Tìm hiểu đoạn trích Rama buộc tội

Bút Nghiên

ButNghien.com
Rama buộc tội


I.Một vài nét về sử thi Ấn Độ

* - Thần thoại Vêđa tiếp theo là sử thi tạo nên nền tảng vĩ đại của nền văn học cổ đại Ấn Độ hình thành hơn 1.000 năm trước công nguyên.

- Nền văn minh sông Hằng và cuộc chiến tranh giữa các vương quốc trên nước Ấn Độ cổ đại là điều kiện cho các bộ sử thi ra đời.

- Sử thi Ấn Độ là bức tranh hiện thực rộng lớn của xã hội Ấn Độ xa xưa, là bài ca vĩ đại ca ngợi chiến công và khí phách của những anh hùng thần thoại, mẫu người lí tưởng cao cả và thiêng liêng.

- Sử thi Ấn Độ vô cùng tráng lệ, hùng kiện, là bầu vú sữa luôn nuôi dưỡng nghệ thuật (múa, kiến trúc...) Ấn Độ phát triển độc đáo, rực rỡ.

Ramayana Mahabharata, Krixna-Rađa... là những bộ sử thi vô cùng đồ sộ của Ấn Độ làm thế giới kinh ngạc.

* Sử thi Ramayana

1. Nguồn gốc và ảnh hưởng

- Ramayana bắt nguồn từ truyền thuyết về hoàng tử Rama, được lưu truyền trong dân gian mấy ngàn năm về trước.

- Vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, Vanmiki- một đạo sĩ Bà Lamôn đã ghi lại bằng văn vần.

Sử thi Ramayana có độ dài 24.000 câu đôi chia ra thành 7 khúc ca. Nó có ảnh hưởng sâu sắc nhất tới ca múa (vũ điệu Xita) kiến trúc, hội hoạ... trong việc khơi ngợi đề tài và nguồn cảm hứng.

2. Tóm tắt

- Khúc ca I: dòng dõi và tuổi trẻ của hoàng tử Rama.
- Khúc ca II: 13 năm lưu đầy trong rừng sâu.
- Khúc ca III: nàng Xita bị quỷ vương Ravana bắt mất đưa về đảo Lanka.
- Khúc ca IV: Rama tiêu điều vua khỉ Valin giành lại ngôi báu cho vua khỉ Xugriva. Cuộc liên minh thần thánh.
- Khúc ca V: tướng khỉ Hanuman do thám đến đảo Lanka.
- Khúc ca VI: Cuộc chiến đấu dữ dội, ác liệt giữa Rama và Ravana. Ravana bị tiêu diệt. Nàng Xita được cứu thoát.
- Khúc ca VII: Rama nổi cơn ghen.Xita nhảy vào dàn lửa. Thần Anhi soi sáng lòng kiên trinh thuỷ chung cho nàng. Rama cùng vợ là Xita trở về quốc vương Kôsala lên ngôi vua.

3. Giá trị tác phẩm

a. Về mặt nội dung, sử thi Ramayana:
- Là bức tranh rộng lớn về xã hội Ấn Độ cổ đại.
- Ca ngợi chiến công và đạo đức của người anh hùng.
- Biểu dương tấm lòng thuỷ chung, kiên trinh son sắt của người phụ nữ.

b. Về mặt nghệ thuật Ramayana:
- Bút pháp miêu tả thiên nhiên và tâm trạng nhân vật tài tình tạo nên màu sắc trần thế và thần linh hoà quỵên.
- Kể chuyện bi hùng, đậm đà màu sắc thần thoại kì diệu.
- Rama và Xita là 2 hình tượng điển hình chói sáng nhất, hấp dẫn nhất.
- Quy mô kì vĩ, hoành tráng mang tầm vóc vũ trụ.

II . Đoạn trích Rama buộc tội

1.Xuất xứ


Đoạn kể "Rama buộc tội" trích trong ca khúc thứ 6, chương 79 sử thi Ramayana.

- 78 chương trước kể lại dòng dõi, cuộc đời của Rama, hơn 13 năm đi đày và cuộc chiến đánh thắng quỷ vương Ravana để cứu nàng Xita xinh đẹp. Lúc giải phóng đảo Lanka, Rama cùng đoàn quân ca khúc khải hoàn thì hạn đi đày 14 năm gần kết thúc. Bỗng Rama nổi cơn ghen tuông dữ dội. Chương 79, Rama dùng những lời nặng nề, gay gắt buộc tội Xita, nghi ngờ nàng về sự trong trắng thuỷ chung. Xita bước vào giàn lửa thần Anhi đã minh chứng cho nàng... Rama hồi hận, cảm động, tự hào đón lấy nàng. Hạn đi đày 14 năm cũng kết thúc. Rama chia tay các chiến hữu, chàng cùng em trai và vợ dùng chiếc thiên xa bay về kinh đô Kôsala...

- Chương 79 khắc hoạ thêm một nét đẹp về con người Thiện của đẳng cấp Kơxatrya (vương công, quý tộc, võ sĩ) và đức tính trung hậu, đoan trang của người phụ nữ cao quý.


2 .Phân tích

a. Rama ghen tuông - nổi giận


- Khi Xita đã khiêm nhường đứng trước Rama, chàng nói với nàng một cách mỉa mai: "Hỡi phu nhân cao quý". Quan hệ vợ chồng hầu như không còn nữa.

- Cuộc giao tranh đã kết thúc, theo Rama đó là nghĩa vụ và tài năng đã hoàn thành: "ta đã gỡ cho nàng khỏi điều vu khống nghĩa là nàng đã bị Ravana bắt cóc chứ không phải đi theo hắn; "cơn giận ta đã hả, ta đã trả thù kẻ năng nhục ta". Rama đã sống vì một nguyên lí đạo đức của đẳng cấp Kơxatrya của mình: "Kẻ nào bị quân thù lăng nhục mà không đem tài nghệ của riêng mình ra để trả thù, kẻ đó là một gã tầm thường". Rama cũng dành những lời nói tốt đẹp nhất để ca ngợi Hanuman và Viphisana - hai chiến hữu tài ba, cao cả của mình.

Trước nhan sắc của Xita: "khuôn mặt bông sen", "những cuộn tóc cuộn sóng" và những giọt lệ của nàng, lòng Rama "đau như dao cắt", nghĩa là chàng vẫn say đắm Xita.

Nhưng danh dự là trên hết, là tất cả, bởi lẽ người anh hùng "sợ tai tiếng". Phải kết thúc chiến tranh là vì nhân phẩm, là để "xoá bỏ vết ô nhục vì uy tín và danh dự của dòng họ lừng lẫy tiếng tăm của mình".

Rama không thể "nhận nàng về", "không ưng có nàng nữa" vì "nàng đã lưu lại tại nhà một kẻ xa lạ", vì Ravana với "đôi mắt tội lỗi... hau háu nhìn khắp người nàng", nghĩa là nàng đã thất thân với hắn, cho nên Rama phải nghĩ tới "gia đình cao quý" đã sinh ra mình.

Tóm lại, Rama vẫn còn yêu Xita xinh đẹp, nhưng vì danh dự, nhân phẩm của người anh hùng, của dòng họ cao quý mà chẳng phải buộc tội Xita, chấm dứt quan hệ vợ chồng với nàng: "Vậy ta nói cho nàng hay, nàng muốn đi đâu tuỳ nàng, ta không ưng có nàng nữa" Rama cảm thấy xấu hổ bị xúc phạm khi trông thấy Xita thì "không chịu nổi", "chẳng khác ánh sáng đối với người bị đau mắt". Rama ghen tuông, buộc tội không phải vì mù quáng mà trái lại, ghen tuông và buộc tội vì nhân phẩm, danh dự, một nét tính cách của con người Thiện của đẳng cấp Kơxatrya cao quý.

b. Nàng Xita

Xita được miêu tả trong chiều sâu của bi kịch về tình yêu và danh dự.

Nàng đau khổ vì bị oan, bị xúc phạm. Nàng "đau đớn đến nghẹn thở".

Nàng "xấu hổ cho số kiếp của nàng", nàng muốn chết ngay "muốn tự chôn vùi cả cái hình hài của mình".

Nàng vô cùng đau đớn trước những lời buộc tội của Rama, nàng cảm thấy như muôn nghìn mũi tên "xuyên vào trái tim nàng".

Nàng khóc "nước mắt nàng đổ ra như suối"- buộc tội Rama.

Nàng khẳng định: "trái tim thiếp đây thuộc về chàng". Chàng chưa hiểu được thiếp qua tình yêu và tâm hồn thiếp.

Tại sao khi Hanuman trinh sát tới đảo Lanka, chàng không nhắn nhủ lời "tử bỏ thiếp để thiếp sớm tự kết liễu đời mình".

Nếu chàng tự hào dòng dõi cao quý thì thiếp có kém gì: "Đất là mẹ của thiếp".

Nếu Rama mỉa mai, gọi Xita là "Hỡi phu nhân cao quý" thì Xita cũng đàng hoàng đáp lại "Hỡi đức vua" (và trách) "cớ sao hồi còn thanh niên chàng đã cưới thiếp?".

- Xita nhảy vào giàn hoả thiêu là một cảnh vô cùng bi tráng. Ai đã từng mục kích điệu múa "Nàng Xita"? Rama "khủng khiếp như Thần Chết". Các thánh thần thì tự hào nhìn Xita nhảy vào lửa "chẳng khác nào một đồ cúng trong lễ tế sinh". Đông đảo phụ nữ thì "kêu khóc thảm thương". Loài ma quỷ như Vanara, Raksaxa cũng "kêu khóc váng trời".

- Hình ảnh Xita đàng hoàng tự tin. Nàng "lượn quanh" Rama như để chào vĩnh biệt. Nàng lạy chư thần cao quý thiêng liêng. Nàng cất lời nguyền với Thần Anhi: khẳng định mình bị oan, một phụ nữ trinh tiết bị coi như một kẻ gian dối; tự hào về lòng trong trắng thuỷ chung trong tình yêu cúi xin thần "bảo vệ con", "phù hộ cho con".

Ta hãy nghe lời cấu nguyện của nàng Xita:

"Nếu con trước sau một lòng một dạ với Rama thì cúi xin Thần hãy tìm hết cách bảo vệ con. Rama đã coi một người phụ nữ trinh tiết như một kẻ gian dối: nhưng nếu con trong trắng, xin Thần Anhi phù hộ cho con."

Đọc "sử thi Ramayana" như ta biết, ngọn lửa sáng rực như mặt trời, nàng Xita lộng lẫy kiều diễm trong ngọn lửa. Thần lửa Anhi đã chứng minh và cứu sống nàng. Rama dang đôi tay đón Xita, nước mắt chan hoà sung sướng vừa ân hận, vừa tự hào.

( Sưu tầm )​
 
PHÂN TÍCH RAMA BUỘC TỘI

Quan hệ hai nhân vật này là quan hệ phụ thuộc, trong đó Xita là nhân vật trung tâm, Rama là nhân vật tạo tình huống. Từ tình huống bị Rama nghi ngờ lòng thuỷ chung, Xita mới có điều kiện bộc lộ phẩm chất lý tưởng của mình. Đây là một đặc điểm nổi bật trong nghệ thuật tạo tình huống của tác phẩm. Chẳng hạn, ở chương 18 (khúc ca thứ 3), Xita nhẹ dạ, cả tin để cho quỷ vương Ravana vào vườn tu trong khi Rama và Lakmana đi vắng, nàng đã bị quỷ vương bắt về đảo Lanka. Đây là tình huống mới để dẫn tới cuộc chiến quyết liệt giữa Rama và Ravana sau đó. Như vậy, chính sự sơ suất của Xita là cái cớ, điều kiện để Rama bộc lộ lòng dũng cảm, trọng danh dự, và tình yêu mãnh liệt đối với Xita. Trong trích đoạn Rama buộc tội, cơn ghen của Rama là tình huống mới, trở thành cái cớ để Xita bộc lộ, hoàn thiện phẩm chất lí tưởng của mình trước sự chứng kiến của cộng đồng
-Thái độ của Rama khi gặp lại Xita hết sức lạnh lùng, dửng dưng, xa cách. Đây là một thái độ không bình thường. (Lẽ thường, sau một thời gian xa cách, gặp lại vợ, Rama phải vui mừng, hạnh phúc... trước đó, Rama đã bất chấp gian khổ, băng rừng vượt suối để tìm Xita).
- Cơn ghen của Rama trước hết được bắt nguồn từ một tình yêu mãnh liệt đối với Xita: "Thấy người đẹp khuôn mặt bông sen với những cuộn tóc lượn sóng đứng trước mặt mình, lòng Rama đau như cắt". Khi Xita chuẩn bị bước lên giàn hoả thiêu, sắc mặt Rama "khủng khiếp như thần chết", chàng "dán mắt xuống đất" không dám nhìn Xita.

- Cái khác thường là ở chỗ, cơn ghen của chàng gắn liền với danh dự, bổn phận của một quý tộc: "Để trả thù sự lăng nhục, ta đã làm những gì mà một con người phải làm...phải biết chắc điều này, chẳng phải là vì nàng mà ta đã đạt tới chỗ kết thúc chiến tranh...ta làm như thế là vì nhân phẩm của ta, để xoá bỏ vết ô nhục vì uy tín và danh dự của dòng họ lừng lẫy tiếng tăm của mình...".

- Như vậy, đặc sắc của nghệ thuật thể hiện tâm trạng nhân vật là ở chỗ,
tác giả đã đặt nhân vật vào một tình thế đầy mâu thuẫn - mâu thuẫn giữa tình yêu cá nhân và bổn phận, danh dự của một quý tộc.
Rama đã đặt danh dự của một quý tộc lên trên tình yêu, đặt cái chung lên cái riêng. Mọi hành động của chàng đều vì bổn phận: Ta đã làm tròn lời hứa, và bây giờ ta không còn vướng mắc với chính mình - Rama tự hào, kiêu hãmh khi danh dự của một quý tộc được bảo toàn. Điều này góp phần lý giải niềm vui hạnh phúc của Rama khi trước cộng đồng, Xita đã chứng minh được sự trong sáng thuỷ chung của mình.

-Như vậy, coi trọng danh dự, hành động vì danh dự là một phẩm nổi bật của Rama. Và đó cũng là phẩm chất lý tưởng của người anh hùng trong sử thi cổ đại.
***hình tượng xita***:
- Trước lời buộc tội của Rama, Xita mở tròn xoe đôi mắt đầm đìa giọt lệ...đau đớn đến nghẹt thở, như một giây leo bị vòi voi quật nát. Xita xấu hổ cho số kiếp của nàng, và nàng muốn tự chôn vùi cả hình hài của mình. Những lời của Rama xuyên vào trái tim nàng như một mũi tên...nước mắt nàng đổ ra như suối...
- Vì Rama buộc tội nàng trước đám đông - Xita bị đẩy vào một tình huống bi kịch, tuyệt vọng (Trước đây, trong những ngày bị quỷ vương Ravana bắt, bị dụ dỗ, hăm doạ..., Xita vẫn một mực chống cự, không hề tuyệt vọng. Bởi nàng còn có điểm tựa về tinh thần là tình yêu của Rama. Điều đó đã giúp nàng vượt qua thử thách. Xita đã kiêu hãnh nói với Ravana: "ta chỉ thuộc về một người, như ánh sáng thuộc về mặt trời vậy, người đó là Rama!". Nhưng giờ đây, chính Rama lại nghi ngờ lòng thuỷ chung của nàng - Niềm tin bị đổ vỡ, danh dự bị xúc phạm) .
- Trước những lời buộc tội của Rama, Xita tìm cách thuyết phục, giãi bày nỗi niềm, hi vọng Rama sẽ hiểu mình. Xita nói trong nước mắt: "Thiếp đâu phải là..." (Giáo viên đọc diễn cảm những lời nói của Xita với Rama). Đó là những lời giãi bày gan ruột, vừa có lý, vừa có tình. Nhưng những lời giãi bày của Xita không làm cho Rama thay đổi. Xita rơi vào tình thế tuyệt vọng. Trong hoàn cảnh đó, Xita đã lựa chọn cái chết để chứng minh cho sự trong sáng, thuỷ chung của mình. Nàng nói với Lácmana: "Hỡi Lácmana, em hãy chuẩn bị cho chị một giàn hoả thiêu. Với nông nỗi đáng buồn hiện nay, đó là phương thức duy nhất cho chị. Chị không muốn sống sau những lời tố cáo lầm lạc như vậy. Chồng chị không hài lòng về chị, chàng ta đã ruồng rẫy chị trước mặt mọi người. Giờ thì chị sẽ từ bỏ tấm thân này cho ngọn lửa".

- Sự lựa chọn của Xita là một sự lựa chọn dũng cảm, được bắt nguồn từ niềm tin vào phẩm hạnh của mình . Đó là sự lựa chọn giữa sống và chết, còn và mất, danh dự và nhân phẩm của một người phụ nữ trước sự chứng kiến của cộng đồng. Những lời nàng nói với thần lửa Anhi như được cất lên từ sự đớn đau, tuyệt vọng và một niềm tin mãnh liệt vào lẽ phải. (Thần Lửa Anhi trong quan niệm của người Ấn Độ cổ đại là vị thần gần gũi, biểu tượng của công lý. Vì thế trước khi bước vào ngọn lửa, Xita xin thần Lửa Anhi chứng dám cho tấm lòng trinh bạch của mình: "Nếu con trước sau một lòng một dạ với Rama thì cúi đầu xin thần hãy tìm hết cách bảo vệ con. Rama đã coi một phụ nữ trinh tiết như một kẻ gian dối; nhưng nếu con trong trắng, xin thần Anhi phù hộ con". Và cuối cùng, tấm lòng trong sáng thuỷ chung của Xita đã được thần Lửa và cộng đồng chứng dám. Danh dự và nhân phẩm của nàng đã được bảo toàn.

-Như vậy, vẻ đẹp lý tưởng của Xita đã được hoàn thiện: Xita không chỉ có một tình yêu trong sáng thủy chung mà còn có một lòng dũng cảm để bảo vệ tình yêu. Vẻ đẹp lí tưởng đó của Xita chứa đựng một triết lí nhân sinh sâu sắc (người Ấn cho rằng, cuộc đời không phải là một sự phẳng lặng, yên ả, mà luôn tiềm ẩn những bất trắc. Chỉ có lòng dũng cảm mới giúp con người ta vượt qua được thử thách. Họ cho rằng, trong mọi chiến thắng, chiến thắng mình là chiến thắng vĩ đại nhất!). Đây chính là phẩm chất nổi bật của hình tượng Xita qua đoạn trích và cũng là một phẩm chất lý tưởng của người phụ nữ Ấn Độ cổ xưa. Cố nhiên, đây là vẻ đẹp lý tưởng theo quan niệm cộng đồng, do vậy phải được cộng đồng chứng dám và thừa nhận. Điều này cắt nghĩa vì sao khi Xita bước lên giàn hoả thiêu lại có đủ các thần linh trên trời, dưới đất, bè bạn , dân chúng chứng kiến.
KL:- Đoạn trích đã góp phần hoàn chỉnh phẩm chất lý tưởng của Xita theo quan niệm thẩm mĩ của người Ấn Độ cổ xưa.

- Nghệ thuật đặc sắc của đoạn trích trước hết là nghệ thuật tạo tình huống bất ngờ. Bên cạnh đó, đoạn trích còn rất thành công trong nghệ thuật thể hiện tâm trạng nhân vật với những xung đột giằng xé giữa con người cá nhân với bổn phận, danh dự theo quan niệm cộng đồng (miêu tả, so sánh cụ thể, thuyết lý của nhân vật...)
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top