Thương quá Tết cổ truyền ơi!

Phoenix_Tran

New member
Xu
0
Họ và tên: Trần Thị Ngọc Phượng
Tuổi:17 tuổi
Nghề nghiệp: Học sinh

Thương quá Tết cổ truyền ơi!

Cái khí trời se se lạnh đặc hương vị Tết Nguyên Đán đang ngày rõ nét trên nền bức tranh xuân vĩnh cữu của tự nhiên. Vậy mà tôi hờ hững, mãi đến bây giờ tôi mới nghe được tiếng xuân đang gọi tôi ở ngoài kia. Có lẽ, từ ngày bắt đầu định cư ở thành phố, tôi chỉ còn quen với tiếng còi xe inh ỏi trên những tuyến đường, tiếng động cơ liên thanh khắp ngõ. Biết làm sao khi đó chính là nhịp thở của cuộc sống tất bật, vội vã nơi phố thị xa hoa này. Dường như mọi người ở đây ít ai nghe được tiếng chim gọi mùa mới đang véo von, cuộc sống cơm áo gạo tiền chật vật đã cuốn những con người nơi đây theo một vòng xoáy bất tận. Dẫu có hơi muộn màng nhưng họ cũng vừa nhận ra mùa xuân truyền thống, mùa Tết cổ truyền đang đến thật gần trước cửa.

GT2010%20(6).jpg

Tết cổ truyền bên gia đình xum vầy
Xuân về từ những nẻo đường tấp nập kẻ ngược xuôi, từ phố chợ đông vui nhộn nhịp và từ những chiếc giỏ trên tay các cô, các chị đầy vung hàng Tết. Và rồi xuân lan tỏa đến mọi người, mọi nhà. Những mái ngói sậm màu nắng mưa giờ đây khoác trên mình một màu mới, màu của mái ấm đoàn viên, màu của Tết vui sum họp. Con cháu tụ họp quay quần bên ông bà. Họ chung tay nhau don dẹp, trang hoàng mọi thứ, góp với nhau tiếng nói để mùa xuân thêm rộn ràng. Ông bà nội, ông bà ngoại thì ngồi trên chiếc ghế bành nhìn lũ con cháu ra tài tháo vát, miệng nhấm nháp một ít trà bên đĩa mứt thơm lừng. Những đứa cháu nhỏ tíu ta tíu tít chạy loanh quanh trong nhà hỏi chuyện bố mẹ và người lớn. Các chú thì đang xem đi xem lại mấy cành mai rồi chọn lấy vài nhành đẹp nhất chưng trong nhà. Các cô thì đang loay hoay sau nhà với nào là nồi bánh, nồi thịt kho,..
Người khác lại bận rộn trang hoàng mâm ngũ quả. Ngoài ngõ, các chị đi chợ Tết mới về mang nào là câu đối đỏ, là pháo ngày xuân,... Mấy anh thì thi nhau vác trên vai những bao dưa hấu đỏ tươi, hay ôm trong tay nào chậu cúc, vạn thọ vàng tươi đặt trước cửa nhà, mong ghi điểm với ai đó và hi vọng một tin vui sẽ đến vào những ngày đầu năm. Cùng lúc đó, mấy thím, mấy dì nhà cạnh bên cũng đem sang ít củ kiệu, dưa chua biếu ông bà cho bữa cơm thêm đậm đà vị Tết. Mọi người đều tất tả nhưng không ai vội vàng, qua loa bất cứ chuyện gì.
Hương xuân vì vậy mà trọn vẹn ở mọi nơi mọi chỗ, từ trong nhà ra phố chợ, từ ngõ vắng đến xóm ấp đông vui, từ những nụ hoa đến môi cười rạng rỡ. Khí trời se se như cũng ấm lên bởi những tấm lòng yêu và quý ngày Xuân truyền thống. Vì đó là thời điểm mà những người gọi nhau là người thân, là hàng xóm, là đồng bào dành cho nhau những tình yêu thương cao cả. Xuân miền xuôi nhớ xuân miền núi. Xuân đất liền nhớ xuân đảo xa.


Đối với người Việt Nam đêm giao thừa ngày 30 là thời khắc thiêng liêng nhất của năm. Mọi thứ đã chuẩn bị sẵn từ những ngày trước đó được bày ra trên bàn thờ gia tiên một cách trang trọng và kính cẩn. Những cháu nhỏ khoe nhau chiếc áo dài đỏ may mắn. Cô chú thì nhìn bọn trẻ mà cười nhớ vế những ngày xuân xưa. Ông bà lại đang yên lặng chờ phút giây giao thừa. Ai cũng cảm thấy chút gì nôn nao cho một năm mới mở đầu với niềm vui mới, thành công mới, có chút gì luyến tiếc vì những việc chưa hoàn thành kịp trong năm qua, và hơn hết, mỗi người đều ngập tràn hi vọng về một cuộc sống tươi đẹp sẽ đến. Đồng hồ điểm 12 giờ cũng là lúc ông giơ cao nén hương cung kính mời ông bà tổ tiên cùng về vui Tết với gia đình. Thời khắc ấy thật thiêng liêng, thật trang trọng, ai cũng im lặng chấp tay thành tâm cầu nguyện những điều tốt lành cho bản thân và gia đình. Và thời gian đã điểm những nhịp đầu tiên của năm mới.

Những cháu bé xếp hàng nhau chúc Tết từ ông đến bà rồi ba, mẹ, chú, bác ... và nhận những phong bao lì xì đỏ tươi và lời chúc từ người lớn, xong, chúng lại rủ nhau đêm xem ai nhận được nhiều tiền lì xì hơn. Quả thật, Tết chỉ thực sự đến với những đứa bé ngây thơ, trong sáng kia từ món tiền may mắn ấy. Đôi khi tôi cũng ước mình được bé lại như ngày xưa, lại được cầm trong tay bao đỏ mà hớn hở khoe với mọi người. Người lớn cũng chúc nhau năm mới phát tài, thành công. Cô, chú, dì, dượng khoát tay nhau đi giữa mùa xuân đến chùa lễ Phật cầu bình an. Mấy anh, chị lớn thì xin xâm hỏi về đường tình duyên năm nay thế nào. Nam thanh như muốn tỏ bày nhờ nhành mai đào trao tay còn nữ tú như cũng e ấp nhận lấy tấm lòng từ những chàng trai ấy. Tình yêu sau đó mà nảy nở và vun đắp giữa những tình xuân.

Những chú lân rồng thì nối đuôi nhau chúc phúc mọi nhà. Tiếng trống gõ như gọi điềm may tới. Góc kia, ông đồ đang cần mẩn cho chữ những khách du xuân ghé qua hàng chữ cũa ông. Bàn tay như phượng bay, nét chữ như rồng múa dần hiện lên trên tấm vải đỏ làm say đắm những ai yêu nét chữ đầu xuân. Góc nọ người ta cũng đang tìm thử chút vận mai ngày đầu năm từ những trò may rủi. Tết Việt luôn tưng bừng và rộn ràng thế đấy.

Xuân rồi cũng sẽ qua đi, người ta rồi lại trở về với cuộc sống hiện tại. Nhưng những gì mà mùa xuân để lại luôn cháy bỏng trong mỗi người, là động lực để họ phấn đấu xây dựng cuộc sống hạnh phúc và mong chờ một mùa xuân mới an khang nữa sẽ lại về. Đơn giản vì xuân giúp cho con người ta được ôn lại những truyền thống quý báu từ bao đời xưa. Xuân ngày nay vẫn nhớ về xuân truyền thống .

Tiếng xuân lại đang rộn ràng khắp nơi cũng là lúc con người ta tự nhắc nhở nhau cho ngày Tết của dân tộc sắp đến. Truyền thống ăn Tết Nguyên đán đã trở thành một nét văn hóa thiêng liêng của đất nước Việt Nam. Đó là niềm tự hào của ta trước văn hóa của bạn bè trên khắp năm châu bốn bể. Thế nên riêng tôi, tôi luôn mong cho những con người bận rộn nơi thành phố này sẽ được hưởng một mùa xuân thanh bình bên gia đình của họ. Mùa xuân với những tiếng cười không vướng chút gì màu sắc của sự lo âu và tất bật . Mùa xuân hạnh phúc. Mùa xuân yên vui. Mùa xuân truyền thống. Mong cho người công nhân xa xứ sẽ đón được xe về sum họp bên gia đình. Mong cho anh chị sinh viên chóng được đón về mái ấm với vòng tay yêu thương, ấm áp của mẹ ba. Mong co những mái nhà không lành lặn cũng sẽ có một mùa xuân tươi.

Mong cho ngoài đảo xa hàng Tết sẽ đến kịp lúc để bà con được đón Tết cổ truyền mãn viên. Và mong cho mọi người Việt Nam, những người đang đứng trên đất rồng bay hay đang sống trên đất người, dù đang phú quý hay khó khăn, hãy luôn nhớ về ngày Tết Nguyên Đán, Tết của quê hương của dân tộc, của con cháu dòng giống Rồng Tiên.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Văn bạn viết chân thành, mộc mạc và giản dị!!! Đọc xong mà mình thấy nao lòng, nhớ về những kỉ niệm của ngày tết khi xưa, nhớ lại những phút ngây thơ, ngô nghê mỗi khi tết đến xuân về!!! Và cũng không quên những phong tục truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc chỉ có mình Việt Nam ta có được!!! Ôi!!! Sao mà yêu tết quá!!! <3
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top