Tình hình phân hoá xã hội Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất

hoangphuong

New member
TÌNH HÌNH PHÂN HÓA XÃ HỘI VIỆT NAM SAU CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ NHẤT



1. Hoàn cảnh lịch sử

+ Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918) nền kinh tế của nước Pháp bị tàn phá nặng nề. Để bù đắp những thiệt hại to lớn do chiến tranh Pháp đã ra sức tăng cường bóc lột nhân dân lao động trong nước, đồng thời tăng cường đầu tư khai thác các thuộc địa đặc biệt là ở Việt Nam và Đông Dương.

+ Chính sách khai thác thuộc địa sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất của thực dân Pháp đã đưa tới những biến đổi về kinh tế và xã hội Việt Nam. Biến đổi về mặt xã hội là làm cho sự phân hoá giai cấp ở Việt Nam thêm nhanh chóng và sâu sắc hơn. Địa chủ phong kiến tăng lên về số lượng, nông dân thêm bần cùng hoá, công nhân đông hơn về số lượng, tư sản và tiểu tư sản ra đời.

2. Tình hình phân hoá xã hội

+ Đối với giai cấp địa chủ

Sau chiến tranh, giai cấp địa chủ tăng thêm về số lượng. Trước sau Pháp vẫn áp dụng chính sách dung dưỡng đối với địa chủ để làm chỗ dựa cho nền thống trị của chúng. Phần lớn địa chủ trở thành kẻ thù của cách mạng.

Tuy vậy cũng có một bộ phận, nhất là địa chủ vừa và nhỏ, có tinh thần yêu nước, tham gia các phong trào yêu nước khi có điều kiện.

+ Đối với giai cấp tư sản Việt Nam

Sau chiến tranh, tư sản Việt Nam lần lượt có mặt ở nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau mà phần lớn là các ngành dịch vụ, chế biến nông sản, công nghiệp nhẹ.... Đáng kể có: Công ty Tiên Long thương đoàn (Huế), Hưng hiệp hội xã (Hà Nội), Công ty rượu Nam Đồng ích (Thanh Hoá), xưởng nấu xà phòng của Trương Văn Bền ở Sài Gòn..... Cũng có người bỏ vốn vào khai thác mỏ (Bạch Thái Bưởi), trồng cao su (Lê Phát Vĩnh). Phát triển đến một mức nào đó thì họ phân hoá thành hai bộ phận:

- Tầng lớp tiểu tư sản mại bản bao gồm những người làm đại lý thương mại cho Pháp những nhà thầu khoán có quan hệ với đế quốc, có quyền lợi gắn liền với đế quốc nên câu kết chặt chẽ về chính trị với chúng, trở thành kẻ thù của cách mạng.

- Tầng lớp tư sản dân tộc có khuynh hướng kinh doanh độc lập. Do bị đế quốc, tư bản nước ngoài chèn ép về kinh tế, chính trị, tư sản dân tộc có mâu thuẫn nhất định với đế quốc và phong kiến, có khuynh hướng dân tộc dân chủ.

+ Giai cấp tiểu tư sản :

Giai cấp tiểu tư sản ra đời sau chiến tranh thế giới thứ nhất. Họ bao gồm giáo viên, học sinh, sinh viên, viên chức, dân nghèo thành thị, những người buôn bán nhỏ, thợ thủ công và những người làm nghề tự do.

Họ bị đế quốc, phong kiến chèn ép, bạc đãi, khinh rẻ, đời sống bấp bênh, dễ bị xô đẩy vào con đường thất nghiệp. Trong tình trạng đó, tầng lớp trí thức, học sinh, sinh viên lại có điều kiện tiếp xúc với các trào lưu tư tưởng văn hoá tiến bộ ben ngoài nên có tinh thần hăng hái cách mạng. Đây là tầng lớp nhạy cảm về chính trị, yêu nước, gần gũi với công nông, nên họ là một bộ phận quan trọng trong lực lượng cách mạng Việt Nam.

+ Nông dân

Giai cấp nông dân là thành phần chiếm đại đa số trong xã hội, khoảng 90% dân số.

Nông dân là nạn nhân chủ yếu của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai, gánh chịu hậu quả nặng nề của chính sách cướp đoạt ruộng đất, sưu cao thế nặng. Họ bị bần cùng hoá và phá sản trên quy mô lớn, họ sẵn sàng vùng dậy khi được tổ chức, lãnh đạo của một đường lối đúng đắn và trở thành lực lượng quan trọng đặc biệt hết sức to lớn của các mạng Việt Nam, người bạn đồng minh của giai cấp công nhân.

+ Giai cấp công nhân:

Giai cấp công nhân ra đời sớm, lúc này có sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Trước chiến tranh số lượng chỉ có khoảng 10 vạn người. Đến năm 1929, số công nhân làm việc thường xuyên cho tư bản Pháp lên tới 22 vạn người, sông tập trung tại các trung tâm kinh tế quan trọng của thực dân Pháp.

Giai cấp công nhân Việt Nam có đầy đủ những đức tính, phẩm chất của giai cấp vô sản quốc tế (đại biểu cho lực lượng sản xuất tiến bộ nhất của xã hội, điều kiện lao động và sinh sống tập trung...)

Giai cấp công nhân nước ta có những đặc điểm riêng:

- Chịu 3 tầng áp bức bóc lột của đế quốc, phong kiến, tư sản bản xứ nên có tinh thần triệt để cách mạnh nhất và đại diện cho quyền lợi của cả dân tộc.

- Ra đời trước giai cấp tư sản dân tộc, có điều kiện thuận lợi vươn lên giành quyền lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc.

- Không có sự khác biệt lớn về ngôn ngữ, thành phần dân tộc và không có tầng lớp công nhân quý tộc, là một giai cấp thuần nhất do đó không có sự phân biệt về tư tưởng, tổ chức.

- Phần lớn xuất thân từ nông dân và có mọi liên hệ thường xuyên, chặt chẽ với nông dân, có điều kiện xây dựng mối liên minh bền vững với lực lượng xã hội đông đảo này.

- Ra đời trong lòng một dân tộc giàu truyền thống yêu nước nên kế thừa được những di sản tinh thần tốt đẹp để bồi đắp tinh thần cách mạng.

- Sớm tiếp thu được chủ nghĩa Mác - Lênin và kinh nghiệm của phong trào công nhân quốc tế do lãnh tụ Nguyễn ái Quốc truyền bá vì vật nhanh chóng chuyển hoá từ giai cấp tự phát thành giai cấp tự giác.

Do những đặc điểm trên đã góp phần tạo nên phẩm chất chính trị và năng lực cách mạng, giúp giai cấp công nhân có đủ điều kiện trở thành giai cấp duy nhất lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta.

(Sưu tầm)
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top