Ảnh minh họa của provideocoalition.com.
Mức sống tăng lên không đồng nghĩa với việc con người cảm thấy hài lòng hơn với cuộc sống. Thế nhưng phần lớn chương trình giảm nghèo chỉ tập trung vào việc nâng mức thu nhập của người dân.
Theo Science Daily, giảm nghèo là một trong những chủ trương lớn trong tiến trình phát triển kinh tế của nhiều nước. Từ trước tới nay, trọng tâm của các chương trình giảm nghèo luôn là tăng sức mua của người dân. Người ta luôn nghĩ rằng người nghèo sẽ cảm thấy thỏa mãn hơn khi mức thu nhập của họ tăng lên. Nhưng giáo sư Mariano Rojas, một nhà nghiên cứu của Viện Khoa học xã hội Mỹ Latinh, cho rằng quan niệm đó không đúng.
Để chứng minh, Rojas tiến hành một cuộc thăm dò ý kiến trên toàn lãnh thổ Costa Rica trong 2 năm. Ông hỏi hàng nghìn người dân về thu nhập, mức độ thỏa mãn về cuộc sống, các mối quan hệ trong gia đình, môi trường sống, tình trạng sức khỏe, công việc và nhiều thứ khác.
Kết quả cho thấy phần lớn người tham gia khẳng định họ cảm thấy hạnh phúc. Tuy nhiên, chỉ có 24% người nghèo cảm thấy không hài lòng với cuộc sống. Trong khi đó 18% số người có thu nhập trung bình và cao lại có cảm giác tương tự. Rojas phân chia đối tượng tham gia cuộc khảo sát theo diện "nghèo" và "không nghèo" dựa theo một số tiêu chuẩn của Viện Khoa học xã hội Mỹ Latinh.
Như vậy, một điều rõ ràng là sự nghèo đói không nhất thiết dẫn đến cảm giác không thỏa mãn. Sẽ có nhiều người thoát khỏi cảnh nghèo những mức độ hài lòng với cuộc sống vẫn chẳng tăng lên. Ngược lại, một cá nhân có thể hài lòng với cuộc sống dù thu nhập của người đó thấp, miễn là anh ta (hoặc cô ta) cảm thấy hài lòng về các mặt khác của cuộc sống như gia đình, sức khỏe, công việc.
Giáo sư Rojas cho rằng các chương trình xã hội nên hướng tới việc cải thiện nhiều khía cạnh trong cuộc sống, chứ không chỉ thu nhập. Khi thiết kế những chương trình như vậy, người ta nên chú ý tới nhiều yếu tố, trong đó có giải trí, giáo dục, kỹ năng quan hệ với cộng đồng và thậm chí cả cách tiêu tiền.
“Nghiên cứu của tôi cho thấy thoát nghèo chưa chắc mang đến hạnh phúc cho người dân. Thu nhập cao hơn không đồng nghĩa với hạnh phúc cho mọi người. Tiền chỉ là phương tiện để chúng ta vươn tới cảm giác thỏa mãn. Bên cạnh việc nâng cao mức sống cho dân nghèo, chúng ta cũng cần quan tâm tới nỗ lực nâng cao một số kỹ năng cần thiết để họ cảm thấy hài lòng hơn với cuộc sống”, ông nói với Science Daily.
Theo Minh Long - VnExpress