Tin Mới Nhận

haokhung_group

New member
Xu
0
Google nêu mối đe dọa lớn nhất của họ

Công ty được coi là đầy quyền lực trên Internet cảm thấy "sợ" đối thủ nào nhất? Giám đốc điều hành của hãng này khẳng định đó không phải là Apple hay Facebook.

Eric Schmidt mô tả Apple là đối thủ đáng ngưỡng mộ nhất còn Facebook là "công ty đã rất xuất sắc trong lĩnh vực mạng xã hội". Google đồng thời còn là đối tác của Apple trong việc phát triển phần mềm cho iPhone, iPod, iPad và Macintosh.
CEO của hãng dịch vụ Internet Mỹ thừa nhận trong cuộc phỏng vấn với báo Wall Street Journal rằng Bing - cỗ máy tìm kiếm thế hệ mới của Microsoft - mới chính là điều Google lo ngại nhất.

"Tra cứu trực tuyến không phải là lĩnh vực duy nhất chúng tôi tham gia, nhưng tìm kiếm thông tin luôn đóng vai trò chủ chốt", Schmidt khẳng định. "Rõ ràng, đối thủ chính của chung tôi phải là Bing. Bing là công cụ hoạt động tốt, có tính cạnh tranh cao".

Microsoft Bing, MSN và Windows Live chiếm 13,8 thị phần tìm kiếm ở Mỹ trong tháng 8, Yahoo đạt 13,1% còn Google tiếp tục dẫn đầu với 65,1%.
Microsoft bắt tay Adobe để “đối đầu” Apple?
Hôm nay, nhiều nguồn tin cho hay Adobe và Microsoft đang thương thảo với nhau để cùng hợp lực nhằm cạnh tranh với “kẻ thù chung” Apple.


Theo The New York Times, mới đây hai nhà lãnh đạo CEO Shantanu Narayen và Steve Ballmer đã gặp gỡ nhau trong hơn 1 tiếng đồng hồ để thảo luận về việc hợp tác nhằm cản bước Apple thực hiện tham vọng bành trướng trong thế giới di động.

Đại diện Microsoft từ chối bình luận về thông tin trên.

Adobe và Apple đang trở thành đối thủ của nhau sau khi Apple từ chối hỗ trợ công nghệ Flash trên các điện thoại iPhone và máy tính bảng iPad. Hai bên liên tiếp tung ra những video quảng cáo chế giễu lẫn nhau. Cuối cùng, Adobe cũng tuyên bố sẽ không quan tâm tới hãng công nghệ Cupertino.

Tờ The New York Times cho hay có nhiều khả năng Microsoft sẽ thâu tóm Adobe. Cách đây nhiều năm đã xuất hiện tin đồn về việc 2 hãng phần mềm này đã đàm phán với nhau nhưng kế hoạch thất bại vì những trở ngại trong việc chống độc quyền. Nhưng đến thời điểm này, việc sáp nhập Microsoft và Adobe không còn là vấn đề lớn bởi Apple và Google ngày càng trở nên mạnh mẽ.
 
Hệ điều hành thiết bị di động - ngũ hổ tranh hùng

Samsung sẽ chấm dứt hỗ trợ phát triển các ứng dụng Symbian từ đầu năm sau để dùng phần mềm bổn hãng (Bada), trong khi Windows Phone 7 đang tìm cách hất cẳng Android và iOS.
Cuộc chiến giữa các hệ điều hành dành cho thiết bị di động nói chung và điện thoại thông minh nói riêng đang "nóng" lên từng ngày, điển hình là sự xuất hiện muộn màng nhưng đầy sức công phá của Windows Phone 7. Ngoài iPhone OS, giờ đây, cựu binh Symbian có thêm vài đối thủ mới đáng gờm hơn như Android của Google, Bada của Samsung cũng như HĐH riêng của RIM.


Có thể khẳng định, sóng gió dường như chưa bao giờ "lặng" trên đấu trường HĐH dành cho TBDĐ. Hôm 1/10/2010, trong một thông cáo, Samsung cho biết, kể từ ngày 31/12/2010, hãng này sẽ không tiếp tục hỗ trợ Symbian trong các hoạt động sáng tạo của chương trình Mobile Innovator. Trước đây, Samsung từng duy trì chiến lược phát triển đa nền tảng trong đó có Symbian, tuy nhiên thực tế là từ tháng 2/2009 đến nay, hãng này không trình làng bất kỳ mẫu ĐTTM nền Symbian nào. Thay vào đó, hãng sản xuất ĐTDĐ lớn hàng thứ 2 thế giới đã thể hiện sự tập trung phát triển các mẫu ĐTTM dựa trên nền tảng HĐH riêng là Bada, cũng như trên nền tảng Android và Windows Phone 7.
Theo bà Carolina Milanesi - Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu tại Gartner, Samsung quả là 1 công ty rất cơ hội trong lĩnh vực HĐH. Nếu một hãng viễn thông lớn như Vodafone yêu cầu hãng này sản xuất một mẫu ĐTTM nền Symbian, họ có thể đồng ý - bà Milanesi cho biết.

Qua việc Sony Ericsson gần đây quyết định chia tay Symbian và Samsung nhận thấy thiếu sự hấp dẫn ở HĐH này, làng công nghệ đã không ít lần cảnh báo Nokia cần thay đổi cách thức mà Symbian được phát triển. Trước đây, hồi tháng 7, ông Ben Wood - Giám đốc nghiên cứu tại CSS Insight cũng từng cho rằng Nokia đã tính sai nước cờ khi biến Symbian thành một nền tảng nguồn mở. Theo ông Wood, việc thiếu sự hỗ trợ từ các hãng sản xuất khác có nghĩa là Nokia phải tự mình thực hiện hầu hết mọi việc, trong khi đó "tính mở" của HĐH lại cho phép các đối thủ quan sát "cận thành" mọi bước đi của Nokia. "Có lẽ, Nokia không muốn giữ khư khư Symbian trong vườn nhà, tuy nhiên HĐH này cần được cọ xát nhiều hơn để đẩy mạnh sự phát triển nếu muốn bắt kịp khả năng dễ sử dụng mà các ĐTTM nền Android và iOS cung cấp", bà Milanesi nhìn nhận.

Trong khi đó, Nokia vẫn đang làm mọi thứ tốt nhất cho N8, mẫu ĐTTM trên nền phiên bản Symbian mới nhất là Symbian 3. Trong buổi họp báo ra mắt sản phẩm X3 "Chạm & Bấm" tại Việt Nam cuối tháng 9 vừa qua, ông William Halmilton Whyte - Tổng giám đốc Nokia Đông Dương từng nói rằng, ở Nokia World 2010 (diễn ra vào trung tuần tháng 9/2010 tại Luânđôn, Anh), tuy không có sản phẩm Nokia mới chạy nền Maemo được giới thiệu nhưng Nokia sẽ trình làng nhiều thiết bị mới chạy HĐH này và Symbian 3 trong năm nay.

Còn với Apple, sau thành công ngoài mong đợi của iPad và cả iPhone 4, thật khó có gì khiến Apple nghĩ đến một HĐH này khác cho iOS, thay vào đó là những phiên bản nâng cấp mới hơn để đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu của khách hàng.

Microsoft "soi" Android

Còn với tân binh Windows Phone 7 (sẽ được chính thức phát hành vào ngày 11/10/2010), Microsoft hoàn toàn có thể tự tin xuất xưởng khi có trong tay vài đối tác ruột như Asus, HTC, LG, Samsung, Dell, Sony Ericsson và cả Toshiba. Đáng ngạc nhiên, vào thứ 6 cuối cùng của tháng 9 vừa qua, Microsoft đã đệ đơn kiện Motorola và các mẫu điện thoại Android của hãng này vi phạm 9 bằng sáng chế hiện do Microsoft nắm giữ lên Ủy ban Thương mại Quốc tế và Tòa án Liên bang Mỹ. Đây có thể xem là cú ra đòn đầu tiên mà gã khổng lổ trong lĩnh phần mềm nhắm đến Motorola nói riêng và nhiều hãng điện thoại khác nói chung bởi Microsoft hy vọng việc sử dụng ưu thế trong lĩnh vực bằng sáng chế như là cách thức để làm cho ứng dụng di động của mình "cách biệt" với các đối thủ.


Theo cáo buộc của Microsoft, các vi phạm bằng sáng chế của Motorola liên quan đến tính năng Microsoft Exchange ActiveSync giúp đồng bộ email, lịch và danh bạ giữa một ĐTDĐ và 1 phần mềm chạy trên máy tính cá nhân; hay các công nghệ liên quan đến việc hiển thị cường độ sóng và trạng thái pin trên điện thoại. Dù Google đã có bản quyền ActiveSync để sử dụng trong HĐH Android, nhưng Microsoft có thể lên kế hoạch tranh cãi với các hãng sản xuất thiết bị cầm tay khác vốn đang trang bị các công nghệ Microsoft cho các sản phẩm nền Android và có sử dụng tính năng ActiveSync. Trong khi đó, theo Horacio Gutierrez - Giám đốc pháp lý tại Microsoft, "các hãng như HTC, Samsung, Sony Ericsson, Dell đều đã có bản quyền sử dụng ActiveSync".
Giới phân tích cho rằng, Microsoft có thể sử dụng vụ kiện này như là 1 cách thức nhằm gây áp lực lên Motorola để hãng này sản xuất ĐTDĐ sử dụng Windows 7 bởi trước đây Motorola từng sản xuất ĐTDĐ sử dụng HĐH mới của Microsoft nhưng giờ lại "ngả về" Android. Cũng có ý kiến cho rằng, Motorola không sẵn sàng mua bản quyền ActiveSync bởi vì số tiền phải trả cho việc này nếu có sẽ không nhỏ, chí ít cũng vài trăm triệu USD.

Những ồn ào liên quan đến Android không chỉ xuất phát từ Microsoft. Trước đây, Apple cũng kiện các mẫu ĐTDĐ chạy Android của HTC, trong khi đó Oracle cũng đã tố cáo Google vi phạm bản quyền trong cách thức hỗ trợ Java trên ĐTTM Android. Ở một chừng mực nào đó, Android thực sự đang đứng dưới những đám mây đen và dường như những gì Google phải làm trong lúc này chính là hành xử trên tinh thần xây dựng và hòa thuận với những hãng đang nắm giữ các bằng sáng chế có liên quan. Về phần mình, Motorola cho biết sẽ "kháng cự" hết sức trước những cáo buộc của Microsoft. Tuy nhiên, nhiều hãng phần mềm lo ngại sự đối đầu giữa Microsoft và Motorola sẽ ít nhiều làm ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển các ứng dụng dành cho Android lẫn Windows Phone 7.
 
Điện toán đám mây: Cơ hội hay tai họa?

Điện toán đám mây cũng tạo ra những rủi ro, nhưng những lợi ích an ninh tiềm tàng của nó không nên bị bỏ qua.

Điện toán đám mây như là đã cuốn thế giới CNTT theo một cơn bão, làm thay đổi về cơ bản cách thức các tổ chức tiếp cận CNTT. Đám mây mang lại những hứa hẹn lợi ích về tài chính và kinh doanh, bao gồm giảm chi phí đầu tư và vận hành hệ thống CNTT. Tuy nhiên, như với mọi công nghệ mới, điện toán đám mây cũng kèm theo một số rủi ro về an ninh bảo mật.
Trong khi đám mây tiếp tục phát triển và giải quyết những đòi hỏi về an ninh và tính tuân thủ, các tổ chức vẫn tự hỏi, vậy thì điện toán đám mây là cơ hội để tối ưu hóa năng suất hệ thống CNTT hay là tai họa đối với quản trị rủi ro doanh nghiệp. Tuy nhiên, giữa những rủi ro an ninh bảo mật hiện hành, còn có một số lợi ích an ninh và quản trị rủi ro mà các đám mây có thể mang lại.

Cơ hội đối mặt rủi ro

Nhiều rủi ro an ninh liên quan đến điện toán đám mây do bản chất của hạ tầng cơ sở. Đám mây có thể phơi bày những rủi ro từ các chính sách được xây dựng và thực hiện lỏng lẻo, những lỗ hổng trong an ninh hạ tầng cơ sở, an ninh vật lý và môi trường, khắc phục thảm họa, an ninh cá nhân và an ninh vận hành hệ thống CNTT. Đám mây có thể mang lại qui mô mới cho một số mối đe dọa hiện hữu này, trong khi còn mở ra những rủi ro mới.

Một số rủi ro cố hữu liên quan đến hành vi trộm cắp, rò rỉ hoặc phá hủy dữ liệu do cùng chung địa điểm chứa dữ liệu. Hay sự phát tán các hoạt động ác ý và lây nhiễm phần mềm độc hại tới những môi trường nhiều khách hàng. Bên cạnh đó còn có nguy cơ từ việc lựa chọn một dịch vụ cấp thấp do kinh phí hạn hẹp. Bởi đám mây là một mô hình tiện dụng, khách hàng đám mây có lẽ có xu hướng hy sinh những tính năng an ninh và chấp nhận giảm chi phí hơn nữa, tự đặt mình vào nguy hiểm.

Một thách thức lớn khác thường thấy là nhận thức về an ninh từ những nhân viên của một nhà cung cấp đám mây đã hiện diện ở nhiều quốc gia. Trong những trường hợp này, người dùng có thể thấy rằng văn hóa của nhà cung cấp, nhận thức về rủi ro và nhu cầu đối với an ninh và sự riêng tư thay đổi cùng những qui tắc địa phương. Đám mây cần hoạt động 24/7 để phục vụ khách hàng trên toàn cầu, và phải cung cấp giá trị tối ưu cho khách hàng của mình bằng cách huy động và phân bổ nguồn lực một cách linh hoạt, phụ thuộc vào mức độ sử dụng cùng lưu lượng truyền thông và thời điểm trong ngày.

Trong một tình huống thuê ngoài điển hình, để dữ liệu trên mạng của một nhà cung cấp đã chọn và giới hạn truy cập tới dữ liệu là một việc làm dễ. Với môi trường đám mây, thật khó để hạn chế chuyển dữ liệu của một ai đó.

Lợi ích của an ninh đám mây

Để dữ liệu ở nhà là cách an toàn nhất khi ra ngoài. Tuy nhiên, thời nay, việc chuyển dữ liệu ra ngoài đã tạo nhiều cơ hội cho sự tăng trưởng, việc kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ mới trở nên linh hoạt hơn trong nền kinh tế thị trường. Ngoài ra, các đám mây tạo điều kiện thuận lợi cho quản trị an ninh hoạt động như tự động tải về các bản vá, quản lý người dùng, quản lý thiết bị, sao lưu… Các đám mây cũng giúp giảm nhân lực vận hành, an ninh, quản trị hệ thống… Nhìn chung, đám mây rất hấp dẫn đối với những người chịu trách nhiệm về hệ thống CNTT của tổ chức.

Sự hiểu biết về những lợi ích an ninh tiềm tàng từ đám mây giúp giảm bớt phần nào âu lo cho các chuyên gia bảo mật, nhân viên chuyên trách và chắc chắn là cả với điều hành viên cấp cao trong các tổ chức coi trọng ứng dụng CNTT và quản trị rủi ro.

Đám mây có thể mang lại những nguồn nhân lực lành nghề nhất, cùng với dịch vụ cung cấp có chất lượng như mong đợi.
Đám mây có thể cung cấp các biện pháp an ninh bảo vệ tốt nhất trong kiểm soát truy cập, bảo mật dữ liệu truyền đi bằng cách sử dụng giao thức SSL/TLS, mã hóa dữ liệu lưu trữ…
Trong một thời đại mà các ứng dụng đang ngày càng trở thành mục tiêu cho các cuộc tấn công và vi phạm an ninh, đám mây là một giải pháp vì nó cung cấp các ứng dụng an ninh như một phần của dịch vụ.
Các đám mây có thể cung cấp một số khả năng khắc phục thảm họa mặc định, bởi các biện pháp bảo vệ vật lý và môi trường được áp dụng.
Kiểm soát an ninh mạnh hơn trong khi giá cả có xu hướng phải chăng hơn, đặc biệt cho các doanh nghiệp nhỏ hơn. Các đám mây, do áp lực bên ngoài sẽ bị buộc phải lựa chọn các nhà cung cấp an ninh và những sản phẩm tốt nhất, và do đó tiềm năng đối với các giải pháp phát sinh được đóng gói tốt nhất cùng với các dịch vụ của họ là rất cao.
Các biện pháp bảo vệ an ninh có thể hiệu quả hơn nhờ giám sát định kỳ bởi nhiều khách hàng, cũng như các kiểm soát viên độc lập và nội bộ.
Với việc ngày càng tăng sự chấp nhận đám mây, các mạng riêng hội tụ vào trong các trung tâm dữ liệu của các nhà cung cấp đám mây, gây khó khăn hơn cho những kẻ tìm cách xâm nhập vào các mạng và hệ thống dễ bị tổn thương.
Đám mây có xu hướng cung cấp giám sát liên tục các mạng, hệ thống của nó và các hoạt động của người dùng. Hoạt động 24/7 này có thể rất quan trọng trong củng cố phòng ngừa cũng như các biện pháp dò tìm đối với vi phạm an ninh.
Các đám mây có thể cô lập và ngăn chặn bất kỳ hoạt động độc hại khởi nguồn từ bên ngoài và tiêm nhiễm phần mềm độc hại vào một môi trường ảo duy nhất. Nhờ đó có thể ngăn ngừa một cách hiệu quả sự xâm nhập lây lan sang các mạng riêng cũ khác là một phần của đám mây bây giờ.
Khi nói đến việc tuân thủ các quy định như SOX, PCI-DSS…, các công ty thường cảm thấy rườm rà phức tạp, cho là lãng phí đáng kể các nguồn lực. Ngay cả các phạm vi hoạt động và cơ sở hạ tầng cho phù hợp có thể là một nhiệm vụ khó khăn cho nhiều công ty. Đám mây có thể giúp việc tuân thủ trở nên tiêu chuẩn hóa cho một quy định và cũng làm cho nó hiệu quả và năng suất hơn.
Khi nói đến quản trị rủi ro, an ninh thông tin, và các chương trình liên tục kinh doanh (đảm bảo cho doanh nghiệp phục hồi hoạt động lại ngay sau khi bất ngờ có tai họa xảy ra), chúng ta thường hình dung không thể có một phương pháp tiếp cận hay giải pháp phù hợp cho tất cả. Tuy nhiên, đám mây lại khiến điều đó trở thành hiện thực. Hãy suy nghĩ về tuân thủ PCI, rất nhiều khách hàng chọn một nhà cung cấp giao dịch dựa trên đám mây xử lý, giải quyết, và báo cáo. Vì sao?

PCI-DSS (Tiêu chuẩn an ninh dữ liệu trong ngành công nghiệp thẻ thanh toán) là một trong rất ít các tiêu chuẩn toàn cầu mà giải quyết không chỉ "những gì cần phải được thực hiện" mà còn "nó phải được thực hiện thế nào", giảm nhiều chi tiết vụn vặt cho dù có liên quan đến các ứng dụng hoặc mật khẩu. Trong khi các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán vẫn còn trách nhiệm tuân thủ và bất kỳ vi phạm đối với mọi giao dịch hoặc thu giữ dữ liệu và xử lý nhân danh họ, một phần của phạm vi được chuyển đến nhà cung cấp dịch vụ. Điều này mang lại tiêu chuẩn hóa trong việc cung cấp các dịch vụ thẻ.

Tinh chỉnh an ninh và tuân thủ thông qua phân loại dữ liệu

Khi bạn chuyển một phần doanh nghiệp của bạn lên đám mây, các ranh giới của cơ sở hạ tầng CNTT của bạn được vẽ lại nhưng bạn vẫn còn giữ lại quyền sở hữu dữ liệu và an ninh của nó. Một chính sách phân loại dữ liệu rõ ràng và được thực hiện đầy đủ, mà xác định yêu cầu an ninh trong suốt vòng đời, không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro đáng kể mà còn giảm chi phí, tạo nên sự duy trì hiệu quả và các biện pháp xử lý cần thiết cho dữ liệu của bạn trong đám mây.

Dữ liệu trong đám mây là một mục tiêu không cố định và do đó có thể làm cho một chương trình nào đó phụ thuộc vào dữ liệu, một mục tiêu không cố định này. Một chương trình quản trị rủi ro cơ động yêu cầu tập trung vào kiểm soát cụ thể phát sinh rủi ro. Do vậy, đám mây cung cấp khả năng đầu tư vào hoạt động quản trị rủi ro tốt hơn.
 
Google sẽ tạo ra mạng xã hội tốt hơn Facebook?
Giờ đây, ai nấy đều dùng Facebook, và rất ít người có ý định từ bỏ mạng xã hội này, bất chấp những khuyết điểm của nó. Định phát triển một mạng xã hội hoàn hảo hơn, Google sẽ làm gì?
Có tin, tháng 6 vừa qua, Google bắt đầu chạy thử nghiệm một mạng xã hội mới có tên gọi là Google Me nhằm cạnh tranh với Facebook, ngay sau khi làn sóng tẩy chay Facebook dấy lên. Rõ ràng là vẫn còn cơ hội cho những mạng xã hội mới. Tuy nhiên, Google vẫn còn phải làm khá nhiều việc, những việc mà Facebook không làm, và những việc mà Google đã từng thất bại trong quá khứ. Hãy thử xem mạng xã hội thế hệ kế tiếp có thể làm những gì.

Nhìn lại thành quả mạng xã hội của Google

Google đã rất nỗ lực để tạo nên những đột phá mới trong việc xây dựng một mạng xã hội thông qua các sản phẩm thử nghiệm của mình là Orkut, Google Buzz, và Google Wave. Mặc dù không gây ra được tiếng vang lớn, nhưng 3 thử nghiệm này của Google là những nền tảng khá tốt để Google Me có thể phát triển tốt hơn.

Không thu hút được mấy sự quan tâm ở Mỹ, song Orkut lại thành công ở một vài quốc gia khác, đặc biệt là tại Ấn Độ và Brazil. Nằm trong kế hoạch phát triển, Orkut cho phép người dùng có thể chia sẻ video và link. Nhưng không giống như Facebook, sau khi nâng cấp một số chức năng của Orkut, người dùng có thể kiểm tra được có bao nhiêu lượt người đã click, đã xem, hay đã bỏ qua phần cập nhật của mình.

Tương tự, bạn có thể kiểm soát được lượng bạn bè đã kết nối với bạn của bạn. Thậm chí, nếu muốn, bạn có thể chặn, dừng cho phép phát tán rộng rãi những gì đã gửi lên.

Orkut và Facebook đều cho phép người dùng xóa những chia sẻ. Nhưng chắc năng này của Orkut chặt chẽ hơn nhiều. Nghĩa là nếu bạn chia sẻ một hình ảnh cho bạn mình, sau đó bạn muốn xóa chúng, bạn được phép xóa hình ảnh đó trên trang nhà của bạn, và trên trang của tất cả những người bạn khác. Facebook thì không làm được điều này.

Google Buzz sau đó ra đời cũng không thành công vì rất nhiều lý do. Tuy nhiên, không thể phủ nhận được rằng Buzz quá xuất sắc trong việc tạo ra một mạng liên kết hoàn chỉnh giữa các thông tin dữ liệu về địa điểm. Nếu bạn sử dụng Buzz trên ĐTDĐ, nó có thể dễ dàng ghi lại những địa điểm để bạn có thể kiểm tra lại các cuộc trò chuyện. Chức năng này được thực hiện nhờ sự kết hợp với Google Maps.

Và cuối cùng là Google Wave, mạng xã hội cho phép người dùng tạo các lời mời tham gia sự kiện, tài liệu làm việc… Người ta sử dụng nó trong mọi trường hợp, từ việc chia sẻ các thông tin cần thiết trên lớp học hay chủ trì một cuộc họp bàn trực tuyến. Tuy nhiên, đáng tiếc là Google Wave chỉ là phiên bản thử nghiệm và sẽ dừng hoạt động vào cuối năm 2010.

Vì thế mà Google Me được kỳ vọng như một phiên bản hấp dẫn hơn của mạng xã hội.

Bảo toàn thông tin cá nhân

Ai cũng biết một thực tế rằng, bảo mật cho các thông tin riêng tư là vấn đề đau đầu nhất mà Facebook phải đối mặt trong những tháng gần đây. Bạn gửi lên Facebook càng nhiều thông tin thì khả năng sếp bạn, gia đình bạn và thậm chí cả người lạ tiếp cận được những thông tin này càng cao. Đây chính là khe hở mà bất kỳ một mạng xã hội mới nào cũng có thể tận dụng để đánh bại Facebook.

Hệ thống quản lý cá nhân cần phải chặt chẽ hơn trong việc điều chỉnh hồ sơ và chức năng cho phép những ai trong cùng một mạng xã hội có thể xem những thông tin cá nhân đó. Facebook đang có một hệ thống quá phức tạp để có thể quản lý chức năng này. Hiện tại, mạng xã hội này chỉ có 3 lựa chọn cho người dùng: ‘Everyone’ - bất kỳ ai, thậm chí cả những người không có tài khoản ở Facebook cũng có thể xem thông tin; trong khi đó, 'Friends Only', hay 'Just Me' cũng chỉ có thể giữ thông tin của bạn riêng tư hơn một chút ít mà thôi. Lý do thật đơn giản, dù bạn chọn chế độ “Just me”, bạn vẫn chia sẻ các thông tin này với Facebook, và sự có mặt của một tính năng kiểu như Instant Personalization, công cụ cho phép liên kết thông tin từ Facebook sang một trang web khác mà bạn ghé thăm, bạn không thể biết được chính xác được rằng những ai đã xem thông tin cá nhân của bạn.

Mọi chuyện thậm chí còn phức tạp hơn nếu như bạn thêm vào mạng xã hội của mình những ứng dụng của một nhà cung cấp khác nữa. Chẳng ai có thể biết được các thông tin cá nhân của người sử dụng sẽ được ghi lại và làm những gì sau đó.

Games và các ứng dụng

Những ứng dụng của một nhà cung cấp thứ 3 chắc chắn là một điều không thể tránh khỏi trong bất kỳ một mạng xã hội nào. Chẳng hạn với Facebook, có thể đếm tới hàng trăm ứng dụng khác nhau như trò chơi, các cách để tô điểm cho profile của bạn, các cửa sổ thông tin… mà đôi khi những ứng dụng này cung cấp vô số những điều vô bổ.

Vì thế, nếu Google Me muốn thành công, nó phải cung cấp được các ứng dụng tốt hơn, hoặc ít ra là đỡ gây phiền nhiễu hơn, cho người sử dụng. Mới đây, Google cho biết họ đã sở hữu được Slide, một nhà chuyên phát triển các trò chơi xã hội và đã đầu tư vào Zynga (nhà cung cấp ứng dụng Farmville và Mafia Wars hiện đang có trên Facebook). Google cũng khẳng định, các games xã hội phải nằm trong chiến lược phát triển ứng dụng của toàn hệ thống.

Quản lý nhóm

Những người sành nhạc thích MySpace, những người thất nghiệp thích đến với LinkedIn, nghĩa là mỗi người đều có một lựa chọn riêng cho sở thích của mình. Đó là lý do tại sao những mạng xã hội này được thiết kế ra để thu hút những người có cùng sở thích lại với nhau. Đấy cũng là lý do Facebook ban đầu hướng đến đối tượng là giới học sinh, sinh viên.

Tuy nhiên, trong việc tổ chức thành viên dựa trên sở thích của họ, có vẻ như Facebook không thành công như mong đợi. Người dùng có thể gửi tin nhắn cho cả một nhóm hay bắt đầu khởi xướng một chủ đề để bàn luận, nhưng các thông tin của nhóm lại không được hiển thị trong phần thông tin phản hồi mới nhất; do đó nhiều người bị lạc đường mỗi khi xem các thông tin nhóm kiểu này. Dễ thấy chức năng "Facebook Group" hầu như không đạt được mục đích liên kết, và nó cũng đã bị bỏ đi.

Chắc chắn những "tín đồ" của mạng xã hội còn nhớ đến Tribe.net và Ning là hai ví dụ điển hình trong việc tổ chức các nhóm có chung những sở thích đặc biệt. Tribe cho phép người dùng tạo một hồ sơ và thêm bạn với cùng sở thích, cũng giống như Facebook. Nhưng trong trường hợp đó, Tribe còn có thể gợi ý cộng đồng này tham gia vào một số hoạt động thông qua một vài kế hoạch để kết nối tốt hơn trong phạm vi nhóm.

Trong khi đó, Ning lại cho phép người dùng tự tạo những mạng xã hội nhỏ hơn dựa trên chính những gì họ mong muốn. Mặc dù chức năng này khá ít được sử dụng, nhưng đó là điều Google Me có thể tận dụng để hỗ trợ cho việc tổ chức và quản lý các nhóm cộng đồng trong mạng xã hội của mình.

Trao tay người dùng

Trong tương lai, việc cho phép người dùng cá nhân hóa đến mức tối đa các chức năng, như thay đổi giao diện, nội dung và cập nhật thông tin là một xu thế rộng mở đối với bất kỳ một mạng xã hội nào. Trong khi MySpace đã từng cho phép người dùng tạo hồ sơ với chức năng bảo mật cao, thì hiện tại, Facebook lại đang “đóng” những khả năng này, nghĩa là người dùng không thể thay đổi bất kỳ một thứ gì. Orkut đã từng sửa được sai lầm này bằng cách cung cấp một bộ sưu tập các chủ đề được thiết kế sẵn cho phép người dùng chọn lựa theo sở thích của họ. Tuy nhiên, giải pháp này cũng hạn chế tương đối tính cá nhân của người sử dụng.

Như vậy, đối với một mạng xã hội mới ra đời như Google Me, rất khó để có thể ngay lập tức “hạ bệ” một đối thủ lớn như Facebook. Tuy nhiên, việc tìm ra cách sửa những hạn chế còn lại của Facebook là một phương pháp để có thể có một khởi đầu tốt đẹp.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top