• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Tiểu Thuyết Lịch Sử ở Nam Bộ Thời Kỳ đầu Thế Kỷ Xx

nvtho_ph

New member
Xu
0
Vào đầu thế kỷ XX, “truyện Tàu” - nhất là truyện lịch sử, được dịch rất nhiều, hầu như tràn ngập khắp Nam Bộ. Công chúng hình như quen thuộc với các nhân vật lịch sử Trung Quốc được thể hiện trong các bộ tiểu thuyết cổ điển như Tào Tháo – Quan Công, Đơn Hùng Tín – La Thành, Tôn Tẫn – Bàng Quyên, Lưu Bang – Hàn Tín, ... hơn là những anh hùng của dân tộc như Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Quang Trung ... Điều này phản ánh thị hiếu thẩm mỹ của độc giả Nam Bộ trong thời kỳ đó. Những cư dân của vùng đất mới này đã tìm được trong đó những mâu thuẫn nhân vật trọng nghĩa khinh tài rất phù hợp với tính cách của mình và những nhân vật phi thường có thể thoả mãn sức tưởng tượng phóng túng của họ, điều mà văn học Việt Nam lúc đó chưa làm được.

Nhưng sau đó, với các phong trào cách mạng Duy Tân, Minh Tân, hào khí dân tộc đã khơi dậy. Các nhà văn Nam Bộ với lòng tự trọng dân tộc của mình, thấy lịch sử Việt Nam cũng không thiếu những trang đầy tự hào, những nhân vật lịch sử của Việt Nam cũng không thiếu “nghĩa, dũng, trí”; cũng có những kỳ tích để có thể xây dựng thành những nhân vật tiểu thuyết hấp dẫn.

Tiểu thuyết viết về lịch sử Việt Nam đã ra đời trên tinh thần ấy. Những tác phẩm này không chỉ nhằm thoả mãn nhu cầu sáng tạo của tác giả mà còn gửi gắm trog đó tấm lòng yêu nước thiết tha của một thế hệ nhà văn đang sống dưới gót giày thống trị của bọn thực dân. Quyển Tam Yên di hậu (1927) của Nguyễn Văn Vinh sau khi ra đời một thời gian ngắn đã bị thực dân Pháp thiêu huỷ, tác giả bị buộc nghỉ việc, bị toà kêu án ba năm tù treo vì nhà cầm quyền cho rằng cuốn tiểu thuyết này ám chỉ việc thực dân Pháp cướp nước ta.

Ngay đến Hồ Biểu Chánh, người chuyên viết tiểu thuyết đạo đức phong tục, cũng khiêm tốn đóng góp cho phong trào một quyển tiểu thuyết lịch sử thời Ngô Quyền có tên là Nam cực tinh huy (1924) vì nghĩ rằng: “Người An Nam ai học chữ Pháp thì làu thông lịch sử nước Pháp, ai giỏi chữ Tàu thì thông truyện ký của Tàu, còn những truyện xưa tích cũ của nước mình thì lờ mờ như trăng lu mây áng, lúng túng như rừng rậm lạc đường, ít ai thấy cho rành, ít ai nghe cho rõ .

Trong lời tựa tác phẩm Giọt máu chung tình của mình xuất bản năm 1926, Tân Dân Tử viết: “Những nhà đại gia văn chương trong xứ ta khi trước hay dùng sự tích sử truyện Tàu mà diễn ra quốc văn của ta... và cũng chưa thấy tiểu thuyết nào làm ra một sự tích của kẻ anh hùng hào kiệt và trang liệt nữ thuyền quyên trong xứ ta đặng mà bia truyền cho dân rõ biết. Như vậy thì trong xứ ta chỉ biết khen ngợi sùng bái người anh hùng liệt nữ xứ khác mà chôn lấp cái danh giá của người anh hùng liệt nữ trong danh giá của người anh hùng liệt nữ xứ mình, chỉ biết xưng tụng cái oai phong của người ngoại ban, mà vùi lấp cho lu mờ cái tinh thần của người bản quốc”.

Phạm Minh Khiêm trong lời tựa Lê triều Lý thị cũng viết rằng: “Tôi viết bộ truyện Lê triều Lý thị này cốt chỉ rút ở trong mấy thứ sử, như là Việt Nam lược sử, Đại Nam thực lục tiền biên, Nam hải dị nhân lược biên dã sử. Trong các sử ấy, thấy sự tích ly kỳ của ông Lý Công Uẩn chẳng khác nào Triệu Khuông Dẫn bên Tàu. Mà truyện Triệu Khuông Dẫn người ta đã có đem ra thêu thùa, bày vẽ, xếp đặt nên truyện nên tuồng... còn Lý Công Uẩn nhà ta thì chôn chặt trong hòm quốc sử”.

Viết tiểu thuyết lịch sử, các nhà văn cũng có ý thức dùng nó để chống lại những tư tưởng mê tín dị đoan, huyền bí huyễn hoặc đầy rẫy trong tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc. Trương Duy Toản trong bài tựa Phan Yên ngoại sử đã phát biểu ý thức đó: “Ấy đo, thầy ta (ý muốn nói Trung Quốc) còn phải giựt mình vì thấy văn minh đã tràn ra khắp toàn cầu mà dẹp những đồ xưa truyện cũ lại hết. Phương chi mình lại ôm cả đống ấy về Nam Kỳ mà diễn dịch ra làm của mình, sợ e cho sắp trẻ con trí còn non như sáp mềm, sớm thấy việc dị đoan, thì chi cho khỏi nó in khắc vào trí khôn, ắt ngày sau chẳng dễ mà đổi sửa vậy. Vậy theo trí mọn của tôi, thì nay phải bỏ những là Phan Lê Huê pháp thuật, Kim Đính thần thông, Khương Thượng phong thần, Thế Hùng tróc quỷ, Chung Ly tập trận, Bồ Tát cứu binh, Đại Thánh loạn thiên cung. Anh Đăng về tiên cảnh v.v.. mà sắp bày cho mới, bây giờ mặc dầu, miễn là tránh cho khỏi cái nẻo dị đoan và báo ứng phân mih là đủ rồi”.

Trong các nhà văn Nam Bộ viết tiểu thuyết lịch sử đầu thế kỷ, Tân Dân Tử có lẽ là người có ý thức sâu sắc nhất về thể tài. Trong lời tựa Giọt máu chung tình, ông đã quan tâm đến chất văn xuôi trong tác phẩm tiểu thuyết: “như Kim Vân Kiều, Nhị Độ Mai, Phan Trần truyện, Lục Vân Tiên truyện thì toàn dùng cách văn lục bát mà thôi, chưa thấy truyện nào đặt theo cách văn lưu thuỷ là văn xuôi theo tiếng nói thường của mình, cho dễ hiểu, mau nghe”.

Viết tiểu thuyết lịch sử theo là một cách hiệu quả nhất để phổ biến lịch sử nước nhà: “Tiểu thuyết thì có nhiều thứ khác nhau. Nhưng tiểu thuyết và lịch sử thì cần nhất cho quốc dân ta trong lúc này hơn hết. Lịch sử với tiểu thuyết phải cặp kè nhau như mẹ với con, hoà hiệp nhau như chồng với vợ. Lịch sử mà không có tiểu thuyết để phụ tùng thì như mẹ mà không có con giúp đỡ, thì phải bơ vơ. Tiểu thuyết mà không có sử làm cội nguồn nào khác vợ mà không có chồng chủ trương, ắt phải một mình hiu quạnh. Vậy, hễ muốn cho lịch sử nước nhà phổ thông thì chẳng hay chi hơn là dùng tiểu thuyết làm mai nhơn để dẫn dắt quốc văn vào đường lịch sử. Đó là một phương pháp rất anh linh và một phương pháp rất công hiệu”.

Sức mạnh lay động to lớn của nghệ thuật tiểu thuyết cũng là điều được Tân Dân Tử rất quan tâm: “Lịch sử đại lược chỉ tóm tắt những sự lớn lao mà không nói cặn kẽ hững sự mảy múng. Còn lịch sử tiểu thuyết thì nói đủ cả, vừa chuyện lớn lao, vừa chuyện mảy múng đều trải ra như cảnh tự nhiên, hiển hiện trước mắt. Lịch sử đại lược có nói nhơn vật sơn xuyên, quốc gia hưng phế, mà không tả trạng mạo ngữ ngôn, không tả tình tình phong cảnh, còn lịch sử tiểu thuyết thì tả đủ các nhơn vật xuyên, tính tình ngôn ngữ, tả tới hỉ nộ ái ố, trí não tinh thần, tả tới phong cảnh cỏ hoa, cửa nhà đài các, nhành chim lá gió, nhạc suối kèn ve, làm cho độc giả ngồi xem quyển sách, miệng đọc câu văn mà dường như mình đã hoá thân đi du lịch, xem thấy một phong cảnh, một nhân vật nào đó, khiến cho kẻ đọc ấy dễ cảm xúc vào lòng, dễ quan niệm vào trí.”

Khi viết tiểu thuyết lịch sử, các nhà văn Nam Bộ đầu thế kỷ phân biệt giữa “dã sử” và “ngoại sử”. Trong “ngoại sử”, nhân vật có thể là do hư cấu, không có thật trong lịch sử nhân vật Vương Thế Trân trong Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân hoặc nhân vật Phùng Kim Huê trong Oán hồng quần Kim Huê ngoại sử chẳng hạn. Còn trong ‘dã sử”, ngoài việc lấy sử Việt Nam làm bối cảnh chính, các nhân vật chính cũng phải là nhân vật có thực trong lịch sử Việt Nam Lê Thái Tổ của Nguyễn Chánh Sắt, Việt Nam anh kiệt, Lê triều Lý thị của Phạm Minh Kiên là thuộc loại”dã sử”.

Về nghệ thuật, tiểu thuyết lịch sử đầu thế kỷ nhìn chung vẫn còn chưa vượt qua được ảnh hưởng sâu đậm của tiểu thuyết cổ điển chương hồi Trung Quốc. Trong nghệ thuật kết cấu chẳng hạn, hầu hết tiểu thuyết lịch sử đầu thế kỷ vẫn giữ lối kết cấu ba công đoạn quen thuộc: hội ngộ - lưu lạc – đoàn viên. Trung hiếu, tiết nghĩa, trí dũng vẫn là những đạo lý cơ bản trong các tác phẩm này. Nhân vật trong nhiều tác phẩm vẫn được chia làm hai tuyến rạch ròi, phân minh: hiền lương và nham hiểm, nhân hậu và độc ác, trọng nghĩa và phi nghĩa. Kết thúc tác phẩm thường là có hậu; người hàm oan được thoát tội, người hiền lương sau nhiều gian truân khổ ải được đền bù, kẻ làm ác phải sống nhục chết thảm. Trong một chừng mực đáng kể, hiện thực được thể hiện như nhà văn muốn có chứ không phải như nó vốn có. Trong Phan Yên ngoại sử, sau nhiều gian khổ luân lạc, cuối cùng Trương Duy Toản đã cho đôi tình nhân Vương Thế Trân và Nhan Khả Ái sum họp một nhà, “vợ chồng thong dong an hưởng thanh nhàn, tiếng rèn trong sáu tỉnh”.

Nhưng cũng có tác giả đã mạnh dạn vượt qua kiểu kết cấu truyền thống đó để thể hiện quy luật, dù là rất nghiệt ngã của cuộc sống. Nhân vật chính diện Triệu Bất Lượng trong Oán hồng quần Phùng Kim Huê ngoại sử đã bị “máy ăn” khi làm việc trong một nhà máy xay lúa, bỏ lại người vợ bất hạnh Phùng Kim Huê cùng hai con nhỏ. Còn trong Giọt máu chung tình, Tân Dân Tử đã cho cặ trai tài gái sắc Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà cùng chết để tỏ lòng hy sinh vì nước. Tác phẩm do đó đã gây xúc động lớn lao đến nhiều tầng lớp độc giả đương thời và đã được viết thành vọng cổ, thành một vở tuồng cải lương ăn khách mãi nhiều năm sau đó ở miền Nam. Không dám so sánh với Cervantès, nhưng Bằng Giang trong Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865-1930 đã khỏi liên tưởng đến nhà văn này khi đọc Giọt máu chung tình. Cervantès bằng tác phẩm Don Quichotte đã chống lại cả một phong trào tiểu thuyết hiệp sĩ, còn Tân Dân Tử với Giọt máu chung tình, đã chống lại phong trào đọc truyện Tàu ở Nam bộ lúc đó.

Trong tiểu thuyết lịch sử Nam Bộ, yếu tố đời tư cũng đã bắt đầu được các nhà viết chú ý. Điều này làm cho tiểu thuyết lịch sử đầu thế kỷ tiến gần hơn với tiểu thuyết hiện đại và tạo thành sức hấp dẫn công chúng độc giả lúc ấy. Những mối tình mãnh liệt, đầy trắc trở gian truân như của Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà trong Giọt máu chung tình, của Lý Phụng Tiên và Hồ Ngọc Sương trong Việt Nam anh kiệt, của Vương Thế Trân và Nhan Khả Ái trong Phan Yên ngoại sử là câu chuyện chủ yếu trong các tác phẩm hơn là các chi tiết của lịch sử, đã thể hiện góc nhìn này của tác giả.

Về văn phong, ảnh hưởng của lối văn biền ngẫu, đẽo gọt cầu kỳ vẫn còn rất nặng trong nhiều tác phẩm. Ngay Giọt máu chung tình cũng không thoát khỏi lối văn này dù tác giả rất có ý thức về chất văn xuôi của tiểu thuyết như lời phát biểu trong tựa tác phẩm, một ý thức đã có từ năm 1887 với Nguyễn Trọng Quản khi “có dụng ý lấy tiếng nói thường mọi người hằng nói mà làm ra một truyện hầu cho kẻ sau coi mà bày đặt cùng in ra ít nhiều truyện hay”.

Bước đầu bắt tay vào việc xây dựng một nền văn xuôi nghệ thuật mới, tiểu thuyết lịch sử Nam bộ đầu thế kỷ chưa phải là đã có nhiều thành công về mặt nghệ thuật. Nhưng điều đáng quý là ý thức dân tộc, lòng yêu nước, chí khí anh hùng của nhân dân Việt Nam đã được các nhà văn thể hiện một cách rõ rệt, hùng hồn trong các tác phẩm. Tiểu thuyết lịch sử Nam Bộ đầu thế kỷ, trước hết là một phản ứng của lòng tự trọng dân tộc trước sự xâm lăng của văn hoá nước ngoài, nhưng quan trọng hơn, đó là bước quẫy đap mạnh mẽ của văn học Việt Nam để thoát ra vòng kiềm toả của văn học Trung Hoa, là một nỗ lực trên bước đường hiện đại hoá của văn hoc Việt Nam, bước đường vượt ra khỏi ảnh hưởng của văn học khu vực để hoà nhập vào dòng chảy của văn học thế giới.
(Sưu tầm)
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top