Tiến sĩ NGuyễn Tương Bách....và phật giáo

PHÚC KEYNES

New member
Xu
0
Để cùng hướng thiện
Minh Anh (thực hiện)

thumbnail.php

Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách, ngoài công việc chuyên môn là vật lý và quản lý dự án, còn được biết đến như một nhà nghiên cứu Phật giáo qua nhiều tác phẩm viết hoặc dịch. TBKTSG đã có cuộc trò chuyện cùng anh xoay quanh chủ đề cái thiện, cái ác.

Cái ác lấn cái thiện?
TBKTSG: Anh nghĩ như thế nào về tình trạng bạo lực đang ngày càng tăng trong xã hội Việt Nam, có phải cái ác đang lấn cái thiện? Thiện ác là một vấn đề thuộc về xã hội hay tôn giáo?
- Anh Nguyễn Tường Bách: Đúng là yếu tố bạo lực xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội ta. Ở đâu người ta cũng sẵn sàng dùng bạo lực để đối xử với nhau từ ngoài đường phố, trong trường học cho đến trong gia đình. Ngay cả giới trí thức văn nghệ sĩ cũng hay thóa mạ lẫn nhau. Thiện, ác là một vấn đề có tính xã hội cao. Còn tính thiện ác trong đạo Phật chủ yếu nói về sự nhận thức và chuyển hóa của mỗi cá nhân.
TBKTSG: Một thái độ vô cảm trước sự an nguy của người khác có thể gọi là ác không?
- Tại các nước phương Tây, khi ta thấy người gặp nạn mà cố tình ngoảnh mặt làm ngơ không cứu giúp thì có thể bị truy tố. Vô cảm cũng là một hệ quả của bạo lực. Khi quá ngao ngán trước quan hệ giữa người và người, người ta hay rút về và chỉ biết cá nhân hay gia đình mình và bất cần xã hội, lúc đó sinh ra tình trạng vô cảm.
TBKTSG: Anh vừa nói vô cảm là hệ quả của bạo lực, vậy bạo lực còn có những hệ quả nào nữa?
- Còn nhiều chứ! Nhiều nơi tại Việt Nam người ta hay xỉ vả nhau, xỉ vả là bạo lực trên mặt ngôn ngữ. Lừa dối là bạo lực trên mặt hành vi. Tham nhũng cũng là một dạng của bạo lực, tức là bạo lực trên mặt kinh tế. Khi có người dùng quyền lực để đòi người khác cống nạp cho mình, người đó đã sử dụng bạo lực, chỉ khác là không thượng cẳng chân, hạ cẳng tay thôi.
TBKTSG: Quan hệ giữa người và người đang mất đi sự tương kính, trọng thị lẫn nhau, theo anh nguyên nhân sâu xa nằm ở đâu?
- Trả lời điều này đòi hỏi những nghiên cứu khoa học và nghiêm túc. Nhưng theo tôi có lẽ đây là một vấn đề lịch sử. Đất nước chúng ta trải qua nhiều năm chiến tranh rồi “tiến thẳng” lên một nền kinh tế thị trường sơ khai. Có lẽ vì vậy mà chúng ta thiếu một cái “phông” văn hóa của sự hòa bình nội tâm và xây dựng xã hội công dân. Thay vào đó là cái tệ sùng bái đồng tiền rất lớn.
TBKTSG: Người ta có khuynh hướng đổ lỗi những cái xấu trong xã hội là do đồng tiền. Nhưng phải lý giải như thế nào khi có những hành vi bạo lực không phải là do bị áp lực đồng tiền, ví dụ như những vụ hành hung trên đường phố vì một va quẹt nhỏ dẫn đến chết người?

Tôi tin nơi giá trị của con người Việt Nam. Hệ thống của chúng ta có nhiều bất cập nhưng con người của chúng ta không mất truyền thống trọng cái phải, cái thiện. - Gốc rễ sâu xa của hành vi bạo lực nằm trong sự xuống cấp về văn hóa, trong đó người ta sẵn sàng dùng bạo lực để giải quyết mọi vấn đề, không phải chỉ vì mâu thuẫn về tiền bạc. Nói chung thì trên thế giới ở đâu người ta cũng có vấn đề bạo lực nhưng ở chúng ta các hiện tượng bạo lực có liên quan đến quyền lực. Người có một triệu đồng trong túi thì nghĩ rằng ta có quyền lực của một triệu. Anh cảnh sát thấy mình có quyền lực trên người bị bắt, cô giáo thấy mình có quyền lực trên việc cho điểm học sinh, bác sĩ thấy mình có quyền lực trên bệnh nhân, người cấp cao thấy mình có quyền lực trên người cấp thấp... Từ quyền lực đi đến bạo lực chỉ là một bước nhỏ, nay đã bị bước qua. Cái khó của chúng ta là đây là một vấn đề văn hóa mà văn hóa thì bắt rễ sâu xa lắm. TBKTSG: Không lẽ nền đạo lý lâu đời của dân tộc ta không có vai trò gì hay sao?
- Nói đi thì cũng phải nói lại, đúng là vẫn còn những dấu hiệu lạc quan. Tiếp xúc với nhiều giới, nhất là trong giới bình dân và trung lưu, tôi thấy nhiều người, nhiều nhóm vẫn cố giữ đạo lý sống của mình. Cái đó tôi gọi là sự điều tiết tự nhiên của lương tâm. Và họ đang là số đông trong xã hội.
Vai trò của tôn giáo
TBKTSG: Liệu có phải sự điều tiết tự nhiên của lương tâm luôn gắn liền với một niềm tin tôn giáo?
- Không nhất thiết. Cũng có người theo tôn giáo, cũng có người tin vào đạo lý của cha ông để lại, cũng có người không tin tôn giáo nào cả, nhưng có những nguyên lý sống tốt đẹp một cách tự nhiên. Dù xã hội biến chuyển thế nào đi nữa, họ vẫn giữ cho gia đình một nề nếp nhất định.
TBKTSG: Là người nghiên cứu tôn giáo, anh có nghĩ tôn giáo có ích trong xã hội để chống lại cái ác không?
- Tôn giáo nào cũng khuyên người ta làm thiện tránh ác. Đạo Thiên Chúa đề cao lòng bác ái thương người. Đạo Hồi xem việc bố thí, giúp đỡ người nghèo là một bổn phận phải làm thường xuyên. Đạo Phật khuyên người ta sống từ bi, biết yêu thương mọi loài.
Người theo đạo Phật thường tin vào luật nhân quả. Làm thiện thì được thiện, làm ác gặp ác. Hình như điều đó ăn sâu trong tâm thức của người Việt Nam, từ giới bình dân đến tầng lớp trí thức, kể cả những người có chức vụ cao. Nhiều người hay nói “để đức cho con cháu”.
TBKTSG: Khi tin luật nhân quả con người không dám làm điều ác vì sợ bị trừng phạt, làm thiện vì muốn được phước, liệu đây có phải là một sự đổi chác?
- Đúng vậy. Hành xử như thế quả chưa thực là thiện. Thay vì người ta sợ luật pháp phạt thì sợ bị “trời” phạt. Bởi thế trong kinh sách đạo Phật có nói, làm thiện mà không biết mình làm thiện mới là cực thiện. Tức là làm một cách hồn nhiên. Hồn nhiên như tay trái bị ngứa thì tay mặt tự động đưa qua gãi, tay mặt không nghĩ mình “giúp” tay trái. Hành động một cách hồn nhiên như thế “công đức” mới lớn, theo đạo Phật. Ngày nay tôi thấy nhiều nhà hảo tâm sẵn lòng giúp đồng bào bị lụt hay giúp học sinh được đi học theo tinh thần “thương người như thể thương thân”, như tay mặt “thương” tay trái. Điều đó thật đáng quý trọng làm tôi trước sau vẫn có niềm tin về truyền thống nhân ái của dân mình.
Để cái thiện đẩy lùi cái ác
TBKTSG: Chẳng lẽ chỉ có niềm tin tôn giáo và truyền thống dân tộc mới giúp nuôi dưỡng thiện tâm, anh có nghĩ Nhà nước phải có cách gì khác nữa để đẩy lùi cái ác không?
- Dĩ nhiên còn nhiều cách nữa, như văn hóa giáo dục, như thực thi luật pháp. Tất cả những điều này đã được báo chí đề cập đến, đó là một sự nghiệp dài hơi và mọi cấp đều phải chấp hành, từ lãnh đạo đến thường dân. Nhưng đã nhiều năm trôi qua, tôi không thấy cải thiện trên mặt văn hóa giáo dục.
Mặt khác, tôi tin nơi giá trị của con người Việt Nam. Hệ thống của chúng ta có nhiều bất cập nhưng con người của chúng ta không mất truyền thống trọng cái phải, cái thiện.
TBKTSG: Điều gì phải xuất hiện để cho cái thiện đẩy lùi được cái ác?
- Đó là khi trong tâm của mọi người biết rằng, trong xã hội ai cũng đi tìm hạnh phúc cả, phải tôn trọng quyền lợi của người khác. Thực ra đây là một điều rất tự nhiên nhưng khi một bộ phận nào đó không coi trọng nguyên lý này thì cả xã hội bị kéo xuống theo. Hiện nay đang là một sự giằng co quyết liệt giữa hai phía nhưng tôi tin rằng khuynh hướng thiện lúc nào cũng chiếm đa số trong dân tộc mình.
TBKTSG: Theo anh, trong công việc này, bộ phận nào của dân tộc cần tích cực hơn nữa, nhà kinh doanh, người trí thức hay các thành phần tôn giáo?
- Nhà doanh nghiệp hay lãnh đạo tôn giáo bị hạn chế vì chỉ có quần chúng riêng của mình. Do đó công việc khôi phục một nền văn hóa thiện tâm trong xã hội chính là sứ mạng đích thực của thành phần trí thức. Thời nào cũng vậy, tầng lớp trí thức phải là người nói về các nguy cơ văn hóa khi chúng vừa xuất hiện. Trong xã hội hiện nay có rất nhiều người tâm huyết thuộc đủ các giới, trong Nam, ngoài Bắc và ta cần có một cơ chế để trí thức có một tiếng nói và sức mạnh độc lập.
TBKTSG: Vậy cơ chế đó là gì?
- Thú thật tôi không biết. Đã có nhiều đề nghị của các vị trí thức có tầm nhìn hơn tôi để có các tiếng nói và trọng lượng trong cơ chế tổ chức Nhà nước. Đó là những tế bào mới của xã hội, chứa đựng cái thiện, cái tốt tự nhiên của người dân, không cần ai lèo lái.
TBKTSG: Anh có nghĩ để làm được điều này đòi hỏi phải có sự chuyển hóa rất lớn về mặt thiết chế xã hội?
- Trong những năm 80 của thế kỷ trước đã có chuyển hóa về mặt kinh tế thì tại sao bây giờ không có chuyển hóa về mặt tổ chức xã hội. Theo tôi thấy thì hồi đó khó chuyển hóa hơn nhiều.
TBKTSG: Nhưng mỗi thời mỗi khác, hồi đó có một sự thúc bách đổi mới hay là chết…
- Bây giờ cũng vậy thôi. Nếu chúng ta phát triển kinh tế với tốc độ 7-8% mà văn hóa giáo dục không đồng bộ, cái ác ngày càng lan rộng thì cũng rất nguy hiểm.

Theo: TBKTSG
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top