• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Thực trạng & giải pháp pháp lý bảo vệ quyền trẻ em với nạn bạo hành gia đình

dream_high

Moderator
Xu
0
Thực trạng & giải pháp pháp lý bảo vệ quyền trẻ em với nạn bạo hành gia đình



I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Quyền được sống và quyền được phát triển là hai trong bốn nhóm quyền cơ bản được ghi nhận trong Công ước quyền trẻ em được Đại hội đồng Liên Hiệp quốc chính thức thông qua vào 1989, Công ước đã được hầu hết các nước trên thế giới đồng tình và phê chuẩn. Nước ta là một trong những quốc gia đi đầu trong việc phê chuẩn Công ước Liên Hợp quốc về quyền trẻ em (1990); phê chuẩn Công ước số 182 của ILO về việc cấm và những hành động tức thời để loại bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất (17/6/1999); Công ước số 138 của ILO về tuổi tối thiểu đi làm việc (1973); Nghị định thư không bắt buộc về buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em (25/5/2000); cam kết thực hiện Tuyên bố về một thế giới phù hợp với trẻ em (2002). Việc phê chuẩn các văn kiện nêu trên đã đặt ra trách nhiệm pháp lý của nước ta trước cộng đồng quốc tế về thực hiện các quyền cơ bản, đặc biệt là quyền được bảo vệ khỏi bị tổn thương của trẻ em.

Điều 19 của Công ước về Quyền Trẻ em có các quy định chung về phòng chống bạo lực và lạm dụng trẻ em: “Các quốc gia thành viên phải thực hiện các biện pháp về luật pháp, hành chính, xã hội và giáo dục thích hợp để bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bạo lực về thể chất, tinh thần, bị tổn thương hay lạm dụng, bị bỏ mặc hoặc đối xử sao nhãng, bị ngược đãi hoặc bị bóc lột, bao gồm lạm dụng tình dục khi các em đang nằm trong sự chăm sóc của cha mẹ, người giám hộ hay bất kỳ người nào chăm sóc trẻ”.
Hiến pháp của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến trẻ em đều thể hiện rõ quan điểm nhất quán của Đảng và nhà nước ta về trách nhiệm của gia đình, xã hội và nhà nước trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đặc biệt là Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ban hành năm 1991 và sửa đổi năm 2004 đã quy định: “Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em phải coi trọng việc phòng ngừa, ngăn chặn trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; kịp thời giải quyết, giảm nhẹ hoàn cảnh đặc biệt của trẻ em; kiên trì trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt phục hồi sức khỏe, tinh thần và giáo dục đạo đức; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt”.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam không ngừng mở rộng các quan hệ hợp tác quốc tế với xu hướng hội nhập, đa dạng, đa phương, chia sẻ và phát triển. Sự hợp tác này đã đưa đến các bước tiếp cận mới trong quá trình lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở cấp quốc gia và cấp địa phương và có ảnh hưởng lớn trong nhiều lĩnh vực ở Việt Nam, trong đó có phương pháp tiếp cận bảo vệ, chăm sóc trẻ em dựa trên quyền trẻ em, phát triển hệ thống bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các cấp độ khác nhau. Công tác lập pháp và giám sát về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của Quốc hội được tăng cường. Công ước LHQ về Quyền trẻ em và Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng từng bước đi vào cuộc sống.

Tuy nhiên, nạn bạo hành gia đình và đối tượng của nó là trẻ em vẫn diễn ra và gây nhiều ý kiến bức xúc từ người dân. Vậy cần những giải pháp pháp lý nào để bảo vệ trẻ em đặc biệt là những em sống trong các gia đình ghép mà thường không nhận được sự quan tâm, yêu thương đầy đủ của cha, mẹ. Qua bài tiểu luận này em xin đưa ra một số vấn đề và giải pháp khắc phục cũng như cải thiện tình trạng bất cập trên.


II. NỘI DUNG
1. Thực trạng vấn đề bạo lực gia đình đối với trẻ em.
a. Thế nào là “bạo lực gia đình”?
­Bạo lực gia đình đang là vấn đề được dư luận quan tâm sâu sắc. Đây là một dạng tệ nạn xã hội gây hậu quả ở nhiều mức độ lên đời sống gia đình và xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Trường hợp nhiêm trọng, bạo lực gia đình là tác nhân gây ra những hậu quả tai hại về cuộc đời, nhân cách của con người, gián tiếp tạo nên mầm mống các tệ nạn và tội phạm nguy hiểm khác trong xã hội.

Bạo lực gia đình không phải là vấn đề mang tính địa phương mà là một vấn nạn toàn cầu, ở đâu cũng có, từ các nước nghèo, đang phát triển cho đến giàu có, phát triển cao độ. Mọi gia đình thuộc mọi tầng lớp của xã hội đều có thể gặp phải tệ nạn này. Đối tượng của các hành vi bạo lực trong gia đình thường là những thành viên yếu đuối, dễ bị tổn thương và trong hầu hết các trường hợp là phụ nữ, người già và trẻ em.

Bạo lực trong gia đình tồn tại dưới nhiều hình thức, từ việc sử dụng sức lực, vật dụng để đánh đập gây thương tích, tổn hại về thể chất cho các thành viên khác; dùng quyền lực để kiểm soát, khống chế, cấm đoán các thành viên khác về nhiều mặt; cưỡng bức trong quan hệ tình dục, nhất là ép buộc người phụ nữ làm những việc liên quan đến tình dục trái với mong muốn của họ; dùng lời nói nhục mạ, chửi mắng, đe dọa hoặc có hành vi ruồng rẫy, bỏ rơi, không quan tâm lẫn nhau cho đến cố tình đập phá, làm hư hỏng tài sản chung; tiêu xài hoang phí không nhằm mục đích phục vụ đời sống gia đình,… đều ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, tâm lý, tình cảm của mỗi cá nhân. Đặc biệt, đối với trẻ em bạo lực còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự hình thành nhân cách, hạn chế những cơ hội để trẻ em có một cuộc sống bình thường và nhất là tương lai của các em sau này.

b. Trẻ em là nạn nhân
Tính đến năm 2009, cả nước vẫn còn 1,53 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chiếm 6% so với tổng số trẻ em và chiếm 1,79% so với dân số. Nếu tính cả nhóm trẻ em nghèo (2,75 triệu), trẻ em bị bạo lực, trẻ em bị buôn bán và trẻ em bị tai nạn thương tích thì tổng cộng có khoảng 4,28 triệu chiếm 5% dân số và khoảng 18,2% so với tổng số trẻ em. Đa phần nhóm trẻ này vẫn gặp nhiều rào cản trong việc tiếp cận với các dịch vụ và phúc lợi xã hội dành cho trẻ em. Từ xưa đến nay, khi nhắc đến bạo hành trẻ em, người ta lập tức liên tưởng đến chuyện dùng băng keo dán miệng trẻ, dùng xích sắt trói chân trẻ vào gốc cây hoặc dùng thanh sắt nóng đâm vào da thịt trẻ... Dĩ nhiên, những dạng bạo hành với hình thức tàn nhẫn như thời Trung cổ rất nguy hiểm cho trẻ về cả thể xác lẫn tinh thần thậm chí khiến cho các em rối loạn tâm lý dẫn đến tự tử.

Các vụ trẻ bị bạo hành gần đây:
- Trường hợp đánh và tra tấn trẻ em đến chết mà đến cả mẹ đẻ cũng không bảo vệ được con như trong trường hợp thiệt mạng của em Nguyễn Phương Linh, 6 tuổi, con đẻ của bà Nguyễn Thị Ánh Dương do hành vi tàn độc của bố dượng trú tại khu Quán Nam, quận Lê Chân, Hải Phòng
- Bé Đỗ Ngọc Bảo Trân, học sinh mẫu giáo, bị giáo viên dán băng keo vào miệng. Do bị ngạt quá lâu nên Trân đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu, chết não và sau gần một tháng thì tử vong.
- Vì nghi ngờ học sinh Huỳnh Thị Ngọc Trâm (10 tuổi) lấy 47.800 đồng, hiệu trưởng Trường tiểu học An Hiệp 2, Châu Thành (Đồng Tháp) đã giao em cho Công an xã An Hiệp hỏi cung làm em hoảng loạn, không nói chuyện được.
- Em Nguyễn Thị Bình bị vợ chồng chủ quán phở trên đường Nguyễn Trãi, Q.Thanh Xuân, Hà Nội đánh đập hơn 10 năm.
- Em Hồ Thị Bông (9 tuổi), TP.HCM bị mẹ nuôi bắt đi ăn xin. Do không kiếm đủ số tiền như qui định, Bông bị bà mẹ này đổ nước sôi lên người làm phỏng nặng.
- Em Hồ Phi Hiền, học lớp 6 Trường THCS Trần Quang Diệu (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, Đắc Lắc), sau khi bị đưa lên công an xã để làm rõ một vụ mất trộm tiền đã uống thuốc diệt cỏ tự tử.
- Do bị nghi ngờ tham gia trong một trò chơi đánh nhau, bốn học sinh lớp 9 của Trường THCS Trần Phú (quận 10, TP.HCM) bị dân quân tự vệ phường 15 đánh đập.
- Và đặc biệt là vụ cơ sở nuôi tôm giống ở Cà Mau hành hạ dã man cháu Nguyễn Hào Anh với tỉ lệ thương tật 66,83%.

2. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ em ở gia đình
Tại gia đình, cùng với quan điểm truyến thống “Thương cho roi, cho vọt”, các bậc cha mẹ cho rằng việc sử dụng đòn roi với con cái là quyền của mình, phần lớn là do việc học hành của trẻ em, với gia đình hiện nay có từ 1 đến 2 con, các bậc cha mẹ rất kỳ vọng vào con cái, đầu tư rất nhiều vào việc học hành dẫn đến áp lực nặng nề với các em, dùng đòn roi để buộc các em phải đạt kết quả theo đúng như cha mẹ mong muốn. Bên cạnh đó còn có rất nhiều lý do khác nhau để các bậc cha mẹ dùng đòn roi cho trẻ em, vợ giận chồng đánh con, chồng giận vợ cũng đánh con, con dâu đánh con để phản ứng với mẹ chồng, con rể không bằng lòng mẹ vợ cũng đem con ra đánh… Ngoài ra, còn một dạng bạo hành nữa trong gia đình, đó là việc đòi hỏi quá mức so với tuổi và sự phát triển của trẻ và bằng lời nói hoặc hành động làm trẻ thấy bị tổn thương về tinh thần như bị xúc phạm, bị từ bỏ, bị từ chối tình cảm… Cũng có nhiều trường hợp trẻ em bị cha mẹ đánh đập bởi do tuổi thơ chính cha mẹ các em cũng bị bạo hành như vậy dẫn đến chấn thương tinh thần và họ cũng đã dùng bạo lực mà dạy con. Một kết quả khảo sát tình trạng bạo lực gia đình ở 8 tỉnh, thành do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam công bố: 23% gia đình có hành vi bạo hành về thể chất; 25% gia đình có hành vi bạo hành tinh thần; 40% phụ nữ được hỏi thừa nhận phải chịu cảnh bị chồng ngược đãi, lạm dụng, cưỡng bức dưới nhiều hình thức. Nạn nhân của tình trạng bạo hành gia đình là trẻ em và quan trọng hơn là nó đã gây chấn thương tâm thần cho trẻ ở mức trầm trọng.

Việc ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột đối với trẻ em chưa được cộng đồng chủ động phát hiện sớm và báo cho các cơ quan chức năng xử lý, can thiệp kịp thời vì người tố giác không được bảo vệ. Sự nguy hại nhiều mặt và hậu quả lâu dài, nghiêm trọng của các hành vi xâm hại tình dục, bạo lực đối với trẻ em chưa được cảnh báo đúng mức. Trẻ em bị ngược đãi, xâm hại và bị bóc lột có tâm lý mặc cảm, tự ti hoặc tâm lý thù hận đối với xã hội, khi trưởng thành nhiều em trong số đó cũng ứng xử tương tự đối với người khác. Nhiều gia đình chỉ chú trọng việc làm ăn kinh tế, ít dành thời gian quan tâm đến con cái. Tình trạng thiếu trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái hay còn gọi là sự “sao nhãng” trẻ em theo quan niệm của cộng đồng quốc tế, còn khá phổ biến ở nước ta.

3. Những biện pháp pháp lý bảo vệ quyền trẻ em.
Cho đến nay, mặc dù còn nhiều khó khăn, nước ta cũng đã đạt nhiều tiến bộ trong việc đưa tinh thần và nội dung của Công ước vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và luật pháp quốc gia. Luật Phòng chống bạo hành gia đình; Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em; Luật phổ cập giáo dục tiểu học; Luật lao động; Luật dân sự; Luật tố tụng hình sự… được ban hành và sửa đổi đều quan tâm thích đáng đến quyền lợi của trẻ em. Bộ Lao động và Thương binh xã hội đã đưa ra tháng Hành động vì trẻ em là tháng 5 và 6 của năm 2008.

Điều 17 Nghị định 114/2006/NĐ-CP đã có quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với trường hợp bắt trẻ em đi xin ăn, cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn. Khoản 2 của điều này cũng quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập hoặc bạo lực xâm phạm thân thể trẻ em, làm cho đau đớn về thể xác và tinh thần. Song song với việc phạt tiền sẽ xử lý hình sự nếu thương tật của trẻ trên 11%, tách trẻ ra khỏi đối tượng bạo hành nếu việc này lặp đi lặp lại. Tuy luật quy định như thế nhưng trên thực tế hầu như không có mấy trường hợp đánh đập trẻ em bị xử phạt. Bởi vì mặc dù phần lớn những hành hạ ngược đãi trẻ em diễn ra gần như công khai, có rất nhiều người biết, đặc biệt là cộng đồng dân cư quanh nơi xảy ra sự việc. Tại địa phương thì việc đánh đòn trẻ em là việc “giáo dục riêng của gia đình”, hàng xóm e dè khi lên tiếng can thiệp, chỉ cá biệt những trường hợp quá mức, xảy ra lâu dài mới có người lên tiếng và được xem là đã dũng cảm với một việc tưởng như là bình thường là bảo vệ trẻ em đúng với tinh thần pháp luật.

Luật hình sự bảo vệ quyền trẻ em quy định các hành vi xâm hại đến quyền trẻ em bị coi là tội phạm và quy định chế tài xử lý, còn Luật tố tụng hình sự lại bảo vệ theo cách riêng của mình. Đó là trao cho các em những quyền tố tụng để họ tự bảo vệ quyền lợi của mình, đồng thời quy định những điều khoản nhằm bảo đảm cho việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự được khách quan, toàn diện và đúng pháp luật, tránh làm oan người vô tội.

Luật hôn nhân và gia đình có nêu nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa các con tại khoản 2 điều 34 “Cha mẹ không được phân biệt đối xử giữa các con, ngược đãi, hành hạ, xúc phạm con; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên; không được xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội”. Và tại khoản 1 điều 38 “Bố dượng, mẹ kế có nghĩa vụ và quyền trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con riêng cùng sống chung với mình theo quy định tại các điều 34, 36 và 37 của Luật này.”, khoản 3 điều 38 “Bố dượng, mẹ kế và con riêng của vợ hoặc của chồng không được ngược đãi, hành hạ, xúc phạm nhau” điều đó cho thấy việc bảo vệ quyền lợi trẻ em rất quan trọng và có nhiều biện pháp pháp lý quy định và giải quyết.

Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định: Trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em phải coi trọng việc phòng ngừa, ngăn chặn trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; kịp thời giải quyết, giảm nhẹ hoàn cảnh đặc biệt của trẻ em; kiên trì trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt phục hồi sức khỏe, tinh thần và giáo dục đạo đức; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Thúc đẩy việc thực hiện quyền trẻ em, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 55-CT/TW ngày 28/6/2000 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng ở cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Chính phủ cũng ban hành Nghị định 67/2007/NĐ-CP và sau này sửa đổi bởi Nghị định 13/2009/NĐ-CP về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội trong đó có trẻ em. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 23/2001/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2001- 2010 với 4 nhóm mục tiêu cụ thể về dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe; giáo dục; bảo vệ trẻ em và vui chơi giải trí cho trẻ em.

Tiếp đó Thủ Tướng Chính phủ cũng đã ban hành quyết định số 19/2004/QĐ-TTg về việc phê duyệt chương trình phòng ngừa, giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục, trẻ em lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại nguy hiểm giai đoạn 2004-2010; Nghị định của Chính phủ số 36/2005/NĐ-CP ngày 27/03/2005 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Quyết định 65/2005/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng; Quyết định 84/2009/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020; Quyết định 37/2010/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn xã phường phù hợp với trẻ em và Chị thị 1408/CT-TTg ngày 01/9/2009 về tăng cường công tác BVCSTE (bảo vệ chăm sóc trẻ em).

Bộ LĐTB&XH đã chủ động chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện các Nghị định, Quyết định, Chị thị của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác BVCSTE, đặc biệt là phòng ngừa giải quyết tình trạng trẻ em bị ngược đãi, xâm hại tình dục, bạo lực; tình trạng trẻ em lang thang, lao động kiếm sống. Hàng năm chỉ đạo các địa phương tổ chức Tháng hành động vì trẻ em từ 15/5 - 30/6 để vận động toàn xã hội tham gia công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, xây dựng các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để giúp các em tái hoà nhập cộng cộng đồng và có cơ hội phát triển.

Các bộ, ngành chức năng như Công an, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao... cũng đã chủ động ban hành nhiều văn bản chỉ đạo hướng dẫn địa phương tăng cường công tác BVCSTE.

Hầu hết các địa phương cũng đã chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các các Nghị định, Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và văn bản chỉ đạo của các bộ, ngành; đồng thời cũng đã xây dựng chương trình kế hoạch 5 năm, hàng năm và bố trí kinh phí để thực hiện các chính sách, chương trình và các mô hình có liên quan đến BVCSTE.

Ngoài ra, cần có những biện pháp định hướng nâng cao nhận thức về phương pháp giáo dục con cái, quyền trẻ em, giới hạn quyền người lớn, nâng cao kỹ năng giáo dục trẻ, cung cấp thêm kiến thức về các phương pháp giáo dục thay thế phương pháp truyền thống là roi vọt. Xây dựng các điểm vui chơi giải trí cho trẻ em và phụ cấp cho đội ngũ cộng tác viên thôn bản, có chính sách miễn giảm tiền xe buýt cho trẻ em khuyết tật, có chính sách hỗ trợ tiền đò cho trẻ em nghèo khi đến trường, có cơ chế hỗ trợ chỗ ở cho học sinh ở các trường dân tộc bán trú dân nuôi.

Việc triển khai thí điểm các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em theo 3 cấp độ: cấp độ I là phòng ngừa; cấp độ II là phát hiện, can thiệp sớm để loại bỏ nguy cơ; cấp độ III là trợ giúp, phục hồi hòa nhập cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cũng được nhiều địa phương quan tâm.

Kinh phí huy động cho hoạt động sự nghiệp BVCSTE năm 2009 là 193,733 tỷ đồng, bao gồm ngân sách trung ương hỗ trợ là 29,647 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 47,427 tỷ và hệ thống Quỹ bảo trợ trẻ em cũng đã vận động được 116,660 tỷ đồng.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam không ngừng mở rộng các quan hệ hợp tác quốc tế với xu hướng hội nhập, đa dạng, đa phương, chia sẻ và phát triển. Sự hợp tác này đã đưa đến các bước tiếp cận mới trong quá trình lập kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội ở cấp quốc gia và cấp địa phương và có ảnh hưởng lớn trong nhiều lĩnh vực ở Việt Nam, trong đó có phương pháp tiếp cận bảo vệ, chăm sóc trẻ em dựa trên quyền trẻ em, phát triển hệ thống Bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các cấp độ khác nhau. Công tác lập pháp và giám sát về BVCSGDTE của Quốc hội được tăng cường. Công ước LHQ về Quyền trẻ em và Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng từng bước đi vào cuộc sống.

Bối cảnh trong nước nêu trên là những tiền đề quan trọng cho việc thúc đẩy việc thực hiện quyền trẻ em ngày một tốt hơn, nhất là quyền được bảo vệ của trẻ em.


III. KẾT LUẬN.
Vấn đề bạo hành trẻ em vẫn đang là mối quan tâm của cộng đồng thế giới. Ở Việt Nam tuy đã có những thành tựu cũng như giải pháp để bảo vệ trẻ em nhưng việc phát hiện vẫn còn chậm chạp và chưa thực sự sâu sắc. Việc cần làm hiện nay hoàn thiện hệ thống pháp lý phù hợp cho việc bảo vệ quyền trẻ em cũng như cần tuyên truyền, vận động sâu sắc hơn đến cộng đồng, xã hội. Tạo môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, thân thiện cho các em. Tăng cường cơ chế kiểm tra đánh giá trong các hoạt động nhằm thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu bảo vệ trẻ em. Cho các em tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí để các em phát triển hài hòa, toàn diện. Ngoài ra chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển như Nga, Úc, Anh, Đức, Thụy Điển... đặc biệt quan tâm đến xây dựng khung pháp lý thân thiện với trẻ em; hệ thống phúc lợi xã hội cho trẻ em và phát triển mạng lưới trung tâm công tác xã hội, văn phòng tư vấn, điểm công tác xã hội và đội ngũ cán bộ xã hội mang tính chuyên nghiệp hoạt động tại các xã phường. Mục đích chính là hướng tới việc xây dựng ”hệ thống bảo vệ trẻ em” có tính đồng bộ; đào tạo đội ngũ cán bộ xã hội làm việc với trẻ em; duy trì các cơ sở trợ giúp trẻ em và tạo các gia đình thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top