TIỂU THUYẾT “EVGENI ONEGIN”
Nguyễn Thuý Loan
Tiểu thuyết thơ này là một trong những kiệt tác bậc nhất của văn học Nga và thế giới, khởi công từ năm 1823, hoàn thành năm 1831. Với tác phẩm này, Puskin đã mở ra con đường mới cho nền văn học Nga: chủ nghĩa hiện thực Nga với phương pháp sáng tác hiện thực, đi sâu vào thực tại, lấy cuộc sống và thời đại làm đối tượng khám phá, sáng tạo. Đây là kiểu mẫu đầu tiên vượt qua chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa tình cảm và chủ nghĩa lãng mạn ở nuớc Nga. Với tiểu thuyết thơ này, lần đầu tiên trong văn học Nga xuất hiện hình tượng nhân vật “con người thừa”. Puskin là cái mốc kết thúc dòng văn học lãng mạn Nga và là người mở đầu cho dòng văn học hiện thực Nga.Nguyễn Thuý Loan
Evgheni Onegin là một thanh niên quý tộc, trẻ tuổi, thông minh, sắc sảo có học thức, một kiểu mẫu của xã hội thượng lưu. Nhưng chàng lại là một nguời đầy mâu thuẫn. Những mâu thuẫn này làm cho hình ảnh chàng trở nên sinh động xa lạ với chủ nghĩa cổ điển trước kia vẫn ngự trị trong các tiểu thuyết Nga. Evgheni Onegin không phải là nhân vật tích cực cũng không phải là nhân vật phản diện. Ngay cả bản thân tác giả cũng khó xác định thái độ đối với anh ta. Một mặt Puskin phê phán những thiếu sót của anh ta, mặt khác tác giả cũng ưa thích những nét tính cách đặc biệt của anh.
Nét cơ bản mâu thuẫn trong tính cách của Onegin là do địa vị xã hội và nền giáo dục mà anh nhận được qui định. Anh là người thuộc giai cấp quý tộc với đầy đủ những phẩm chất, lối sống đạo đức của giai cấp này. Anh lại được hưởng một gia tài to lớn của chú và cha. Vì thế anh không cần làm việc để kiếm sống. Ở Peterburg, anh sống một cuộc đời trống rỗng, vô công rỗi nghề. Anh đã tiêu phí nhiều năm tháng trong cuộc sống sa hoa, phù phiếm nên anh luôn cảm thấy buồn chán không lúc nào nguôi. Khi về nông thôn, anh thử quản lí trại ấp, thay đổi chế độ tạp dịch bằng địa tô nhẹ nhưng việc làm đó không lâu, vì mục đích làm của anh chỉ là cho hết buồn chán mà thôi. Vì vậy anh vẫn cảm thấy không hết chán nản.
Địa vị xã hội đã thế, còn nền giáo dục mà anh tiếp thu là một nền giáo dục què quặt. Mẹ anh mất sớm. Cha anh chẳng chú ý gì đến việc giáo dục anh mà giao anh cho những gia sư ngoại quốc dốt nát dạy dỗ. Do sống trong những điều kiện trên, Onegin trở thành một con người ích kỷ, chỉ biết đến bản thân, không bận tâm đến người khác. Nhiều khi anh còn vô trách nhiệm và gây đau khổ ngay cả đối với những người thân như Lenski, Tachyana và anh càng không quan tâm đến người dân.
Onegin sinh trưởng trong một gia đình quí tộc, “thế giới của thói nô lệ khúm núm và thói hám danh ti tiện”. Cái thế giới ấy làm cho anh buồn chán, hoài nghi, lạnh lùng và ích kỉ. Nhưng anh không phải là kẻ ích kỉ tự mãn mà là kẻ “ích kỉ bình thường”. Thật vậy, trong tâm hồn anh vẫn có những mầm móng tốt đẹp.
Onegin không bằng lòng với chung quanh và không bằng lòng với chính mình, không thỏa mãn “với cuộc sống này anh lạnh nhạt dửng dưng”. Anh không làm quan để theo đuổi danh vọng như các quí tộc khác. Anh cũng không yên tâm thanh thản để hưởng những quyền lợi của giai cấp quí tộc dành cho mình. Anh không tận tâm tận lực phục vụ nhà nước của giai cấp đó. Nhưng anh lại không có can đảm từ bỏ cái xã hội ấy. Anh có thể đi đâu và làm gì anh chưa biết và cũng không muốn biết, khắc phục căn bệnh lười nhác ư? Làm việc nghiêm túc ư? Cống hiến đời mình cho sự nghiệp cao cả ư? Tất cả những cái đó còn quá xa lạ đối với anh.
Nhưng lúc nào anh cũng cảm thấy đau buồn và chán nản. Tâm trạng đó làm cho anh đứng cao hơn bọn quí tộc địa chủ ở nông thôn và giới quí tộc thượng lưu ở kinh đô Nga. Ở anh luôn có sự vươn lên để thoát khỏi con người sa đọa, nhưng anh lại chưa với tới tầm cao của những người tiền chiến, những người Tháng Chạp. Chính những người anh hùng này đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng nhân dân. Onegin chưa giác ngộ được như họ. Anh không làm cách mạng, không dám vượt qua tính ích kỉ của giai cấp mình để thấy được nỗi khổ của nhân dân dưới sự áp bức bốc lột nặng nề của địa chủ quí tộc. Anh không dám đi theo những người Tháng Chạp để đấu tranh chống lại Nga hoàng, xóa bỏ chế độ nông nô chuyên chế. Nỗi buồn chán của anh là “nỗi buồn chán của người Nga”. Đó là nỗi buồn về sự nghiệp cách mạng, giải phóng đất nước. Nhưng anh chưa phải là con người ưu tú tiến bộ của thời đại.
Kiểu người như Onegin ở vào thời kì phong trào cách mạng mới bắt đầu thì còn đôi nét tích cực. Nhưng ở vào thời kì cách mạng đã thành cao trào thì anh hoàn toàn là một con người thừa thải, thậm chí còn có lợi cho giai cấp thống trị hơn là cho nhân dân.
Tính cách của Onegin có sự biến đổi. Từ việc vô tình giết chết Lenski đến việc đi du lịch dài ngày, hiểu rõ cuộc sống nặng nề khổ đau của nhân dân Nga, đã khiến Onegin nghiêm túc hơn, có nghị lực hơn, và có khả năng xúc cảm mạnh hơn. Cuối cùng là việc Tachyana khước từ anh và anh hiểu rõ lòng nàng. Tác phẩm khép lại ở đó. Liệu chàng có đủ nghị lực và niềm tin đi tìm ý nghĩa cuộc sống trong phong trào đấu tranh Tháng chạp hay không? Onegin buộc phải suy nghĩ. Anh không thể bàng quan và ích kỉ mãi như thế. Rất có thể anh sẽ thay đổi nhận thức và đi theo con đường của những thanh niên tiên tiến. Nhưng đó chỉ là những phán đoán ở tương lai, còn thực tại trong tác phẩm thì anh chưa phải là nhà Tháng chạp. Sức lực của bản chất phong phú của anh vẫn không có chỗ sử dụng. Tóm lại Onegin là “con người thừa”, là điển hình của một lớp thanh niên thời bấy giờ – những kẻ sống nhờ vào sức lao động của nông dân, thông minh, có lòng thương người và không được giáo dục đầy đủ. Onegin là con người không có lí tưởng, là sản phẩm của xã hội Nga những năm 20 và cả nửa đầu thế kỉ XIX.
Tiểu thuyết Evgheni Onegin được Biêlinski xem là “bộ bách khoa toàn thư của cuộc sống Nga”. Vì đây là tác phẩm đầu tiên phản ánh cuộc sống “đúng như nó tồn tại”, chân thực, đa dạng có tính chất “bách khoa”. Cuộc sống ở tỉnh và ở quê với những vũ hội, yến tiệc, cưới hỏi, ma chay…và nhiều mặt phong phú trong đời sống vật chất và tinh thần của nước Nga những năm 1819 – 1825, thời điểm quan trọng sau chiến tranh vệ quốc và trước cuộc khởi nghĩa Tháng Chạp.
Trong tác phẩm, Puskin đã phê phán sự tầm thường ti tiện của quí tộc Nga. Và ông nêu lên tình trạng mâu thuẫn, khủng hoảng của giai cấp này khi những đứa con cưng của nó như Onegin lại buồn chán. Ông phê phán cuộc sống với những lề thói quen thuộc và muốn thay đổi nó khi những kẻ tầm thường lại sống hạnh phúc còn những người như Onegin, Tachyana thì lại đau khổ. Hơn nữa trong tác phẩm, Puskin đã sáng tạo được những tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Điều kiện sống, địa vị xã hội, môi trường giáo dục khác nhau sẽ hình thành những tính cách khác nhau như Onegin, Tachyana, Lenski.
Với tiểu thuyết Evgheni Onegin, Puskin đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật “con người thừa” đầu tiên, con người trẻ tuổi, có năng lực mà lại bế tắc, vô dụng giữa cuộc đời. Và hình tượng này lại được ông tiếp tục khắc họa trong cuốn tiểu thuyết lịch sử “Người con gái viên đại úy”.