Tìm hiểu về cây cau

  • Thread starter Thread starter Khoai
  • Ngày gửi Ngày gửi

Khoai

Điền Chủ 4.0 ^^
Cau (danh pháp khoa học: Areca catechu), còn gọi là tân lang hay binh lang, là một loài cây trong họ Cau (Arecaceae) được trồng nhiều tại khu vực nhiệt đới châu Á và Thái Bình Dương cũng như ở phía đông châu Phi. Nó là loại cây thân gỗ trung bình, cao tới 20 m, với đường kính thân cây có thể tới 20-30 cm. Các lá dài 1,5-2 m, hình lông chim với nhiều lá chét mọc dày dặc.

Areca catechu được trồng vì giá trị kinh tế đáng kể của nó có từ việc thu hoạch quả. Quả cau chứa các ancaloit như arecain và arecolin, khi được nhai thì gây say và có thể hơi gây nghiện. Cau được trồng tại Ấn Độ, Malaysia, Đài Loan, Việt Nam và nhiều nước châu Á khác.
Đảo Penang, ngoài khơi bờ biển phía tây bán đảo Mã Lai, được đặt tên theo từ pinang, tên gọi địa phương của cau.

Cây cau được trồng ở các khu vực ấm áp của châu Á để lấy quả khi còn non có màu xanh ánh vàng, kích thước xấp xỉ cỡ quả trứng gà, có chứa hạt kích thước cỡ hạt của quả cây sồi, hình nón với đáy phẳng và màu bên ngoài có ánh nâu; bên trong lốm đốm như hạt nhục đậu khấu. Quả của nó được bổ (hay cắt) thành các lát mỏng cuộn trong lá trầu không và têm vôi thành miếng trầu. Người dùng nhai trầu rồi bỏ bã. Cau, trầu và vôi làm răng và môi người nhai đỏ thẫm. Vị trầu rất nóng và hăng. Quả cau có vị thơm nồng và hăng và có thể gây say khi lần đầu tiên sử dụng nó. Người Đài Loan là những người buôn bán và ăn trầu cau nổi tiếng thế giới. Hàng năm, họ nhập khẩu rất nhiều cau từ Sumatra, Malacca, Thái Lan, Việt Nam. Mo cau có thể dùng làm quạt. Lá cau khô được dùng làm chổi.

Vị hăng của quả cau

Quả cau chứa một lượng lớn ta nanh (tannin), axít galic, tinh dầu gôm, một lượng nhỏ tinh dầu dễ bay hơi, li nhin (lignin), và một loạt các chất muối. Có 4 ancaloit (alkaloid) đã được tìm thấy trong quả cau - Arecolin, Arecain, Guraxin và một chất chưa rõ tên do số lượng quá ít. Arecolin tương tự như Pilocarpin về mặt tác động lên cơ thể. Arecain là chất hoạt hóa chính trong quả cau.

Sử dụng trong y học

Những thông tin y khoa của Wikipedia Tiếng Việt chỉ mang tính chất tham khảo và không thể thay thế ý kiến chuyên môn. Trước khi sử dụng những thông tin này, đề nghị liên hệ và nhận sự tư vấn của các bác sĩ chuyên môn.

Catechu thông thường được chiết từ quả cau bằng cách luộc chúng cho đến khi cô đặc được, nhưng Catechu tinh khiết sử dụng ở Anh được sản xuất từ Acacia catechu. Hoa cau có mùi thơm ngọt và ở Borneo người ta dùng nó như một loại bùa để chữa bệnh. Tại Ấn Độ, hạt cau được sử dụng để tẩy giun. Tác động của Arecain tương tự như của Muscarin và Pilocarpin khi sử dụng bên ngoài, còn khi sử dụng bên trong cơ thể nó gây ra hiện tượng co đồng tử.

Arecolin Hiđrôbrômua, một muối có giá trị thương phẩm, là một chất kích thích tuyến nước bọt mạnh hơn Pilocarpin và là một chất nhuận tràng mạnh hơn Eserin. Nó được sử dụng để chữa bệnh đau bụng cho ngựa.

Liều dùng

Để tẩy giun, hạt ở dạng bột dùng từ 1-2 thìa trà. Ở dạng chiết xuất thành chất lỏng là khoảng 3,56 ml. Để chữa bệnh cho ngựa, dùng 0,065-0,097 gam arecolin. Đối với người, dùng không quá 0,0043 đến 0,0065 gam.

Các loài khác

Chi Cau có khoảng 50 loài. Ở Malabar, Areca dicksoni mọc hoang dã và những người nghèo dùng nó thay cho cau thực thụ.

Sự tích trầu cau

Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, có truyện Sự tích trầu cau. Câu chuyện này nhân cách hóa nguồn gốc của cây cau, cây trầu không và tảng đá vôi là những thứ được sử dụng để ăn trầu cũng như giải thích tục lệ sử dụng trầu cau trong các đám cưới.

Câu chuyện kể về việc hai anh em Tân và Lang cùng người vợ của Tân. Chỉ vì một sự hiểu lầm rất nhỏ mà cả ba người đã biến thành cau, trầu và tảng đá vôi. Tân biến thành cây cau, Lang biến thành tảng đá và vợ Tân biến thành cây trầu quấn quanh cây cau để minh chứng cho sự trong sáng, tình nghĩa anh em, vợ chồng của họ.

Cho đến ngày nay, trầu cau vẫn là thứ không thể thiếu trong các đám cưới của người Việt.

Vị trí trong văn hóa Việt

Trầu cau là những thứ ngày xưa không thể thiếu trong các dịp xã giao hay lễ hội của người Việt. Tuy rằng ngày nay các phong tục tập quán này mất đi khá nhiều nhưng nó vẫn còn mang ý nghĩa sâu đậm trong văn hóa và văn chương Việt Nam.

Ngoài truyện cổ tích Trầu Cau, sau đây là một số thí dụ tiêu biểu:
Thương nhau cau sáu bổ ba,
Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười.

—Ca dao

Quả cau nho nhỏ,
Cái vỏ vân vân.
Nay anh học gần,
Mai anh học xa
Lấy anh từ thuở mười ba,
Đến năm mười tám thiếp đà năm con.
Ra đường thiếp hãy còn son,
Về nhà thiếp đã năm con cùng chàng.

—Ca dao

Mời Trầu

Quả cau nho nhỏ, miếng trầu ôi,
Này của Xuân Hương đã quệt rồi.
Có phải duyên nhau thì thắm lại,
Đừng xanh như lá bạc như vôi.

—Thơ của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương

Nguồn:Wikiviet
 
Chuyện trầu cau


Người Việt có tục ăn trầu từ rất xưa: ăn trầu để răng chắc, ăn trầu để nhắc nhở mọi người lưu giữ đức tính cao đẹp về lòng thủy chung, gắn bó keo sơn của đạo vợ chồng, đạo anh em (Sự tích trầu cau). Biểu tượng của làng quê Việt Nam bao đời không chỉ có "cây đa, bến nước, mái đình" mà còn có hàng cau tít tắp, dây trầu xanh um bu quanh cây vông hay trên các tường vôi nhà cổ. Trong đám cưới, hội hè, lễ tết, hay các lần hò hẹn của những cuộc hát hò khoan, kẻ gần, người xa, kẻ duyên người nợ... thì bao giờ cũng: Miếng trầu là đầu câu chuyện/ Quệt vôi em, quệt cả lời trăm năm.

Quan niệm người xưa, trầu cau là biểu trưng của sự gắn bó keo sơn, trăm năm bền vững trong tình yêu đôi lứa (miếng trầu nên nghĩa phu thê). Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, bà chúa thơ Nôm đã từng giãi bày:

Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi
Này của Xuân Hương mới quệt rồi
Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá bạc như vôi
(Quả cau)
Trầu cau là lễ vật trọng yếu nhà trai đưa đến nhà gái trong cưới hỏi, tạo nên màu sắc đặc trưng trong phong tục cưới hỏi người Việt. Thi sĩ Nguyễn Bính đã có những câu thơ hay về chuyện trầu cau:
Xóm làng đã đỏ đèn đâu
Chờ em chừng dập miếng trầu em sang
Còn lúc người yêu đi lấy chồng:
Đồn rằng đám cưới cô to
Nhà trai thuê chín chiếc đò đón dâu
Nhà gái ăn chín nghìn cau...
Xin được miễn bàn đến những câu thơ của các thi nhân có tên tuổi. Trở lại với kho tàng văn học dân gian, ta nhận thấy, trong cuộc sống, cha ông ta thường cũng mượn miếng trầu miếng cau để giãi bày nỗi lòng.
Miếng trầu là cái cớ để gặp gỡ, quen biết:
Khi xưa ai biết ai đâu
Chỉ vì miếng thuốc miếng trầu nên quen
Là câu chào hỏi mở đầu cho những cuộc hát hò khoan:
Vô đây bớ bạn vô đây
Trầu cau ta đãi ghế mây bạn ngồi
Và khi đã quen biết nhau, thầm yêu trộm nhớ, tình cờ gặp nhau một lần nào đó trên đường quê đêm trăng sáng, người con gái muốn tỏ nỗi lòng của mình qua việc mời trầu:
Sáng trăng sáng cả đôi bờ
Em đi gánh nước tình cờ gặp anh
Ra vườn bẻ trái cau xanh
Bửa ra tám miếng mời anh ăn trầu
Trầu em trầu thảm trầu sầu
Chính giữa trầu quế hai đầu trầu hương
Đó là nỗi nhớ thương của người con gái với người mình yêu mà không có điều kiện giãi bày. Trong một xã hội mà thân phận người phụ nữ luôn bị thua thiệt nhiều điều bởi những chuẩn mực đạo đức khắt khe, mượn miếng trầu, miếng cau để lý giải theo kiểu "ý tại ngôn ngoại" cũng là lẽ tự nhiên, đằng sau sự thảm sầu ấy là quế, là hương, là ước vọng hạnh phúc. Đã thế, cô gái còn muốn nói đến cái điều hơn thế nữa:
Trầu này ăn thật là say
Dù mặn dù lạt dù cay dù nồng
Dù không nên vợ nên chồng
Ăn năm bảy miếng cho thỏa lòng nhớ mong.
Nói với chàng trai là thế, nhưng cô gái thì vẫn phải dè dặt, nhớ lời mẹ cha dặn dò để khỏi mang tiếng là không nên nết:
Thưa rằng cha mẹ em răn
Làm thân con gái chớ ăn trầu người
Nếu ăn trầu người thì phải:
Ăn trầu phải mở trầu ra
Một là thuốc độc hai là mặn vôi
Đầu nguồn sông Vu Gia có một nhánh sông, gọi là sông Bung. Dọc đôi bờ sông ấy ngày xưa có nhiều rừng trầu; còn về miệt phía Bắc có làng Đại Mỹ là nơi trồng cau. Cau Đại Mỹ trái to, buồng dày, ăn rất giòn. Những lái buôn miền xuôi thường mua cau Đại Mỹ và trầu sông Bung để cung cấp cho các vùng dọc biển:
Trầu nguồn ở tận sông Bung
Chờ cau Đại Mỹ để cùng về xuôi
Ta cũng có thể thầm hiểu sự gắn kết trầu - cau của hai nhánh sông như tình yêu đôi lứa, cần có nhau để nên nghĩa đá vàng.
Và rồi:
Bây giờ nàng lấy chồng đâu
Để anh đi thết trăm cau ngàn vàng
Trăm cau để thết họ hàng
Ngàn vàng để đổi giải oan lời thề...
Khi lời thề được "giải oan", cũng là lúc trọn vẹn niềm hạnh phúc:
Trai thanh cảnh gặp gái thanh cảnh
Như mâm trầu đầy gặp nhánh cau sai
Đó là chuyện của những cặp tình nhân thuận buồm xuôi gió, còn nếu trắc trở lương duyên, thì chuyện lứa đôi vẫn là ước vọng để có khi nào đó:
Anh về cuốc đất trồng cau
Cho em trồng ké dây trầu một bên
Rồi họ chia tay nhau:
Anh về em tiễn miếng trầu
Miếng thương miếng nhớ miếng sầu anh ơi...
Mỗi người ôm miếng nhớ, miếng sầu ấy về cõi riêng của cuộc đời mình, thầm trách cho số phận, cho tình duyên tan vỡ. Rồi từng đêm họ đối diện với sự cô đơn trống trải:
Có trầu có vỏ có vôi
Có chăn có chiếu không người nằm chung.

NGUYỄN HẢI TRIỀU
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top