• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Tìm hiểu thêm về Truyện ngắn

thu hoang

Moderator
Xu
0
TÌM HIỂU THÊM VỀ TRUYỆN NGẮN

Trước hết, ở Tây phương, truyện-ngắn là một thể loại văn chương xuất hiện từ thế kỷ XIII và đến khi Nouvelles exemplaires của Miguel del Cervantes xuất hiện năm 1613, đã trở thành một thể loại chính bên cạnh tiểu thuyết, kịch nghệ và thi ca.


Một nửa tập truyện này, Cervantes dựng nên những nhân vật của đời sống hàng ngày và xã hội của họ. Một thể loại hợp thể, đa hình, một thể loại đại chúng với những đề tài của thời đại và của đời sống của chính tác giả, những chuyện thật, có thể thật; hoặc tác giả có thể điềm đạm đứng ngoài câu chuyện như một người quan sát thay vì chỉ là người mô phỏng, uốn ép. Thời giai cấp trưởng giả Âu châu cũng như Trung Hoa làm chủ lấy định mệnh, thể truyện ngắn đến, với những nhân vật thông minh, mánh lới, có thể chống trả định mệnh.


Về phía người đọc, họ đến với truyện ngắn với ý đọc một mạch, một lần. Về cấu trúc, truyện ngắn ngắn về chiều dài câu chuyện, kiệm ước chi tiết và thời gian, ít nhân vật, tâm lý nhân vật sơ sài hoặc chỉ đậm nét với tâm điểm của câu chuyện, nhưng đầy cường độ, chính xác và thống nhất hành động. Truyện ngắn như một mảnh đời, một xuất hiện hay một qua đường, một du khách ghé chơi, một chứng nhân, một kẻ tò mò quan sát, một họa sĩ vẽ nhanh, cũng có thể là một khẩn cấp, một đau đớn hoặc một thiếu thốn, trong khi với tiểu thuyết hay truyện dài, tác giả phải nhảy xuống sông, phải theo dòng nước, phải dài hơi.



Thành công của một truyện ngắn là cái hiệu lực trong toàn diện, tác dụng đậm đà, sâu đậm, dễ gây cảm hứng nơi người đọc, và một cái nhìn trực diện, toàn diện. Khi dấu chấm cuối cùng đặt xuống thì tác giả đã thành công đưa người đọc đến cái vô-ngôn, cái không thể tả, đến sự bất khả thể khó khăn là nối dây liên hệ với cuộc đời thường là cái luôn ở ngoài ở xa văn chương.


Ở Việt Nam ta, hành trình thể loại truyện ngắn kéo dài cả nghìn năm, khởi đầu với những truyện truyền kỳ như Truyền-Kỳ Mạn-Lục, Việt Điện U Linh Tập là những chuyện cổ tích, huyền thoại có tác giả đứng tên viết lại thay vì truyền tụng, vô danh. Ở mỗi giai đoạn, truyện ngắn thay đổi theo môi trường xã hội, thời thế, tâm tình con người thời đại đó. Đầu thế kỷ XX, truyện ngắn của Nam-Phong tạp-chí có tính cách kể lại, giảng dạy như những chuyện luân lý, đó là lúc xã hội Việt Nam xáo trộn vì phải dung hợp đông-tây. Truyện của các tác giả thuộc Tự Lực văn-đoàn và Nguyễn Công Hoan, v.v. một số có chủ ý luận đề, một số tả cảnh đời nho nhỏ, một số tả tâm trạng, thoáng nghĩ; thời người dân bị trị chấp nhận ngưng chống kháng bằng võ lực, sau những thất bại của Duy tân, Đông du, tìm kiếm phương thức văn hóa để canh tân đất nước. Thời này và cả thời kháng chiến sau đó, "cốt truyện" đóng vai chủ yếu. truyện ngắn là viết về một chuyện gì, một vấn đề gì, với mô hình cổ điển, lãng mạn, hiện thực, kiểu Trung-Hoa, Pháp, Nga hoặc Đông Âu, ...



Với văn nghệ cộng sản, truyện ngắn khi hiện thực chiến tranh và cách mạng vẫn đưa ra những vấn đề lịch sử và dân tộc, vẫn luận đề. nhân vật quan trọng không kém cốt truyện, thuộc giai cấp nào,... Kết cấu chặt chẽ theo "sử thi" dựa trên mâu thuẫn nhị nguyên địch-ta, tốt-xấu, cộng sản-tư bản, "nhân dân-phản dân tộc",...


Sau 1975, choáng ngợp vì chiến thắng và thống nhất, dần dà con người khám phá cái thuần lý và giả tạo của truyện ngắn thời 1946-1975, sau những tiếp thu cấm đoán bằng bạo lực mà con người phải uốn mình ứng xử, dần dà các nhà văn khám phá đời sống thật của miền Nam cởi mở, đa dạng, rất văn hóa rất văn chương, có độc đáo, có những tác giả và tác phẩm đáng đọc; rồi dần dà tâm tình con người thay đổi, hận thù cũng phải thay đổi định nghĩa. Con người bất mãn, hững hờ với dòng "minh họa, sử thi". Nhà văn và người đọc đang phải đối phó với những phức tạp của đời sống, tác phẩm bén nhạy sẽ được đón chào. Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Quang Thiều, Lê Minh Khuê, Tạ Duy Anh, ... làm mới thể loại truyện ngắn "xã hội hiện thực"; nay tâm tình con người được chăm chú hơn, cả nội tâm, có hổ tương ngoại vật-tâm hồn; con người cũng phong phú ra, ngay từ ngôn ngữ đa dạng, đối thoại nhiều và sống động hơn, độc thoại cũng được khai thác ! truyện ngắn có thể "không có gì", không cả truyện, có thể nổi loạn tâm hồn như con người thời đại. Kết truyện bất thường, vấn đề không hẳn phải giải quyết, có thể có nhiều màn kết như Vàng Lửa của Nguyễn Huy Thiệp. Cuối thế kỷ còn là thời của thể loại truyện thật ngắn và truyện dị thường, thời gian bị xáo trộn, xưa nay trước sau; hình thức ngắn hơn nhưng có khi dư vang, âm hưởng không ngắn!



Về đề tài, truyện ngắn đa dạng nhất trong các thể loại văn chương : trinh thám, giả tưởng, thần tiên, kinh hoàng, tả chân, siêu thực, tâm tình, đoán mộng, dự tưởng, nhưng nói chung truyện ngắn đặt vấn đề, nghi vấn với người đọc, khiến người đọc nhập cuộc. Truyện ngắn ngày nay không những chỉ liên kết những mảnh vụn của thực tại hoặc những kinh nghiệm sâu xa, truyện ngắn còn đi tìm ý nghĩa cuộc đời và những giá trị tiềm tàng.
Nhưng thế nào là một truyện ngắn? Nhà văn Thảo Trường cho rằng "Kỹ thuật viết một truyện ngắn thường phải xúc tích ngắn gọn, các tình tiết cần phải được gạn lọc, lựa chọn lấy những gì là điển hình nhất để đưa vào xử dụng mà thôi. Khi hành văn thì càng ngắn càng tốt. Với truyện dài có hơi khác vì một đề tài mình muốn viết thành truyện dài là do vấn đề mình muốn nói trong đó cần phải có một cốt truyện dàn trải ra với những tình tiết diễn tiến để dẫn tới điều mà mình muốn tác phẩm ấy phải đạt tới..."(1).



Các tác giả có tác phẩm đăng trong tuyển tập Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta của nhà xuất bản Sóng phát biểu ý kiến về truyện ngắn, xin ghi nhận vài nhận xét: "truyện ngắn là truyện không thể nào viết dài" (Thanh Tâm Tuyền); "Truyện ngắn thường là một chi tiết đủ nghĩa của một đề tài thu hẹp. Với khuôn khổ khó khăn của kỹ thuật nhưng tự nó không là một thể văn gò bó. Một truyện ngắn không bao giờ là một trích đoạn của một truyện dài thành công.. "(Dương Nghiễm Mậu); "Vấn đề quan trọng trong truyện ngắn vẫn là vấn đề kỹ thuật. Kỹ thuật truyện ngắn luôn thúc đẩy người viết đặt chính truyện ngắn tức là đặt vấn đề xử dụng chữ nghĩa thành vấn đề. Truyện ngắn thể hiện một sự tìm kiếm mãi mãi như thế"( Huỳnh Phan Anh), v.v.(2).


Như đã trình bày ở trên, truyện ngắn xuất phát từ thần thoại, trong khi truyện dài phát sinh từ truyện kể (récit, histoire) hoặc du ký và kỹ thuật phức tạp hơn, gây dấu ấn lâu hơn nơi người đọc; truyện ngắn có thể đơn giản hơn nhưng phải gây bất ngờ, kỳ thú. Thời tiền chiến ta đã có những tuyệt tác: Sợi Tóc, Dưới Bóng Hoàng Lan của Thạch Lam, Những Chiếc Ấm Đất của Nguyễn Tuân, Chí Phèo của Nam Cao. Thời miền Nam 54-75, truyện hay có Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều của Doãn Quốc Sỹ, Hoa Thiên Lý, Con Sáo Của Em Tôi của Duyên Anh, Rừng Mắm của Bình Nguyên Lộc, Cái Vòng của Doãn Dân, v.v. Phía văn học "hiện thực xã hội chủ-nghĩa" có Bức Tranh Em Gái Tôi của Tạ Duy Anh, Bức Tranh của Nguyễn Minh Châu,...
(Sưu tầm)
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top