Sư Tổ Nguyễn Tế Công và các học trò của người
Dịch từ nguyên bản Pháp văn của Đại Sư Nam Anh viết tại Montreal- 1999
Đời nhà Đường vào thế kỷ thứ 9 sau Công Nguyên có Ngài Tế Công Hòa Thượng, còn gọi là “Hoạt Phật” (Phật Sống) thường giả điên, vân du khắp noi cứu nhân độ thế, giúp người nông dân thoát khỏi cảnh áp bức cơ hàn.
Noi gương Ngài, hơn nghìn năm sau Nguyên Tế Vân đã chọn biệt danh là Nguyên Tế Công, ví như “Tế Công tái thế”.
Xuất thân từ một gia đình quyền quí, ngay từ thuở thiếu thời, hai anh em Nguyễn Tế Vân và Nguyễn Kỳ Sơn đã được Đại Sư Phùng Tiểu Thanh, một vị võ quan đã lui về ẩn dật, truyền dạy võ công.
Vài năm sau, tuổi cao sức yếu, Đại Sư Phùng Tiểu Thanh quyết định gửi người đồ đệ tài ba Tế Vân lên Kim Cương Tự hầu tiếp tục thọ giáo với Giác Hải Đại Sư, một vị huynh đệ đồng môn. Từ đó, cùng với 2 sư huynh đệ là Nguyên Trung, Nguyên Minh (tức Hoàng Tường Phong), Nguyên Tế Vân tiếp tục khổ luyện thêm 7 năm ròng rã tại Kim Cương Tự, đạt trình độ Siêu Đẳng.
Năm 1930, Đại Sư Nguyên Tế Công đến Việt Nam theo lời mời của các bang, hội người Hoa tại đây để dạy Vịnh Xuân Quyền cho các gia tộc quyền quí, giàu sang và chẳng mấy chốc đã vang danh công phu tuyệt kỷ qua những dịp thi triển võ công.
Năm 1937, ông cư ngụ tại nhà một đồ đệ truyền nhân là Cam Thúc Cường ở phố Hàng Buồm - Hà Nội và từ đó bắt đầu truyền dạy cho giới thượng lưu người Việt.
Trong Đệ Nhị Thế chiến (1939-1945), dưới chiêu bài “Đại Đông Á”, Nhật Bản đã xâm chiếm tất cả các nước ở Đông Nam Á khiến cho tại Việt Nam và Trung Quốc phong trào kháng Nhật đã dấy lên mạnh mẽ. Tế Công tham gia vào lực lượng kháng chiến với danh tính mới là Lương Vũ Tế và về sau được phong hàm tướng.
Luôn bị Hiến Binh Thiên Hoàng Nhật Bản truy lùng ráo riết, trên các nẻo đường đào thoát, ông đã để lại nhiều giai thoại ly kỳ còn truyền tụng đến nay về những lần chạm trán quân địch, mỗi bước ông đi vương xác quân thù…
Năm 1954, ông đưa gia đình di cư vào Nam và hành nghề Đông Y Sĩ tại Chợ Lớn cho đến nhung ngày cuối đời. Ông mất năm 84 tuổi, kề cận ông lúc ấy có bà Dung, ái nữ của ông cùng một người đồ đệ thân tín là Bác sĩ Lê Bá Khả.
Thanh Phong
Hữu Phước (sưu tầm)