Thủy quyển

Bút Nghiên

ButNghien.com
THUỶ QUYỂN

Thuỷ quyển là lớp nước trên Trái Đất, bao gồm nước trong các biển, các đại dương, nước trên lục địa và hơi nước trong khí quyển.

I. NƯỚC NGẦM

- Trên lục địa, lượng nước ngầm nhiều hơn tất cả các nước sông, hồ, đầm và băng tuyết cộng lại. Tuyệt đại bộ phận nước ngầm là do nước trên bề mặt đất ngấm xuống.

- Nước ngầm phụ thuộc vào:

+ Nguồn cung cấp nước (nước mưa, nước băng, tuyết tan…) và lượng bốc hơi nhiều hay ít

+ Địa hình: mặt đất dốc, nước mưa chảy đi nhanh nên thấm ít; mặt đất bằng phẳng, nước thấm nhiều.

+ Cấu tạo của đất đá: nếu kích thước các hạt đất đá lớn sẽ tạo thành các khe hở rộng, nước thấm được nhiều; ngược lại, các hạt đất đá nhỏ tạo khe hở nhỏ, nước thấm ít.

+ Lớp phủ thực vật: ở nơi cây cỏ nhiều, nước theo thân cây và rễ cây thấm xuống nhiều hơn ở vùng ít cây cối.

Nước ngầm không chỉ phục vụ sinh hoạt của con người mà còn là nguồn cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và công nghiệp.

II.HỒ

- Hồ có nhiều nguồn gốc hình thành khác nhau

+ Dựa vào nguồn gốc hình thành người ta chia ra:

Hồ hình thành từ một khúc uốn của sông, gọi là hồ móng ngựa, như Hồ Tây ở Hà Nội.

Hồ được hình thành do băng hà di chuyển qua, bào mòn mặt đất, đào sâu những chỗ đất, đá mềm, để lại những vùng nước lớn gọi là hồ băng hà, như các hồ ở Phần Lan, Ca-na-đa…

Ở những nơi trũng trong miền núi, nước tụ lại trước khi chảy ra sông cũng thành hồ. Có khi hồ hình thành ở trên các miệng núi lửa, còn được gọi là hồ miệng núi lửa.

Hồ hình thành do những vụ sụt đất như các hồ ở Đông châu Phi, được gọi là hồ kiến tạo.

Ở các hoang mạc, gió tạo thành các cồn cát cao, chân cồn cát một số nơi trũng, nước tụ lại thành hồ; các hồ dạng này thường nông.

+ Dựa vào tính chất của nước, người ta chia ra hai loại hồ: hồ nước ngọt và hồ nước mặn

Hồ nước ngọt là loại hồ thường gặp. Hồ nước mặn ít gặp hơn, có thể là di tích của biển, đại dương bị cô lập giữa lục địa, cũng có thể trước đây là hồ nước ngọt, nhưng vì khí hậu khô hạn nên nước hồ cạn dần và tỉ lệ muối khoáng trong nước tăng lên…

- Trong quá trình phát triển, hồ sẽ cạn dần và biến thành đầm lầy

Các hồ cạn dần do những nguyên nhân chính sau:

+ Ở miền khí hậu khô (ít mưa), nước lại bốc hơi nhiều và cạn dần

+ Hồ có sông chảy ra, sông càng đào lòng sâu thì càng rút bớt nước của hồ

+ Hồ có sông chảy vào, phù sa của sông sẽ lắng đọng và lấp dần đáy hồ

Trong giai đoạn cuối, đáy hồ bị lấp nông dần, thực vật phát triển, hồ trở thành đầm lầy.

III.SÔNG:

MỘT SỐ NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI TỐC ĐỘ DÒNG CHẢY CỦA SÔNG


1. Độ dốc lòng sông

Nước sông chảy nhanh hay chậm là tuỳ thuộc vào độ dốc của lòng sông, nghĩa là tuỳ độ chênh của mặt nước. Độ chênh của mặt nước càng nhiều thì tốc độ dòng chảy càng lớn.

2. Chiều rộng lòng sông

Nước sông chảy nhanh hay chậm còn tuỳ thuộc bề ngang của lòng sông hẹp hay rộng. Ở khúc sông rộng nước chảy chậm, đến khúc sông hẹp nước lại chảy nhanh hơn.

MỘT SỐ NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI CHẾ ĐỘ NƯỚC SÔNG

1. Chế độ mưa, băng tuyết và nước ngầm

Ở vùng khí hậu nóng hoặc những nơi địa hình thấp cuả khí hậu ôn đới, nguồn tiếp nước chủ yếu là nước mưa, nên chế độ nước sông ở từng nơi phụ thuộc vào chế độ mưa của nơi đó. Ở những nơi đất đá thấm nước nhiều, nước ngầm có vai trò đáng kể trong việc điều hoà chế độ nước của sông.

Ở miền ôn đới lạnh và miền núi cao, nước sông chủ yếu do băng tuyết tan cung cấp. Mùa xuân đến, khi nhiệt độ lên cao, băng tuyết tan, sông được tiếp nước… nên mùa xuân là mùa lũ.

2. Địa thế, thực vật và hồ đầm

a) Địa thế

Ở miền núi, nước sông chảy nhanh hơn ở đồng bằng. Sau mỗi trận mưa to là nước dồn về các dòng suối, sông.

b) Thực vật

Khi nước mưa rơi xuống, một lượng nước khá lớn được giữ lại ở tán cây, phần còn lại khi xuống tới mặt đất, một phần bị lớp thảm mục giữ lại, một phần len lỏi qua các rễ cây thấm dần xuống đất tạo nên những mạch ngầm, điều hoà dòng chảy cho sông ngòi, giảm lũ lụt.

c) Hồ đầm

Hồ, đầm nối với sông cũng có tác dụng điều hoà chế độ nước sông. Khi nước sông lên, một phần chảy vào hồ, đầm. Khi nước sông xuống thì nước ở hồ, đầm lại chảy vào làm cho nước sông đỡ cạn. Sông Mê Công chế độ nước điều hoà hơn sông Hồng nhờ có Biển Hồ ở Campuchia.

MỘT SỐ SÔNG LỚN TRÊN TRÁI ĐẤT

Dựa vào nguồn tiếp nước cho sông, người ta chia ra: những sông có nguồn tiếp nước chủ yếu là tuyết và băng tan, những sông có nguồn tiếp nước chủ yếu là nước ngầm và mưa, những sông có cả hai nguồn tiếp nước trên.

1. Sông Nin

Có diện tích lưu vực 2881000 km2 với chiều dài nhất thế giới: 6685 km, chảy theo hướng nam - bắc qua ba miền khí hậu khác nhau.

Sông Nin bắt nguồn từ hồ Vic-to-ri-a ở khu vực Xích đạo có mưa quanh năm, nên lưu lượng nước khá lớn. Tới Khắc-tum, sông Nin nhận thêm nước từ phụ lưu Nin Xanh ở khu vực cận Xích đạo, lưu lượng trở nên rất lớn, mùa nước lũ lên tới trên 90.000 m3/s; đến biên giới Ai Cập mặc dù sông Nin chảy giữa mièn hoang mạc và không nhận được một phụ lưu nào, nước sông vừa ngấm xuống đất, vừa bốc hơi mạnh, đến gần biển lưu lượng giảm nhiều, nhưng ở Cai-rô (Ai Cập) về mùa cạn lưu lượng vẫn còn 700 m3/s.

2. Sông A-ma-dôn

Có diện tích lưu vực lớn nhất thế giới 7170000 km2, với chiều dài thứ nhì thế giới là 6437 km, bắt nguồn từ dãy An-đét thuộc Peru chảy theo hướng tây – đông đổ ra Đại Tây Dương. Lưu vực sông nằm trong khu vực Xích đạo, mưa rào quanh năm, sông lại có tới 500 phụ lưu nằm hai bên đường Xích đạo nên mùa nào lòng sông cũng đầy nước và là con sông có lưu lượng trung bình lớn nhất thế giới 220000 m3/s.

3. Sông Von-ga

Có diện tích lưu vực là 1360000 km2 với chiều dài 3531 km, chảy theo hướng bắc – nam, từ vùng ôn đới lạnh tới vùng khí hậu khô hạn; mùa hạ tuy có mưa nhiều nhưng nhiệt độ cao, nước bốc hơi mạnh nên mực nước sông không cao; mùa đông lạnh, nên nước sông đóng băng tới 150 ngày. Mùa xuân đến băng, tuyết tan, lũ sớm, khiến cho lưu lượng giữa mùa lũ và mùa cạn chênh nhau khá lớn.

4. Sông I-ê-nit-xây

Có diện tích lưu vực là 2580000 km2 với chiều dài là 4102 km, là con sông chảy ở khu vực khí hậu ôn đới lạnh, mùa đông dài nước đóng băng, mùa xuân đến băng tan. Là con sông chảy từ Nam lên Bắc, nên băng tan ở thượng lưu trước, nước lũ dồn xuống trung và hạ lưu, vì băng ở hạ lưu chưa tan nên đã chắn dòng nước lại, tràn lênh láng ra hai bờ gây lụt lớn; có năm nước sông I-ê-nit-xây tràn ra mỗi bên bờ tới 150 km; sang mùa hạ nước rút, mùa thu nước cạn.

IV.BIỂN

MỘT SỐ TÍNH CHẤT CỦA NƯỚC BIỂN VÀ ĐẠI DƯƠNG

1. Thành phần và tỉ trọng của nước biển

Nước biển có chứa các chất muối, khí (ôxi, nitơ, cácbonic…) và chất hữu cơ có nguồn gốc động, thực vật.

Trong nước biển, nhiều nhất là các muối khoáng; trung bình mỗi kilôgam nước biển có 35 gam muối khoáng, trong đó có 77,8% là muối natri clorua tức là muối ăn.

- Tỉ lệ muối hay độ muối trung bình của nước biển là 35‰, nhưng độ muối cũng luôn thay đổi tuỳ thuộc vào tương quan giữa độ bốc hơi với lượng mưa và lượng nước sông từ các lục địa đổ ra biển như: Biển Đỏ có độ muối lên tới 43‰ trong khi biển Ban-tích có độ muối thấp nhất, có nơi chỉ còn 3,5‰.

- Độ muối ở đại dương thay đổi theo vĩ độ:

+ Dọc Xích đạo, độ muối là 34,5‰
+ Vùng chí tuyến, độ muối lên tới 36,8‰…
+ Gần hai cực, độ muối chỉ còn 34‰

Nước biển có tỉ trọng lớn hơn nước ngọt. Độ muối càng cao thì tỉ trọng của nước biển càng lớn, tuy nhiên xuống tới một độ sâu nhất định thì độ muối ở mọi nơi đều đồng nhất, nên tỉ trọng cũng dần dần đồng nhất.

2. Nhiệt độ của nước biển

a) Nhiệt độ nước biển giảm dần theo độ sâu

Từ độ sâu hơn 3000m (ở bất kì vĩ độ nào) nhiệt độ nước biển cũng gần như không thay đổi (từ 0o đến +4oC). Sở dĩ như vậy là vì ở độ sâu này, nước biển ở mọi nơi đều là nước từ các địa cực, nhất là từ Nam Cực, lắng xuống và trôi đến.

b) Nhiệt độ nước biển thay đổi tuỳ theo mùa trong năm

Do chịu ảnh hưởng của nhiệt độ không khí nên nhiệt độ nước biển cũng thay đổi theo các mùa trong năm, mùa hạ nhiệt độ nước biển cao hơn mùa đông.

c) Nhiệt độ nước biển giảm dần từ vĩ độ thấp lên vĩ độ cao (từ Xích đạo về cực)

Nhiệt độ nước biển còn thay đổi do ảnh hưởng của các dòng biển.

VAI TRÒ CỦA BIỂN VÀ ĐẠI DƯƠNG ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI

Biển và đại dương là nguồn cung cấp hơi nước vô tận cho khí quyển. Hơi nước sinh ra mây và mưa để duy trì cuộc sống của các sinh vật. Đại dương giữ vai trò điều hoà khí hậu của Trái Đất, không có đại dương thì khí hậu trên Trái Đất sẽ rất khắc nghiệt.

Biển và đại dương là kho tài nguyên

Theo các số liệu thống kê gần đây, ở biển và đại dương có trên 160000 loài động vật và 10000 loài thực vật.

Trong lòng đất dưới đáy biển và đại dương có đủ các loại khoáng sản như trên lục địa, nhiều loại có trữ lượng lớn hơn các mỏ trên lục địa nhiều lần. Người ta ước tính trữ lượng dầu mỏ ở biển và đại dương khoảng 21 tỉ tấn, khí tự nhiên khoảng 14 nghìn tỉ m3…

Rất nhiều mỏ khoáng sản ở biển và đại dương đã được con người khai thác từ lâu như quặng sắt, lưu huỳnh, đồng, phốt pho…

Ngoài ra, biển và đại dương còn là nguồn tài nguyên hoá học to lớn với trên 70 nguyên tố hoá học khác nhau.

Thuỷ triều là nguồn năng lượng vô tận của nhiều quốc gia trên thế giới. Công suất lí thuyết của năng lượng thuỷ triều ước tính khoảng 1 tỉ kW. Nhà máy điện thuỷ triều đầu tiên được xây dựng ở cửa sông Răng-xơ (Pháp) vào năm 1967 với công suất thiết kế là 240000 kW.

Sự chênh lệch nhiệt độ của nước biển trên bề mặt và dưới sâu cũng là nguồn thuỷ điện vô cùng to lớn. Ở vùng nhiệt đới, mức chênh lệch nhiệt độ của nước trên mặt và dưới sâu khoảng 10 – 15oC; dựa vào sự chênh lệch này người ta đã xây dựng những nhà máy thuỷ nhiệt. Nhà máy điện thuỷ nhiệt đầu tiên đang hoạt động ở gần A-bit-gian (Cốt Đi-voa) với công suất 14000 kW.

- Biển và đại dương là “chiếc cầu nối liền giữa các lục địa với nhau”

Biển và đại dương là đường giao thông vận tải hết sức rộng lớn. Hiện nay vận chuyển trên biển đóng vai trò hàng đầu trong buôn bán quốc tế. Vận tải đường biển chiếm hơn ¾ khối lượng hàng hoá trao đổi trên thế giới.

- Biển và đại dương còn là nơi nghỉ ngơi, an dưỡng và du lịch hấp dẫn

SÓNG BIỂN

Sóng biển là một hình thức dao động của nước biển theo chiều thẳng đứng, nhưng lại cho người ta cảm giác là nước chuyển động theo chiều ngang từ ngoài khơi xô vào bờ.

Nguyên nhân chủ yếu tạo nên sóng là gió. Gió càng mạnh thì sóng càng to, mặt biển càng nhấp nhô, những giọt nước biển chuyển động lên cao, khi rơi xuống va đập vào nhau, vỡ tung toé ra tạo thành bọt trắng, đó là sóng bạc đầu.

Sóng thần là sóng cao dữ dội, có chiều cao khoảng 20 đến 40m, truyền theo chiều ngang với tốc độ có thể tới 400 – 800 km/h. Sóng thần chủ yếu là do động đât gây ra, ngoài ra còn do núi lửa phun ngầm dưới đáy biển hoặc bão.

THUỶ TRIỀU

Thuỷ triều là hiện tượng dao động thường xuyên và có chu kì của các khối nước trong các biển và đại dương, do ảnh hưởng sức hút của Mặt Trời và Mặt Trăng.

Khi Mặt Trăng, Mặt Trời, Trái Đất nằm thẳng hàng thì dao động thuỷ triều lớn nhất.

Khi Mặt Trăng, Trái Đất và Mặt Trời nằm vuông góc với nhau thì dao động thuỷ triều nhỏ nhất.

DÒNG BIỂN

Các dòng biển nóng thường phát sinh ở hai bên Xích đạo, chảy về hướng tây, khi gặp lục địa thì chuyển hướng chảy về phía cực.

Các dòng biển lạnh xuất phát từ khoảng vĩ tuyến 30 – 40o thuộc khu vực gần bờ phía đông của các đại dương rồi chảy về phía Xích đạo, cùng với dòng biển nóng tạo thành những hệ thống hoàn lưu trên các đại dương ở từng bán cầu.

Hướng chảy của các vòng hoàn lưu lớn ở bán cầu Bắc theo chiều kim đồng hồ, ở bán cầu Nam thì ngược lại.

Ở bán cầu Bắc còn có những dòng biển lạnh xuất phát từ vùng cực, men theo bờ tây các đại dương chảy về phía Xích đạo.

Ở vùng gió mùa thường xuất hiện các dòng biển đổi chiều theo mùa

Ở Bắc Ấn Độ Dương, về mùa hạ dòng biển nóng chảy theo vòng từ tây… rồi trở về Xri Lan-ca. Về mùa đông, dòng biển này chảy theo chiều ngược lại.

Các dòng biển nóng và lạnh chảy đối xứng nhau ở hai bờ các đại dương.

Ở khu vực cực và ôn đới của bán cầu Bắc, các dòng biển nóng và lạnh cùng chảy đối xứng theo hai bờ đại dương, nhưng ngược với sự đối xứng ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt.

(Nguồn:Opera)​
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top