Thuốc và các tác nhân hại thận
Thận là cơ quan chính của hệ tiết niệu. Một số thuốc, yếu tố môi trường, vi sinh vật, động, thực vật có thể tác động nguy hại lên nhu mô và chức năng thận gây suy thận cấp hoặc suy thận mạn dẫn đến cái chết thương tâm.
Thuốc gây hại đối với quả thận bên phải.
Thuốc vào cơ thể theo đường uống, tiêm truyền hoặc bôi ngoài da được hấp thu, phân bổ, chuyển hóa và thải trừ qua thận. Những thuốc hại thận gồm:
Kháng sinh:
- Aminoglycosid như neomycin, gentamycin, amikacin, tobramycin, streptomycin là nguyên nhân hàng đầu gây creatinin máu tăng, dấu hiệu quan trọng của suy thận.
- Cephalosporin thế hệ 1 như cefadroxyl, cefalexin, cefalotin, cefazolin gây nhiễm độc ống thận.
- Polypeptid như polymixin, colistin có độc tính cao với thận.
- Quinolon: Các fluoroquinolon như ofloxacin, ciprofloxacin, norfloxacin đều gây tăng creatinin máu. Khi sử dụng cần dựa vào mức lọc cầu thận để chọn liều.
- Amphotericin B là thuốc kháng nấm tác động lên lipid ở màng tế bào biểu mô ống thận gây độc thận, nhiễm toan ống thận, đái tháo nhạt do thận.
- Ức chế men chuyển (captopril, ednyt, renitec…) và kháng thụ thể AT1 (aprovel, micardis, cozaar…) gây tăng creatinin máu. Chống chỉ định trong hẹp động mạch thận.
- Hóa trị liệu chống ung thư:
+ Cisplatin gây suy thận cấp và hạ magnesi máu.
+ Methotrexat gây kết tủa, tắc lòng ống thận.
+ Sulfamid gây kết tủa các tinh thể trong lòng ống thận.
- Thuốc cản quang iod hóa trị 2, hóa trị 3 (urographin, telebrex…) gây sốc phản vệ, tắc mạch vì gây độc trực tiếp lên nhu mô thận hoặc co động mạch thận.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Cyclosporin A, azathioprin, mycophenolat mofetil… cần chỉ định đúng, theo dõi cẩn thận.
- Thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm không steroid:
+ Indometacin, phenylbutazon, naproxen gây viêm kẽ thận mạn.
+ Paracetamol ngoài suy gan có thể gây hoại tử ống thận cấp, suy thận cấp.
- Thuốc điều trị bệnh tâm thần Lithium.
Một số tác nhân gây hại thận
Nước ta ở vùng nhiệt đới nên thời tiết, khí hậu nóng và ẩm ướt. Đó là điều kiện tốt cho vi sinh vật, côn trùng, động vật, thực vật phát triển phong phú nhưng cũng có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, đặc biệt hại cho thận.
Yếu tố môi trường:
Đất có nhiều sỏi đá, hàm lượng kali thấp gây nhiễm toan ống thận; Nước có nhiều calci gây sỏi tiết niệu; Ngộ độc kim loại nặng như thủy ngân, chì, cadmin gây suy thận cấp hoặc suy thận mạn.
Do nhiễm khuẩn:
Khí hậu ẩm ướt nên vi sinh vật phát triển gây nên; Sốt rét, sốt xuất huyết do muỗi truyền, hội chứng gan thận cấp do xoắn khuẩn Leptospira, đái dưỡng chấp do nhiễm ấu trùng giun chỉ, viêm cầu thận cấp do nhiễm liên cầu nhóm A tan huyết.
Do độc tố, ngộ độc từ động, thực vật:
Ngộ độc mật cá trắm gây suy thận cấp; Rắn độc cắn gây hoại tử, suy đa tạng; Ong vò vẽ đốt gây sốc phản vệ, suy đa tạng; Rết, bò cạp cắn; Nấm độc gây suy gan – thận cấp, suy đa tạng; Lá, hoa, cành, rễ một số cây gây hoại tử ống thận cấp.
Sữa kiềm chứa melamin gây sỏi tiết niệu, suy thận cấp hoặc suy thận mạn. Những năm gần đây, ở Trung Quốc có một số trẻ nhỏ bị tử vong vì suy thận cấp do uống sữa có melamin. Melamin là một hóa chất tổng hợp dùng trong các sản phẩm bằng chất dẻo hoặc gỗ. Vào cơ thể người, melamin làm thay đổi nội mô và chức năng ống thận. Melamin bài tiết nhanh ra nước tiểu gần hết sau 24 giờ nhưng có thể gây kết tủa, hoại tử ống lượn xa và suy thận cấp. Nếu có tinh thể to sẽ tạo thành sỏi bể thận, viêm tổ chức kẽ thận, xơ hóa nhu mô thận rồi suy thận mạn.
Thuốc và các tác nhân trên gây hại thận được giải thích như thế nào?
Đó là do các cơ chế chung sau đây: Thay đổi huyết động, giảm lưu lượng máu đến thận gây suy thận cấp chức năng; Độc trực tiếp lên tế bào thượng bì ống thận. Vì vận chuyển ion qua màng tế bào ống thận và dẫn truyền thần kinh thay đổi, chức năng tái hấp thu biến loạn làm nồng độ thuốc và các độc tố tăng gây độc; Nhu mô thận nhạy cảm với tác nhân theo kiểu dị ứng - miễn dịch, sản xuất nhiều chất trung gian, cytokin, endothelin, yếu tố hoạt hóa tiểu cầu… và gây suy thận cấp, suy đa tạng; Các tinh thể gây tắc lòng ống thận.
Làm thế nào để phòng ngừa và giảm nhẹ hại thận do thuốc và các tác nhân trên?Suy thận cấp và suy thận mạn luôn luôn là gánh nặng cho bản thân, gia đình và xã hội. Chúng ta cần phòng ngừa với các biện pháp sau: Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng hoặc 12 tháng một lần; Không dùng thuốc, thực phẩm chức năng theo kiểu “mách bảo”; Sử dụng thuốc đúng đường dùng, liều lượng, thời gian phù hợp với tuổi, giới tính, thể trạng do chuyên môn chỉ định; Khi có hiện tượng đái ít, nước tiểu sẫm màu (đỏ hoặc đục) cần thông báo cho chuyên môn hoặc đi khám bệnh; Có biện pháp phòng hộ lao động khi làm việc ở môi trường có thể xảy ra không an toàn (xí nghiệp, hầm mỏ, rừng núi) để phòng ngộ độc kim loại nặng, rắn cắn, ong đốt…
Theo Báo SK&ĐS