Bút Nghiên
ButNghien.com
- Xu
- 552
Tìm hiểu tư tưởng thiền trong các tác phẩm văn học của Nguyễn Trãi
Nguyễn Trãi sinh năm 1380, mất năm 1442, là người anh hùng dân tộc, văn võ kiêm toàn, người có tài làm hay, làm đẹp cho nước, con người tiêu biểu nhất cho trí tuệ và tinh thần Việt Nam ở thế kỷ XV. Vì những cống hiến to lớn của ông đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và phát triển của văn hoá, năm 1980, nhân kỷ niệm 600 năm sinh của ông, ông đã được UNESCO công nhận là Danh nhân Văn hoá thế giới.
Nhưng cuộc đời Nguyễn Trãi cũng lại là một trong những tấn bi kịch đau đớn nhất của lịch sử Việt Nam. Từ trong bi kịch ấy, chúng ta không bất ngờ khi biết rằng, người anh hùng dân tộc văn võ kiêm toàn lại là một con người có tâm hồn Thiền học.
Đỉnh cao của tấn bi kịch này là vụ án Lệ Chí viên bi thảm diễn ra trong một thời kỳ được xem là “vàng son” của chế độ phong kiến đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới nghiên cứu. Nhiều người đã cố gắng đi tìm lời giải đáp cho nguyên nhân của tấn bi kịch này. Có người cho rằng đó dường như là một thứ “định mệnh”: “Là trí thức, đó là niềm vinh dự và đó cũng là nỗi khổ đau đã theo đuổi Nguyễn Trãi suốt cuộc đời”.
Nhưng từ nội dung các tác phẩm của ông, nhất là Quốc âm thi tập, từ hiện thực lịch sử và từ chính cuộc đời Nguyễn Trãi, chúng ta thấy, tấn bi kịch của người trí thức Nguyễn Trãi có căn nguyên cụ thể của nó. Có người xem đó là kết quả tất yếu của mối “xung đột giữa hai định hướng văn hoá”, một bên “là những đại biểu xuất sắc của các vùng văn vật” (như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo…) “theo định hướng Nho giáo hoá” và một bên là “các đại thần – võ tướng là người Mường, hoặc người Việt nhưng sinh ra và lớn lên ở vùng chưa có truyền thống văn vật lâu đời”. Bởi vì, như giải thích của một nhà nghiên cứu khác, “không có ai, trong đám võ tướng đó, am hiểu công việc quản lý nhà nước nên các công việc hành chánh, ngoại giao, tổ chức triều đình và các lộ mới lấy lại đều giao cả cho ông”, nên Nguyễn Trãi trở thành đối tượng của mọi sự đố kị, ganh ghét, dèm pha, thậm chí hãm hại là điều chúng ta có thể hiểu được.
Nằm trong định hướng đề cao vai trò của văn hoá Nho giáo, có nhà nghiên cứu khẳng định rất quả quyết, đó là “mâu thuẫn giữa các Nho sĩ với toàn thể quan liêu còn lại, kể cả vua”. Tuy nhiên, theo chúng tôi, tấn bi kịch của người trí thức Nguyễn Trãi dường như đụng chạm tới một vấn đề rộng lớn hơn vấn đề của văn hoá Nho giáo, bởi ông không chỉ mâu thuẫn với các đại thần, võ tướng người Mường, hoặc người Việt “kém văn hoá” Nho giáo, mà còn mâu thuẫn với cả những người không thể nói là không am hiểu văn hoá Nho giáo (như Học sĩ Lê Cảnh Xước, hoạn quan Lương Đăng…), hay có thể với cả những “tân sĩ phu” Minh Nho (sau hai mươi năm đô hộ của Trung Hoa), cũng như với những nỗ lực đen tối nhằm “thánh hoá” ngôi vua của chính “đấng chí tôn” và đám triều thần hãnh tiến, cùng cái “thói đời” “được chim bẻ ná, được cá quăng câu” của những kẻ thống trị đâu chỉ một thời này…
Theo chúng tôi, thông qua việc phản ánh mối xung đột với những biểu hiện xấu xa của lòng người và thói đời cụ thể trong tác phẩm, Nguyễn Trãi muốn trình bày bằng nghệ thuật một mối xung đột mới trong thời đại ông, đó là mối xung đột giữa “trí thức” và “phản trí thức”, nảy sinh dưới một vương triều xuất thân ít nhiều “phi trí thức”, được xác lập trên những truyền thống văn hoá ít nhiều “phi trí thức”, trong chủ trương trọng dụng một đội ngũ quý tộc, tướng lĩnh, quan lại ít nhiều “phi trí thức”, và thực hành một đường lối chính trị cũng ít nhiều “phi trí thức” – Tấn bi kịch và mối xung đột này lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử, và lần đầu tiên được thể hiện một cách nghệ thuật trong văn học càng làm cho các tác phẩm của Nguyễn Trãi có thêm những giá trị to lớn trong lịch sử văn học.
Thái độ, tình cảm, tâm trạng của Nguyễn Trãi trong những hoàn cảnh vô cùng khó ngặt của cuộc đời ông lúc bấy giờ được phản ánh một cách khá chân thực trong tập thơ Nôm Quốc âm thi tập. Trước hiện thực của cuộc đời và lòng người đen tối, đầy chông gai và hiểm hóc, Nguyễn Trãi đã bộc lộ rất rõ tâm trạng đau buồn, cô độc và thất vọng của mình. Nhưng như một nghịch lý, thơ Nguyễn Trãi càng buồn bao nhiêu, càng cô đơn bao nhiêu, càng lạnh giá bao nhiêu, càng tuyệt vọng bao nhiêu thì lại như càng hàm chứa bấy nhiêu nỗi khát khao, niềm hy vọng, những ước mơ cháy bỏng về con người và cuộc đời tươi đẹp, nồng thắm, nhân tình. Trong nỗi buồn đau, Nguyễn Trãi xây đắp nên những giấc mơ đẹp cho tâm hồn mình, và vì thế mà nó cũng là giấc mơ đẹp cho tâm hồn con người cả một thời đại.
Nguyễn Trãi thường được nói tới như một nhân vật “dấn thân” tiêu biểu của Nho giáo Việt Nam thế kỷ XV. Nhưng ta cũng thấy, trong bế tắc và tuyệt vọng, Nguyễn Trãi đã từng mơ những giấc mơ lão Trang đắm mình trong cây cỏ, trong hư vô và quên lãng. Ông muốn lấy tiếng suối Côn Sơn xoá đi mọi nỗi ưu phiền, lấy tiếng gió thông Côn Sơn làm đàn cầm đưa mình vào cõi hư vô, lấy phiến đá rêu phong trên núi Côn Sơn nâng giấc mộng hư huyền… Côn Sơn ca là một bài ca buồn khi Nguyễn Trãi để tâm hồn mình phiêu du trong thiên nhiên kỳ thú, trong tiếng gọi trở về:
Côn Sơn hữu tuyền
Kỳ thanh lãnh lãnh nhiên
Ngô dĩ vi cầm huyền
Côn Sơn hữu thạch
Vũ tẩy đài phô bích
Ngô dĩ vi đạm tịch
(Cô Sơn có suối
Tiếng nước chảy rì rầm
Ta lấy làm đàn cầm.
Côn Sơn có đá
Mưa tẩy rêu xanh biếc
Ta lấy làm chiếu sạch…)
Nhưng nỗi buồn đau của ông vẫn không hề nguôi ngoai. Trong những kiếm tìm gần như vô vọng một sự “giải thoát” cho tâm hồn đau khổ, ta thấy Nguyễn Trãi đã có khi đến với nhà Phật. Ông muốn một sự yên tĩnh thật sự. Trong một lần đối diện với cảnh giới Thiền của chùa Đông Sơn, nghe tiếng chim kêu trên mái chùa, Nguyễn Trãi bất giác giật mình thức tỉnh. Và ông chợt thấy mình đã lỡ một lời ước hẹn. Mấy mươi năm đi qua như một giấc chiêm bao. Những lời nguyện ước khi xưa của ông đã bị quên lãng. Điều nguyện ước của ông là gì vẫn sẽ mãi là bí ẩn đối với chúng ta. Nhưng sự bừng tỉnh của ông khiến cho người ta nghĩ về một sự ngộ giải. Lời thơ như là một sự bừng giác ngộ, một sự trở về, lại như một niềm nuối tiếc:
Quân thân nhất niệm cửu oanh hoài,
Giản quý lâm tàm túc nguyệt quai.
Tam thập dư niên trần cảnh mộng,
Sổ thanh đề điểu hoán sơ hồi.
Dịch thơ:
Quân thân vương vấn trong lòng,
Suối rừng hổ thẹn vì không giữ nguyền,
Cõi trần trải mấy mươi niên,
Tiếng chim gọi những lãng quên thủa nào.
(Đề Đông sơn tự)
Trong những năm cuối đời, Nguyễn Trãi không chỉ vui với cảnh sống ẩn dật mà còn có quan hệ gắn bó thân thiết với các nhà sư. Bên cạnh “núi láng giềng, chim bầu bạn; mây khách khứa, nguyệt anh tam”, “mây quen nguyệt khách vô tình”, “ta cùng bóng liễn nguyệt ba người”… còn có những ngôi chùa cổ, những vị sư già. Con người đã từng một thời cùng Lê Lợi tung hoành nơi chiến trận, đã từng là người “viết thư thảo hịch tài giỏi hơn hết một thời”, nay tìm niềm vui và sự an ủi nơi cửa Thiền. Chốn Thiền môn bỗng trở thành một nguồn cảm hứng mới trong thơ ông, đem đến cho thơ ông một nét mới về tư tưởng và nghệ thuật. Trong bài thơ Du Nam hoa tự (Chơi chùa Nam Hoa), Nguyễn Trãi từng tỏ ra hết sức hứng thú về phép huyền diệu của Phật pháp.
Trong cái thế giới vô tình và tàn nhẫn mà ông đang nếm trải, trong cái hiện thực đắng cay đang bủa vây xung quanh, ông đã tìm thấy sự huyền diệu của thế giới không hư. Và đây chính là một nguồn cảm hứng mới mẻ và trong trẻo hiếm hoi trong tâm hồn ông trong hoàn cảnh “khó ngặt qua ngày xin sống”. Trước một tương lai mờ mịt và vô định như con thuyền cuộc đời không chốn neo đậu:
Thuyền mọn còn chèo chẳng khứng đỗ, Trời ban tối ước về đâu?
(Thơ Nôm số 14)
Ông đã tìm thấy những điều kỳ diệu dưới một mái chùa. Và ông làm thơ ca ngợi mái chùa đó. Phải đặt bài thơ này trong toàn bộ sáng tác của ông mới thấy hết giá trị của nó, mới thấy được tâm trạng và tư tưởng của ông. Trong cái không khí khá ảm đạm và tiêu điều của cuộc đời ông, bỗng vút cao lên những âm thanh trong trẻo và tươi tắn về một mái chùa và những điều huyền diệu của Phật pháp. Ta như thấy một sức sống mới, một niềm tin mới, một sự hồi sinh của tâm hồn đang tan nát:
Thần tích phi lai kỷ bách xuân,
Bảo lâm hương toả kế tiền nhân.
Hàng long, phục hổ, cơ hà diệu,
Vô thụ, phi đài ngữ nhược tân.
Điện trắc khởi lâu tàng Phật bát,
Khám chung di tích thuế chân thân,
Môn thiền nhất phái Tào Khê thuỷ,
Tốt tận nhân gian kiếp kiếp trần.
Dịch thơ:
Gậy thần bay đến mấy trăm niên,
Hương hoả Bảo Lâm giữ trọn nguyền.
Phục cọp hàng rồng sao phép diệu,
Chẳng đài chẳng thụ vẫn lòng truyền.
Nơi tàng bát Phật lầu bên ấy,
Dấu lột xác phàm tháp giữ nguyên.
Trước cửa Tào Khê dòng nước chảy,
Lâng lâng gột sạch mọi trần duyên.
(Đào Duy Anh dịch)
Bài thơ như một khúc nhạc vui giữa cuộc đời buồn tủi của ông.
Và những người bạn tri kỷ của ông trong những năm tháng khó khăn và cô quạnh này, không phải là những người ông đã từng kề vai sát cánh trong kháng chiến, cũng không phải những người đã từng cùng ông chia sẻ nỗi ấm lạnh ở chốn quan trường, mà lại là một vị sư già nơi non thẳm. Nguyễn Trãi có nói về quan hệ gắn bó hơn 10 năm giữa ông với Thiền sư Đạo Khiêm.
Chắc chắn đây là một mối quan hệ sâu sắc. Thiền sư Đạo Khiêm là một trong số bạn bè ít ỏi cùng sẻ chia với ông những lẽ đời cũng như lẽ đạo. Trong bài thơ Tống tăng Đạo khiêm quy sơn (Tiễn Thiền sư Đạo Khiêm về núi), Nguyễn Trãi đã bày tỏ những tình cảm hết sức chân thành và quyến luyến đối với vị sư này. Chính người bạn tâm giao này đã giúp Nguyễn Trãi giác ngộ lẽ đạo. Thậm chí, ông xem mình cũng là một người đồng đạo, cùng tu thượng thừa với Đạo Khiêm. Và một lần nữa, phải đặt bài thơ này trong bối cảnh cuộc đời ông, giữa bao nhiêu là thói đời ấm lạnh, nhân tình thế thái đen bạc:
Bể hiểm nhân gian ai kẻ biết,
Ghê thay thế nước vị qua mềm.
(Thơ Nôm số 115)
Ai thấy rằng cười là thế thái,
Ghê thế biến bạc làm đen.
(Thơ Nôm số 124)
Chúng ta mới thấy hết được ý nghĩa của nó. Trong cái thế giới lạnh lẽo giá băng ấy, bài thơ như một vầng lửa sưởi ấm tâm hồn Nguyễn Trãi. Chúng ta cảm thấy bớt lo lắng hơn, bớt đau xót hơn về thân kiếp của người anh hùng. Trong cái xã hội con người đầy vô tình ấy, nhà Phật lại là cả một thế giới “hữu tình”. Vì vậy mà lời thơ Tiễn Thiền sư Đạo Khiêm về núi của ông vô cùng trong trẻo và ấm áp:
Ký tằng giảng học thập dư niên,
Kim hựu tương phùng nhất dạ niên.
Thả hỉ mộng trung phao tục sự,
Cách tầm thạch thượng toại Thiền duyên.
Minh triêu Linh Phố hoàn phi tích,
Hà nhật Côn Sơn cộng thính tuyền.
Lão khứ cuồng ngôn hưu quái ngã,
Lâm kỳ ngã diệc thương thừa Thiền.
Dịch thơ:
Nhớ từng giảng học mười năm,
Gặp nhau đây hãy cùng nằm một đêm.
Trong mơ trần luỵ chẳng phiền,
Lại tìm trên đá luận bàn duyên xưa.
Ngày mai Linh Phố vân du,
Côn Sơn nghe suối bao giờ cùng nhau?
Già ngông còn lạ chi đâu,
Rẽ đường ta cũng đi tu thượng thừa.
(Phan Võ, Đào Phương Bình dịch)
Những bài thơ mang cảm hứng Thiền của Nguyễn Trãi tuy rất ít ỏi, nhưng chúng đã soi rọi khá sáng tỏ một góc sâu thẳm tâm hồn Nguyễn Trãi mà bấy lâu nay chúng ta chưa để ý đến. Giữa một thế giới đầy đau buồn, cô đơn, giá lạnh và tăm tối, những vần thơ mang cảm hứng Thiền đã đem đến ít nhiều niềm vui, sự giao cảm và hơi ấm tình người. Mới hay, tinh thần Thiền học vẫn là một cứu cánh, một bè mảng đưa con người vượt qua những năm tháng khó ngặt của cuộc đời. Nguyễn Trãi không mong cầu một bến bờ yên vui nơi cửa Phật. Nhưng cửa Phật ít nhiều đem lại yên vui cho tâm hồn đa đoan của ông trong những tháng ngày đau khổ.
(PGS.TS Nguyễn Phạm Hùng-Tạp San Nghiên Cứu Phật Học)