Bờ biển Châu Me (Đức Phổ, Quảng Ngãi) là nơi ta được lắng nghe bản giao hưởng của đá và nước trong sự dâng hiến hết mình của sóng
Liệu có một thứ âm nhạc được tạo nên từ đá và nước làm mê hoặc lòng người hay không? Chắc chắn bạn sẽ có câu trả lời khi đứng giữa “thạch trận” bên bờ biển Châu Me vào một ngày thu đẹp trời nào đó.
Thế giới kỳ ảo của đá
Nơi đây, hòn Bù Nú tách khỏi dãy Trường Sơn, vươn mình ra biển hàng nửa cây số, dầm chân trong nước để tạo ra những vách đá dựng đứng, những hang hốc rêu phong màu huyền tích.
Đá nơi đây không “trơ gan cùng tuế nguyệt” mà hài hòa với nước, với sóng làm nên những cung bậc có khi trầm lắng, có lúc vút cao và vọng lại dưới những hang động đầy bí ẩn.
Mất khoảng 20 phút đi bộ về hướng Đông Nam dọc bãi cát nâu vàng, bạn sẽ đến gành Trọc với cơ man là đá tầng tầng lớp lớp, kỳ hình dị dạng.
Khi mặt trời sắp khuất sau rặng núi phía Tây là lúc đá đổ bóng lên đá, tạo nên một thế giới đá vô cùng sống động. Độ chếch của nắng thay đổi từng phút đã khiến cho hàng trăm tảng đá nhanh chóng thay hình đổi dạng. Vừa thấy giống một đàn “hải cẩu” lúp xúp đi trên cạn thì lát sau, chúng đã hóa thành những con “cá voi” đang đùa giỡn với từng đợt triều lên. Và rồi chỉ trong giây lát, “đàn cá voi” ấy…cải trang thành một “đoàn thuyền” lừng lững tiến ra khơi…
Đây chính là lúc ta được nghe bản giao hưởng của đá và nước trong sự dâng hiến hết mình của sóng. Đó là âm thanh bùng vỡ khi từng đợt sóng xô vào những hang đá hiểm hóc. Là âm thanh reo vui của một đợt sóng bạc đầu khi nó “chinh phục” được những tảng đá vươn cao nhất. Từng mảng nước lênh láng hân hoan tràn qua những cái đầu nhẵn bóng, đầy cam chịu của đá.
Nước rút, từng dòng dịu nhẹ len qua các khe đá nghe róc rách như suối. Cũng có lúc ta nghe âm thanh tức tưởi và u uất. Đó là lúc những con sóng trẻ, thích khẳng định mình một cách bồng bột nên bị “rớt” vào ổ phục kích của những vực đá sâu hun hút, loay hoay mãi mà chẳng thấy đường ra.
Mượt mà gành Nhu
Cách gành Trọc khoảng hơn 1 km về phía nam là gành Nhu. Như tên gọi của nó, gành Nhu trông xa như một nét mi cong mềm mại của “mỹ nhân ngư”. Đó là một bãi đá dài khoảng 800m, không hiểm trở như gành Trọc, chạy dọc theo bãi cát vàng mượt mà, tựa vào triền núi bốn mùa xanh ngắt màu dứa dại.
Một góc Bù Nú - Ảnh: Trần Cao Duyên
Gành Nhu trông hiền hòa bởi nó cư trú trong một eo biển khá yên ả, nơi mà tàu thuyền neo đậu bình yên trong những ngày biển động.
Ở đây, bạn có thể nghe những bản hòa âm dìu dịu của những làn sóng nhẹ vỗ vào gành đá. Đó là những lời hát thì thầm, rì rào của nước, của gió, tưởng chừng cả bãi đá cũng đang cùng với sóng lao xao.
Vào những đêm trăng, nhiều hòn đá ở gành Nhu trông giống như những nhà sư đang thiền tọa, ngẫm thấu cái lẽ vô cùng của tạo vật. Du khách sẽ cảm thấy nhẹ tênh, trút bỏ mọi phiền muộn khi lắng lòng trước những âm thanh kỳ ảo của thiên nhiên nơi đây.
Chợt nghĩ, đá và nước không hoàn toàn “cương nhu tương khắc” mà có nét tương đồng. Vì không tương đồng thì sao có thể làm nên…âm nhạc. Và hãy tưởng tượng xem, bờ biển sẽ đơn điệu như thế nào nếu vắng bóng những gành đá - những nốt nhạc miên man ngân lên lời của nước.
Không chỉ có âm nhạc của đá và nước, Châu Me còn làm say lòng du khách bốn phương bằng thứ âm nhạc của gió biển trong lành thổi qua bạt ngàn rừng dừa khua tí tách và lọc qua rừng dương xanh ngắt lao xao.
Theo TNO
Liệu có một thứ âm nhạc được tạo nên từ đá và nước làm mê hoặc lòng người hay không? Chắc chắn bạn sẽ có câu trả lời khi đứng giữa “thạch trận” bên bờ biển Châu Me vào một ngày thu đẹp trời nào đó.
Thế giới kỳ ảo của đá
Nơi đây, hòn Bù Nú tách khỏi dãy Trường Sơn, vươn mình ra biển hàng nửa cây số, dầm chân trong nước để tạo ra những vách đá dựng đứng, những hang hốc rêu phong màu huyền tích.
Đá nơi đây không “trơ gan cùng tuế nguyệt” mà hài hòa với nước, với sóng làm nên những cung bậc có khi trầm lắng, có lúc vút cao và vọng lại dưới những hang động đầy bí ẩn.
Mất khoảng 20 phút đi bộ về hướng Đông Nam dọc bãi cát nâu vàng, bạn sẽ đến gành Trọc với cơ man là đá tầng tầng lớp lớp, kỳ hình dị dạng.
Khi mặt trời sắp khuất sau rặng núi phía Tây là lúc đá đổ bóng lên đá, tạo nên một thế giới đá vô cùng sống động. Độ chếch của nắng thay đổi từng phút đã khiến cho hàng trăm tảng đá nhanh chóng thay hình đổi dạng. Vừa thấy giống một đàn “hải cẩu” lúp xúp đi trên cạn thì lát sau, chúng đã hóa thành những con “cá voi” đang đùa giỡn với từng đợt triều lên. Và rồi chỉ trong giây lát, “đàn cá voi” ấy…cải trang thành một “đoàn thuyền” lừng lững tiến ra khơi…
Đây chính là lúc ta được nghe bản giao hưởng của đá và nước trong sự dâng hiến hết mình của sóng. Đó là âm thanh bùng vỡ khi từng đợt sóng xô vào những hang đá hiểm hóc. Là âm thanh reo vui của một đợt sóng bạc đầu khi nó “chinh phục” được những tảng đá vươn cao nhất. Từng mảng nước lênh láng hân hoan tràn qua những cái đầu nhẵn bóng, đầy cam chịu của đá.
Nước rút, từng dòng dịu nhẹ len qua các khe đá nghe róc rách như suối. Cũng có lúc ta nghe âm thanh tức tưởi và u uất. Đó là lúc những con sóng trẻ, thích khẳng định mình một cách bồng bột nên bị “rớt” vào ổ phục kích của những vực đá sâu hun hút, loay hoay mãi mà chẳng thấy đường ra.
Mượt mà gành Nhu
Cách gành Trọc khoảng hơn 1 km về phía nam là gành Nhu. Như tên gọi của nó, gành Nhu trông xa như một nét mi cong mềm mại của “mỹ nhân ngư”. Đó là một bãi đá dài khoảng 800m, không hiểm trở như gành Trọc, chạy dọc theo bãi cát vàng mượt mà, tựa vào triền núi bốn mùa xanh ngắt màu dứa dại.
Một góc Bù Nú - Ảnh: Trần Cao Duyên
Gành Nhu trông hiền hòa bởi nó cư trú trong một eo biển khá yên ả, nơi mà tàu thuyền neo đậu bình yên trong những ngày biển động.
Ở đây, bạn có thể nghe những bản hòa âm dìu dịu của những làn sóng nhẹ vỗ vào gành đá. Đó là những lời hát thì thầm, rì rào của nước, của gió, tưởng chừng cả bãi đá cũng đang cùng với sóng lao xao.
Vào những đêm trăng, nhiều hòn đá ở gành Nhu trông giống như những nhà sư đang thiền tọa, ngẫm thấu cái lẽ vô cùng của tạo vật. Du khách sẽ cảm thấy nhẹ tênh, trút bỏ mọi phiền muộn khi lắng lòng trước những âm thanh kỳ ảo của thiên nhiên nơi đây.
Chợt nghĩ, đá và nước không hoàn toàn “cương nhu tương khắc” mà có nét tương đồng. Vì không tương đồng thì sao có thể làm nên…âm nhạc. Và hãy tưởng tượng xem, bờ biển sẽ đơn điệu như thế nào nếu vắng bóng những gành đá - những nốt nhạc miên man ngân lên lời của nước.
Không chỉ có âm nhạc của đá và nước, Châu Me còn làm say lòng du khách bốn phương bằng thứ âm nhạc của gió biển trong lành thổi qua bạt ngàn rừng dừa khua tí tách và lọc qua rừng dương xanh ngắt lao xao.
Theo TNO