TIỂU THUYẾT “NGƯỜI CON GÁI VIÊN ĐẠI ÚY”
Nguyễn Thúy Loan
Puskin đã dựa vào sự kiện lịch sử: cuộc khởi nghĩa nông dân cuối thế kỉ XVIII (1773 – 1775) và lãnh tụ Pugatsov đã từng làm rung chuyển nước Nga để xây dựng nên tác phẩm dài 14 chương này. Thông qua tác phẩm, Puskin muốn “hỏi” quá khứ để tìm “lời giải đáp” cho hiện tại và tương lai.
Grinhop là người kể chuyện đồng thời là nhân vật chính của tác phẩm. Đây là một thiếu niên quí tộc “chân chính” được giáo dục trong môi trường quí tộc. Việc hình thành cá tính của anh ta do ảnh hưởng của địa vị xã hội và những nền giáo dục khác nhau. Giống như Onegin, Grinhop cũng được các gia sư người Pháp dốt nát dạy dỗ. Anh là một người nhẹ dạ, vô tư, mơ ước cuộc sống vui tươi của sĩ quan cận vệ nơi kinh thành. Grinhop có đủ điều kiện để thực hiện ước mơ của mình, vì bố anh là một trung tá về hưu, một địa chủ có đủ uy quyền, trọng danh dự và nguyên tắc. Nhưng ông lại quan niệm rằng “con người phải được thử thách nơi chiến trường”, ông khuyên con trai nên hiểu những vấn đề danh dự theo quan điểm của quí tộc. Ông cho rằng phục vụ trong quân đội là nghĩa vụ cao cả của quí tộc chứ không phải là một việc mưu cầu danh vọng. Do đó, ông đã đưa Grinhop đến phục vụ ở biên giới xa xôi chứ không gởi anh đến kinh đô. Bố của Grinhop đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành cá tính của anh. Grinhop đã tiếp thu cả mặt tốt và mặt xấu của cha. Những ngày sống hòa bình ở đồn Belogor, anh thực hiện đúng lời dặn của cha : “không hỏi thêm công việc cũng đừng từ chối nhiệm vụ”.
Ngoài những ảnh hưởng xấu, Grinhop còn chịu những ảnh hưởng khác tốt hơn. Những ảnh hưởng tốt này dần dần được tôi luyện và củng cố trong “trường đời khắc nghiệt”. Và tính cách của anh ngày càng phát triển qua những biến cố dữ dội, kinh hoàng trong đời anh. Bắt đầu từ bài học vỡ lòng đời lính với chàng Durin ở phố Orenbua. Ở đây Grinhop ăn chơi sa đọa, đánh bạc thua gần hết tiền. Rồi đến việc đi ra biên giới, đây là sự sắp đặt của người cha chứ anh không hề tự nguyện gì cả. Việc đi này không phải là lí tưởng của anh. Anh xem nó như là chuyến du lịch, đi cho biết đó biết đây. Và suốt thời gian ở đồn Belogor anh chỉ biết yêu đương và say đắm với tình yêu của Masa thôi. Cũng vì tình yêu mà anh đã quyết đấu với Svarbin.
Tính cách của Grinhop phát triển toàn diện khi quân khởi nghĩa đến chiếm đồn và anh tiếp xúc với Pugatsov. Quan hệ giữa anh và Pugatsov bắt đầu từ cuộc gặp gỡ trong cơn bão tuyết, người Côdăc này đã cứu anh và bằng tấm lòng thương người anh đã tặng chiếc áo da thỏ cho người này. Lúc chạm trán với quân khởi nghĩa, anh tỏ ra dũng cảm, trung thành với lời thề có tính chất quí tộc của mình. Trong mọi hoàn cảnh anh vẫn là người trọng danh dự, dũng cảm, có tình yêu sâu sắc, chân thật, và anh vẫn là đứa con của giai cấp quí tộc với những định kiến của nó.
Tuy nhiên nguyên tắc trọng danh dự thời trẻ của anh thực tế đã bị phá bỏ mặc dù anh vẫn giữ nguyên quan niệm là chống Pugatsov đến cùng. Khi sắp bị treo cổ, anh định toan hô những lời như đại úy Ivancozomic. Nhưng lúc Pugatsov tha chết cho anh và bảo anh hôn tay hắn thì anh từ chối và nói rằng: “tôi đã tuyên thệ với Nga hoàng”. Xét kĩ ra thì đây là thời thề vì danh dự cá nhân chứ không phải là một sự trung thành tuyệt đối, sẵn sàng chết để bảo vệ Nga hoàng. Lời nói này thể hiện anh là một con người có tinh thần chiến đấu kém và lòng trung thành đối với Nga hoàng rất yếu. Việc anh xin đem binh đi chiếm đồn cũng không phải là việc phục thù để lập chiến công mà thực chất đó là để bảo vệ tình yêu của anh với Masa.
Grinhop cũng nhận thấy rằng Pugatsov và những người theo ông ta không phải chỉ có những nét kẻ cướp mà còn có cái gì đó nghiêm túc hơn, khác hơn và có trách nhiệm hơn. Anh nhận thấy được Pugatsov là một con người hào hiệp, một lãnh tụ được đông dân chúng ủng hộ, một con người có cách cư xử công minh “đã nói giết là giết, nói tha là tha”, một con người có tinh thần trọng nghĩa và bênh vực kẻ yếu đuối dù đó là Masa, con gái kẻ thù. Hơn nữa, chính Pugatsov cũng là người đã cứu mạng anh nhiều lần.
Thời gian tiếp xúc với giới sĩ quan quí tộc ở đồn Belogor, Grinhop nhận ra rằng bọn chúng toàn là những tên sa đọa, một đội quân kém sức chiến đấu, thiếu tổ chức, kĩ luật và chỉ huy.
Pugatsov đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự thay đổi tính cách của Grinhop. Anh gần như ngày càng nhận thức được con đường cách mạng. Từ quan điểm lúc đầu là chống Pugatsov đến cùng, không chịu theo Pugatsov nhưng đến lúc Putgatsov bị treo cổ thì tính cách của anh đã thay đổi hoàn toàn. Anh đã tìm đến nơi tử hình Pugatsov và anh kể “Pugatsov nhận ra tôi và gật đầu chào tạm biệt”. Nhưng ta xét kĩ ra, Pugatsov là ân nhân đã cứu mạng của anh, hơn nữa ông đang ở trên giá treo cổ trong khi anh thì đang đứng chen trong đám đông thì làm sao mà Pugatsov lại dễ dàng nhận ra anh và vẫy tay chào. Người vẫy tay chào đó ta có thể đoán ra chính là anh, một kẻ mang ơn phải chủ động tìm đến chào vĩnh biệt vị ân nhân của mình. Lúc này, tính cách của anh đã phát triển hơn, anh đã có cảm tình với Pugatsov, cũng tức là bước đầu có cảm tình với cách mạng.
Cơn bão tuyết mịt mù là hình ảnh tượng trưng cho đường đời của anh. Anh đã mất phương hướng trong cơn bão tuyết cũng chính là mất phương hướng trong cuộc đời của mình. Và Pugatsov là người đã dẫn anh ra khỏi nơi mù mịt đó. Người ân nhân cứu anh thoát khỏi nơi đó cũng là người cứu anh ra khỏi những lầm lạc, ngộ nhận. Người dẫn đường cho anh trong cơn bão tuyết cũng là “người dẫn đường” cho tinh thần của anh.
Mặc dù tính cách của anh có sự phát triển, ý thức cách mạng đang lấp lóe và anh đã có cảm tình với người Tháng Chạp – Pugatsov – nhưng trong tác phẩm anh vẫn là “con người thừa”, là hình mẫu kiểu Onegin. Anh không trung thành với Nga hoàng cũng không theo quân khởi nghĩa. Trong thời đại bấy giờ anh vẫn là kẻ vô dụng, không có ích cho cách mạng cũng không có hại gì cho nhân dân. Quá trình nhận thức của anh đã có sự thay đổi. Và sau này khi tác phẩm khép lại, có thể bằng con đường nào đó anh sẽ thoát khỏi “con người thừa” và trở thành người tri thức cách mạng. So với Evgheni Onegin thì Grinhop đã có một bước tiến cụ thể hơn.
Tiểu thuyết Người con gái viên đại úy được xem là “bộ bách khoa toàn thư của cuộc sống Nga” thứ hai sau tiểu thuyết Evgheni Onegin. Puskin đã đề cập đến vấn đề nóng bỏng của xã hội Nga ở giai đoạn này – vấn đề nông dân khởi nghĩa. Thành tựu rực rỡ này có được là do Puskin đã tổng kết được những suy nghĩ, tìm tòi trong nhiều năm qua những tác phẩm viết về đề tài lịch sử. Lần đầu tiên trong lịch sử văn học Nga, ngòi bút của nhà văn hiện thực Puskin lại miêu tả sinh động cụ thể cuộc khởi nghĩa nông dân hùng vĩ đến như vậy: đông đảo các dân tộc và các tầng lớp tham gia, thanh thế lớn và địa bàn rộng khắp nước Nga. Ông đã cắt nghĩa sâu nguyên nhân “tức nước vỡ bờ” của quần chúng. Ông miêu tả cuộc khởi nghĩa như là bài học kinh nghiệm cho lần sau.
Với hình tượng nhân vật “con người thừa” xuất hiện đầu tiên trong văn học Nga đầu thế kỉ XIX, Puskin đã có những đóng góp rất lớn cho nền văn học hiện thực của nước Nga nói riêng và thế giới nói chung. Ông đã hoàn thành tuyệt diệu công việc “khởi đầu của mọi khởi đầu”. Ông đã đưa văn học Nga phát triển ở một trình độ cao. Hình tượng nhân vật “con người thừa” của ông được văn học thế giới công nhận là không thua kém nhân vật “vỡ mộng” của Honore De Balzac, Stendhale…trong văn học Pháp. Puskin xứng đáng với vị trí nổi bật trong văn học Nga và thế giới. Ông đã đặt nền móng vững chắc, chuẩn bị cho sự phát triển rực rỡ sau này của các nhà văn như Liev Tolstoi, Sekhov, Macxim Gorki…
Nguồn: giangnamlangtu.wordpress.com