• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Tiếng đàn bạc mệnh của Thuý Kiều

Bạch Việt

New member
Xu
69
Tiếng đàn bạc mệnh của Thuý Kiều


Suốt 15 năm lưu lạc, Nguyễn Du chỉ có 5 lần nói về tiếng đàn của Kiều, nhưng lần nào cũng đặc biệt



Trong "Đoạn Trường Tân Thanh", Nguyễn Du không nói nhiều đến tiếng đàn của Thúy Kiều, tổng cộng chỉ có năm lần trong suốt mười lăm năm lưu lạc của nàng. Nhưng lần nào cũng đặc biệt. Lần thứ nhất, Kiều gảy đàn cho Kim Trọng nghe, lần thứ hai cho riêng Hoạn Thư, lần thứ ba cho vợ chồng Thúc Sinh trong bữa tiệc "đánh ghen", lần thứ tư cho Hồ Tôn Hiến trong tiệc "Hạ công" và lần cuối cùng lại cho Kim Trọng trong đêm tái hồi. Trừ lần cuối cùng, tiếng đàn của nàng bao giờ cũng "ngậm đắng nuốt cay", cũng "muôn oán nghìn sầu" khiến người nghe phải "ngậm ngùi rơi châu".


Tại sao một cô gái khuê các mới mười lăm, mười sáu tuổi, lúc nào cũng "êm đềm trướng rủ màn che" , chưa hề va chạm với cuộc đời lại có tiếng đàn ai oán, não nề như vậy ? Chúng ta thử thưởng thức lại những tiếng đàn đó rồi cố gắng tìm hiểu nguyên do của sự "bạc mệnh".



Lần thứ nhất, khi vừa cắt tóc thề thốt với Kim Trọng, theo lời yêu cầu của người yêu, Kiều đã đàn cho chàng nghe. Tiếng đàn được mô tả như sau:

"Trong như tiếng hạc bay qua,


"Đục như nước suối mới sa nửa vời.


"Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,


"Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa"


Sau khi tả tiếng đàn, tác giả liền cho người đọc biết ảnh hưởng của tiếng đàn đối với người nghe :


"Ngọn đèn khi tỏ khi mờ,


"Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu


"Khi tựa gối khi cúi đầu,


"Khi vò chín khúc khi chau đôi mày."


Rồi đến lời bình phẩm của người nghe :


"Rằng hay thì thật là hay,


"Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào.


"Lựa chi những bậc tiêu tao,


"Dột lòng mình cũng nao nao lòng người."


Suốt trong thời gian Kiều ở thanh lâu lần thứ nhất, tác giả không cho biết nàng có đàn cho ai nghe không. Ngay cả đối với Thúc Sinh, ông cũng chỉ nói thoáng qua :


"Bàn vây điểm nước, đường tơ họa đàn."


Rồi khi được Thúc chuộc ra khỏi lầu xanh, ở với Thúc một năm rưỡi trời, Kiều cũng không đàn cho Thúc nghe lần nào ? Chắc chắn là phải có, nhưng không có gì đặc biệt nên tác giả không tả lại. Khi đã trở thành con hầu cho nhà họ Hoạn, nàng đàn cho Hoạn Thư nghe :


"Phải đêm êm ả chiều trời,


"Trúc tơ hỏi đến nghề chơi mọi ngày.


"Lĩnh lời nàng mới lựa dây,


"Nỉ non thánh thót dễ say lòng người."


Nhờ tiếng đàn, Kiều được Hoạn Thư thương và bớt nghiêm khắc phần nào :


"Tiểu thư xem cũng thương tài,


"Khuôn uy dường cũng bớt vài bốn phân."


Khi Thúc Sinh tưởng Kiều đã chết, đành trở về Vô Tích với vợ lớn. Hoạn Thư cho bày tiệc rượu "tẩy trần", rồi bắt Thúy Kiều đánh đàn giúp vui :


"Bốn dây như khóc như than,


"Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng.


"Cùng trong một tiếng tơ đồng,


"Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm."


Người cười nụ là Hoạn Thư mà kẻ khóc thầm là chàng Thúc :


"Giọt châu lã chã khôn cầm,


"Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt sương."


Hoạn Thư bèn mắng Kiều :


"Cuộc vui gảy khúc đoạn trường ấy chi ?


"Sao chẳng biết ý tứ gì ?


"Cho chàng buồn bã tội thì tại ngươi"


Sợ người yêu bị đòn, chàng Thúc đành :"
vội vàng gượng nói gượng cười cho qua."

Trong những năm ở với Từ Hải, Kiều không gảy đàn cho Từ nghe lần nào, dù Từ yêu thương, chiều chuộng nàng rất mực và đã giúp nàng trả ân báo oán. Có lẽ khi ở với Từ, nàng được hưởng một cuộc sống hạnh phúc nhất trong những năm luân lạc, nên tiếng đàn không còn ai oán, sầu thương, tác giả không cần tả lại.


Nhưng cuộc sống hạnh phúc ấy không được bao lâu. Khi Hồ Tôn Hiến dụ Từ Hải ra hàng, Kiều đã vì lòng thương nhớ quê hương, cha mẹ, khuyên Từ hãy "bó thân về với triều đình". Từ tuy là một anh hùng "đội trời, đạp đất ở đời" nhưng lại là một người chồng rất chiều vợ nên đã :


"Chỉnh nghi, tiếp sứ vội vàng,


"Hẹn kỳ thúc giáp quyết đường giải binh"


Không ngờ cái mưu "dụ hàng" chỉ là giả trá, khiến Từ phải chết đứng giữa trận tiền . Khi đã thắng trận, Hồ mở tiệc khao binh, thưởng tướng, bắt Kiều hầu rượu và bắt Kiều gảy đàn :


"Một cung gió thảm mưa sầu,


"Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay.


"Ve kêu vượn hót nào tày,


"Lọt tai Hồ cũng chau mày rơi châu."


Cảm vì sắc đep, thương vì tài, Hồ muốn tuyển nàng làm vợ nhỏ, nên đã ướm lời :


"Dạy rằng :'Hương hỏa ba sinh,


"Dây loan xin nối cầm lành cho ai."


Kiều từ chối và chỉ xin được về quê hương.


Đến đây, chúng tôi xin phép mở một ngoặc đơn để nói về bài thơ của thi sĩ Tản Đà trách Kiều hầu rượu Hồ Tôn Hiến :


"Tiếng sấm ân tình bốn mặt ran,


"Tướng quân chi tiếc cánh hoa tàn !


"Đôi hàng nước mắt, đôi làn sóng,


"Nửa đám ma chồng, nửa tiệc quan.


"Tống đốc ví thương người bạc phận,


"Tiền đường chưa chắc mả hồng nhan.


"Trơ trơ nấm đất bờ sông nọ,


"Hồn có nghe chăng mấy tiếng đàn ?"


Tản Đà


Bài thơ thật hay nhưng quá khắc nghiệt. Chúng ta thử đọc lại đoạn Kiều hầu rượu và gảy đàn cho Hồ Tôn Hiến xem Kiều có muốn làm tỳ thiếp cho Hồ không?



Trước hết, chúng ta thấy Hồ Tôn Hiến đã dùng quyền mà ép Kiều phải hầu rượu và gảy đàn:


"Bắt nàng thị yến dưới màn,


Dở say lại ép cung đàn nhặt tâu"


Rồi khi Hồ đề nghị thu nạp nàng làm vợ nhỏ, nàng đã trả lời:


"Thưa rằng :'Chút phận lạc loài,


"Trong mình nghĩ đã có người chết oan.


"Còn chi nữa cánh hoa tàn,


"Tơ lòng đã dứt dây đàn Tiểu lân.


"Rộng thương còn mảnh hồng quần,


"Hơi tàn được thấy gốc phần là may."


Như vậy, Kiều đã từ chối đề nghị của họ Hồ. Lời từ chối đó đã đem lại một hậu quả tai hại cho nàng. Sáng hôm sau, khí đã tỉnh rượu, Hồ nhớ lại chuyện sàm sỡ hồi đêm, lấy làm bẽ bàng, xấu hổ, bèn tìm cách hại Kiều để lấp liếm cái tội tán tỉnh một người đàn bà vừa góa chồng do sự xảo trá của chính Hồ. Khi con người xảo trá muốn chạy tội thì Kiều làm sao trốn thoát.


"Hạ công chén đã quá say,


"Hồ công đến lúc rạng ngày nhớ ra.


"Nghĩ mình phương diện quốc gia,


"Quan trên nhắm xuống, người ta trông vào.


"Phải tuồng trăng gió hay sao ?


"Sự này biết tính thế nào được đây ?"


Thế là Hồ gả Kiều cho một thổ quan :


"Lệnh quan ai dám trái lời,


"Ép tình mới gán cho người thổ quan."


Không những thế, Hồ còn ra lệnh đưa Kiều xuống ngay thuyền của thổ quan :


"Kiệu hoa áp thẳng xuống thuyền,


"Lá màn rủ thấp, ngọn đèn khêu cao."


Chỉ vì một lời từ chối, Hồ tức giận quên đi cái công dụ hàng của Kiều nên đã trả thù nàng một cách hèn hạ. Người ta còn nhớ, ngay sau khi thắng trận, Hồ nói với Kiều:


"Đã hay thành toán miếu đường,


"Giúp công cũng có lời nàng mới nên.


"Bây giờ sự đã vẹn tuyền,


"Mặc lòng nghĩ đến muốn xin bề nào ?"


Trở lại bài thơ của Tản Đà, chúng ta thấy thi sĩ đã trách oan Thúy Kiều. Vào đầu thế kỷ 20, Phạm Quỳnh và Trần Trọng Kim, thuộc phái tân học, đã khởi xướng một cuộc tranh luận về
Đoạn Trường Tân Thanh. Phái mới hết lời ca tụng Đoạn Trường Tân Thanh, trong khi đó phái cũ (Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng chủ trương), trong đó có Tản Đà, lại chỉ trích về phương diện luân lý. Phái cũ không chấp nhận việc một cô gái lén lút sang nhà trai về ban đêm, dù chẳng có chuyện gì đáng tiếc xảy ra. Phái cũ, các nhà nho yêu nước, thật ra chỉ mượn cuộc tranh luận về Kiều để chống lại Phạm Quỳnh, người đã được Louis Marty, chánh sở mật thám,phủ Toàn Quyền Pháp, nâng đỡ. Các cụ cho Phạm Quỳnh là người theo Tây để đàn áp các nhà cách mạng Việt Nam.

Về bài thơ trách Kiều của Tản Đà, người ta thấy rằng không những ông khắc nghiệt mà còn bất công. Lúc đó, giặc vừa mới dẹp xong, tình hình còn bất ổn, lệnh quan ở mặt trận rất nghiêm khắc, ai cũng phải tuân theo răm rắp, làm sao Kiều có thể cưỡng lại được ? Không những thế, chúng ta phải công nhận nàng đã có can đảm từ chối đề nghị của quan "tổng đốc trọng thần" lúc đó đang nắm quyền sinh sát "tiền trảm hậu tấu" (Tiện nghi bát tiễu, việc ngoài đổng nhung).


Xin đóng ngoặc đơn.


Lần thứ năm, cũng là lần cuối cùng, Kiều lại gảy đàn cho Kim Trọng nghe khi hai người được sum họp sau mười lăm năm xa cách. Tiếng đàn của nàng lần này khác hẳn tiếng đàn bạc mệnh những lần trước :


"Lọt tai nghe suốt năm cung,


"Tiếng nào là chẳng não nùng xôn xao.


"Chàng rằng :'Phổ ấy tay nào,


"Xưa sao sầu thảm nay sao vui vầy ?


"Tẻ vui bởi tại lòng này,


"Hay là khổ tận đến ngày cam lai ?"




Chúng ta đều biết rằng nghệ thuật, nói chung, đều phát xuất từ lòng con người mà ra. Lòng buồn thì văn chương, thơ phú, âm nhạc cũng buồn theo ("Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ !". Riêng về âm nhạc, ảnh hưởng đó càng rõ rệt. Vào đầu thế kỷ 20, khi nền tân nhạc còn phôi thai, chúng ta đã có một nhạc sĩ sáng tác những bản nhạc thật buồn, khiến người nghe phải bồi hồi xúc động và buồn theo. Đó là nhạc sĩ Đặng Thế Phong với những bản "Giọt mưa thu", "Con thuyền không bến"...Tiếng nhạc buồn đó đã vận vào chính tác giả. Ông đã qua đời lúc tuổi còn rất trẻ. Nhưng nếu đem so sánh hai trường hợp, Đặng Thế Phong và Thúy Kiều, chúng ta thấy không giống nhau. Đặng Thế Phong là người đã trải nhiều đau buồn trong cuộc đời nên những đau buồn đó đã ảnh hưởng tới âm nhạc. Trong khi đó, Thúy Kiều được sống êm ấm trong một gia đình bậc trung, bố mẹ hòa thuận, vui vẻ, chưa hề va chạm với cuộc đời, thế mà đã sớm có tiếng đàn ai oán, đau buồn. Chúng tôi nghĩ rằng phải có một nguyên nhân nào đã tác động mạnh đến tâm lý của nàng. ! Tâm hồn một cô gái khuê các còn trong trắng, như một tờ giấy chưa có tì vết, bỗng bị một chấm đen làm hoen ố cả tờ giấy. Nếu xét kỹ, chúng ta thấy cái điều ảnh hưởng mạnh đến tâm hồn một cô gái đa sầu đa cảm đó chính là lởi đoán của một thày tướng :


"Nhớ từ năm hãy thơ ngây


"Có người tướng sĩ đoán ngay một lời.


"Anh hoa phát tiết ra ngoài,


"Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa."


"Năm hãy thơ ngây" có thể chỉ vào khoảng chín, mười tuổi. Từ ngày đó cô bé thơ ngây, trong trắng bị lời đoán ám ảnh, rồi tin rằng đời mình sẽ chẳng ra gì. Cô không còn tin tưởng ở tương lai nữa, lúc nào cũng coi cuộc đời là sầu thảm, là đoạn trường. Vì thế, khi được gặp người yêu lần thứ nhất, nàng đã nói :


"Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn,


"Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay ?"


Đến lần gặp thứ hai, nàng nói một câu mà người ta coi là "gở" :


"Bây giờ rõ mặt đôi ta,


"Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao."


Tâm lý bất trắc ấy đã tạo nên tiếng đàn bạc mệnh của cô gái mới mười sáu tuổi đang sống một cuộc đời "phong gấm rủ là". Tiếng đàn ấy chỉ biến mất sau mười lăm năm luân lạc của nàng và sau một thời gian tu hành bên cạnh Giác Duyên. Nhờ được sống ổn định nơi cửa Phật mà lòng nàng lắng xuống, không còn phải lo lắng cho tương lai nữa. Sự lắng đọng đó không phải trong một sớm một chiều, nhưng đã chịu ảnh hưởng nhiều ở ngoại cảnh. Cuộc trả ân báo oán cũng giúp nàng lấy lại được lòng tự tin :


"Nàng từ ân oán rạch ròi,


"Bể oan dường đã vơi vơi cạnh lòng."


Rồi khi tạ ơn Từ Hải, nàng đã nói :


"Trộm nhờ sấm sét ra tay,


"Tấc riêng như cất gánh đầy đổ đi."


Vì thế, sau khi đánh đàn cho người tình nghe lần cuối, nàng quyết định :


"Nàng rằng : 'Vì chút nghề chơi,


"Đoạn trường tiếng ấy hại người bấy lâu.


"Một phen tri kỷ cùng nhau,


"Cuốn dây từ đấy về sau xin chừa."

Đưa ra một lời đoán về tương lai không tốt đẹp thẳng mặt một cô gái đa sầu đa cảm lúc cô còn thơ ngây chắc chắn không phải là một điều khôn ngoan. Ngay cả đối với những người lớn, đã trưởng thành, một lời đoán mò vô trách nhiệm về tương lai cũng có thể gây hoang mang, khủng hoảng tinh thần, huống hồ một cô bé còn non dại.

(Tạ Quang Khôi)
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top