Tìm hiểu về câu đố

Bút Nghiên

ButNghien.com
CÂU ÐỐ​

I. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ CÂU ĐỐ

1. Khái niệm


Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, câu đố có số lượng khá phong phú. Về mặt hình thức và nội dung, câu đố thể hiện những đặc trưng riêng biệt của một thể loại văn học dân gian. Trong đời sống tinh thần phong phú của nhân dân, câu đố cũng chiếm một vị trí đáng kể.
Câu đố là thể loại văn học dân gian phản ánh sự vật hiện tượng theo lối nói chệch. Khi sáng tạo câu đố, người ta tìm đặc trưng và chức năng của từng vật cá biệt và sau đó phản ánh thông qua sự so sánh, hình tượng hóa.

-Vừa bằng hột lạc, trong nạc ngoài xương.

-Cái vũng trâu đầm, con rắn nằm ngang, lấy sào mà đẩy.

Câu đố được xây dựng nhằm mục đích mô tả, bằng hình tượng hoặc từ ngữ, những dấu hiệu đặc trưng và chức năng của những vật đố cá biệt, cụ thể. Câu đố là một phương tiện để nhận thức và kiểm tra nhận thức về các sự vật hiện tượng của thế giới khách quan. Ðiều này biểu hiện ở hình thức cấu tạo câu đố: Ðố - Giải.

Không phải mọi sự đoán giải đều là câu đố, câu đố là một thể loại văn học dân gian độc lập.

Ðây là những câu hát đố:

Anh đố em:
Cái gì mà thấp ? cái gì mà cao ?
Cái gì sáng tỏ hơn sao trên trời ?
Cái gì em trải anh ngồi ?
Cái gì thơ thẩn ra chơi vườn đào ?
Cái gì mà sắc hơn dao ?
Cái gì phơn phớt lòng đào thì em bảo anh ?
Cái gì trong trắng ngoài xanh ?
Cái gì soi tỏ mặt anh, mặt nàng ?
Cái gì xanh, đỏ, trắng, vàng ?
Cái gì ăn phải dạ càng tương tư ?
Cái gì năm đợi tháng chờ ?
Cái gì em đội phất phơ trên đầu ?
Cái gì sắc hơn dao cau ?
Cái gì tiện chũm cho nhau ăn cùng ?
Một quan là mấy trăm đồng ?
Một mối tơ hồng là mấy trăm dây ?
Một cây là mấy trăm cành ?
Một cành là mấy trăm hoa ?
Em ngồi em giảng cho ra,
Thì anh kết nghĩa giao hòa cùng em.
(Hát trống quân).

-Ðến đây hỏi khách tương phùng.
Chim chi một cánh dạo cùng nước non ?
-Cây chi mà bắc qua sông,
Cây chi mà mọc đàng đông bốn mùa ?
(Hát phường vải).

2. Phân biệt câu đố với tục ngữ, ca dao

Có sự tương đồng về hình thức ngắn gọn, cô đúc, có vần điệu nhịp nhàng.

- Ðời cha ăn mặn, đời con khát nước.

-Vốn xưa nó ở trên non.

Ðem về mà tạc trên tròn dưới vuông.

Có sự khác biệt về chức năng và phương pháp nghệ thuật. Trong cách thức phản ánh của câu đố có những cơ sở giống các ẩn dụ trong các thể loại văn học dân gian khác. Song câu đố xây dựng hình tượng phản ánh dấu hiệu đặc trưng và chức năng của những sự vật, sự việc cụ thể với mục đích kiểm tra, truyền đạt tri thức về thế giới khách quan.

3. Nguồn gốc và quá trình hình thành câu đố

Phương pháp nhận thức và phản ánh nghệ thuật của câu đố là một phương pháp phổ biến ở hầu hết các dân tộc khác nhau trên thế giới. Phương pháp này có mầm mống từ thời kỳ rất cổ. Theo ức đoán, câu đố ra đời từ thời cổ đại liên quan đến lối nói so sánh gián tiếp phổ biến của người thời cổ, hiện tượng chưa có tên của nhiều sự vật phổ biến trong giai đoạn đầu của mọi dân tộc. Việc dùng sự vật này để nói sự vật khác, việc miêu tả đặc điểm sự vật vào một hình thức ngôn ngữ là điều hợp quy luật. Nghệ thuật câu đố có thể đã được nảy sinh từ đó.

4.Phân loại câu đố

Căn cứ hình thức diễn tả, câu đố được chia 2 loại: câu đố chính hiệu và câu đố vay mượn.

-Lá xanh, cành đỏ, hoa vàng,
Là là mặt đất đố chàng cây chi ?

-Vầng trăng vằng vặc giữa trời,
Ðinh ninh hai miệng một lời song song.

Căn cứ đối tượng phản ánh, câu đố được chia 2 loại: loại thuộc tự nhiên, loại thuộc văn hóa.

-Thuở bé em có hai sừng,
Ðến khi nửa chừng mặt đẹp như hoa.
Ngoài hai mươi tuổi sắp già,
Quá ba mươi tuổi mọc ra hai sừng.

-Tám xóm nhóm lại hai phe,
Dựng một cây tre bắc cầu một cột.

II. NỘI DUNG CÂU ĐỐ

1. Chứa đựng tri thức thực tiễn


Ðối tượng phản ánh của câu đố là các sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan, phần lớn có liên quan đến những hoạt động sinh hoạt của người dân.

Trong cách thức mô tả vật đố, câu đố thường nói đến những nét đặc trưng về hình thể sự vật, nêu chức năng, hoạt động, nguồn gốc ... sự vật. Nhiều câu đố xoay quanh những công việc lao động sản xuất, những đồ dùng phục vụ sản xuất và sinh hoạt, những sinh vật, hoa quả quen thuộc, các hiện tượng thiên nhiên gần gũi ... Ngoài ra còn có một số câu đố phản ánh những mặt sinh hoạt văn hóa của nhân dân như vui chơi, học hành.

-Em đây anh đoán giống ai,
Cổ thì dây thắt, mình cài lưng ong.
Anh yêu, anh bế, anh bồng,
Cõng em đi khắp ruộng đồng bờ ao.
Về nhà lơ lửng trên cao.

-Sừng sững mà đứng giữa nhà,
Hễ ai động đến thì òa khóc lên.

-Lòng em có đất, có trời,
Có câu nhân nghĩa, có lời hiếu trung.
Dù khi quân tử có dùng,
Thì em lại ngỏ tấm lòng cho xem.

Ðặc điểm chủ yếu của nội dung câu đố là tính chất hiện thực, cụ thể, trực quan. Câu đố cũng thiên về xu hướng vạch ra những chi tiết, những nét riêng biệt của sự vật, thường không khái quát hóa, không nêu lên những đặc trưng chung của một loạt sự vật, hiện tượng cùng loại.

2 Chứa đựng nội dung và ý nghĩa xã hội

Khi miêu tả thế giới hiện thực xung quanh con người, nhiều câu đố mang thêm ý nghĩa xã hội, mặc dù đó không phải là mục đích của câu đố.

Nhiều câu đố nhắc đến hàng ngũ giai cấp thống trị với thái độ xem thường, diễu cợt, hoặc đề cao người lao động và những công việc, dụng cụ do họ làm ra,, hoặc nói đến một số hiện tượng phản ánh về mối quan hệ giữa con người với nhau, về thực trạng đời sống ở góc độ nhất định.

-Một lũ ăn mày, một lũ quan,
Quanh đi quẩn lại cũng một đàn.
Ðêm thu gió lạnh đèn thì tắt,
Hết cả ăn mày, hết cả quan.

III. PHƯƠNG THỨC NGHỆ THUẬT

1. Phương pháp xây dựng câu đố bằng các hình thức ẩn dụ


Câu đố thường đưa ra những nét tương đồng về hình dạng bên ngoài của các sự vật khác so với vật đố, những dấu hiệu của đối tượng được dấu tên, như những chức năng, công dụng của các đối tượng trong cuộc sống sinh hoạt, những đặc điểm của đối tượng về hình dáng, trạng thái hoạt động, sự chuyển động, bất động, sự xuất hiện, điều kiện sống ... để gợi sự liên tưởng.

-Không sông mà bắc phù kiều,
Không rừng mà có chim kêu trên ngàn.
Không ruột mà lại có gan,
Không thờ mà có song loan để ngồi.

-Mình vàng mà thắt đai vàng,
Một mình dọn dẹp sửa sang trong nhà.

Những ẩn dụ của câu đố được xây dựng trên biện pháp so sánh nhân cách hóa trên cơ sở liên tưởng với tất cả những biểu hiện phong phú của đời sống con người. Lối ẩn dụ của nhiều câu đố có xu hướng làm cho những sự vật, sự việc bình thường trở nên trang trọng.

-Vốn xưa từ đất sinh ra,
Mà ai cũng gọi tôi là con quan.
Dốc lòng việc nước lo toan,
Ðầy vơi phó mặc thế gian ít nhiều.

-Sinh ra con gái má hồng,
Gả đi lấy chồng đất nước người ta.
Ðến khi tuổi tác đã già,
Quê chồng em bỏ, quê cha em tìm.

2. Phương pháp xây dựng câu đố bằng hình thức chơi chữ

Câu đố thường sử dụng từ đồng âm dị nghĩa, đồng nghĩa dị âm, nói lái, chiết tự ...

-Ngay mình chịu tiếng thất trung,
Phố phường không làm bạn, bạn cùng áo nâu.

-Một bầy gà mà bươi trong bếp,
Chết mất ba con, hỏi có mấy con.

-Nửa làm mứt, nửa nấu canh,
Ðến khi mất sắc theo anh học trò.

3. Câu đố sử dụng các thể thơ truyền thống, có vần, nhịp điệu, cô đúc, cân đối nhịp nhàng.

-Áo đơn, áo kép, đứng nép bờ ao.

-Sừng sững mà đứng giữa nhà,
Ai vào không hỏi, ai ra không chào.

4. Câu đố cũng có xu hướng đưa vào yếu tố tục, song yếu tố này ở câu đố không mang nội dung xã hội, thường chỉ có tác dụng tạo sự dí dỏm, gây cười.

(Sưu tầm)
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top