Tìm hiểu về chính trị
HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ là tổng thể những tổ chức thực hiện quyền lực chính trị được xã hội chính thức thừa nhận. HTCT tư sản hiện đại thể hiện nền dân chủ tư sản, bao gồm: nhà nước tiêu biểu cho quyền lực công, với các cơ quan lập pháp (nghị viện), cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp; các chính đảng; các tổ chức nghề nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, cùng tham gia hoạt động chính trị (tranh cử, tham gia chính quyền, biểu tình, vận động quần chúng...). Đặc trưng của HTCT tư sản theo chế độ đại nghị hay chế độ tổng thống, là chế độ nhiều đảng do giai cấp tư sản và chính đảng của nó lãnh đạo; là chế độ tam quyền phân lập.
HTCT xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thể hiện bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, theo cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lí. Đảng Cộng sản, với tư cách là đội tiên phong của giai cấp công nhân và đại biểu cho lợi ích của nhân dân lao động và của toàn dân tộc, có sứ mạng lãnh đạo toàn bộ xã hội thông qua nhà nước và các đoàn thể nhân dân; bộ máy nhà nước ,có chức năng quản lí mọi mặt đời sống xã hội; các đoàn thể nhân dân có chức năng tập hợp các giai cấp, tầng lớp xã hội tham gia việc quản lí nhà nước, quản lí xã hội. Ở nhiều nước, có hình thức liên minh chính trị như mặt trận, bao gồm một số chính đảng và tổ chức xã hội tán thành cương lĩnh xây dựng chủ nghĩa xã hội và sự lãnh đạo của đảng cộng sản.
THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ là tổng hợp các phương pháp và cách thức thực hiện quyền lực nhà nước do tình hình chính trị trong nước chi phối. TCCT được quy định trước hết bởi bản chất giai cấp, hình thức nhà nước, tính chất của pháp luật và quyền lực của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tương quan lực lượng của các giai cấp, mức độ và hình thức đấu tranh giai cấp cũng như truyền thống lịch sử của đất nước và hoàn cảnh quốc tế là những yếu tố ảnh hưởng đến TCCT. Điểm cốt yếu nhất quyết định đến TCCT là bản chất, hình thức, tính chất của quyền lực nhà nước, chính trị hiện hành (vd. chế độ chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư sản và xã hội chủ nghĩa). Trong nhà nước xã hội chủ nghĩa, TCCT là dân chủ, được thể hiện qua những đặc trưng: quyền lực thuộc về nhân dân lao động; TCCT bảo vệ quyền lợi và tự do cơ bản của công dân. TCCT ở nhà nước xã hội chủ nghĩa dựa trên nền tảng pháp chế xã hội chủ nghĩa, mở rộng dân chủ, tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội và sự tham gia tích cực của công dân vào các công việc của nhà nước và xã hội.
HIỆP THƯƠNG CHÍNH TRỊ là việc các bên hữu quan gặp nhau để trao đổi ý kiến, thảo luận, tranh luận những vấn đề chính trị quân sự ngoại giao với mục đích là nghe ý kiến, quan điểm... của nhau nhằm đạt được những ý kiến tư vấn hay khuyến nghị về một đề nghị, giải pháp hoặc hành động chung cho vấn đề đó. Tuỳ theo mục đích, yêu cầu và tầm quan trọng của vấn đề cần được hiệp thương mà chọn hình thức hiệp thương thích hợp (hội nghị hiệp thương, gặp gỡ khu vực, gặp gỡ hai bên, hội thảo...). Tham gia HTCT thường là đại diện cấp cao các bên hữu quan (thủ lĩnh các đảng phái chính trị, bí thư đảng cộng sản, người đứng đầu nhà nước hay chính phủ). Mục đích HTCT giữa các nước cùng một liên minh thường là nhằm thống nhất hành động trong chính sách đối ngoại.
KHỦNG HOẢNG CHÍNH TRỊ là tình trạng không ổn định, thậm chí rối loạn về chính trị, do có những bất đồng, mâu thuẫn nghiêm trọng không thể giải quyết nhanh chóng được giữa các lực lượng chính trị, giữa các chính đảng, hoặc giữa các cơ quan quyền lực với các đảng phái đối lập, hoặc giữa cơ quan quyền lực với quần chúng nhân dân. Biểu hiện của KHCT là sự kéo dài không bình thường của tình trạng không có người đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ, thậm chí không có cả cơ quan quyền lực nhà nước, hoặc có nhưng không thực hiện được quyền lực. Trường hợp bộ máy chính quyền vẫn tồn tại, nhưng xã hội rối loạn - do có những cuộc bạo động quần chúng mang tính chất chính trị - cũng là KHCT. KHCT xuất hiện nhiều ở những nước có mâu thuẫn đối kháng giai cấp. Dưới chủ nghĩa xã hội, tuy không có đối kháng giai cấp nhưng vẫn có những mâu thuẫn nội bộ nhân dân; khi những mâu thuẫn ấy bùng nổ, lại có sự can thiệp của các thế lực thù địch trong và ngoài nước, nếu không có giải pháp thoả đáng, thì mâu thuẫn nội bộ cũng có thể chuyển thành mâu thuẫn đối kháng, và cũng là KHCT.
TIỀM LỰC CHÍNH TRỊ - TINH THẦN là khả năng giác ngộ về chính trị và tinh thần của nhân dân có thể trở thành nhân tố thuận lợi để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, quân sự, xã hội của một nước. Sức mạnh tiềm tàng về chính trị và tinh thần. Trong quân sự, thể hiện ở sự sẵn sàng của nhân dân và lực lượng vũ trang trong việc dũng cảm vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt của chiến tranh, kiên trì đấu tranh cho đến thắng lợi hoàn toàn. TLCT - TT phải thông qua hoạt động tư tưởng và hoạt động tổ chức một cách toàn diện của Đảng và Nhà nước trong thời bình và thời chiến mới trở thành sức mạnh thực sự. TLCT - TT có quan hệ mật thiết và tác động qua lại với tiềm lực quân sự, tiềm lực kinh tế, tiềm lực khoa học. TLCT - TT phụ thuộc vào phương thức sản xuất, chế độ kinh tế - xã hội và chế độ chính trị; vào tính chất và mục đích của chiến tranh.
THUYẾT ĐỊA LÍ CHÍNH TRỊ là học thuyết chính trị xuyên tạc các tư liệu của khoa học địa lí để luận chứng cho chính sách đối ngoại của chủ nghĩa đế quốc nhằm bành trướng và thống trị thế giới. Ở thế kỉ 17, có tư tưởng cho rằng đời sống xã hội được quyết định bởi môi trường địa lí [Môngtexkiơ (C. de Montesquieu), Tuyêcgô (A. R. J. Turgot)]. Tư tưởng ấy phần nào có tác dụng tiến bộ vì chống lại quan niệm tôn giáo cho rằng Thượng đế quyết định tất cả. Nhưng từ giữa thế kỉ 19, thuyết địa lí đã thoái hoá thành TĐLCT. Những đại biểu chính của thuyết này trong thế kỉ 20 là Haoxhôfơ (K. Haushofer) ở Đức, Mackinđơ (H. J. Mackinder) ở Anh, Xpychmen (Spykman) ở Hoa Kì. Kết hợp với chủ nghĩa chủng tộc, TĐLCT làm cơ sở tư tưởng cho chủ nghĩa phát xít đòi "không gian sinh tồn cho dân tộc Đức" ở Châu Âu, đòi thiết lập "khu vực thịnh vượng chung" lấy đế quốc Nhật làm trung tâm ở Châu Á.
( ST)