• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Tìm hiểu thêm về sa mạc

Tongthieugia

New member
Xu
0
a. Khái niệm:

Sa mạc hóa hay hoang mạc hóa là hiện tượng suy thoái đất đai ở những vùng khô cằn, gây ra bởi sinh hoạt con người và biến đổi khí hậu. Khuynh hướng sa mạc hóa gần đây đã tăng nhanh trên toàn thế giới phần vì áp lực dân số và nhu cầu trồng trọt và chăn nuôi.

Ảnh hưởng lớn nhất của nạn sa mạc hóa là nét đa dạng sinh thái bị suy giảm và năng suất đất đai cũng kém đi.

b. Nguyên nhân


Trong các nguyên nhân gây ra nạn sa mạc hóa, phần lớn là do tác động của con người từ khoảng 10.000 năm nay (Thế Holocen). Việc lạm dụng đất đai trong các ngành chăn nuôi gia súc, canh tác ruộng đất, phá rừng, đốt đồng, trữ nước, khai giếng, tăng lượng thổ diêm (soil salinity) và biến đổi khí hậu toàn cầu đã góp sức làm sa mạc hóa nhiều vùng trên trái đất.

Đất sa mạc thường có biên giới rõ rệt với miền kế cận nhưng cũng có khi vùng sa mạc tiếp giáp một vùng chuyển tiếp rồi mới đến vùng đất ẩm nên miền ven sa mạc khó ấn định hơn.

Vùng chuyển tiếp ở ven sa mạc này thường có hệ sinh thái mong manh. Đây cũng là nơi có nhiều tiểu khí hậu. Thí dụ như: cồn cát cao có thể che khuất gió cho một thửa đất trũng, và từ đó tạo điều kiện cho cây cỏ mọc xen vào. Đến khi có mưa thì vùng có thảo mộc sẽ có nhiệt độ mát hơn.

Hệ sinh thái ở vùng ven rất dễ bị giao động bởi sinh hoạt con người như trong trường hợp chăn nuôi. Móng guốc của loài mục súc thường nện chặt các tầng đất, làm giảm lượng nước thấm xuống các mạch nước ngầm.

Những lớp đất trên thì chóng khô, dễ bị gió mưa soi mòn. Con người còn gây nên nạn đốn cây lấy củi cùng động tác của các loài gia súc gặm cỏ làm hư lớp rễ thảo mộc vốn quyện lớp đất xuống. Đất vì đó dễ tơi lên, chóng bị khô và biến thành bụi.

Hiện tượng này diễn ra ở những vùng ven sa mạc khi con người chuyển từ lối sống du mục sang lối sống ngụ canh.

Các cồn cát sa mạc cũng có thể di chuyển góp phần vào hiện tượng sa mạc hóa. Gió là động lực chính đẩy các cồn cát. Những hạt cát có thể lăn trên mặt đất hoặc tung lên trên không rồi rơi xuống. Chính động tác tung lên sẽ làm giao động thêm, khuếch đại lượng cát bị xô đẩy.

Kết quả là lũ cát khi cả một cồn cát trườn vào. Khi có gió mạnh làm bão cát thì lũ cát có thể làm cồn cát tiến lên hàng chục mét tương tự như hiện tượng tuyết truồi (avalanche).

Lũ cát còn có thể xảy ra khi cát dồn lên đến đỉnh cồn sẽ trượt xuồng triền dốc bên kia, làm cồn cát tiến lên.

Hạn hán có khi bị ngộ nhận là nguyên do của tiến trình sa mạc hóa. Hạn hán phải nói là góp phần trong tiến trình đó nhưng nguyên do chính là do áp lực sinh hoạt con người trên môi trường thiên nhiên.

Theo địa chất học thì trước thời kỳ văn minh nhân loại, không có bằng chứng khoa học nào để nói rằng diện tích sa mạc đang lan rộng thêm. Chỉ sau khi con người thay đổi môi sinh ta mới thấy hiện tượng sa mạc hóa.

Hạn hán là biến chuyển thường xuyên xảy ra ở những vùng khô cằn nhưng khi đã có mưa thì môi sinh bình phục nhanh chóng. Chính là nạn lạm dụng đất đai làm suy thoái chất đất như trong trường hợp chăn nuôi mục súc quá tải và nạn nhân mãn đã tăng cường tốc độ sa mạc hóa ở vùng ven sa mạc.

Dân du mục khi muốn thoát vùng sa mạc khô cằn thường đưa đàn mục súc đến vùng ven để sinh sống nhưng chính động tác đó đã làm sa mạc thêm rộng lớn và họ đã vô tình mang cái khô cằn của sa mạc theo với họ.

Vùng khô cằn cũng có thể canh tác được nhưng khi áp lực của con người làm hư hại lượng thảo mộc thiên nhiên thì đất khô dễ bị gió biến thành bụi. Thiếu bóng rợp, nước trong lòng đất mau bốc hơi, lưu lại chất muối làm tăng độ thổ diêm (soil salinity). Quá trình này làm đất thêm cằn cỗi, cây cỏ không mọc được và tốc độ suy thoái càng nhanh khi khí hậu trong vùng bị biến đổi với lượng mưa càng ít đi.

c. Hậu quả

Bị sa mạc "xua đuổi", hàng triệu người trên hành tinh đã phải rời bỏ nhà cửa nơi chôn nhau cắt rốn tới sống đâu đó gần các nguồn nước. Khắp nơi đang diễn ra thảm cảnh tương tự: từ Sahel ở châu Phi tới vùng đông bắcBrazil; từ các khu vực khô hạn tại Peru và Chile đến bang Rajasthan ở Ấn Độ...

Sự bành trướng của sa mạc đang gặm nhấm dần trái đất, hay như lời tiên đoán của nhà văn Pháp René Daumal (1908-1944), thì đó chính là: "Thảm trạng lớn trong thế kỷ XXI!".

Những luồng gió khô và nóng từ Sahara thổi thấu tới tận cực nam châu Phi. Sự sa mạc hóa gần đây ở Sahel cho thấy rõ sức bành trướng của sa mạc Sahara. Làm sao để chặn đứng tiến trình này lại được - mỗi năm "biển cát" lại lấn thêm 10km tại các vùng cận nhiệt đới trên cả 5 châu lục của hành tinh?

Và làm sao để chặn đứng làn sóng dân tị nạn - những người chạy trốn khỏi bệnh tật và đói kém do sa mạc mang lại? Rất nhiều các hội nghị quốc tế trong vòng 2 thập niên qua đã đưa ra các lời khuyên cùng nhiều giải pháp. Nhưng để giải quyết tận gốc rễ vấn đề "sa mạc hóa" thật không đơn giản và tình hình thực tế cứ ngày một tồi tệ hơn.

Một phần ba diện tích mặt đất là sa mạc.Nhưng những giới hạn lịch sử về địa chất luôn bị phá vỡ, sa mạc cứ dần "lấn lướt" các diện tích đất canh tác còn lại của địa cầu. Tiến sĩ Harold Dreen, chuyên gia nổi tiếng về hiện tượng "sa mạc hóa" của Đại học Tổng hợp tiểu bang Texas (Mỹ), nói: "Hàng ngàn năm trước, ngay cả các vùng cao thuộc Sahara cũng phủ dày cây cối xanh tươi.

Các tranh vẽ trên vách đá vẫn còn mục kích được là những bằng chứng cho thấy: vào khoảng 3000 năm trước Công nguyên đã từng có một nền văn minh phồn thịnh nơi đây.

Sau đó, quá trình sa mạc hóa lan khắp vùng Bắc Phi, khiến những "vựa lúa dồi dào" của Đế chế La Mã biến mất theo. Còn vào khoảng 2000 năm trước, xứ Tunisia đã mất đứt một nửa đất canh tác của mình. Tiến trình này vẫn đang tiếp tục và mỗi khi có điều kiện như khí hậu thay đổi do trái đất nóng dần lên chẳng hạn - sa mạc lại càng bành trướng mạnh hơn!".

Vào năm 1968, đột nhiên "mọc" lên một sa mạc mới - Sahel - vùng đất trải dài giữa hai nước Senegal và Somalia. Tai họa này là nguyên nhân gây ra cái chết của 250 nghìn người và hơn 1 triệu đầu gia súc từng là sức kéo chủ yếu cho nhà nông - sau một thời kỳ dài không có mưa, đất đai nứt nẻ và "biển cát" lan tới.

Lượng mưa sau năm 1974 trở lại bình thường được vài năm, tới năm 1978 lại giảm dần và dẫn tới thảm kịch mới, đe dọa trực tiếp cuộc sống của cả 200 triệu con người. Trong thời kỳ này, sa mạc cũng bành trướng ở những phần đất khác trên thế giới, nhất là tại vùng đông bắc Brazil khiến 3 triệu người phải di cư và hàng chục ngàn người khác chết đói. Rồi phía bắc Ấn Độ, Chile và châu Úc...

Nhiều vùng phía tây của nước Mỹ bây giờ cũng có nguy cơ bị sa mạc hóa - nơi vốn được coi là có hệ thống tưới nước bảo đảm nhất. "Hàng năm - ông Bradford Morz, nguyên Tổng điều hành Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP), nói - sự sa mạc hóa làm thế giới thiệt hại 30 tỉ USD.

Theo đánh giá của chúng tôi, cần phải mất tới 4 thập niên với khoản kinh phí cả trăm tỉ USD để giành lại những miền đất bị sa mạc lấn từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước trở lại đây".
Nhưng đó là mới chỉ nói về đất đai, còn phải có những nguồn tài chính lớn hơn để cứu hàng chục triệu người tị nạn khỏi bị chết đói, dựng nhà cửa mới cho họ - Những thử nghiệm bất thành trong lĩnh vực này là một trong những nguyên nhân khiến nhiều quốc gia kém phát triển lâm vào cảnh nợ nần, không thể trả nổi những khoản vay tín dụng khổng lồ kéo dài từ nhiều thập niên nay.


Ví như tại Nouakchott, thủ đô xứ Mauritania thuộc châu Phi đã bị sa mạc "bủa vây", mùa mưa gần đây nhất kéo dài đúng... 10 phút. Tình hình thật đáng báo động. Thành phố Nouakchott trước đây chỉ có 12 nghìn dân, bây giờ là 20 vạn và đa phần họ đều suy dinh dưỡng. Ngoài những nguyên nhân do khí hậu và hạn hán ra, sự sa mạc hóa cũng là hệ quả trực tiếp do sức tàn phá của con người.

Như ở các làng mạc ven sườn nam Sahara, sự triệt hạ cây xanh còn lớn gấp bội phần do khô hạn làm cây chết. Giống như tại các nước đang phát triển khác, hơn 90% dân trong vùng lấy gỗ làm củi đun. Sự bùng nổ dân số cũng là một nguyên nhân nữa kích thích sự sa mạc hóa.

Những sai lầm kỹ thuật cũng "giúp" cho sự bành trướng của sa mạc. Như ở thung lũng Imperial (tiểu bang California, Hoa Kỳ), do sơ suất khi thiết kế một hệ thống thủy lợi, đã làm nhiễm mặn hàng ngàn mẫu Anh đất canh tác.

Các biện pháp ngăn chặn thường đòi hỏi khoảng thời gian dài, với nguồn kinh phí quá sức chịu đựng đối với nhiều nước, chưa kể nhiều dự án còn mang tính chất viển vông phi thực tế nữa. Như tại Ai Cập, hàng nghìn đàn ông cường tráng được huy động dọn cát phủ trên mặt các quốc lộ, nhưng chỉ sau 10 ngày thì... đâu lại vào đấy.

Người ta phải làm lại đường mới lấn qua đất nông nghiệp, chịu "nhường bước" trước sa mạc và cứ vậy cho đến... hết! Hay ở Algeria từng thực thi một chương trình của chính phủ có sự tài trợ từ các tổ chức quốc tế, hàng chục ngàn thanh niên lao động trồng cây chắn cát. Kết quả đem lại thật khả quan.

Nhưng để trồng đủ cây "rào" Sahara lại, đòi hỏi sức lao động khổng lồ của hàng triệu người trong nhiều năm ròng. Riêng tại châu Úc, ven rìa sa mạc trung tâm người ta trồng sồi sa mạc - một loài cây được tạo giống trong phòng thí nghiệm với sự trợ giúp của máy điện toán, có sức chịu đựng cao và vẫn phát triển tốt ngay cả trong điều kiện khắc nghiệt nhất

d. Giải pháp

Vì nguy cơ thiệt hại đến hệ sinh thái, nhiều quốc gia có biện pháp chống sa mạc hóa như Kế hoạch Hành động Bảo tồn Đa dạng Sinh thái (Biodiversity Action Plans). Các biện pháp ứng dụng thường nhắm vào giảm thiểu tốc độ sa mạc hóa và tái tạo đất màu nhưng động cơ nguyên thủy như chăn nuôi và canh tác đất quá lạm vẫn chưa khắc phục được.

Các thảo mộc thuộc Họ Đậu vì có khả năng rút đạm khí từ không khí rồi châm xuống đất nên thường được trồng để cải tạo địa chất. Những biện pháp khác phải kể việc xếp đá quanh gốc cây để tụ sương và giữ độ ẩm, hay cào luống nhỏ để tích hột cây cỏ khỏi bị gió thổi và hoãn nước mưa không tháo quá nhanh. Vùng Sahel ở Phi châu áp dụng cách trồng cây xanh cản gió để giảm thiểu khả năng đất bị bốc bụi và nước bốc hơi.

Với nhu cầu dùng củi làm nhiên liệu ở các nước đang phát triển khá cao, vấn đề dân chúng đốn cây để lấy củi là một động lực gia tăng nạn sa mạc hóa. Một biện pháp là phổ biến loại lò bếp dùng năng lượng mặt trời để nấu nướng hoặc những loại lò bếp củi có hiệu suất cao (high efficiency).

Có địa phương cho đặt rào chắn cát để cản sức gió đồng thời trồng các loài thảo mộc cho đất khỏi bị soi mòn. Bụi cây xanh trồng ở chân đụn cát có khả năng ổn định vị trí của đụn và giảm lượng cát bị gió di chuyển.

e. Liên hệ việt nam

Trong 9 triệu ha đất hoang hóa ở VN (chiếm 28% diện tích cả nước) có 4,3 triệu ha đã và đang bị thoái hóa, sa mạc hóa, ảnh hưởng đến đời sống của trên 20 triệu dân.

Con số trên được đưa ra tại hội nghị triển khai chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hóa do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hôm nay.

Theo Bộ Nông nghiệp, trong 4,3 triệu ha đang chịu tác động sa mạc hoá của Việt Nam thì có tới gần 90% là đất trống, đồi trọc bị thoái hoá mạnh, đất bị đá ong hoá do hậu quả của nạn phá rừng và sử dụng đất không hợp lý. Số diện tích này tập trung tại 4 vùng: duyên hải Miền Trung, Tây Bắc, Tứ giác Long Xuyên và Tây Nguyên.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thống nhất nhóm giải pháp chống sa mạc hóa gồm: trồng rừng phòng hộ, phát triển hệ thống thủy lợi cải tạo đất cát, đất phèn, đất nhiễm mặn, xây dựng các tuyến đê chống cát bay, cảnh báo sớm để hạn chế ảnh hưởng của hạn hán...

Hiện tỉnh Quảng Trị đã áp dụng khá thành công mô hình này để cải tạo 30.000 ha đất cát bằng cách: trồng 8.000 ha rừng, cải tạo 5.000 ha đất cát thành đất nông nghiệp, xây dựng 19 làng sinh thái, đào đắp hàng chục km kênh mương dẫn nước cải tạo vùng cát…

Về nguồn kinh phí, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hứa Đức Nhị cho biết, VN sẽ triển khai các dự án liên quan đến chống sa mạc hóa với tổng kinh phí 192 triệu USD. Các nhà tài trợ cũng đã phê duyệt 3 dự án quản lý bền vững lâm nghiệp, cải tạo thí điểm đất sa mạc hóa với tổng vốn trên 8,2 triệu USD.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng kế hoạch phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007-2015 với tổng vốn đầu tư 40.000 tỷ đồng, cùng với trên 14.600 tỷ đồng dành cho dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (ngân sách nhà nước là 4.515 tỷ đồng).

ST: Tong Chien
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top