Tìm hiểu về nền kinh tế tri thức (Phần 1)
Quá trình hình thành nền kinh tế tri thức
Từ khi có lịch sử loài người đến nay, kinh tế luôn đi cùng tri thức, luôn có mối quan hệ mật thiết giữa phát triển kinh tế với tri thức khoa học và khoa học kĩ thuật.
Nghiên cứu khoa học thời cổ rất đơn giản, nghiên cứu và sản xuất gắn liền với nhau. 4000 năm trước công nguyên, người Ai Cập bắt đầu canh tác bên bờ sông Nin, đây là kĩ thuật nông nghiệp sớm nhất. 2000 năm trước công nguyên, người Babylon đã phát minh ra kĩ thuật luyện thép và phát minh ra ngành chế tạo công cụ nông nghiệp, trở thành trụ cột của ngành sản xuất nông nghiệp. Trong mấy nghìn năm của nền kinh tế nông nghiệp, khoa học kĩ thuật chưa phát triển, vốn tri thức của con người còn ít, giáo dục chỉ dành cho một số ít người, đại đa số nhân dân mù chữ. Ý nghĩa tri thức trong thời kỳ này như Khổng giáo định nghĩa : “Tri thức là biết được những gì cần nói và làm thế nào để nói chúng” nghĩa là “học để biết” và “học để nói”.
Từ thế kỷ XVII có sự chuyển biến mạnh mẽ từ kĩ năng sang công nghệ. Năm 1765 J.Hargreaves người Anh phát minh ra máy dệt và dần phát triển thành nghề dệt. Năm 1778 L.de Morvean người Pháp đã thành lập một nhà máy chế tạo chất kiềm công nghiệp mở đầu cho ngành công nghiệp hóa chất. Năm 1784 J.Watt người Anh đã hoàn thành việc phát minh máy hơi nước đặt nền móng cho ngành công nghiệp xe hơi. Năm 1797 H.Maudsley người Anh phát minh ra chiếc máy tiện đầu tiên, dần phát triển thành ngành chế tạo máy móc v..v… Những phát minh đó đã mở ra cuộc cách mạng kĩ thuật lần thứ nhất : Cuộc cách mạng công nghiệp. Sản xuất chuyển từ sản xuất dựa trên thủ công sang dựa trên máy móc. Tri thức được áp dụng cho các công cụ sản xuất, phương pháp sản xuất và sản phẩm, giáo dục phổ cập rộng rãi hơn trong dân chúng. Nhưng để có được các kĩ năng sản xuất cần thiết, người công nhân phải qua mấy chục năm rèn luyện.
Năm 1881 Taylor đã lần đầu tiên áp dụng tri thức vào công việc để tối đa hiệu quả của phương pháp sản xuất và đã mở ra cuộc cách mạng năng xuất trong suốt 75 năm. Tri thức được áp dụng cho tổ chức lao động. Tác động lớn nhất của Taylor là lĩnh vực đào tạo. Dựa vào phương pháp Taylor có thể đào tạo ra những công nhân có tay nghề xuất sắc chỉ trong mấy tháng.
Trong giai đoạn kinh tế tài nguyên, phát triển kinh tế chủ yếu quyết định bởi sự chiếm hữu và phân phối tài nguyên thiên nhiên. Cách mạng kĩ thuật phát triển mạnh mẽ, năng xuất lao động được nâng cao rõ rệt. Trong giai đoạn này đã xuất hiện sự phân công tách rời lao động thương nghệp và lao động sản xuất. Sự hình thành thị trường thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của kinh tế tài nguyên. Tuy nhiên, tư tưởng chỉ đạo của phát minh kĩ thuật công nghiệp truyền thống là tận dụng hết khả năng lợi dụng tài nguyên thiên nhiên để dành lấy lợi nhuận cao nhất, không đếm xỉa đến lợi ích môi trường, lợi ích sinh thái và lợi ích xã hội. Kết quả đã đưa thế giới đứng trước nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, môi trường ô nhiễm, sinh thái thoái hóa và nền kinh tế tài nguyên phát triển không bền vững. Vấn đề nghiêm trọng đặt ra cho nhân loại hiện nay là làm thế nào để có thể sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên có hạn hiện có, nếu không, khủng khoảng tài nguyên sản xuất sẽ ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội toàn cầu. Viện sĩ Va-xi-li Mi-xin, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tên lửa vũ trụ của Liên Xô (trước đây) đã cảnh cáo : “Cần phải biết nhìn thẳng vào sự thật : Nhân loại đang mở hết tốc lực tiến đến sự diệt vong của mình. Và nếu như nhân loại không tỉnh ngộ, thì thế kỉ XXI có thể trở thành thế kỉ cuối cùng của loài người”.
Năm 1946 đã xuất hiện chiếc máy tính điện tử hiện đại đầu tiên trên thế giới, cùng với sự ra đời của điều khiển học, lý thuyết hệ thống và lý thuyết thông tin đã tạo ra sự chuyển biến có tính chất cách mạng trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Khác với hai cuộc cách mạng công nghiệp trước, cuộc cách mạng công nghệ mới ở cuối thế kỷ 20 không chỉ góp phần nâng cao năng lực có hạn của cơ bắp, nối dài cánh tay và các giác quan của con người, mà còn tạo ra được các phương tiện nâng cao năng lực tư duy vượt qua các giới hạn sinh lực của côn người.
Từ những năm 1970 trở lại đây, tiến bộ khoa học kĩ thuật dần dần trở thành nhân tố quyết định sự phát triển của kinh tế. Nhân loại đang bước vào một thời đại kinh tế mới lấy việc chi phối, chiếm hữu nguồn tài nguyên trí lực và lấy việc sử dụng, phân phối, sản xuất tri thức làm nhân tố chủ yếu. Tri thức trở thành một nhân tố sản xuất quan trọng nhất, đẩy vai trò của đất đai, tài nguyên thiên nhiên, vốn, lao động xuống hàng thứ hai. Tri thức ngày nay đã có sự biến đổi về ý nghĩa, tri thức theo kiểu truyền thống là một thứ chung chung. Còn tri thức bây giờ là những kiến thức cần thiết cực kỳ chuyên sâu. Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế thế giới đã đưa ra khái niệm định nghĩa tri thức bằng “ 6 chữ W” trong tiếng Anh :
- Biết cái gì (Know – what) là loại tri thức về sự kiện.
- Biết tại sao (Know – why) là tri thức về thế giới tự nhiên, xã hội và suy nghĩ của con người.
- Biết ai đó (Know – who) là về thế giới của các quan hệ xã hội, và là tri thức về ai biết cái gì và ai có thể làm được những cái gì.
- Biết ở đâu và biết khi nào (Know – where và Know – when) đang ngày càng quan trọng trong nền kinh tế linh hoạt và năng động.
- Biết cách làm ( Know – how) là về công nghệ và kĩ năng, khả năng thực hiện công việc ở mức độ thực hành.
Tri thức đã trở thành một dạng cơ bản của tư bản, tăng trưởng kinh tế được dẫn dắt
bởi tích tụ tri thức. Ngày nay các nền kinh tế tiên tiến nhất về công nghệ đã hoàn toàn dựa trên tri thức.
Nền kinh tế tri thức đã thực sự trở thành mục tiêu then chốt trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của nhiều quốc gia và cũng đang trở thành tiêu điểm quan tâm của quảng đại quần chúng. Kinh tế tri thức lấy công nghệ kĩ thuật cao làm lực lượng sản xuất thứ nhất, lấy trí lực ( năng lực trí tuệ) làm chỗ dựa chủ yếu. Công nghệ kĩ thuật cao cần tri thức, trí lực, nếu không có nhiều thông tin, tri thức, trí lực thì nó không phải là kĩ thuật cao. Tư tưởng chỉ đạo của phát minh kĩ thuật cao là lợi dụng nguồn tài nguyên hiện có một cách khoa học, hợp lý, tổng hợp và hiệu xuất cao. Đồng thời khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác để thay thế cho nguồn tài nguyên thiên nhiên khan hiếm đã gần cạn kiệt. Kinh tế tri thức là kinh tế thúc đẩy điều hòa giữa con người và thiên nhiên nên phát triển bền vững.
Ngày nay ngoài các ngành truyền thống, trong nền kinh tế thế giới đang hình thành và phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp mới mà nguyên liệu đầu vào chủ yếu là thông tin và tri thức, với tốc độ tăng trưởng cao gấp nhiều lần so với phát triển kinh tế nói chung. Đã xuất hiện hiện tượng thần kỳ về phát triển kinh tế chưa từng thấy trong lịch sử, vượt xa sự phỏng đoán của hầu hết các chuyên gia tầm cỡ thế giới cũng như sức tưởng tượng và hình dung của con người dựa vào những kinh nghiệm trong quá khứ. Nền kinh tế thế giới đang chuyển từ kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức, nền văn minh loài người chuyển từ văn minh công nghiệp sang văn minh trí tuệ.
Một nước có thể được gọi là nền kinh tế tri thức khi :
- Có hơn 70% GDP đóng góp do ngành kinh tế tri thức
- Cơ cấu giá trị gia tăng có trên 70% giá trị do lao động trí óc mang lại.
- Cơ cấu lao động có hơn 70% là công nhân trí thức
- Cơ cấu tư bản trên 70% là tư bản con người.
Theo đánh giá của LHQ thì đầu thế kỷ XXI có khoảng 20 nước sẽ tiến vào nền kinh
tế tri thức. Năm 1996 tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển ( OECD) đánh giá những nước có nền kinh tế tri thức mạnh nhất lúc đó là : Nước Đức có ngành kinh tế tri thức chiếm 58,6% tổng sản phẩm xã hội, Singapore 57,3%, Mỹ 55,3%, Nhật 53%, Canada 51%, Úc 48% …..
Các ngành kinh tế tri thức là các ngành sản xuất và dịch vụ mới do công nghệ cao
tạo ra:
1. Các dịch vụ khoa học công nghệ cao như tin học, ngân hàng, thương mại, giáo dục, v…v…
2. Công nghệ thông tin
3. Công nghệ sinh học hiện đại
Đây là ngành công nghệ có tiềm năng lớn lao, nhiều hứa hẹn nhất trong thế kỷ XXI.
Nhà bác học Rô bớt Culơ, giải thưởng Nôben năm 1996 đã tiên đoán : “Nếu thế kỷ XX là thế kỷ của vật lý và hóa học thì thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ của sinh học”.
Công nghệ sinh học hiện đại chủ yếu bao gồm bốn bộ phận lớn là kỹ thuật lên men, kỹ thuật chất xúc tác, kỹ thuật tế bào và kỹ thuật gien. Gần đây lại có người đề xuất kỹ thuật protein là bộ phận thứ năm.
a. Khoa học kỹ thuật lên men chính là việc nghiên cứu vi khuẩn lên men để thực
hiện sản xuất công nghiệp hóa các sản phẩm lên men như rượu, dấm, xì dầu, pho mát, …
b. Kỹ thuật chất xúc tác chính là nghiên cứu dùng men để xúc tác, nó được ứng
dụng trong ngành chế biến thực phẩm, công nghiệp nhẹ và y dược.
c. Khoa học kỹ thuật tế bào nghiên cứu tế bào để ứng dụng vào các lĩnh vực sau :
+ Kỹ thuật nông nghiệp: Giống động thực vật mới chứa nhiều dinh dưỡng, có sản
lượng cao và kháng bệnh tốt.
+ Kỹ thuật vật liệu mới: Thông qua kỹ thuật tế bào sản xuất nhựa hỗn hợp có tính năng cao, có chứa vi sinh vật thì cường độ nâng lên rất nhiều.
+ Kỹ thuật bảo vệ môi trường: Dùng máy truyền cảm vi khuẩn để đo chất độc có trong nước, thay thế việc tẩy trắng bột giấy bằng tác dụng của vi khuẩn, dùng vi khuẩn để phân giải, xử lý rác thải và nước bẩn, xử lý nước bẩn bị nhiễm dầu, dùng vi khuẩn loại trừ các chất thải phóng xạ v..v…
d. Kỹ thuật gien
Gien là vật dẫn nhỏ nhất quyết định đặc tính di truyền của sinh vật. Việc giải mã thông tin di truyền được coi là nhân tố quyết định trong cuộc cạnh tranh về công nghệ sinh học trong thế kỷ XXI. Các nhà khoa học Mỹ và các nước đã giải mã được trên 90% bộ gien người và đến năm 2003 dự án giải mã bộ gien đơn bội con người có chừng 100.000 gien với 3 tỷ nucleotit nhiễm sắc thể sẽ được hoàn tất. Các nhà khoa học Nhật Bản đã giải mã được trên 80% bộ gien lúa nước và các cây lương thực, Nhật Bản hy vọng sẽ trở thành nước xuất khẩu lương thực. Thành công của dự án tổ hợp gien lúa nước và công nghệ gien nói chung sẽ dẫn tới một cuộc cách mạng xanh mới trong nông nghiệp, qua đó giải quyết cơ bản vấn đề lương thực của loài người. Đến năm 2010 các nhà khoa học sẽ có những bản đồ gien đầy đủ cho các loài sinh vật từ loài giun đến cây cỏ, từ chuột đến con người. Những bản đồ gien này được coi như bảng tuần hoàn các nguyên tố trong ngành hóa họa, có những phạm vi ứng dụng vô cùng to lớn, không chỉ trong ngành sinh vật như cải tạo giống cây, vật nuôi, sản xuất dược phẩm, thuốc chữa bệnh hiểm nghèo, tăng tuổi thọ con người v..v… mà còn vận dụng vào các lĩnh vực khác dựa trên việc kết hợp công nghệ gien với tin học để giải thích nguồn gốc của con người trên cơ sở các siêu máy tính sinh – điện tử làm từ các phần tử ADN.
Trong nông nghiệp, một hướng lớn là tạo ra những cây lương thực lai thực vật – động vật, gọi là những cây biến nạp gien. Đến cuối thập kỷ 90 các nhà khoa học đã tạo ra được khoảng 700 cây lai động vật nhằm giảm sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu có hại và sản xuất nhiều lương thực giàu dinh dưỡng, dễ bảo quản và sinh trưởng ngắn ngày. Về y dược, trên thế giới có khoảng 5000 loại bệnh di truyền đã được biết, trong đó hiện nay có khoảng 300 loại đặc tính gien đã được phân tích, vì vậy những loại bệnh này đã được hạn chế và chữa trị. Sắp tới, con người cũng sẽ tìm được phương pháp phòng và trị bệnh ung thư, bệnh AIDS và hơn 4000 loại bệnh di truyền còn lại. Con người còn có thể chế máu nhân tạo và không còn phải lo lắng bị nhiễm bệnh do truyền máu. Sẽ bùng lên một cuộc cách mạng về y học lâm sàng.
4. Công nghệ vật liệu mới
Mục đích của công nghệ vật liệu mới là chế tạo vật liệu có tính năng đặc biệt chịu nhiệt độ siêu cao, chịu áp lực siêu cao, chịu cường độ siêu cao, truyền tải thông tin tốc độ cao và siêu dẫn dưới nhiệt độ thường. Vật liệu mới chủ yếu có :
a. Vật liệu kim loại mới như hợp kim phi tinh thể có đặc tính cao về tính dẻo, có từ tính, tính bền, có cường độ chống lực kéo v..v…
b. Vật liệu gốm sứ mới như gốm sứ tinh tế ( gốm Nami, Mao weimi) có nhiều đặc tính như bền, chịu nhiệt, cường độ cao, chống ăn mòn, không thấm nước. Chế tạo thành công động cơ bằng sứ không những giá thành thấp, tính năng được cải thiện mà còn có thể giảm ô nhiễm.
c. Vật liệu hỗn hợp (cao phân tử) như nhựa sợi các bon có tính năng cao. Nhựa sợi các bon có thể làm vỏ tàu, xe và vật liệu xây dựng.
d. Vật liệu phức hợp được tạo thành từ các hợp chất kim loại, sứ, màng sinh vật và cao phân tử v..v… được dùng vào hai mục đích là cường độ cao và đa chức năng, dùng cho máy bay và tên lửa.
e. Vật liệu điện tử quang như linh kiện phân tử, sẽ được lắp đặt bằng phương pháp phân tử để đạt được tính năng cao phục vụ cho máy tính quang điện thế hệ sau.
f. Vật liệu siêu dẫn ở nhiệt độ cao sẽ dẫn tới sự thay đổi mang tính cách mạng trong lĩnh vực năng lượng và điện tử.
5. Công nghệ năng lượng mới và năng lượng tái sinh
Sự thay đổi quan niệm về năng lượng là sự thay đổi cách nhìn từ chỗ coi trọng nguồn năng lượng tài nguyên sang coi trọng nguồn năng lượng kỹ thuật cao. Hiện nay công nghệ nguồn năng lượng mới và nguồn năng lượng tái sinh là một bộ phận hợp thành quan trọng của công nghệ kỹ thuật cao. Kỹ thuật cao là kỹ thuật sử dụng nguồn năng lượng truyền thống bằng phương pháp hoàn toàn mới, mà những nguồn năng lượng này lại có đặc tính có thể tái sinh. Nguồn năng lượng mới và nguồn năng lượng tái sinh hiện nay chủ yếu bao gồm năng lượng hạt nhân ( trong đó lại chia ra năng lượng phân tách và năng lượng tụ biến nhiệt hạch khống chế) năng lượng mặt trời, năng lượng thủy triều, năng lượng gió, năng lượng địa nhiệt và năng lượng sinh vật v..v…
- Năng lượng tụ biến nhiệt hạch khống chế (năng lượng hydro) dựa vào phản ứng
tụ biến nhiệt hạch trong điều kiện có thể khống chế về nhiệt độ và các điều kiện khác, sẽ từ các đồng vị deuteri (D) và Triteri (T) của hydro tạo ra nguyên tử Heli tương đối nặng và một năng lượng cực lớn sẽ được giải phóng ra. Ngày 5/1/1994 phòng thí nghiệm vật lý ion của trường đại học Puliston Mỹ đã ghi được kỷ lục tạo công xuất phát ra là 10,7 triệu oát, tỷ lệ công xuất phát ra và công xuất truyền vào là 28%. Đêm 31/10/1997 thiết bị thí nghiệm Jet của trung tâm nghiên cứu phản ứng nhiệt hạch khống chế của Châu Âu đã ghi được kỷ lục thế giới về phản ứng hạt nhân phát ra công suất 16,1 triệu oát, tỷ lệ công suất phát ra và công suất truyền vào đạt được 65%. Sang đầu thế kỷ 21 tỷ lệ công suất phát ra và công suất truyền vào sẽ vượt quá 100%. D và T có thể chiết xuất ra từ nước biển, nên một lít nước biển có thể thay thế được 300 lít xăng, vì thế nói “Nước biển biến thành xăng”. Phản ứng tụ biến nhiệt hạch không sinh ra ô nhiễm mang tính phóng xạ, vì vậy nó là nguồn năng lượng sạch.
- Năng lượng mặt trời
Hiện nay, kỹ thuật chuyển hóa năng lượng mặt trời không khó, nhưng giá thành đắt. Năm 1995 giá thành điện lấy từ năng lượng mặt trời ở Úc đạt mức 150 yên/Kwh, khi giá trị lấy từ năng lượng mặt trời hạ xuống còn 10 yên/Kwh thì có thể xảy ra cạnh tranh với nhiệt điện hoặc thủy điện. Theo dự đoán tương đối lạc quan, đến năm 2030 thì năng lượng mặt trời có thể đạt 20 ~ 30% tổng lượng điện phát trên toàn thế giới. Ngoài ra động cơ chạy bằng năng lượng mặt trời cũng đang chế thử, như vậy đây còn là nguồn năng lượng di động.
6. Công nghệ phỏng sinh học
Sẽ tạo ra các người máy thông minh, trí tuệ nhân tạo và các máy tính phỏng theo mô hình sinh vật cực nhỏ có khả năng tự thích nghi, tự sửa chữa, tự kiếm sống, thậm chí tự sinh sản, tự nhân lên như con người hay động vật khác. Những máy thông minh đó đang được đặt trực tiếp trong cơ thể con người để bổ xung những chức năng đã mất hay bị suy yếu. Chẳng hạn tới nay đã có tới 17.000 người đã được cấy loại máy tính cực nhỏ đó vào sọ não để cải tiến chức năng thính giác. Mới đây các nhà bác học ở Carolina Bắc đã dụng những tín hiệu của não một con khỉ để diều khiển cử động của một cánh tay người máy cách đó 100 km thông qua mạng Internet. Thành công này có thể tạo cơ sở cho việc chế tạo những thiết bị liên kết với não để giúp các bệnh nhân bị liệt có thể cử động được chân tay. Ngày 22/6/2000 các nhà khoa học Mỹ đã công bố một sáng chế mới, mở đầu cho máy tính thế hệ mới, có thể nhận biết khuôn mặt, giọng nói của người. Sáng chế này là một mạch điện tử bắt chước những chức năng của hệ thần kinh trung ương bộ não người.
Tới đây, khi con người chế tạo ra được một con chíp chứa tới hàng tỷ linh kiện thì lúc đó ranh giới giữa sinh vật và công nghệ số sẽ không còn cách biệt nhiều nữa.
7. Công nghệ siêu vi mô – hay công nghệ nano
Một nano mét bằng một phần tỷ của mét. Trong dân gian hay nói nhỏ như sợi tóc mà đường kính của sợi tóc là 100.000 nano mét, còn đường kính của một nguyên tử hydro chỉ vào khoảng 0,1 nano mét.
Công nghệ siêu vi mô là một ngành công nghệ chiến lược trong các thập niên đầu thế kỷ 21. Bằng chứng về tầm quan trọng của công nghệ siêu vi mô là các giải Nobel về vật lý và hóa học gần đây đều được trao cho các nhà khoa học có các phát minh then chốt trong lĩnh vực này. Như phát minh ra kính hiển vi với hiệu ứng đường hầm đã cho phép nhìn thấy riêng từng nguyên tử một. Phát minh ra kính hiển vi nguyên tử lực cho phép quan sát các tế bào sống với độ phân giải ở cấp phân tử. Các phát minh này tạo ra các thiết bị theo dõi quan sát và thao tác các vật thể ở cấp nguyên tử, phân tử. Vào đầu thập kỷ 90 các nhà khoa học đã tạo ra được những thiết bị cho phép nắm bắt, thả đi hay sắp xếp chất đống các nguyên tử hay phân tử, có nghĩa là có thể thao tác các vật liệu ở mức nguyên tử. Mới đây, các nhà khoa học Nhật, Pháp đã tuyên bố thành công trong chế tạo những ống siêu nhỏ bằng cacbon với đường kính nhỏ hơn sợi của phân tử ADN , tức là 0,4 nano mét. Có thể kéo những ống siêu nhỏ thành sợi có độ dài không hạn chế và vô cùng mềm dẻo, vô cùng dẻo dai. Trong ngành điện tử, mật độ và tốc độ xử lý của các vi mạch sẽ tăng vọt lên một cách chưa từng thấy. Các ngành hóa học, sinh học phân tử, khoa học công nghệ vật liệu v..v… sẽ có những đột biến vô cùng to lớn. Những thành tựu đó sẽ mở ra cho nhân loại hai cuộc cách mạng công nghiệp mới nữa, đó là :
- Chế tạo ở cấp phân tử: Ví dụ năm 1999 các nhà khoa học Nhật và Mỹ đều công
bố đã chế tạo được động cơ nano hay động cơ phân tử để lắp cho máy nạo vét mặt trong thành mạch máu cho các bệnh nhân bị sơ vữa động mạch, hay lắp cho máy bơm sinh học phân tử có thể cài cắm vào cơ thể con người để bơm các dược chất cần thiết đến bất kỳ nơi nào trong cơ thể bị tổn thương.
- Các máy sao chép (hay công nghiệp sản xuất đại trà ở quy mô nguyên tử) chỉ cần khai thác một công nghệ duy nhất để chế tạo đủ mọi thứ bằng cách lắp ráp thay đổi, tổ chức lại từ thành phần cơ bản phân tử, thậm chí từ nguyên tử độc lập.
Thí dụ: từ cacbon thô, một chiếc máy nano có thể chế tác từng nguyên tử để cuối cùng tạo thành khối kim cương hoặc chiếc máy nano này sẽ lưu thông trong mạch máu truy tìm dấu vết và phá hủy cholesterol trên thành mạch máu. Trong những năm tới, các chuyên viên kỹ thuật nano có “tay” cực nhỏ dùng để lắp ráp các phân tử và lập trình vật chất để bộ não điện tử cực nhỏ giữ vai trò điều khiển thao tác. Máy móc nano sẽ được làm bằng phân tử cacsbon mang hình dáng như sợi tóc, nhỏ hơn sợi tóc người 50.000 lần và cứng hơn thép 100 lần. Để hoàn thành công việc phải cần rất nhiều chiếc máy nano: 1000 chiếc cho mỗi mạch máu, 1 triệu cho mỗi mét khối chất thải độc hại, 1 tỷ cho việc lắp ráp xe máy. Muốn chế tạo nhanh chống đội quân máy nano, chiếc máy nano đầu tiên sẽ giữ nhiệm vụ chế tạo bản sao của chính nó và kế tiếp : 2 thành 4, 4 thành 8, 8 thành 16 chiếc máy v..v… Phỏng theo cách hoạt động thông thường của các phân tử sinh học, các máy nano được thiết kế và được lập trình để sản xuất ra các bản sao của chính bản thân chúng cho tới lúc được tạo nên được vật thể lớn cuối cùng. Như vậy nhân loại đang tiến đến một loại hình sản xuất đại trà (hàng loạt) theo kiểu mới, có khả năng sản xuất ra bất kỳ đối tượng nào có khả năng được mô hình hóa, mà không cần sử dụng tới các máy móc, thiết bị sản xuất, với chi phí hạn chế về giá nguyên liệu và năng lượng sử dụng.
Theo giáo sư Vũ Đình Cự: Công nghệ phân tử sẽ là cốt lõi của kinh tế tri thức trong thiên niên kỷ thứ ba.
Tổng doanh số của công nghệ nano năm 2000 đã đạt tới hàng trăm tỷ đô la
.
8. Khoa học kỹ thuật mềm
Khoa học kỹ thuật mềm là một môn khoa học mang tính tổng hợp cao, nó vận dụng lý luận và phương pháp của khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, tiến hành nghiên cứu một cách tổng hợp các hiện tượng kinh tế, xã hội hiện đại và các nhân tố tương quan, nó tận dụng những thành quả mới của khoa học xã hội và khoa học nhân văn, khoa học kỹ thuật mềm khiến con người lợi dụng một cách dễ dàng, trực tiếp. toàn diện và có hiệu quả các loại tri thức tổng hợp khoa học kỹ thuật phát triển nhanh.
Tháng 1/1994, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra “kế hoạch cơ bản phát triển nghiên cứu khoa học mềm”. Trong “Báo cáo khoa học thế giới” tháng 2/1994, UNESCO lần đầu tiên sử dụng khái niệm khoa học cứng và khoa học mềm. Não người có bốn chức năng lớn là : Quan sát nhận thức, ghi nhớ, phân tích phán đoán và tưởng tượng sáng tạo. Hiện nay, máy tính đã có hai lớp chức năng đầu, lớp chức năng thứ ba là phân tích phán đoán tức là hệ thống chuyên gia hoặc hệ thống quyết sách đang được khai phá, lớp chức năng thứ tư thì mới bắt đầu nghiên cứu.
Nghiên cứu khoa học kỹ thuật của bốn chức năng lớn nói trên sẽ phục vụ cho quản lý và quyết sách, chính là khoa học kỹ thuật mềm.
Cơ sở của khoa học kỹ thuật mềm là khoa học máy tính bao gồm thu thập, lưu trữ, xử lý và truyền tải thông tin: khoa học xã hội nhân văn bao gồm việc nghiên cứu hành vi và phương pháp luận của con người và khoa học sinh học bao gồm việc nghiên cưu cơ chế sinh lý của não người.
Đối tượng nghiên cứu của khoa học kỹ thuật mềm trước tiên là tập hợp các hạng mục khoa học kỹ thuật có liên quan và phụ thuộc lẫn nhau. Tiếp theo là nghiên cứu cơ chế giữa hoạt động về mặt trí tuệ của cá nhân và tập thể, ủng hộ phương pháp hoạt động trí lực, bao gồm : Điều tra xã hội, đánh giá hành vi của con người và nghiên cứu quy luật tư duy v..v…
Cuối cùng, khoa học kỹ thuật mềm nghiên cứu phần cứng và vật dẫn, bao gồm dung lượng máy tính, tốc độ xử lý, mạng lưới thông tin truyền tải v..v…
- Máy tính thông minh siêu cấp “M2000” của hãng IBM đã đánh bại bộ não người
giỏi nhất trong lĩnh vực cờ vua quốc tế. Phần mềm của loại máy tính kiểu não bộ con người này do viện nghiên cứu vật lý, hóa học của Nhật Bản thiết kế, nó có thể tái hiện lại quá trình làm việc như bộ não con người. Tốc độ xử lý thông tin của nó gấp 1000 lần thần kinh não người.
- Máy tính phân biệt giọng nói, vân tay và hình thể sẽ được đưa ra thị trường vào
năm 2007.
- Hệ thống chuyên gia quản lý quyết sách trong lĩnh vực y học và xây dựng cũng
sẽ được ứng dụng rộng rãi vào năm 2010.
- Máy phiên dịch có độ chính xác và tốc độ cao có thể đạt được trình độ dịch cao
nhất hiện nay sẽ được đưa ra thị trường sử dụng vào năm 2012.
Hiện nay Mỹ là quốc gia sản xuất phần mềm lớn nhất thế giới. Có người ước tính trong thế kỷ 21 tri thức con người cứ 5 năm lại tăng gấp đôi. Tri thức mênh mông như vậy nếu không nhờ vào máy tính thì không thể xử lý và sử dụng được. Khoa học kỹ thuật mềm sẽ trở thành ngành khoa học kỹ thuật cao cốt cán và dẫn đầu trong thế kỷ 21.
Nền kinh tế tương lai phụ thuộc vào sự chiếm hữu và phân phối nguồn tài nguyên trí lực, mà trong đó chiếm hữu và phân phối nguồn tài nguyên trí lực chỉ có thể tiến hành thông qua sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật mềm.
Chúng ta đang ở thời điểm khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, cho nên danh sách các ngành công nghệ cao đã có tên ( như khoa học kỹ thuật không gian, khoa học kỹ thuật hải dương v..v…) hoặc chưa được đặt tên sẽ còn kéo dài nhiều nữa.
Còn các ngành truyền thống như công nghiệp, nông nghiệp nếu được cải tạo bằng công nghệ cao mà giá trị do tri thức mới, công nghệ mới mang lại chiếm 70% tổng giá trị thì ngành ấy cũng được xác định là ngành kinh tế tri thức. Tuy nhiên, kỹ thuật truyền thống có thêm một ít kỹ thuật mới thì hoàn toàn chưa phải là kỹ thuật cao. Gần đây tuy kỹ thuật xe hơi của Mỹ đã đưa vào rất nhiều kỹ thuật mới nhưng nó vẫn là kỹ thuật truyền thống. Chỉ khi động cơ được thay bằng ắc quy nguyên liệu mới không ô nhiễm môi trường, hệ thống điều khiển tự động hóa toàn bộ, sử dụng gốm tổng hợp tính năng cao và các hợp chất nhựa tổng hợp phân tử chịu nhiệt để thay thế các vật liệu kim loại v..v… thì mới là kỹ thuật cao và mới được xếp vào ngành kinh tế tri thức.
Trong các ngành kinh tế tri thức thì công nghệ thông tin được coi là quan trọng nhất, là động lực phát triển trong nền kinh tế tri thức, là nguyên nhân quan trọng hình thành nền kinh tế tri thức.
ST