• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Tìm hiểu về Hát nói

Bút Nghiên

Smod Trùm ^^
Tìm hiểu về Hát nói


I /- SỰ XUẤT HIỆN CỦA THỂ HÁT NÓI :

Hát nói xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ thứ 18 nhưng phải đợi đến đầu thế kỷ thứ 19 mới có những tác phẩm lưu truyền đến nay như các tác phẩm của Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát ... Nguồn gốc của thể Hát nói trong văn chương Việt Nam được giải thích bằng những nguyên nhân và các sự việc sau đây :

1- Hát nói là sự phàm tục hoá những thể thánh ca. Trước khi có Hát nói, nói rộng ra là trước khi có những bài hát ả đào hay ca trù, ở nước ta đã có những bài hát cửa đền, cửa chùa, những bài thét nhạc (bài hát có âm nhạc phụ hoạ). Những thể ca trong các dịp tế lễ đó chuyển dần công dụng và được các tao nhân, mặc khách tổ chức ngay trong những cuộc giải trí riêng của họ . Các bài hát ả đào bắt đầu từ đó.

2- Hát nói là sự cụ thể hoá ảnh hưởng của học thuyết Lão - Trang. Xưa kia văn chương Việt Nam về nội dung phải gò bó trong những tư tưởng Khổng Mạnh, về hình thức phải đem theo những qui luật khắt khe, những lối diễn tả nhất định. Cuối thế kỷ thứ 18, do hoàn cảnh rối ren trong xã hội, học thuyết Lão - Trang có cơ hội bành trướng và Hát nói chính là sáng tạo của các nhà nho phóng khoáng, thích tự do, ở đấy họ có thể gửi gấm những tư tưởng, cảm xúc vượt ra ngoài khuôn phép với cách diễn đạt cởi mở, rộng rãi hơn.

3- Hát nói là biến thể của song thất lục bát. Các nhà viết sách thời xưa cho rằng Hát nói là một hình thức biến đổi cu/a thể ngâm Song thất lục bát: Trong hát nói có Mưỡu là những câu thơ lục bát, nhiều câu 7 chữ có vần bằng, vần trắc, có cước vận, yêu vận . Nhưng khi đã phát triển, Hát nói là một thể tài hỗn hợp gồm: thơ, phú, lục bát, song thất, tứ tự, nói lối ...

Trong lối Hát ả đào có nhiều loại như: Dâng hương, Giáo trống, Gủi thư, Thét nhạc thì Hát nói là lối thông dụng và có tính văn chương lý thú nhất.

II /- QUY TẮC CỦA MỘT BÀI HÁT NÓI :

a) Số câu. Hát nói có các loại :


- Đủ khổ gồm 3 khổ , mỗi khổ gồm 4 câu, riêng khổ cuối gồm 3 câu. Đây là thể chính thức của Hát nói. ( Xem thí dụ bài Vịnh Thuý Kiều ở sau).
- Bài Hát nói thiếu khổ dưới 11 câu, thường là chỉ có 7 câu .
-Bài Hát nói dôi khổ thì có khổ dôi ra thường chen vào giữa, số câu nhiều hơn 11 .
Trong bài Hát nói đủ khổ 11 câu được đặt tên như sau :
- Khổ đầu: Câu 1, 2 gọi là Lá đầu; câu 3,4 - Xuyên thưa .
- Khổ giữa: Câu 5, 6 gọi là Thơ; câu 7,8 - Xuyên mau .
- Khổ cuối: Câu 9 là Dồn, câu 10 là Xếp, câu 11 là Keo .

b) Số chữ trong một câu :
- Số chữ trong các câu của bài Hát nói là không nhất định , thường một câu có 7, 8 chữ, câu ngắn có 4, 5 chữ, câu dài 12 tới 18 chữ. Ví dụ:

Quân bất kiến Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai, bôn lưu đáo hải bất phục hồi.
Làm chi cho mệt cuộc đời.

Nhưng 2 câu 5, 6 gọi là Thơ thì phải theo thể ngũ ngôn hoặc thất ngôn.

c) Vần:
Trong bài Hát nói dùng cả 2 vần, vần bằng và vần trắc. Nếu một câu Hát nói đổi từ vần bằng sang vần trắc hoặc ngược lại thì có yêu vận và cước vận, những câu mang yêu vận là những câu chẵn, trừ câu thứ sáu chỉ có cước vận mà thôi.

Theo luật thì trong mỗi khổ, cước vận của câu đầu và câu cuối phải dùng tiếng trắc, cước vận 2 câu giữa phải dùng tiếng bằng. Yêu vận câu thứ nhì dùng tiếng trắc, yêu vận câu thứ tư thì dùng tiếng bằng . Yêu vận gieo vào chữ cuối đoạn thứ nhì.

d) Luật bằng trắc :
Theo luật hiệp vận , cước vận của câu đầu trong mỗi khổ hợp với yêu vận của câu thứ hai, yêu vận của câu thứ hai hợp với yêu vận của câu thứ ba, cước vận của câu thứ ba hợp với yêu vận của câu thứ tư . Hợp đây xin được hiểu là cùng tiếng bằng hay trắc chứ không phải hợp là cùng vần . Những chữ thứ nhất, ba, năm trong mỗi câu Hát nói không cần theo đúng luật bằng trắc ( gọi là nhất tam ngũ bất luận). Ta có:

- Câu 1. t T b B t T
- Câu 2. b B t T b B
- Câu 3. b B t T b B
- Câu 4. t T b B t T

Trong đó không kể những chữ gác ra ngoài luật vì số chữ trong mỗi câu hát là không nhất định . Câu 6 chữ phải theo đúng luật kể trên. Còn những câu dài hơn 6 chữ thì muốn ứng dụng luật này phải chia làm 3 đoạn con, trong mỗi đoạn con, chữ cuối phải theo đúng luật bằng trắc. Những chữ gác ra ngoài không kể, được tuỳ ý sử dụng. Những câu ít hơn 6 chữ thì chia làm 2 đoạn mà đoạn thiếu là đoạn đầu không kể còn 2 đoạn sau thì phải theo đúng luật.

Thí dụ 1 .

(Chia câu làm 3 đoạn con bằng dấu / )
Đài tước / mở toang / cơn tạo hoá ----------------------- t T b B 0 t T
Phím loan xe / trải mối / cương thường ---------------------0 b B t T b B
Ngán cho Kiều / khi lỡ bước / Sâm Thương ----------0 b B 0 t T b B
Cung đàn nguyệt / dây loan / còn mắc mãi ----------------0 t T b B 0 t T


Thí dụ 2 .

Tài tình / chi với -------------------------------------------------------- b B t T
Đau đớn thay / chút phận / hồng nhan ------------------- 0 b B t T b B
Mười lăm năm / đầy đoạ / cõi trần hoàn ----------- 0 b B t T 0 b B
Khôn trọn vẹn / chũ tình / chữ hiếu ----------------------- 0 t T b B t T

Thí dụ 3 .

Ta xét thêm bài Hát nói Vịnh Thuý Kiều ( tác giả khuyết danh thế kỷ 19 ) sau đây là bài đủ khổ với 11 câu :

VỊNH THUÝ KIỀU

Khổ đầu :

1- Cơ Trời dâu bể ------------------------------------------------ Lá đầu .
2- Khách hồng nhan xiết kể nỗi gian truân ------------ B
3- Mang tấm son đeo đuổi khách hồng quần ------- B - Xuyên thưa .
4- Lời vàng đá dám lỗi cùng non nước --------------- T
Khổ giữa :
5- Ngọc diện khởi ưng mai thuý quốc -------------------- T - Thơ .
6- Băng tâm tự khả đối Kim lang --------------------------- B
7- Mười lăm năm thương xót kẻ đôi phương --- B - Xuyên mau .
8- Ruột tằm bực đã đành nơi chín suối ----------- T
Khổ xếp :
9- Duyên tái ngộ bởi Trời đâu đem lại ------------- T - Câu dồn .
10- Lứa ba thu một mối rõ ràng ---------------------------- B - Câu xếp .
11- Mới hay con Tạo khôn lường ------------------------- B - Câu keo .

Ta thấy câu đầu không tính vần, các câu sau cứ 2 vần bằng lọt vào giữa khổ ( mỗi khổ 4 câu, khổ cuối 3 câu ), lại 2 câu trắc bắc cầu từ khổ này qua khổ kia và bài Hát nói tận cùng là 1 câu 6 chữ vần bằng . Toàn bài Hát nói trên đều dùng cước vận .

YÊU VẬN: Còn yêu vận thì không bó buộc ( NHẮC LẠI, KHÔNG BÓ BUỘC), có thể là bằng hoặc trắc, đặt ở vị trí không nhất định trong câu .

Thí dụ 4 .

CÔ ĐẦU TỰ THÁN

Mưỡu (ddầu, kép) :

1- Cùng chung một tiếng tơ đồng
2- Nào ai tích lục tham hồng là ai ?
3- Nghĩ đời mà ngán cho đời
4- Chơi hoa đã dễ mấy người biết hoa ?

Nói :

1- Yêu đào một đoá ----------------------------------------------- Lá đầu .
2- Bấy lâu nay nấn ná chốn Bình Khang -------------------- B .
3- Nghĩ tài tình nên trọng cũng nên thương ------------ B - Xuyên thưa .
4- Ngờ chi nữa mà khách qua đường hờ hững -- T .
5- Lầu bậc ngũ âm êm tưởng những ----------------- T - Thơ .
6- Chọn người tri kỷ khách hay chăng ------------------------ B .
7- Ấy những ai hẹn ngọc thề vàng -------------------------- B - Xuyên mau .
8- Duyên đằm thắm hoá bẽ bàng sao thế nhỉ ? -------- T .
9- Hàng thưa mối phải chăng xấu vía ? ---------------------- T - Dồn .
10- Ngụ tính tình ta kể một đôi câu ------------------------ B - Xếp .
11- Người buồn cảnh có vui đâu ! ------------------------- B - Keo .
Khuyết Danh .

Bài này có thêm 4 câu Mưỡu đầu (kép) . Hai câu lá đầu yêu vận ( vần lưng là trắc : đoá, ná ), 2 câu xuyên thưa yêu vận ( vần lưng là bằng : thương, đường. Các khổ sau cũng lập lại như thế). Ngoài ra, các câu khác vần có cước vận 2 câu bằng lại 2 câu trắc xen kẽ.

III /- THƠ VÀ MƯỠU TRONG BÀI HÁT NÓI :

a) THƠ:


Trong bài Hát nói bao giờ cũng có 2 câu thơ hoặc bằng chữ Hán mượn của người xưa hoặc do chính tác giả làm ra viết theo thể ngũ ngôn hoặc thất ngôn. Trong bài Vịnh Thuý Kiều ở trên, 2 câu Thơ chữ Hán lấy ở bài Đề Từ của Phạm Quý Thích. Bài Cô đầu tự thán, 2 câu Thơ 5, 6 do tác giả (khuyết danh) tự làm ra. Vị trí thông thường của 2 câu Thơ là câu 5 và 6, tuy nhiên khi phá cách 2 câu Thơ này có thể đưa lên đầu bài hay đến 1 vị trí khác như trong bài Thuý Kiều lưu lạc ( xin xem PHẦN ĐỌC THÊM) thì 2 câu thơ ở vị trí câu 9 và 10 :

Đoạn tràng mông lý căn duyên liễu
Bạc mệnh cầm chung oán hận trường


b) MƯỠU :

Mưỡu (hay mão có nghĩa dạo đầu, introduction) là những câu thơ lục bát mượn trong ca dao hay thơ của người xưa hoặc do chính tác giả làm ra đặt ở đầu bài (gọi là Mưỡu đầu) hay cuối bài nhưng trước câu keo (gọi là Mưỡu hậu). Mưỡu có thể gồm 2 câu ( Mưỡu đơn) hay 4 câu (Mưỡu kép). Bài Vịnh Kiều của Nguyễn Công Trứ dưới đây dôi khổ (dài hơn 11 câu) và có Mưỡu hậu đơn :

VỊNH KIỀU

1- Đài tước mở toang cơn Tạo hoá
2- Phím loan xe trái mối cương thường
3- Ngán cho Kiều khi lỡ bước Sâm Thương
4- Cung đàn nguyệt dây loan còn mắc mãi

(4 câu dôi khổ):

Đêm thanh vắng gọi Vân ngồi dậy
Bức khăn là phong mở nguồn cơn
Đem lời thệ hải minh sơn
Non nước ấy cậy em gánh vác

5-Thơ rằng : Vì hiếu để tình nên chếch mác
6- Chưa duyên mà nợ khéo đa mang
7- Mảnh gương thề soi với khách văn chương
8- Mùi hương ngát cũng nhờ em rơi đến chị
9- Này con tạo ghét ghen chi lắm bấy ?
10- Cái hồng nhan gẫm lại cũng buồn cười (câu xếp)

(2 câu Mưỡu hậu đơn):

Ấy ai trâm quạt thề bồi
Thấu tình hay chẳng hỡi người Liêu Tây ?
11- Trăng già khéo quấy chi ai ? (câu keo)
Nguyễn Công Trứ

CHÚ Ý : Những câu Mưỡu có thể làm sai lạc qui tắc về cước vận đã trình bày ở trên , tuy nhiên, có điều bắt buộc phải theo là : Mưỡu hậu phải tiếp tục vần của câu xếp để chuyển vần sang câu keo ( cười, bồi, người, Tây, ai ở cuối bài) .

(Sưu tầm)​
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top