H
HuyNam
Guest
THUẬT NGỮ CHUYÊN ĐỀ BẢN ĐỒ ĐỊA LÝ
ÁT LÁT: Một tập hợp có hệ thống hoàn chỉnh các bản đồ có liên quan hữu cơ với nhau, chỉnh hợp và bổ sung cho nhau, được xây dựng theo một đề cương chung, hợp thành một thể thống nhất. Từ "Atlat" xuất hiện lần đầu tiên trên bìa tập bản đồ của Mecato (1512 - 94). Atlat rất đa dạng: atlat tổng hợp, atlat quốc gia, atlat khu vực; theo nội dung (atlat địa lí phổ thông, atlat địa lí tự nhiên, atlat kinh tế - xã hội, atlat chuyên ngành...); theo mục đích sử dụng (atlat giáo khoa, atlat du lịch, atlat tra cứu khoa học...). Atlat đầu tiên trên thế giới do nhà toán học, thiên văn học, địa lí học người Hi Lạp Ptôlêmê thành lập vào thế kỉ 2. Trên bìa của những tập bản đồ xuất bản lần đầu tiên có vẽ tượng thần Atlat vác quả địa cầu trên vai (Trong thần thoại Hi lạp, Atlat là con của thần Titang Đapê và là anh em ruột với thần Ptôlêmê, người đã đem ngọn lửa cho loài người. Do thần Atlat chống lại Dơt, vị thần chúa tể thế giới, nên đã bị trừng trị phải giơ vai gánh đỡ cả bầu trời). Tất cả các tập bản đồ in sau này tuy bìa không vẽ tượng thần Atlat nữa, nhưng theo thói quen, người ta vẫn gọi chung là Atlat (kể cả một số tập tranh ảnh của các môn khoa học khác như Sinh học, Cơ khí...). Atlat được nhiều quốc gia xuất bản với nhiều chủ đề khác nhau. Tại Anh, đã xuất bản atlat với kích thước 60cm x 47cm, nặng 30 kg, bao gồm 154 bản đồ lớn, nhỏ kèm theo 800 bức ảnh. Phía dưới mỗi bức tranh là những dòng miêu tả khá chi tiết về địa lí, văn hóa và lịch sử của các quốc gia gắn liền với những địa danh và các sự kiện văn hóa đó. Hiện trên thế giới có khoảng 3000 bản sao tập atlat này được bày bán trong các phòng trưng bày.
Atlat đầu tiên ở Việt Nam là tập Hồng Đức đồ bản (1490)
TẬP BẢN ĐỒ: Hệ thống hoàn chỉnh các bản đồ có liên quan hữu cơ với nhau và bổ sung cho nhau, được tạo nên dựa trên mục đích nhất định, có chủ đề, nguyên tắc thiết kế và thành lập rõ ràng, có tính tư tưởng thống nhất, sử dụng các phương pháp biểu thị hoàn chỉnh và các bản đồ được sắp xếp theo một trình tự chặt chẽ.
Đặc tính cơ bản của tập bản đồ là: tính tư tưởng chính trị, tính hoàn chỉnh của nội dung, tính thống nhất, tính hiện đại, có chất lượng cao về trình bày và in. Thiết kế, biên tập và xuất bản tập bản đồ là một công việc to lớn và phức tạp, cần phải có sự hiểu biết sâu sắc các đối tượng và hiện tượng của lãnh thổ và những thành tựu phát triển của khoa học – công nghệ có liên quan. Tập bản đồ thế giới hoặc quốc gia cỡ lớn do một quốc gia xuất bản có thể được coi là một trong những tiêu chí đánh giá trình độ văn hóa, khoa học kĩ thuật của quốc gia đó. Tập bản đồ có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và phát triển đất nước. Các tập bản đồ có thể được phân loại theo: phạm vi lãnh thổ, theo nội dung, theo mục đích sử dụng. Ở Việt Nam đã thành lập được một số tập bản đồ có giá trị khoa học và thực tiễn cao như: tập bản đồ Việt Nam đấu tranh và xây dựng, Atlat quốc gia Việt Nam, tập bản đồ khí hậu, tập bản đồ hành chính, tập bản đồ giao thông Việt Nam... Hiện nay, đã xuất bản nhiều tập bản đồ địa phương như: Atlas tỉnh Đồng Nai, Atlas TP. Hải Phòng, Atlas tỉnh Đăk Nông... Ngoài việc xuất bản các tập bản đồ in trên giấy, đã có nhiều atlat xuất bản trên đĩa CD-ROM với việc ứng dụng công nghệ GIS và đa phương tiện rất phong phú về nội dung và hình thức thể hiện.
KÍCH THƯỚC BẢN ĐỒ: Giới hạn của diện tích bề mặt Trái Đất được biểu thị trên bản đồ. Kích thước bản đồ địa hình cơ bản quốc gia Việt Nam được quy định trong hệ thống phân mảnh bản đồ theo từng loại tỉ lệ và thường căn cứ vào các đường kinh tuyến, vĩ tuyến làm giới hạn.
Trong Hệ VN-2000, quy định mỗi mảnh bản đồ địa hình tỉ lệ 1:1000 000 có kích thước 4[SUP]o[/SUP] x 6[SUP]o[/SUP], tỉ lệ 1:500 000 là 2[SUP]o[/SUP]x 3[SUP]o[/SUP], tỉ lệ 1:250 000 là 1[SUP]o[/SUP] x 1[SUP]o[/SUP]30', tỉ lệ 1:100 000 là 30' x 30, tỉ lệ 1:50 000 là 15'15', tỉ lệ 1:25 000 là 7'30" x 7'30", tỉ lệ 1:10 000 là 3'45" x 3'45", tỉ lệ 1:5 000 là 1'52,5"x 1'52,5", tỉ lệ 1:2 000 là 37,5"x37,5".
Đối với các loại bản đồ khác, kích thước bản đồ được quy định tuỳ theo mục đích và yêu cầu sử dụng của bản đồ.
KÝ HIỆU BẢN ĐỒ: Dấu hiệu quy ước để chỉ đối tượng, lớp đối tượng trên bản đồ. Kí hiệu bản đồ và các nguyên tắc thể hiện chúng trên bản đồ tạo thành ngôn ngữ đặc biệt của bản đồ để thể hiện vị trí không gian, đặc tính số lượng, chất lượng, thuộc tính, trạng thái của các đối tượng, hiện tượng tự nhiên và xã hội.
Chức năng cơ bản của các kí hiệu trên bản đồ là xác định thể loại và vị trí của đối tượng trong không gian, cũng như xác định đặc điểm phân bố trong không gian của các hiện tượng. Để sử dụng bản đồ, cần phải hiểu được ý nghĩa của các kí hiệu, tức là tương quan của chúng đối với các đối tượng và hiện tượng được biểu thị.
Kí hiệu bản đồ có thể ở dạng điểm, dạng đường, dạng vùng và dạng chữ. Mỗi kí hiệu được đặc trưng bằng 7 biến thể của thị giác và cũng là 7 tính chất cơ bản được dùng trong ngôn ngữ bản đồ để phản ánh các loại đối tượng, các biến thể gồm: vị trí, hình dạng, hướng, màu sắc, cấu trúc hình vẽ, độ sáng, kích thước. Hệ thống kí hiệu được thiết kế và biểu thị trên bản đồ tuân theo những quy tắc chặt chẽ về các khía cạnh: cú pháp, ngữ nghĩa và ngữ dụng.
KẾ HOẠCH BIÊN TẬP BẢN ĐỒ: Văn bản mang tính pháp lí, chỉ đạo quá trình biên tập bản đồ. Kế hoạch biên tập nêu các chuẩn đã thiết kế, các quy trình và những hướng dẫn kĩ thuật cần thiết. Kế hoạch biên tập bản đồ bao gồm các nội dung: mục đích, ý nghĩa của bản đồ ; cơ sở toán học; tư liệu bản đồ, các chỉ dẫn lựa chọn nội dung bản đồ; các phương pháp thể hiện các yếu tố nội dung; hệ thống kí hiệu; sơ đồ quy trình cho quá trình sản xuất bản đồ; trình tự thực hiện và yêu cầu kĩ thuật các công việc...
Kèm theo kế hoạch biên tập bản đồ là các phụ lục như: mẫu thiết kế bố cục, mẫu kí hiệu, ghi chú, mẫu khung bản đồ...
Kế hoạch biên tập bản đồ thường do biên tập viên bản đồ, kĩ sư bản đồ có trình độ thực hiện. Đối với các khối sản xuất bản đồ lớn, nội dung phức tạp và mang tính chất chuyên môn, chuyên ngành cần có sự phối hợp với các nhà chuyên môn. Kế hoạch biên tập bản đồ là sản phẩm của thiết kế bản đồ.
HIỆU CHỈNH BẢN ĐỒ: Việc chỉnh sửa, cập nhật, bổ sung các bản đồ đã được thành lập nhằm làm cho nội dung bản đồ phù hợp với hiện tại ngoài thực địa và chuyển bản đồ về dạng quy định, theo đúng các yêu cầu khoa học kĩ thuật của quy phạm hiện hành.
Yêu cầu của công tác hiện chỉnh bản đồ về chu kì thời gian cần hiện chỉnh, nội dung, độ chính xác, hình thức thể hiện phải đáp ứng các quy định của quy phạm đối với từng loại bản đồ cụ thể.
Công tác hiện chỉnh bản đồ được thực hiện bằng phương pháp khác nhau tùy thuộc vào mục đích, mức độ thay đổi của nội dung bản đồ, điều kiện trang thiết bị máy móc và nguồn tài liệu.
Các phương pháp hiện chỉnh bản đồ chủ yếu là:
1) Đo đạc bổ sung trực tiếp ngoài thực địa để thu thập thông tin hiện chỉnh, áp dụng cho đối với các vùng không có ảnh viễn thám hoặc các tài liệu bản đồ khác, vùng hiện chỉnh có ít biến đổi, phạm vi hiện chỉnh nhỏ. Phương pháp này có độ chính xác cao nhưng tốn kém kinh phí, đặc biệt đối với các vùng địa hình phức tạp;
2) Sử dụng các tài liệu bản đồ có tỉ lệ lớn hơn và mới hơn so với bản đồ cần hiện chỉnh. Nội dung chỉnh sửa của bản đồ cần hiện chỉnh có thể trực tiếp biên vẽ từ cơ sở dữ liệu bản đồ tài liệu, do đó có độ chính xác cao và hiệu quả kinh tế lớn;
3) Sử dụng ảnh hàng không hoặc ảnh vệ tinh. Đây là phương pháp được sử dụng rộng rãi hiện nay do nguồn tư liệu phong phú, công nghệ xử lí ảnh đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về độ chính xác và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, đã có thể dùng tư liệu ảnh vệ tinh để hiện chỉnh bản đồ địa hình tỉ lệ 1:10 000;
4) Kết hợp tất cả các phương pháp trên.