Tình bạn, không thể cách ngăn hay là "Những đứa trẻ" trong "Thời thơ ấu" của M.Go-rơ-ki
BÀI LÀM
Đến với đoạn trích Những đứa trẻ của Go-rơ-ki, ta như trở lại những kỉ niệm thời thơ ấu với những trò chơi mang đầy ắp hồn nhiên và nghịch ngợm. Cũng chính những trang tự truyện này đã cho ta cảm nhận được sự ấm áp của tình bạn giữa những đứa trẻ ngây thơ sống thiếu tình thương.
Chúng là những đứa trẻ với những mảnh đời và hoàn cảnh khác nhau. Một cậu bé A-li-ô-sa, nhân vật “tôi”- mồ côi bố, sống với bà ngoại và ba anh em nhà Ốp-xi-an-ni-cốp thuộc tầng lớp trên, mồ côi mẹ, sống trong sự ghẻ lạnh của người cha và bà mẹ kế. Chúng đã tìm đến với nhau, cùng nhau chơi trò bắt chim, ném tuyết ... cùng hiểu và lắng nghe những câu chuyện của nhau bằng chính tâm hồn ngây thơ trong trắng của mình. Gặp gỡ và trở thành những người bạn tốt, đó là những tháng ngày sống vui vẻ, quên đi sự thiếu thốn mà bản thân chúng phải gánh chịu. Nhưng bố của anh em Ốp-xi-an- ni-cốp, ông đại tá, đã không hiểu sự mất mát tình cảm, vết thương tâm hồn của những đứa con. Đứa lớn nhất mới 11 tuổi “có đôi bàn tay nhỏ nhắn, những ngón tay thon thon và người mảnh dẻ, yếu ớt, cặp mắt rất sáng, nhưng dịu dàng như ánh sáng của những ngọn đèn trong nhà thờ. Hai em nó cũng rất dễ thương ”. Cũng chính ông là người với cái nhìn định kiến đầy ích kỉ, phân biệt giàu-nghèo, sang , hèn đã ngăn cản tình bạn bè của chúng. Trong khi, đó là cách để chữa mối thương tâm, sự cô độc. Là quyền lợi chính đáng mà trẻ con được hưởng.
Cuộc trò chuyện trẻ con ở phần đầu đoạn trích với những câu hỏi hết sức hồn nhiên đã chạm vào nỗi đau người đọc :
...
- Thế các cậu có mẹ không ?
- Không, - thằng anh lớn đáp.
Nhưng thằng thứ hai chữa lại :
- Có, nhưng là mẹ khác, không phải là mẹ chúng tớ, chúng tớ không còn mẹ, mẹ chúng tớ chết rồi.
- Mẹ khác thì gọi là dì ghẻ
...
Câu chuyện cứ thế chìm đắm trong nỗi buồn mất mát tình mẫu tử của tuổi thơ và niềm hi vọng về một phép thần trở lại những ngày được quan tâm, âu yếm. Càng buồn hơn khi chúng nhận ra rằng “đấy là những truyện cổ tích”.
Mối giây cảm thông giữa những đứa trẻ đang thắt chặt, thì ông bố - đại tá đột ngột hiện ra - “Một ông già với bộ ria trắng, mình vận chiếc áo dài lùnh thùng màu nâu nhạt như của thầy tu, đầu đội chiếc mũ xù lông”.
Cảnh tượng được khắc họa như sau :
- Đứa nào đây ? - Ông ta hỏi và chỉ vào tôi ( tức A-li-ô-sa ).
Thằng anh lớn đứng dậy hất đầu về phía nhà ông tôi :
- Nó ở... bên kia sang...
- Đứa nào gọi nó sang ?
Tức thì cả mấy đứa trẻ lặng lẽ bước ra khỏi chiếc xe và đi vào nhà, khiến tôi lại nghĩ đến những con ngỗng ngoan ngoãn.
Ông già nắm chặt lấy vai tôi và dẫn tôi qua sân ra cổng ; ông ta làm tôi sợ đến phát khóc, nhưng ông bước dài và nhanh đến nỗi tôi chưa kíp khóc oà lên thì đã ở ngoài đường rồi, còn ông ta đứng trước cổng, giơ ngón tay doạ tôi và nói :
- Cấm không được đến nhà tao !
Cái cách và cung cách xuất hiện, đối xử của ông bố là của một hung thần. Còn những đứa trẻ là những tội đồ.
Nhưng kì lạ thay, càng bị cấm đoán, bọn trẻ lại càng gần gũi, quấn quít nhau hơn. Bởi vì, tâm hồn ngây thơ, trái tim non ớt của chúng đòi hỏi tình bạn bè để có thể an ủi, tâm sự. Trở ngại đẳng cấp, sự ngăn cấm do thói kì thị của người lớn không thể là hàng rào không thể vượt qua. Cậu bé con nhà bình dân A-li-ô-sa tiếp tục chơi với mấy đứa trẻ nhà quyền quý một cách vui thích trong không gian do chúng bí mật tạo ra. “Trong một ngách nhỏ hẹp giữa bức tường nhà tôi ( A-li-ô-sa ) và hàng rào nhà Ốp-xi-an- ni-cốp có một cây du, một cây bồ đề và một bụi hương mộc rậm rạp. Nấp sau bụi cây đó, tôi khoét một lỗ hổng hình bán nguyệt ở hàng rào, mấy thằng bé, lần lượt từng đứa hay hai đứa một, lại gần, và chúng tôi ngồi xổm hoặc quỳ xuống nói chuyện khe khẽ với nhau. Một đứa trong số ba anh em chúng phải luôn luôn đứng canh để đề phòng ông đại tá bất chợt bắt gặp chúng tôi”. Thật là cảm động. Cảnh gặp gỡ ấy đã nói lên một cách sinh động nhu cầu tình bạn, một tình bạn không thể cách chia. Những đứa trẻ nhà Ốp-xi-an- ni-cốp kể về cuộc sống buồn tẻ của chúng khiến người nghe thương cảm.
Với chúng, hạnh phúc chỉ có ở ngày trước, trước kia, đã có thời... còn niềm hứng thú, say mê và hi vọng được đặt vào những câu chuyện cổ tích do cậu bé A-li-ô-sa kể. Bởi cuộc sống trước mắt thật u ám. Những đứa trẻ này sẽ không có tuổi thơ nữa, như đã sống trên trái đất này một trăm năm nếu không có tình bạn.
Giọng kể buồn, đầy thương yêu khi nghĩ về một tình bạn của tuổi ấu thơ càng chứng tỏ tình bạn và những người bạn ấy lúc nào cũng canh cánh trong lòng tác giả. Người đọc cũng đồng cảm với Những đứa trẻ, hiểu tấm lòng vị tha của nhà văn, lên án những thế lực chia cắt tình bạn và ngẫm nghĩ, biết trân trọng tình bạn hơn.
(Lê Thị Phương Nga)