Tiểu thuyết “phục sinh”

TIỂU THUYẾT “PHỤC SINH”

Đây là tác phẩm vĩ đại cuối đời của nhà văn và nó cũng là bản cáo trạng gay gắt đối với chế độ chuyên chế Nga hoàng, đặc biệt là nhà tù và tòa án. Tác giả đi thẳng vào cơ cấu bộ máy thiết chế của nước Nga đương thời – nơi tập trung cao nhất mọi quyền lực của xã hội – thông qua câu chuyện của Nekhliudov và Maxlova. Tác phẩm còn là bản tổng kết con đường phát triển tư tưởng nghệ thuật của Tolstoi, tổng kết con đường tìm tòi lí tưởng của nhiều nhân vật ưu tú từ Pier, Andrey đến Levin và cuối cùng là Nekhliudov.
Do sống trong xã hội thượng lưu trụy lạc bên cạnh đám sĩ quan Nga hoàng hư hỏng, nên Nekhliudov trở thành con người sa đọa, ích kỷ. Chàng quyến rũ và cưỡng dâm Maxlova sau đó vứt lại 100 rúp và bỏ đi đồn trú phương xa. Dù có hơi hối hận về hành động đó nhưng chàng lại tự an ủi mình “mọi người đều như vậy. Đời là thế!…Bố mình cũng thế”[ 3, 422 ]. Rồi chàng quên hẳn chuyện đó đi không biết là sau vụ đó, Maxlova đã bị hai bà cô của chàng tống khứ ra ngoài cuộc đời gió bụi lúc bụng mang dạ chửa. Suốt bảy năm trời đau khổ nàng nghiện rượu, nghiện thuốc và và bệnh tật. Đến năm 27 tuổi nàng bị đưa ra quan tòa về tội đầu độc một gã phú thương. Ở đây, nàng gặp lại Nekhliudov đang ngồi trên ghế thẩm phán. Nekhliudov nhận ra người tình thở xưa và ý nghĩ đầu tiên của chàng là che giấu tội lỗi. Nhưng sau đó chàng thấy mình là kẻ đã đẩy Maxlova vào con đường tội lỗi. Chàng hối hận và cảm thấy xấu hổ.


Nekhliudov quyết tâm chuộc tội. Chàng tìm đủ mọi cách để cứu Maxlova ra khỏi cảnh tù tội. Nhưng quá trình tiếp xúc với tòa án các cấp, với bọn quan lại ở thủ đô, bọn giám ngục, chàng đã nhận ra được bộ mặt ghê tởm của bọn chúng. Tòa án ở tỉnh thì toàn là một lũ xấu xa. Công việc duy nhất của bọn chúng khi ở tòa án là chỉ lo những bận bịu riêng tư. Viên chánh án thì lo phiên tòa kéo dài sẽ lỡ mất giờ hẹn nhân tình. Viên dự thẩm thứ nhất thì lo bị cắt cơm sáng vì mới cãi nhau với vợ. Viên dự thẩm thứ hai thì nhăn nhó vì đau dạ dày…Cơ quan xét xử cấp trên thì cũng không khác gì cấp dưới. Tất cả đều là một lũ sa đọa đã khoác lên mình chiếc áo quan tòa và cầm cán cân công lí. Bọn chúng không biết gì đến công lí, lợi ích và phúc lợi của nhân dân. Bọn chúng chỉ biết có một điều là tiền. Vì tiền chúng sẵn sàng kết tội Maxlova và đày đi Xiberi khi chưa tìm ra chứng cứ phạm tội của nàng.


Tòa án đã thế còn ở nhà tù thì bọn giám ngục cũng rất tàn ác, mất hết tính người. Tên giám ngục Krixmut chỉ nghĩ đến cách bí mật giam giữ các phạm nhân và đối xử với họ sao cho trong 10 năm sẽ tiêu diệt được một nửa và khiến họ loạn óc hay chết vì bệnh lao nếu họ không tự sát. Trước những hành động ghê tởm và tàn bạo của bọn chúng, Nekhliudov nghĩ dù phải trả giá đến mấy đi nữa chàng cũng sẽ bẻ gãy những điều man trá này. Chàng sẽ làm đúng sự thật, sẽ đem lại chính nghĩa cho Maxlova và sẽ cưới maxlova để chuộc lại lỗi xưa. Chàng quyết phục sinh theo con đường khác con đường tội lỗi của mình.


Hơn nữa khi nhìn thấy cảnh đói khổ, chết dần chết mòn của nhân dân bên cạnh sự sa hoa, sung sướng của bọn quí tộc, Nekhliudov ngày càng nhận thấy gốc rễ của mọi sự bất công trong xã hội là do sự đối kháng giai cấp giàu – nghèo, do bọn địa chủ đã tước đoạt ruộng đất, nguồn sinh sống duy nhất của nhân dân. Ở điểm này, Nekhliudov đã tiến bộ hơn Levin.


Chàng khẳng định không muốn có những bất công, những tình trạng tội lỗi thì cần ra sức tiêu diệt những điều kiện tạo nên sự bất hạnh đó. Và giống như Levin, Nekhliudov cũng đưa ra giải pháp làm cuộc cách mạng hòa bình, không dùng bạo lực để chống lại điều ác và tu thiện bản thân để “sống lại” về mặt đạo đức. Đó là lẽ sống cuối cùng mà Nekhliudov tìm thấy và cũng là quan niệm của nhà văn Tolstoi. Nekhliudov chưa ý thức được rằng phải dùng bạo lực cách mạng mới có thể xóa bỏ những bất công trong xã hội. Cuối cùng chàng tìm hạnh phúc tối cao của mình trong vương quốc của chúa giữa trần thế. Nekhliudov vẫn là “con người thừa”, anh ta chưa có những nhận thức đúng đắn như các nhà cách mạng tiến bộ. Đó cũng là hạn chế đáng tiếc của Tolstoi. Lênin viết: “Tolstoi làm cho người ta phải buồn cười khi ông muốn làm nhà tiên tri tìm ra những phương thuốc mới để cứu vớt nhân loại”.


Còn nhân vật Maxlova thì “phục sinh” theo con đường khác. Trải qua bao nỗi niềm cay đắng cộng với những ảnh hưởng của những bạn tù tốt bụng – những nhà cách mạng bị đày – nàng đã “sống lại” một cách nhanh chóng và vững vàng. Trên mảnh đất lưu đày, nàng đã kết hôn với nhà dân túy Xi-môn-xôn và xây dựng một cuộc sống mới bằng sức lao động của mình. Nàng bỏ hẳn các thói hư tật xấu cũ, sẵn sàng giúp đỡ các tù nhân và nhìn thẳng vào tương lai một cách tự tin, khẳng định vị trí của mình trong xã hội.


Mặc dù có những hạn chế là đưa ra “thuyết việc nhỏ” (số phận con người là do đức chúa trời quyết định, kêu gọi con người hãy yêu thương, hãy làm việc tốt thì xã hội sẽ tiến bộ) chống lại “thuyết việc lớn” (đấu tranh cách mạng) nhưng đó chỉ là những hạn chế nhỏ trong tư tưởng so với những đóng góp của Tolstoi. Tolstoi đã báo hiệu sự suy tàn của chế độ Nga hoàng và ông đã chuẩn bị sẵn sàng tư tưởng cho cách mạng. Các tác phẩm của ông cho ta nhận thấy được một điều là chỉ có cách mạng mới có thể giải phóng được tình trạng đen tối của nước Nga lúc bấy giờ.


Các nhà văn từ Puskin đến Tolstoi, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước đã hoàn thành chặng thứ nhất của cuộc hành trình lịch sử nhân vật “con người thừa”. Nếu như các nhân vật của Puskin chưa vươn tới tầm cao của những người Tháng Chạp thì đến Tolstoi, các nhân vật của ông (Pier, Andrey) đã với tới đỉnh cao của những người Tháng Chạp. Bước thắng lợi đầu tiên này đã tạo đà quan trọng cho sự thắng lợi ở chặng đường tiếp theo của các nhân vật “con người thừa” mà điểm kết thúc là nhà văn A.Tolstoi. Đến A.Tolstoi thì các nhân vật “con người thừa” đã vươn đến tầm cao của cách mạng vô sản.


Đến L.Tolstoi thì nhân vật thuộc tầng lớp bình dân đã xuất hiện nhiều. Đó là sản phẩm của cuộc cách mạng Tháng Chạp. Maxlova là nhân vật thuộc tầng lớp thấp (người hầu) đầu tiên xuất hiện với vai trò là nhân vật chính trong tác phẩm. Đây là bước tiến của L.Tolstoi. Ông không chỉ là người khắc họa sinh động bức chân dung “con người thừa” mà còn là người có công đóng góp vào nền văn học giai đoạn này mẫu hình “con người bé nhỏ ”- Maxlova. Và đến nhà văn Sekhov thì hình mẫu “con người bé nhỏ ” được miêu tả rõ nét và hoàn chỉnh.
Nguyễn Thúy Loan

giangnamlangtu.wordpress.com
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top