TIỂU THUYÊT “ANNA KARENINA”
Sau đề tài chiến tranh, L.Tolstoi đi vào những tấn bi kịch của xã hội. Cuốn tiểu thuyết Anna Karenina được ông viết từ năm 1873 – 1877. Tác phẩm đánh đấu sự phát triển tư tưởng và sáng tác của ông. Thông qua những câu chuyện riêng tư trong tác phẩm, Tolstoi muốn đề cập đến những vấn đề lớn lao trong xã hội. Cuốn tiểu thuyết đã miêu tả khá đầy đủ cả thời đại mà trong đó “ tất cả đã bị đảo lộn và chỉ mới đang được sắp xếp” (lời của Levin – một nhân vật trong tác phẩm). Theo Lênin thì “cái đã bị đảo lộn là chế độ nông nô chuyên chế, thối nát và cái đang được sắp xếp chính là chủ nghĩa tư bản đang nảy sinh”
.
Anna Karenina là nhân vật bi kịch “nổi loạn”. Đó là người đàn bà giàu sức sống, thông minh, tính cách thành thực và ghét mọi sự giả dối. Bi kịch của nàng bắt đầu từ khi nàng lấy Karenin – một người hơn nàng 20 tuổi, kẻ chỉ quan tâm duy nhất việc thăng quan tiến chức và hơn nữa hắn là người mà nàng không yêu. Nàng xem việc lấy chồng của mình là “một sai lầm ghê gớm” . Hơn 8 năm lấy nhau nhưng Karenin chỉ xem nàng như một thứ công cụ ngoại giao. Vì thế Anna luôn khao khát một tình yêu chân chính. Hai tiếng yêu đương đối với nàng có một ý nghĩa đặt biệt. Ngay từ buổi đầu gặp Vronski nàng đã nói “tình yêu…tôi không ưa chữ đó chính bởi nó chứa chất quá nhiều ý nghĩa đối với tôi”.
Sống bên cạnh người chồng không yêu, Anna đem hết tình yêu vào đứa con trai và khi gặp Vronski thì tình cảm ấy cũng không thua gì. Nàng nói với Đônly “em yêu hai người như nhau mà cả hai em đều yêu hơn chính bản thân mình”. Nhưng cái xã hội đen tối với những pháp luật, tôn giáo và định kiến ích kỉ đã không cho nàng được chọn cả hai. Nàng phải chịu sự giằng xé giữa tình yêu và tình mẫu tử.
Nàng yêu Vronski, một thanh niên điển hình của xã hội thượng lưu với đầy đủ cách suy nghĩ quen thuộc của xã hội này: lòng háo danh, lối ăn chơi phóng đãng, bộ mặt đạo đức tầm thường. Vronski yêu nàng nhưng khi va chạm vào thế giới thượng lưu thì chàng lại thiếu bản lĩnh. Khác với anh, Anna đã “nổi loạn”, tình yêu của nàng cũng chính là sự thách thức xã hội đó. Nhưng cái xã hội đạo đức giả dối ấy đã đè bẹp sự chống đối của nàng. Anna là nạn nhân của cái xã hội đó vì tội đã dám vùng dậy chống lại nó. Nàng là một phụ nữ đáng thương, một người chỉ khát khao được sống và được yêu, một tình yêu chân chính nhưng cũng bị xã hội khước từ và chà đạp tàn nhẫn.
Mặc dù yêu nàng nhưng Vronski chưa đủ khả năng vượt ra những tập tục của xã hội để đấu tranh bảo vệ tình yêu đến cùng. Nhưng xét cho cùng thì anh cũng không phải là một quí tộc tầm thường có tâm hồn trống rỗng. Bắt gặp hình ảnh của mình qua một công tước từ nước ngoài đến, anh tự nhủ thật là “một khúc thịt ngu ngốc! có thể nào mình lại như hắn được”.
Cũng giống như Anna, Vronski rất ghét sự giả dối. Chàng thấy khó chịu về cảnh mập mờ của mối tình trái pháp luật giữa mình và Anna, chàng muốn sớm chấm dứt tình trạng đó. Nhưng chính mối tình với Anna đã làm cho Vronski ngày càng cao thượng hơn. Chàng dám chống lại lòng háo danh đã ngự trị trong tâm hồn mình từ lâu, dù chưa diệt hẳn nó nhưng Vronski cũng can đảm nói với bạn rằng “không nên chỉ sống vì tham vọng”. Cái chết của Anna không chỉ là lời lên án xã hội thượng lưu tàn nhẫn, gian trá và lừa đảo mà nó còn tác động mãnh liệt đến cảm xúc của Vronski. Chàng đau khổ và tự nhủ “phải, nếu coi như một công cụ thì tôi còn có thể có ích đôi chút. Nhưng xét kĩ về mặt con người thì tôi chỉ là một đống hoang tàn”.
Mặc dù chàng có những nhận thức tiến bộ hơn giới thượng lưu lúc đó nhưng Vronski vẫn là “con người thừa”. Cuối tác phẩm chàng quyết định từ bỏ ứng cử và đi làm công tác xã hội. Việc làm này dường như hé mở cho anh một con đường lí tưởng để giải quyết tư tưởng của mình, làm điều gì đó mới mẻ và có ích cho đời. Nhưng con đường đó còn rất mơ hồ.
Bên cạnh tuyến Anna, Tolstoi còn xây dựng tuyến của Levin. Levin là nhân vật mang tính lí tưởng của nhà văn. Qua nhân vật này tác giả muốn thử nêu lên một cách giải quyết vấn đề gai góc của xã hội – quan hệ giữa địa chủ với nông nô và vấn đề số phận nước Nga. Levin là điển hình của những người quí tộc tiến bộ những năm 70.
Là một quí tộc địa chủ nhưng Levin lại là người sống nội tâm không tham gia vào thế giới thượng lưu. Anh xem hôn nhân là một vấn đề nghiêm chỉnh, chung thân đại sự. Nhưng Levin không đặt hạnh phúc cá nhân lên trên hết mà anh luôn suy nghĩ nhiều về cách cải tạo tình trạng đen tối của nước Nga, để sống một cuộc đời có ý nghĩa.
Anh thử đưa ra một biện pháp để cải tạo tình trạng đen tối của xã hội. Anh phản đối bọn quí tộc tự do chủ nghĩa mưu toan nhập nguyên xi trật tự tư sản Tây Âu vào nước Nga. Anh cũng phản đối ý kiến cho giáo dục là đòn bẩy xã hội của Xvi-at-xki. Theo ý anh “trước hết phải chạy chữa cảnh nghèo nàn đã”. Trong cuộc bầu cử đại biểu quí tộc anh cũng không quan tâm đến việc tranh chấp giữa phái cũ và phái mới. Anh nhận thấy Kô-dơ-nư-sep biết nói những điều rất hay về nhân dân và công ích nhưng ông ta lại ít hiểu nhân dân và có một trái tim gắn bó thật sự với công ích. Hơn nữa, anh thấy mình đang sống trong thời đại mà “tất cả đều đã bị đảo lộn và chỉ mới đang được sắp xếp”. Xã hội hiện tại đã thế nhưng anh không chấp nhận cái trật tự tư sản mới đang hình thành ở nước Nga. Anh muốn tìm cho nước Nga một con đường khác – sự gần gũi và quan tâm thật sự của điền chủ đối với quyền lợi của nông dân.
Vì thế anh đã tìm cách hòa mình vào môi trường sống của những người lao động. Anh làm trang trại, ra đồng cắt cỏ, cuốc đất cùng nông nô. Anh lo dung hòa giữa quyền lợi của mình và quyền lợi của nông nô. Anh muốn làm một cuộc cách mạng không đổ máu bằng giải pháp hòa hợp “thay vào cảnh nghèo nàn, khắp nơi sẽ là giàu có và sung túc. Thay vào lòng thù hận sẽ là sự hòa hợp về mối liên hệ quyền lợi”. Đây là một quan niệm có tính chất ảo tưởng vì anh không thấy được nguyên nhân sâu xa của mọi bất công xã hội là chế độ tư hữu ruộng đất. Quan niệm của anh cũng giống như quan niệm của hai nhân vật Bảo và Hạc trong tác phẩm “Gia đình” của Khái Hưng. Bảo và Hạc đều là những thanh niên trí thức, không ham công danh mà họ tự nguyện về nông thôn để thực hiện lí tưởng cao đẹp của mình: cải cách đời sống của người dân. Họ đóng vai những ông bà chủ đồn điền đầy lòng từ thiện, giúp nông dân nâng cao dân trí, lập khu nghỉ mát, dệt vải may áo cho họ, diễn thuyết cho họ nghe về vệ sinh, về cách nuôi con… Tất cả đều là những biện pháp lý tưởng, xa rời thực tế. Ngay trong bản thân Levin cũng có nhiều mâu thuẫn. Anh không muốn từ bỏ quyền chiếm hữu ruộng đất của mình mà lại muốn xóa bỏ bất công xã hội. Chính anh trai Nicolai Levin của anh cũng phê phán cái chủ trương cải tạo xã hội nửa vời vá víu của anh: “chú chỉ muốn tỏ ra rằng ít nhất chú cũng bốc lột nông dân một cách có suy nghĩ”.
Levin bế tắc. Anh bi quan chuyển những vấn đề xã hội thành vấn đề đạo đức, hạ thấp lí trí nêu cao đức tin. Anh tưởng rằng cái ảo tưởng của việc “sống cho linh hồn mình và không quên chúa” sẽ giải quyết những băn khoăn suy nghĩ của anh nhưng cuối cùng anh cũng thất bại. Nhìn chung Levin cũng là nhân vật đầy bi kịch.
Mặc dù kiên trì thực hiện “chân lí nông dân”, có những ảo tưởng để cải tạo xã hội nhưng Levin vẫn là người có tư tưởng tiến bộ. So với Andrey và Pier thì anh đã vượt xa hơn. Andrey và Pier trải qua một thời gian dài mới phát hiện ra chân lí nhân dân. Còn đối với Levin, chân lí đó đã được khẳng định ngay từ đầu, có điều là anh chưa thấy được nguyên nhân chủ yếu của tình trạng bất công trong xã hội. Và khi sắp tìm ra được gốc rễ của vấn đề thì anh đã dừng lại. Cái lớn lao ở Levin là anh không bằng lòng với thực tại đen tối của chế độ nông nô chuyên chế và anh luôn thiết tha tìm cách giải quyết tình trạng đó dù cách giải quyết của anh không thành công. Tóm lại Levin là nhân vật ưu tú tiến bộ điển hình trong văn học Nga thời bấy giờ.
Levin là hình ảnh tự thuật của nhà văn Tolstoi. Viết tác phẩm này, Tolstoi muốn nêu lên tấn bi kịch của nước Nga đang chuyển mình, các nhân vật của ông đều nhốn nháo trong bầu không khí căng thẳng và đầy kịch tính đó. Đồng thời qua tác phẩm, Tolstoi muốn đặt ra vấn đề vận mệnh của nước Nga và số phận của nhân dân. Nhưng ông chưa đủ sức để giải quyết vấn đề đó một cách đúng đắn. Ông đã nêu lên vấn đề và cuộc sống đang chuyển mình ấy sẽ tìm ra câu trả lời.
Câu chuyện của Anna và Levin nhìn bề ngoài ta thấy chúng không có liên hệ gì, nhưng thật ra chúng lại có mối liên hệ bên trong rất khăng khít và nhất quán. Hai câu chuyện là hai con đường mà tác giả đã đưa ra. Một con đường đầy bi kịch của Anna để lên án cái xã hội thượng lưu thối nát. Con đường thứ hai tác giả muốn thử đưa ra cách giải quyết xã hội đó, giải quyết vấn đề số phận nước Nga.
Đến Tolstoi thì chủ nghĩa hiện thực đã đạt đến độ sâu sắc. Ông đã xây dựng nhân vật với những suy nghĩ và hành động phù hợp với sự phát triển của logich cuộc sống. Có người trách ông quá tàn nhẫn với Anna. Ông trả lời “…các nam nữ nhân vật của tôi đôi khi chơi tôi những đòn mà có lẽ tôi không mong ước: Họ làm cái cần phải làm trong cuộc sống thực tế và như phải xảy ra trong cuộc sống thực tế chứ không phải như tôi muốn”. Trường hợp này cũng giống Balzac khi xây dựng nhân vật Eugenie Grandet trong tác phẩm cùng tên. Ban đầu Balzac muốn xây dựng nhân vật này theo hướng lãng mạn nhưng cuối cùng ông phải thốt lên rằng “có thể tưởng tượng nỗi được không? Cô ta chết mất rồi”. Đó mới đúng là bút pháp hiện thực.
Tiểu thuyết Anna Karenina là một thành công mới của Tolstoi. Tác phẩm là một trong những kiệt tác của nền văn học Nga và thế giới. Nhà văn Dostoievski hết lời ca ngợi tác phẩm này và cho đó là “sự hoàn hảo của một tác phẩm nghệ thuật mà trong đấy không có chút gì giống tác phẩm Châu Âu và trong thời đại chúng ta không gì có thể sánh kịp”
Nguyễn Thúy Loan
giangnamlangtu.wordpress.com
giangnamlangtu.wordpress.com