• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Tình hình nước ta dưới thời Trịnh Sâm

Trang Dimple

New member
Xu
38
Tình hình nước ta dưới thời Trịnh Sâm


Nửa sau thế kỷ XVIII, chúa Trịnh vẫn duy trì một nền chính trị hủ bại. Chính quyền họ Trịnh – đặc biệt từ đời Trịnh Sâm trở đi, càng tỏ ra đồi trụy, thối nát đến cực độ. Năm 1767, Trịnh Doanh chết, con là Trịnh Sâm lên nối ngôi. Sâm là người hoang dâm, tàn bạo, suốt đời chỉ ăn chơi hưởng lạc và tìm cách bóc lột nhân dân ráo riết hơn trước. Dưới thời Trịnh Sâm, bộ máy quan liêu trở nên rất thối nát và trong nội bộ giai cấp thống trị xảy ra nhiều vụ tranh chấp, giết hại nhau.

Ngay từ khi Trịnh Sâm lên nối ngôi thì đã xảy ra cuộc mưu sát của Trịnh Đệ. Đệ là em ruột Sâm, mưu với Phạm Huy Cơ định đến ngày 24 tháng 9 nhuần (năm Đinh Hợi – 1767) sẽ giết Sâm để cướp ngôi. Nhưng âm mưu bại lộ, Sâm bắt Đệ hạ ngục và giết chết Phạm Huy Cơ. Hai năm sau, năm 1769, Trịnh Sâm lại cùng bè cánh tay chân là hoạn quan Hoàng Ngũ Phúc, Phạm Huy Đĩnh tìm cách hạ sát thái tử Lê Duy Vĩ. Lê Duy Vĩ là con vua Lê Hiển Tông là người thông minh, khẳng khái có ý muốn khôi phục lại chủ quyền vua Lê nên bị Trịnh Sâm ghen ghét. Sâm đổ tội cho thái tử tư thông với nàng hầu trong phủ chúa để khép tội bắt hạ ngục, rồi hai năm sau bắt thắt cổ chết.

Trịnh Sâm là một tên chúa rất hoang bạo, ăn chơi cực kỳ xa hoa, trụy lạc. Sâm bắt xây dựng nhiều cung điện, nhiều đền chùa ở những nơi danh thắng để du ngoạn. Một tháng ba, bốn lần Sâm ngụ ra chơi cung Thụy Liên trên hồ Tây, bắt dân lính đứng hầu bao quanh khắp bờ hồ, bắt bọn nội thần bịt khăn, mặc áo đàn bà trưng bày mọi thứ hàng hóa quanh bờ hồ để bán. Nhạc công thì ngồi trên gác chuông ở chùa Trấn Quốc hay trong bóng cây để thỉnh thoảng hòa vài khúc nhạc. Hàng năm đến Tết Trung Thu, Sâm phát gấm trong cung ra làm hàng trăm, hàng nghìn chiếc đèn lồng, mỗi chiếc giá mấy chục lạng bạc, để treo quanh bờ ao Long Trì. Sâm sai tịch thu những loài “ trân cầm, dị thú, cổ mộc, quái thạch” . những chậu hoa cảnh quý giá của nhân dân để bày la liệt trong phủ chúa. Bọn quan lại, tôi tớ thừa hành lại nhân đó ức hiếp, cướp đoạt của dân, gây ra nhiều tệ hại. Thậm chí có nhiều nhà chặt cây cảnh, phá núi non bộ… để tránh khỏi tai vạ.

Trịnh Sâm rất say đắm một cung nhân có nhan sắc là Đặng Thị Huệ, lấy làm vương phi. Trịnh Sâm hết sức chiều chuộng Đặng Thị Huệ và dung túng cho bọn anh em bà con nhà họ Đặng cậy thế tự do hoành hành, bất chấp cả pháp luật của nhà nước. Tiêu biểu nhất cho hành động ngang ngược hung bạo của bọn này là tên Đặng Mậu Lân – em ruột Thị Huệ. Lân sắm sửa xe kiệu, quần áo giống hệt như kiểu đế vương, rồi hàng ngày kéo “vài chục thủ hạ cầm gươm, vác súng nghênh ngang đi khắp kinh đô. Hễ gặp có đám xe võng, bất kỳ là của quan lại nào, Lân đều khà khịa, gây sự đánh nhau, để làm nhục chơi” . Hễ gặp đàn bà, con gái có nhan sắc đi qua đường là lập tức bị hắn sai vây màn trướng ở giữa đường để hãm hiếp. Người nào kháng cự thì bị hắn cắt hai đầu vú và “cha hoặc chồng những kẻ “vô phúc” gặp “hung thần” đó, nếu có kêu ca nửa câu, Lân liền cho kìm vặn răng, có người bị đánh đến chết”. Vì vậy, “thiên hạ, hàng xứ thấy Lân sợ như sợ beo sói, ai nấy tìm đường mà tránh cho xa” . Tuy ngang ngược, hung bạo như vậy, nhưng vì nể Đặng Thị Huệ nên Trịnh Sâm vẫn phải đem công chúa Ngọc Lân gả cho Lân.

Từ vua chúa cho đến quan lại tay chân đã trở thành những mối đe dọa khủng khiếp đối với nhân dân. Vua quan không còn là người duy trì trật tự xã hội, mà đã trở thành những kẻ tham ô, hối lộ, cướp bóc trắng trợn, gây nhiều tai họa cho nhân dân. Vì thế, hễ nghe tin có quan đến là nhân dân kinh động, lo sợ. Bài mật khải của quyền trấn thủ Vũ Tá Côn và hiệp trấn Bùi Huy Bích ở Nghệ An gửi lên chúa Trịnh năm 1780 đã nói lên điều đó: “…tháng trước đã có tin ở kinh mật báo, hoặc nói sẽ có hai, hoặc ba viên quan địa phương, hoặc nói có quan Kinh sai về hơn 10 viên để thanh tra quân dân các xã. Sở tại lưu truyền, dân tình kinh động, đến đỗi dời nhà dọn cửa và đuổi những kẻ ngụ cư để cho bớt dân đinh thì sẽ bớt phần nào số dân phải đi lính”. Chính quyền họ Trịnh đã trở nên cực kỳ thối nát, đã hoàn toàng chức năng tích cực của mình để trở thành một bộ máy ăn bám phản động, kìm hãm mọi bước tiến của xã hội.

Vào những năm cuối thời Trịnh Sâm, tình hình chính trị ở Đàng Ngoài lại càng rối ren hơn nữa. Do việc Trịnh Sâm định phế con trưởng là Trịnh Khải lập Trịnh Cán coi Đặng Thị Huệ làm thế tử nên gây thành hai bè phái trong phủ chúa. Phe phái Đặng Thị Huệ đứng đầu là quận công Hoàng Đình Bảo mưu lập Trịnh Cán lên làm chúa. Phe phái Trịnh Khải gồm có Nguyễn Lệ là trấn thủ Sơn Tây là Nguyễn Khắc Tuân là trấn thủ Kinh Bắc. Năm 1780, nhân khi Trịnh Sâm ốm nặng, Trịnh Khải cùng bọn tay chân là Đàm Xuân Thụ, Thế, Thẩm…chiêu mộ dũng sĩ, sắm sửa binh khí là liên kết với hai viên trấn thủ Kinh Bắc, Sơn Tây định chờ khi Sâm chết sẽ đóng chặt cửa thành, giết chết Hoàng Đình Bảo, bắt mẹ con Đặng Thị Huệ rồi tự lập nên làm chúa. Nhưng âm mưu bị bại lộ, Khải bị bắt giam, bọn tay chân đều bị giết và hạ ngục. Âm mưu khởi sự của Trịnh Khải tuy bị thất bại, nhưng mâu thuẫn giữa hai bè phái phong kiến vẫn còn gay gắt và sẽ có dịp nổ ra.

Mấy năm liền Trịnh Sâm đau ốm luôn và bệnh tình ngày càng nguy kịch. Sâm rất sợ gió và ánh sáng nên phải ở luôn trong thâm cung, cửa đóng kín mít và thắp nến suốt ngày đêm. Từ đó, mọi việc triều chính hầu như đều do Hoàng Đình Bảo, Đặng Thị Huệ quyết đoán hết. Các quan văn võ triều thần thân quý một năm chỉ được gặp Sâm một lần, còn các quan văn võ phần nhiều không hề thấy mặt chúa. Vì vậy, việc của phủ chúa người ta “ví như việc thiên tào, sự ngăn cách ngày càng tệ” . Tháng 10 năm 1782, trước khi chết, Sâm phong Đặng Thị Huệ làm tuyên phi và giao việc lập Trịnh Cán cho Hoàng Đình Bảo và 6 triều thần khác.

Trịnh Cán tuy được làm chúa, nhưng còn ít tuổi nên mọi quyền hành đều lọt vào tay Hoàng Đình Bảo. Bảo lại tư thông với Đặng Thị Huệ, nên lúc ấy có câu ca dao:

“Trăm quan có mắt như mờ

Để cho Huy quận (Hoàng Đình Bảo) vào sờ chính cung”



Việc chuyên quyền của Hoàng Đình Bảo làm cho những mâu thuẫn trong phủ chúa ngày càng sâu sắc thêm và dư luận nhân dân cũng rất xôn xao. Để khủng bố mọi người, Hoàng Đình Bảo sai viên đề lĩnh đem móc sắt và kéo treo khắp các chợ ở kinh thành, dọa rằng người nào còn dám bàn tán đến công việc trong phủ chúa thì sẽ câu lưỡi ra cắt đi. Dựa vào lòng bất bình của nhân dân, Trịnh Khải liền cho tay chân ra liên kết với ưu binh mưu khởi sự. Quân lính Tam Phủ họp ở Khánh Sơn, hẹn nhau hễ nghe thấy hiệu trống sẽ kéo vào tam phủ lật đổ chúa Trịnh.

Ngày 24 tháng 10 năm 1782, Theo hiệu trống, quân tam phủ kéo vào giết chết Hoàng Đình Bảo và em là Hoàng Lương, phế Trịnh Cán xuống là Cung quốc công rồi lập Trịnh Cán lên làm chúa hiệu là Đoan Nam vương. Trịnh Khải tuy lên làm chúa, nhưng tỏ ra bất lực không thể kiềm chế được kiêu binh. Họ kéo nhau đi phá dinh của quận Huy và phá nhà cửa của những người thuộc phái Đặng Thị Huệ, làm náo động cả kinh thành. Kiêu binh còn chúa Trịnh phong chức tước, thưởng tiền bạc và cấp cho mỗi người một đạo sắc đề tên họ tự dọ cho thân thuộc hoặc bán cho người khác. Từ đó, kiêu binh lộng hành, không ai chế ngự nổi. Kiêu binh được cả vua Lê, chúa Trịnh trọng dụng, nên họ càng kiêu căng, huyên hoang tự đắc.

Trước hành động khủng bố của đám tay chân của Trịnh Khải làm cho quân lính tức giận cực độ. Quân lính liền phá tan tành nhà cửa của tay chân Trịnh Khải. Trịnh Khải và Dương thái phi phải quỳ lạy xin đem 1000 lạng bạc, 3 vạn quan tiền chuộc mạng cho Dương Khuông là em của Dương Thái phi. Từ sau vụ binh biến thứ hai, tất cả quyền hành ở trong kinh thành đều lọt vào tay quân lính, bọn quan lại khiếp sợ mà một mực theo lệnh quân lính. Người nào dám kháng cự là lập tức bị phá nhà hoặc bị đánh chết.

Những cuộc bạo động trên đây chỉ là những cuộc biến động của quân lính tam phủ ở kinh thành, không phải là phong trào mang tính chất quần chúng. Những cuộc binh biến đó không những không liên hệ với phong trào của quần chúng, mà do những hành động cướp phá gây thành đối lập với nhân dân, “binh, dân xem nhau như cừu địch”. Những cuộc binh biến đó chứng tỏ sự đổ nát của triều đình họ Trịnh, làm cho chính sách trọng võ của họ Trịnh bị phá sản, chỗ dựa cuối cùng của họ Trịnh bị tan rã.

NGUỒN :diendankienthuc.net*
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top