh phán rằng nàng sẽ là một phụ nữ độc đáo trong việc hạ thủ anh em nhà Kurus sau này.
Draupadi nay đã tới tuổi reo cầu kén phò mã. Vua Drupada vẫn còn thán phục dũng lược của Arjuna, thầm mong chàng sẽ đến, bèn cho làm một cái cung cực lớn. Muốn thắng cuộc, người dự thi phải đủ sức giương giây cung đó và phải nhắm bắn làm sao cho mũi tên vừa xuyên qua một chiếc đĩa đương quay tròn, vừa trúng vào mắt của một con cá vàng làm đích. Trong số các hoàng tử và hào kiệt bốn phương tới cầu hôn, có mặt Dur-yodhana và Karna. Khi Karna vừa giương cung ngắm bắn, dây cung sắp buông ra và có thể trúng đích thì Draupadi la lên nàng không bao giờ chịu kết hôn với con trai của một kẻ đánh xe tầm thường. Karna ngượng ngùng bỏ cuộc. Lần lượt tới những kẻ khác, đều thất bại. Sau cùng Arjuna, trong y phục của người Bà la môn, tiến lên giương cung và bắn trúng đích một cách dễ dàng. Công chúa Draupadi trao cho chàng vòng hoa chiến thắng và bày tỏ lòng ưng thuận. Các ông hoàng thuộc đẳng cấp chiến sĩ tới cầu hôn đều bất mãn vì không muốn để cho một người thuộc đẳng cấp Bà la môn làm nhục. Cũng may Krishna đã kịp thời tới dàn hòa ổn thỏa.
Năm anh em Pandavas đưa nàng Draupadi về rừng để ra mắt bà Kuntĩ. Tới cửa nhà, họ vui vẻ lên tiếng rối rít với bà : “Mẹ ơi, hãy quay lại nhìn xem hôm nay chúng con khất thực được những gì này !”. Bà Kuntĩ không quay lại và trả lời : “Các con hãy chia nhau cho đồng đều!”. Dứt lời, bà mới nhìn thấy Draupadi. Tuy nhiên, bà không thể rút lời lại được nữa và do đó cả năm anh em Pandavas đều chung sống với nàng Draupadi.
Không bao lâu, Dhrita-râshtra và lũ con của ông đều được biết rằng anh em Pandavas không những sống sót mà còn trở nên đồng minh của một nước hùng mạnh. Karna muốn khiêu chiến tức khắc; Dur-yodhana còn muốn dùng mưu kế xảo quyệt. Nhưng Dhrita-râshtra đã nghe theo lời khuyên của trưởng lão Bhishma, Vidura và Drona cho người đi mời anh em Pandavas trở về và chia cho họ nửa phần giang sơn. Yudhi-shthira với tư cách trưởng nam được tôn lên ngôi vua.
Lãnh thổ của anh em Pandavas mặc dầu là phần đất rất xấu nhưng nhờ tài năng và thiện chí của người cai trị đã mau chóng trở nên giàu mạnh. Kinh đô là Indra-prastha.
Nàng Draupadi vẫn lần lượt sống chung với năm anh em, mỗi người hai hôm. Năm anh em có kỷ luật là trong thời gian Draupadi sống với ai thì bốn người kia không được phép vào lâu đài chính. Ai vi phạm sẽ phải tự ý lưu vong mười hai năm. Lần đó Draupadi đương sống với Yudhi-shthira, thì có mấy người bà la môn tới cầu cứu Arjuna đánh đuổi giúp lũ cướp đương tước đoạt hàng của họ. Khí giới của Arjuna thì để trong lâu đài, mà chàng không thể không cứu những người bà la môn lương thiện đó. Chàng đành vào lâu đài lấy khí giới. Sau khi giải cứu xong, Arjuna tự ý lưu vong mười hai năm, mặc dầu Yudhi-shthira đã nói việc vào lâu đài lấy khí giới để kịp đi cứu người đâu có kể là lỗi lời giao ước. Nhưng chũng vì cuộc tự ý lưu vong mười hai năm này mà Arjuna gặp được mấy mối tình. Một hôm Arjuna xuống tắm dưới sông Hằng, gặp nàng Ulũpĩ, con gái của Thần Rắn Vâsuki. Arjuna cầm lòng đậu trước nhan sắc đắm say của nàng. Chàng đã sống ân ái với Ulũpĩ ngay tại lâu đài của cha nàng cho tới khi Ulũpĩ sinh hạ được đứa con trai Irâvat.
Irâvat sinh ra được ít lâu thì Arjuna tiếp tục xuôi xuống miền Nam, tới Manipura. Tại đây Arjuna gặp công chúa Chitrângada. Vua xứ Manipur bằng lòng cho chàng được kết hôn với con gái mình với điều kiện nếu nàng sinh con trai, chàng phải để đứa con trai đó ở lại làm vua xứ này. Nguyên do là theo lời nguyền của thần Shiva, bất kỳ ai cai trị vương quốc Mainpur chỉ có thể có một con thôi mà nhà vua đã có công chúa rồi.
Arjuna ưng thuận. Chàng có với Chitrângada đứa con trai tên là Babhrũ-vâhana.
Sau đó ít lâu, Arjuna lại lên đường tới Dwârakâ. Nơi đây chàng được Krishna tiếp đón nồng nhiệt. Arjuna gặp Su-bhadra, em gái của Krishna, muốn kết duyên cùng nàng. Lẽ ra Su-bhadra sẽ được gả cho Dur-yodhana. Krishna khuyên Arjuna nếu thật tâm muốn gá nghĩa cùng nàng thì cả hai nên mang nhau trốn khỏi Dwârakâ. Arjuna đã làm như lời. Bala-râma, anh của Krishna, muốn rượt theo đòi lại em gái, nhưng Krishna nói là dù có đòi lại được, bây giờ hỏi còn ai chịu cưới cô em đó nữa. Thế là mọi việc ổn thỏa. Krishna cho tổ chức một lễ cưới linh đình, và hai vợ chồng Arjuna – Su-bhadra sống yên vui tại Dwârakâ cho tới ngày Arjuna mãn hạn lưu vong trở về Indra-prastha. Thoạt Draupadi rất ác cảm với Su-bhadra, nhưng sau với đức tính thùy mị, đôn hậu, Su-bhadra đã khiến Draupadi đổi dần ác cảm thành thiện cảm.
Su-bhadra sinh hạ được một con trai tên là Abhimanyu.
Draupadi sinh được năm trai, mỗi con trai của một người chồng.
Phải ghi nhận thêm, cũng trong chuyến lưu vong qua, Arjuna đã có được chiếc cung thần Gândĩva. Trong thiên hạ lúc đó chỉ có ba người có ba chiếc cung thần: Krishna có cung thần Shrangâ; Rukmi, anh vợ Krishna, có cung thần Vijaya; và Arjuna có cung thần Gândĩva. Tục truyền cung Gândĩva nguyên là của thần Brahmâ, sau chuyển đến Thượng đế Prajâpati, rồi lần lượt đến tay thần Shakra (Indra), thần Mặt trăng Soma, thần Nước Varuna, thần Lửa Agni, sau cùng thần Agni trao cung cho Arjuna. Cùng với cung thần, Arjuna còn được tặng hai ống đựng tên, dù bắn bao nhiêu đi nữa hai ống vẫn luôn luôn đầy tên. Arjuna rất hãnh diện về cung tên thần này nên đã có lần định đem ra sử dụng để khoe với các anh em nhưng đạo sĩ thấu thị Narada bỗng nhiên xuất hiện bảo cho hay là không bao giờ được lạm dụng cung tên thần mà chỉ có thể dùng trong những trường hợp tối khẩn thiết !
Yudhi-shthira thấy đã đến lúc mình có thể đảm nhận việc mời các quốc vương tới phó hội để choàng vòng hoa danh dự cho vị quốc vương nào thống minh, thánh trí nhất. Krishna đã được đề cao trong cuộc phó hội. Chính trong dịp này, Dur-yodhana thực mục sở thị vẻ thịnh vượng huy hoàng của triều đình Indra-prastha. Có lần đương đi trong hoàng cung, Dur-yodhana vội vén áo lên, vì tưởng mình vừa bước tới ven hồ nước trong, ai ngờ đó chỉ là một phiến pha lê cực đẹp và trong suốt. Lần sau Dur-yodhana bị ngã xuống một hồ nước ướt như chuột lột vì tưởng lầm đó chỉ là một phiến pha lê khác. Các lâu đài trong hoàng cung thẩy đều nguy nga tráng lệ, chỗ nào cũng thấy lấp lánh những vàng bạc, ngọc ngà, châu báu. Vì vậy, khi trở về kinh đô của mình, Dur-yodhana càng đem lòng ghen ghét và tìm cách đoạt lấy giang sơn của Yudhi-shthira. Y biết Yudhi-shthira có nhược điểm khi đã vào cuộc đỏ đen thì say mê đến dứt không ra, bèn mời cả hoàng gia bên Pandavas tới dự một tiệc vui rồi nhân dịp ấy thách Yudhi-shthira đánh xúc xắc với Sakuni, em trai của hoàng hậu Gândharĩ.
Sakuni là một tay cờ gian bạc bịp, và có con xúc xắc riêng để gian lận.
Vì danh dự, Yudhi-shthira nhận lời. Sakuni dùng trá thuật lần lần chiếm hết tài sản, vương quốc, đến các anh em, rồi chính bản thân Yudhi-shthira, sau cùng cả nàng Draupadi kiều diễm nữa. Lúc đó Draupadi đương nằm nghỉ trong thâm cung nào có hay biết chi. Khi nàng bị dẫn tới trước Dur-yodhana như một nô lệ, nàng kịch liệt phản đối, viện lý khi Yudhi-shthira đã bị làm nô lệ rồi mới đặt nàng vào chiếu bạc; mà nô lệ thì làm gì còn quyền sở hữu nữa.
Dur-yodhana thô bạo cương quyết làm nhục nàng và anh em nhà Pandavas bằng cách bắt nàng ngồi lên đùi mình và hạ lệnh cho lột trần truồng nàng, nhưng Krishna đã cứu nàng bằng cách hễ bị lột đến đâu thì quần áo mới lại hiện ra tới đó.
May thay Vidura kịp thời phi báo cho Dhrita-râshtra biết rõ sự tình. Vị quốc vương mù này không ngờ các con mình lại tệ hại đến thế, lập tức tới nơi, ra lệnh để nàng Draupadi tự do. Ông còn xin lỗi nàng và hỏi nàng muốn gì để ông được tạ lỗi. Nàng xin để anh em Pandavas tự do. Ông hỏi nàng còn muốn gì thêm. Draupadi đáp như vậy là đủ vì nàng nghĩ một khi anh em Pandus được tự do rồi, họ có thể tự gây dựng lại cơ đồ.
Dur-yodhana thất vọng vô cùng về việc cha làm nên cố nài xin cho đánh một tiếng bạc cuối cùng, ai thua phải rút lui vào rừng sống mười hai năm, sau đó phải sống thêm một năm ở xứ khác mà không được lộ hình tích. Ván bài thực hiện, Yudhi-shthira lại thua. Anh em Pandus và nàng Draupadi đến bái biệt mẹ già để vào rừng sống ẩn mười ba năm khắc khổ. Bà Prithâ (Kuntĩ) đã quá già nua không thể theo con trên con đường lưu vong lần nữa; Vidura mời bà lưu lại lâu đài tại Hastinâpura như một thượng khách. Nói sao hết nỗi lòng sầu não của bà, “tuổi già hạt lệ như sương”, mà còn phải khóc nhìn đàn con ra đi.
Trong thời kỳ lưu đày trong rừng, anh em Pandavas gặp được nhiều đạo sĩ tới an ủi, khuyến khích (có cả Krishna và Vyâsa) và kể cho nghe nhiều truyện tích hay.
Đặc biệt Arjuna lặn lội tiến sâu vào dãy Hy mã lạp sơn, hàng ngày cầu khẩn thần Shiva và được thần ban cho vũ khí Pâsu-pata có thần lực vô song. Các thần linh khác cũng tới thăm và ban cho chàng những vũ khí khác. Cha chàng, thần Sét Indra, mang chàng về thiên đình, sống tại đó năm năm, nghe các nhạc công, ca công đàn hát, xem các tiên nữ nhảy múa, và ban cho chàng chiếc tù và Deva-datta. Đó là chiếc tù và trận làm bằng vỏ một con ốc biển lớn, khi thổi lên tiếng âm u làm rợn tóc gáy người nghe.
Yudhi-shthira cũng được một vị thần dạy cho cách gieo con xúc xắc một cách thần diệu. Sau này, Yudhi-shthira sẽ có dịp sử dụng thuật này.
Bhĩma cũng gặp dịp may riêng của chàng. Hôm đó chàng đương lướt nhanh như gió thì gặp Khỉ tướng quân Hanumân. Cả hai cùng là con của thần Gió Vâyu. Hanumân kể cho Bhĩma nghe truyện tích Râmâyana và đưa Bhĩma đến thăm núi Kailâsa, hái tặng chàng một vài bông hoa đẹp, đồng thời cũng là linh dược giúp con người cải lão hoàn đồng và nguôi ngoai hết mọi sầu muộn. Bhĩma đã mang những bông hoa đó về giúp Draupadi quên bao nỗi sầu cực nhọc trên con đường lưu vong.
Jayada-ratha, vua xứ Sindhu, là con rể duy nhất của Dhrita-râshtra, một hôm vào rừng săn gặp Draupadi ở nhà một mình. Thấy nàng xinh đẹp quá đỗi, Jayada-ratha dụ dỗ không được bèn bắt cóc. May thay anh em Pandus đi săn về kịp thời khám phá ra việc đó, đuổi kịp Jayada-ratha, cứu thoát Draupadi. Bhĩma không muốn giết Jayada-ratha vì dầu sao cũng còn dây mơ rễ má họ hàng với nhau. Chàng chỉ cạo nhẵn râu tóc hắn, bắt hắn quỳ lạy xin lỗi Yudhi-shthira, rồi tha cho về.
Một hôm Karna xúi anh em Kurus hãy vào rừng xem cách ăn ở của anh em Pandus ra sao, nhân tiện tìm cách riễu chơi. Vào rừng, bọn họ gặp một đám ca công, nhạc công và tiên nữ của thần Sét Indra đương ca hát nhởn nhơ. Các thần linh này ngăn cản không cho họ vào sâu trong rừng. Họ chống lại, bèn bị đánh tơi bời và một số bị bắt. Anh em Pandus hay tin vội đến giải cứu cho họ. Yudhi-shthira còn bày tiệc khoản đãi; nhưng Dur-yodhana càng tỏ lòng căm phẫn, tuyên bố thà chết chứ không nhận lòng tốt của Yudhi-shthira. Khi trở về triều đình, Dur-yodhana làm lễ tế thần và nham hiểm mời anh em Pandus về dự lễ. Anh em Pandus từ khước lời mời vì thời hạn lưu vong của họ chưa hết. Bhĩma thì cáu tiết nhắn rằng khi mãn hạn lưu vong, họ sẽ về lập dàn tế thần và thiêu đốt cả đám anh em Kurus.
Ngày mãn hạn lưu vong cũng sắp tới. Hôm đó anh em Pandus gặp một người Bà la môn đương sắp làm lễ tế thần thì một con nai rừng chạy qua, cúi xuống ngậm lấy những chiếc đũa thờ dùng để chà sát làm lửa* rồi chạy sâu và rừng. Anh em Pandus vùng đuổi theo, bị lạc lõng và khát nước. Một người trèo lên cây cao, nhìn thấy một hồ nước phía xa. Nakula, người em út, tới trước, cúi xuống giải khát nước hồ trong mát. Có giọng nói : “Khoan đã, hãy trả lời câu hỏi của ta rồi mới được uống”. Nakula khát quá cứ uống. Lập tức chàng lăn ra chết. Lần lượt Shahadeva, Arjuna và Bhĩma, người nọ đi kiếm người kia, tới hồ nước, đều chết như trường hợp của Nakula. Sau cùng Yudhi-shthira đến nơi, thấy xác của bốn người em thì khóc than thảm thiết, không thiết gi` tới uống nước. Khi ấy, tiếng nói lại nổi lên bảo Yudhi-shthira hãy trả lời những câu hỏi trước khi muốn uống nước. Yudhi-shthira quay lại, thấy một con cò.
Con cò hỏi : Con đường lên trời là gì?
Đáp : Lòng thành thật !
- Làm thế nào con người đạt được hạnh phúc?
- Nhờ ở hành động ngay thẳng !
- Con người phải làm chủ cái gì để thoát khỏi đau khổ?
- Tâm hồn của mình.
- Khi nào con người được thương yêu?
- Khi hắn không kiêu căng.
- Cái gì kỳ diệu nhất trên thế gian?
- Kẻ nào thấy mọi người xung quanh đều chết mà vẫn đi tìm sự bất tử.
- Thế nào là chân tri?
- Chân tri không phải học mà biết, không phải nhờ lý luận mà biết. Chân tri chỉ đạt được nhờ đức tính ngay thẳng.
Con cò hiện nguyên hình thành thần Dharma (thân phụ chàng) tỏ vẻ hài lòng về những lời chàng đáp. Chàng xin cha cho các em sống lại. Được toại nguyện, chàng lại xin cha giúp cho không ai nhận ra được năm anh em trong năm tới. Thần Dharma nhận lời. Sau cùng, chàng cầu xin nữ thần Pârvati (vợ thần Shiva) luôn luôn săn sóc phù trợ cho anh em chàng.
Sau đó năm anh em Pandus tới triều đình vua Matsyas tại vương quốc Virâta, xin được giúp việc để sống ẩn náu cho qua năm thứ mười ba của cuộc lưu vong. Thoạt anh em bỏ các khí giới lại, cất dấu kỹ lên cây, hóa trang cho thật khác lạ để không ai có thể nhận diện ra mình, rồi tới xin yết kiến vua Matsyas. Yudhi-shthira nay là một tay gieo xúc xắc kỳ khôi, mà vua Matsyas thì dạo đó thua đậm về môn đó, nên chàng lập tức được nhà vua tiếp đón niềm nở. Đầu đi thì đuôi lọt, Nakula được chấp nhận làm anh coi chuồng bò; Saha-deva phụ trách chăn bò; Bhĩma giữ chân làm bếp (chàng vốn ưa ăn ngon); Draupadi làm nữ tì cho công chúa; Arjuna hóa trang thành quan thị xin được chân dạy ca, vũ, nhạc cho vương phi trong triều.
Vào cuối năm thứ mười ba của cuộc lưu vong thì xảy ra một tai nạn. Em trai hoàng vì say mê nhan sắc của Draupadi, rắp tâm làm bậy, bị Bhĩma giết chết. Quân đội Virâta vì vậy mất viên thống soái cầm đầu. Lập tức kẻ thù bốn bề ùa tới uy hiếp. Anh dem Pandus xuất đầu lộ diện, trổ tài thần vũ cứu nguy cho vương quốc Virâta. Anh em Pandus đã gặp và đánh bại anh em Kurus vào dịp này (Dur-yodhana đem quân tràn vào nam phần Virâta). Tiếng tù và và những mũi tên thần của Arjuna đã làm tảng đởm ba quân của Dur-yodhana. Trưởng lão Bhishma và Drona cũng tỏ lòng cảm mến tài dũng lược của Arjuna.
Để đền ơn, vua Matsyas gả công chúa Uttarâ cho con Arjuna là chàng thiếu niên anh hùng Abhimanyu. Krishna và Bala-râma có thân hành đến dự lễ cưới long trọng này. (Mẹ của Abhimanyu là nàng Su-bhadra, em gái của Krishna và Bala-râma.)
Đã hết niên hạn lưu vong của anh em Pandus. Drupada cử một sứ giả tới yêu cầu Dhrita-râshtra trả lại vương quốc cho anh em Pandus. Bhishma khuyên nên giảng hòa, Dur-yodhana và Karna cương quyết giữ thái độ hiếu chiến.
Tiếp đó chính Krishna thân chinh tới Hastinâ-pura làm sứ giả. Drona và Vidura tán thành ý kiến của Krishna là trả lại phần đất cũ cho anh em Pandus. Nhưng Dur-yodhana cương quyết giữ vững thái độ cứng rắn của mình : “Dù một miếng đất nhỏ chỉ đủ cắm dùi cũng không nhường lại; muốn có hãy dùng khí giới mà chiếm lấy!”.
Do đó chiến tranh không thể nào tránh được. Tất cả các vương quốc ở Ấn độ đều lần lượt bị lôi cuốn vào cuộc tranh chấp ấy, hoặc theo phe này, hoặc về phe nọ. Sau cùng cả Arjuna và Dur-yodhana đều tới vương quốc Dwârakâ mời Krishna. Vì có liên hệ với cả đôi bên, nên Krishna bèn ra một điều kiện cho họ chọn lựa : “Hãy chọn toàn thể quân sĩ của ta hoặc chọn một mình ta, nhưng nên nhớ rằng dù ở phe nào, ta cũng sẽ không tham chiến!” Dur-yodhana lấy quân sĩ của Krishna, còn Arjuna mời Krishna cầm cương chiến xa cho mình.
Quy luật chiến tranh thật đặc biệt : không được dùng mưu kế, không được đánh lén, không được đánh nhau ban đêm, không được giết kẻ bỏ chạy, kỵ binh không được đánh bộ binh, khi hai người đang giao chiến thì kẻ thứ ba không được vào trợ lực v..v…
Chiến trận xảy ra trên đồng bằng Kuru-kshetra, một miền đất thiêng vẫn được dùng làm chốn hành hương. Chính tại đây mà trước khi lâm trận đã có cuộc đối thoại lạ lùng giữa Krishna và Arjuna, được ghi chép trong 18 chương gồm 700 câu, mệnh danh là Bhagavad-Gĩtâ (Chí tôn ca).

 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top