Tính dân tộc trong lý luân văn nghệ
1.1 Trước nay các nhà nghiên cứu thường bàn đến bản sắc dân tộc trong các hoạt động văn nghệ nhất là các sản phẩm văn nghệ (*). Điều này tất có lý do chính đáng của nó. Bởi nói gì thì nói, giá trị của văn nghệ bao giờ cũng được biểu hiện tập trung trong các tác phẩm văn nghệ, nơi thể hiện sinh động đời sống, bộc lộ rõ rệt tính cách dân tộc, nơi công chúng nghệ thuật nhiều đời đến soi mình vào đó, hoặc là nhận ra chính mình (đối với người cùng dân tộc) hoặc là nhận ra điểm không giống mình (đối với người khác dân tộc) nhằm tăng ý thức về mình trong cộng đồng nhân loại. Gia tăng tính dân tộc của tác phẩm nghệ thuật luôn nằm trong ý thức sáng tạo sâu xa của người nghệ sỹ nếu họ còn mong muốn sản phẩm tinh thần được tạo nên bằng lao động đam mê và khổ ải thuộc về dân tộc mình, từ đó có điều kiện thuộc về các dân tộc khác.
1.2 Tuy nhiên, nếu còn xem hoạt động nghệ thuật chủ yếu là một loại hoạt động mang tính tự giác cao của con người thì việc nhìn nhận tính dân tộc từ giác độ quan niệm nghệ thuật cần phải đặt ra. Ai cũng biết, quan niệm thẩm mỹ có vai trò quyết định đối với các hoạt động thẩm mỹ trong đó có hoạt động nghệ thuật. Có thể nói, mọi khâu của quá trình sáng tạo, từ thu thập tài liệu, nảy sinh ý đồ, thể hiện hình tượng đến sự tiếp nhận của công chúng đều bị chi phối bởi quan niệm nghệ thuật. Việc trau dồi, nâng cao cái nhìn nghệ thuật về đời sống sao cho thật đúng đắn và sắc sảo luôn được các nghệ sỹ mọi thời mọi nước đặt ra. Do vậy mà một nghệ sỹ có ý thức về tính dân tộc trong sáng tạo không thể không quan tâm tới việc thường xuyên gắn sự nghiệp sáng tạo của mình với số phận và đời sống của dân tộc.
1.3 Tính dân tộc trong quan niệm nghệ thuật càng có ý nghĩa trong thời đại ngày nay khi việc hợp tác về nhiều mặt nhất là về quân sự và kinh tế đang trở thành xu thế chung trong khu vực và toàn cầu. Đã xuất hiện quan niệm lầm lạc, rằng để xây mái nhà chung cho cả nhân loại phải thủ tiêu dần những nét riêng của từng dân tộc, rằng điều này đúng với mọi lãnh vực không loại trừ cả văn hóa, văn nghệ. Ta không thể tán đồng với những ý kiến như thế. Giờ đây, hơn lúc nào hết, cái nhìn của Marx và Engel ở thế kỷ XIX về “nền văn hóa quốc tế” vẫn còn soi sáng con đường chúng ta. Đúng như nhận định của Lênin: “ Khi nêu ra khẩu hiệu “nền văn hóa quốc tế của chủ nghĩa dân chủ và của phong trào công nhân thế giới”, chúng tôi chỉ lấy của mỗi một nền văn hóa dân tộc , riêng những thành phần dân chủ và chủ nghĩa xã hội của nó, chúng tôi lấy những thành phần đó chỉ vì và tuyệt đối vì đối lập với nền văn hóa tư sản với chủ nghĩa dân tộc tư sản của mỗi một dân tộc” (Về văn hóa và nghệ thuật – Nxb Sự thật, t.r 342,343) .
2.1. Tính dân tộc trong lý luận văn nghệ có thể xem xét ở nhiều góc độ như : Biểu hiện chung và biểu hiện cụ thể trong các công trình lý luận ở các thời kỳ; ý kiến của cha ông và ý kiến của các nhà lý luận trên thế giới; quan hệ với đường lối văn nghệ của Đảng Cộng sản và triết học, mỹ học mácxít… Đó phải là công việc của nhiều nhà nghiên cứu trong nhiều công trình chuyên ngành và liên ngành. Trong phạm vi bản tham luận này, chúng tôi chỉ xin nêu một vài ý kiến chung, manh tính đặt vấn đề là chính. Rất mong được sự quan tâm của các nhà khoa học.
2.2. Biểu hiện chính yếu của tính dân tộc trong lý luận văn nghệ là gì? Theo ý chúng tôi, có thể nói tới 3 điểm sau:
2.2.1 Hệ thống lý luận văn nghệ phải đặc biệt đề cao tính dân tộc trong xét đoán mọi giá trị nghệ thuật thuộc mọi thời đại. Điều này có lẽ chẳng cần nêu ra chừng mươi, mười lăm năm trước. Khi ấy, đặc tính của nghệ thuật trong đó có tính dân tộc thường được xem trọng. Tuy nhiên gần đây, nhân danh đổi mới quan niệm nghệ thuật, một số nhà lý luận trong một số công trình lý luận chỉ trình bày đặc trưng nghệ thuật, bỏ qua mối quan hệ giữa nghệ thuật với đời sống. Tập trung tìm hiểu nét riêng của nghệ thuật so các hình thái ý thức xã hội khác như chính trị, triết học, khoa học, tôn giáo… là cần, nhưng chỉ thấy đặc trưng nghệ thuật mà không thấy mối tương quan giữa nghệ thuật với những hoạt động vật chất và tinh thần khác của con người là thiếu biện chứng. Vả chăng, khi cắt đứt sợi dây liên hệ với đời sống con người thì tất nhiên cái gọi là “đặc trưng nghệ thuật” kia chắc sẽ trở nên lơ lửng để rồi chấp chới như diều không dây.
Thật ra, nói tới văn nghệ là nói tới một nền văn nghệ cụ thể trong một thời điểm cụ thể. Nó chịu sự ràng buộc của nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài, đa dạng và đa chiều, trong đó ngọn nguồn dân tộc bao giờ cũng là nhân tố chi phối âm thầm và dai dẳng. Điều này thậm chí bất chấp ý thức của người nghệ sĩ. Chỉ có điều, với những ai có ý nguyện gắn sự nghiệp sáng tạo của mình với dân tộc đã sinh ra mình (theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng) thì tác phẩm của họ sẽ có cơ sở dồi dào phẩm chất dân tộc hơn. Đây chính là con đường gần như duy nhất đề công trình nghệ thuật có giá trị đến được với các dân tộc thuộc nhiều chân trời khác nhau.
2.2.2. Hệ thống lý luận văn nghệ phải quan tâm tới thực tiễn nghệ thuật dân tộc. Lý luận chân chính, như mọi người đều rõ, không phải là kết quả của tư duy mang tính tự biện của nhà nghiên cứu. Nó phải gắn với thực tiễn nghệ thuật, phải được khái quát lên từ thực tiễn nghệ thuật. Cố nhiên, trong quá trình xây dựng hệ thống khái niệm, phạm trù khoa học, nhà lý luận buộc phải chọn lựa những hiện tượng nghệ thuật điển hình của nhiều nền văn nghệ. Trên thực tế không khi nào không tồn tại những ngoại biệt. Bởi, nói như Hegel,hiện tượng luôn phong phú hơn quy luật. Do vậy,hệ thống lý luận nghệ thuật bao giờ cũng ở trạng thái mở cho phép những cái riêng mang tính ngoại lệ hiển hiện. Tiếp xúc với bất cứ hệ thống lý luận văn nghệ nào, chúng ta cũng cần biết vận dụng để giải quyết thực tiễn của dân tộc mình. Không thế, chúng ta sẽ khó tránh khỏi giáo điều và lý luận mà ta tuân thủ sẽ khó tránh khỏi “ xám ngắt”. Sức mạnh của nó sẽ rất hạn chế .
Vậy nên, một điểm mang tính nguyên tắc là các nhà lý luận cần lấy thực tiễn sáng tạo nghệ thuật dân tộc soi vào những nguyên lý chung có tính tòan nhân loại. Chắc chắn sẽ có những nguyên lý ( không loại trừ cả những nguyên lý then chốt) chẳng mấy thích hợp với lịch sử nghệ thuật dân tộc. Sự bổ sung ở đây là cần thiết, nếu như nhà lý luận còn muốn hệ thống lý luận của mình có sức sống và có ý nghĩa .
2.2.3. Một yêu cầu mang tính bắt buộc là nhà lý luận cần biết tiếp thu di sản lý luận văn nghệ trong quá khứ của dân tộc mình. Sẽ không thành vấn đề đối với những dân tộc có truyền thống lý luận độc đáo và đồ sộ như Trung Quốc (ở phương Đông), Đức (ở phương Tây). Ở nước ta có khác! Chẳng phải trong thời gian dài, quan niệm ông cha ta” không để lại một giọt lý luận” nào cho con cháu đã từng ngự trị trong đầu óc của không ít nhà nghiên cứu kể cả những nhà nghiên cứu có tên tuổi ? Phải thấy đây không đơn thuần chỉ là vấn đề đạo lý mà trước hết là vấn đề khoa học. Chỉ cần đọc kỹ càng, chẳng hạn trước tác của nhà bác học Lê Quý Đôn, thì cái nhìn của họ có lẽ sẽ đổi khác. Cần thấy thói quen của người Việt Nam và người Á Đông nói chung là nói ít làm nhiều. Khi buộc lòng phải nói thì họ thường nói ngắn, nói một cách bóng bẩy như văn sáng tác. Kinh nghiệm cho hay, muốn tìm hiểu quan niệm nghệ thuật của người xưa, ta cần nâng niu từng câu chữ, từng ý tứ trong từng văn bản được viết theo văn phong cổ. Thế rồi đối chiếu người trước người sau, trong “văn trước thuật” lẫn trong “lời ca vịnh” (chữ dùng của học giả Phan Huy Chú) với cái nhìn và bằng cái tâm sáng của người hôm nay. Nói gọn lại, không thể thấy nếu ta không đi tìm, lại phải đi tìm với tấm lòng khâm phục, ngưỡng vọng cha ông một cách tự nhiên. Đuợc vậy, thì di sản lý luận văn nghệ của tổ tiên sẽ tiếp tục đồng hành và hơn thế sẽ tiếp tục nâng đỡ con cháu, để một ngày không xa dân tộc ta có thể sánh vai với các cường quốc khác về mọi phương diện mà không thấy tủi hổ.
3. Dẫu sao, những đòi hỏi vừa nêu trên vẫn còn là ước mong. Chúng tôi tin rằng hệ thống lý luận văn nghệ mang đậm tính dân tộc như thế sẽ xuất hiện trong một tương lai gần. Điều quyết định là ngay từ giờ, mỗi người tuỳ khả năng và cương vị, hãy góp sức góp trí để ý nguyện của chúng ta mau chóng trở thành hiện thực.
ĐàLạt, 25/12/2000
PGS.TS . Phạm Quang Trung
.............................................................................................................................................................................PGS.TS . Phạm Quang Trung